Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng phát triển công nghiệp quốc gia
Đăng lúc: 10:36:30 29/03/2018 (GMT+7)1864 lượt xem
Lời Ban Biên tập: Ngày 22/3/2018, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ban Biên tập Website xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết:
Về quan điểm chỉ đạo:
- Xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia phải được vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, phù hợp với các điều kiện phát triển của đất nước; kiên quyết chống mọi biểu hiện duy ý chí, quan liêu, bao cấp trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách.
- Chính sách công nghiệp quốc gia phải gắn liền với chính sách phát triển các ngành kinh tế khác; trong đó phát triển công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh.
- Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo giữ vị trí then chốt, là khâu đột phá trong chính sách công nghiệp quốc gia.
- Nhà nước giữ vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế cho phát triển công nghiệp. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực.
- Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh.
Mục tiêu chung:
Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
- Tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%.
- Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.
- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm.
- Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm.
- Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
- Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%.
- Xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Định hướng về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia:
Một là, về Chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, Nghị quyết nêu rõ:
- Cơ cấu lại các ngành công nghiệp và phát triển các ngành kinh tế trên từng vùng, từng địa phương theo hướng tập trung, không dàn đều theo địa giới hành chính.
- Chống mọi biểu hiện duy ý chí, lợi ích cục bộ trong phân bố không gian công nghiệp.
- Ưu tiên lựa chọn phát triển tại các vùng, địa phương đã bước đầu hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp hoặc có lợi thế về giao thông, địa kinh tế, tài nguyên, lao động, logistics, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng.
- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp.
- Đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh.
Hai là, về Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên:
- Lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển phải đáp ứng các nguyên tắc: phát huy được lợi thế của đất nước; có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường; tạo ra giá trị gia tăng cao; sử dụng nhiều lao động mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế.
- Giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh.
Ba là, về Chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp:
- Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp đủ điều kiện phát hành cổ phiếu và trái phiếu, niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế.
- Miễn, giảm thuế ở mức hợp lý và có thời hạn phù hợp đối với các ngành công nghiệp ưu tiên, các ngành công nghiệp thông minh.
- Xóa bỏ triệt để các rào cản, bất bình đẳng trong tiếp cận tài chính, tín dụng của các doanh nghiệp công nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
- Xây dựng chính sách đột phá tạo lập môi trường khởi nghiệp trong công nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bốn là, về Chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp:
- Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần chi phối đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh.
- Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp đất nước.
- Hỗ trợ phát triển các nhà cung ứng trong ngành công nghiệp ưu tiên, coi đây là cốt lõi của chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Năm là, về Chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp:
- Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật.
- Khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghiệp chất lượng cao.
- Có cơ chế, chính sách để định hướng dịch chuyển lao động, nhất là lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, phân bổ hợp lý lao động theo vùng.
Sáu là, về Chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp:
- Phát triển mạnh mẽ tạo sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, nhất là hạ tầng kết nối số (4G, 5G). Khuyến khích đầu tư, phát triển xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn.
- Xác định doanh nghiệp là lực lượng quan trọng và là trung tâm trong phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ.
- Đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ.
- Đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển; mở rộng hình thức nhà nước đặt hàng nhiệm vụ khoa học - công nghệ và mua kết quả nghiên cứu.
Bảy là, về Chính sách khai thác tài nguyên, khoáng sản và chính sách bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp:
- Chỉ cho phép áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản hiện đại, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững.
- Thực hiện lồng ghép các yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường trong tất cả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển công nghiệp.
Tám là, về Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp quốc gia:
- Việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
- Thực hiện cơ cấu lại hệ thống quản lý công nghiệp từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tập trung, thông suốt, hiệu quả, có phân công, phân cấp rõ ràng.
- Kiên quyết chống lợi ích nhóm, quan hệ thân hữu, tham nhũng, lãng phí trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển công nghiệp quốc gia.
Trên đây là một số nội dung chính của Nghị quyết Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các tin khác
- Đưa Nghị quyết vào cuộc sống
- Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng phát triển công nghiệp quốc gia
- Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
- Quyết định số 288 của Tỉnh ủy Thanh Hóa
- Những điểm mới về kinh tế trong Văn kiện đại hội XII của Đảng
- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
- Tài liệu hỏi đáp Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII (2015-2020)
- Nghị quyết Ban thường vụ Tỉnh ủy
- Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh
- Tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2016
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1456
Hôm qua:
2081
Tuần này:
11758
Tháng này:
51818
Tất cả:
4.920.467