Những điểm mới về kinh tế trong Văn kiện đại hội XII của Đảng
Đăng lúc: 16:29:22 16/05/2016 (GMT+7)3535 lượt xem
ThS. Nguyễn Văn Quảng
Trưởng Khoa LLMác- Lênin, TT Hồ Chí Minh
Đại hội XII có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta giai đoạn 2016-2020. Năm năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, cũng không ít khó khăn, thách thức đã tác động đến nước ta. Trong bối cảnh đó, nhìn tổng quát, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng. Một trong những thành tựu quan trọng đó là, nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 kinh tế dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện, bước đầu đạt kết quả tích cực; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập đến điểm mới trong đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm làm sáng tỏ những quan điểm mới của Đảng trong giai đoạn tới.
Tăng trưởng kinh tế là một nội dung cốt lõi của phát triển kinh tế. Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế là một chủ trương lớn, quan trọng xuyên suốt từ Đại hội XI của Đảng đến nay.
Đặc trưng của mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng là, tổng sản phẩm trong nước tăng nhờ huy động ngày càng nhiều các yếu tố sản xuất như vốn tài chính, đất đai, tài nguyên được khai thác thêm và lao động vào các lĩnh vực sản xuất. Tăng trưởng theo chiều rộng bị giới hạn bởi quy mô các nguồn lực đầu vào; trong khi đó năng suất lao động không tăng hoặc tăng không đáng kể.
Đặc trưng quan trọng nhất của mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu là, tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tăng năng suất lao động nhờ lực lượng lao động được đào tạo, có tay nghề cao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Vai trò nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) của tất cả các yếu tố sản xuất có ý nghĩa to lớn, chủ yếu, quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Trong tăng trưởng theo chiều sâu, độ gia tăng nhiều hơn tổng phần tăng của các yếu tố sản xuất đầu vào, do áp dụng ngày càng nhiều các tiến bộ khoa học - công nghệ, tri thức quản lý kinh doanh, vốn và tài nguyên được sử dụng có hiệu quả hơn và trình độ lao động ngày càng cao nhờ đẩy mạnh giáo dục và đào tạo.
Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế có quan hệ chặt chẽ. Muốn đổi mới mô hình tăng trưởng, phải thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế; muốn cơ cấu lại nền kinh tế đúng hướng và đạt hiệu quả, phải thực hiện gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đại hội XI đã xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ là: "ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững...". Về mô hình tăng trưởng, Đại hội XI chủ trương: "Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững". Về cơ cấu lại nền kinh tế, Đại hội XI xác định: "Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế".1
Kế thừa những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng đã có những phát triển mới rõ rệt, nêu rõ hơn định hướng và giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
1. Về định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế
Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.2
Như vậy, trong những năm tới chúng ta vẫn kết hợp cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh. Đồng thời Đảng ta khẳng định, cơ sở của đổi mới mô hình tăng trưởng là năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh trong quá trình hội nhập v.v... Trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng Đảng ta cũng chỉ rõ:
- Về nguồn lực tăng trưởng: phát huy nội lực có ý nghĩa quyết định; đồng thời tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả ngoại lực cho phép giải phóng sức sản xuất của các thành phần kinh tế để phát triển. Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp.
- Động lực và cũng là điều kiện để đổi mới mô hình tăng trưởng là: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D), nhập khẩu công nghệ mới; thực hiện phương thức quản lý, quản trị hiện đại; phát huy tiềm năng con người và khuyến khích tinh thần sản xuất kinh doanh của mọi người để chủ động khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị quốc gia và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
2. Về định hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng
Về cơ cấu lại nền kinh tế Đại hội XI của Đảng xác định: "Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế".3
Đại hội XII của Đảng định hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới là: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng: cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”.4
Xuất phát từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2011- 2015, với việc cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là trên một số lĩnh vực trọng tâm, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế có bước cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm, môi trường, tài nguyên được bảo vệ; hệ thống tài chính - tín dụng được đảm bảo an toàn; doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả hoạt động.
Đại hội XII của Đảng xác định trong thời gian tới: Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực. Cụ thể là cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ; phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo; phát triển các vùng và khu kinh tế, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. Như vậy, trong 5 năm tới Đảng ta tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới - cơ sở quan trọng của công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đồng thời phát triển hài hoà các ngành, các lĩnh vực, các vùng kinh tế, tăng cường liên kết giữa ngành, vùng, địa phương để thúc đẩy sự phát triển đồng bộ, toàn diện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 188 -192.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 191.
Các tin khác
- Đưa Nghị quyết vào cuộc sống
- Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng phát triển công nghiệp quốc gia
- Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
- Quyết định số 288 của Tỉnh ủy Thanh Hóa
- Những điểm mới về kinh tế trong Văn kiện đại hội XII của Đảng
- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
- Tài liệu hỏi đáp Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII (2015-2020)
- Nghị quyết Ban thường vụ Tỉnh ủy
- Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh
- Tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2016
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
61
Hôm qua:
1677
Tuần này:
12040
Tháng này:
52100
Tất cả:
4.920.749