HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Kiên định và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác lý luận chính trị của Đảng ta

Đăng lúc: 16:35:28 11/11/2014 (GMT+7)1125 lượt xem

Cơ hội và thách thức trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải vừa kiên định, vừa phát triển sáng tạo không ngừng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của nước ta và xu thế vận động của thời đại

 PGS.TS. Vũ Văn Phúc

                                                                    Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

 

 Cơ hội và thách thức trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải vừa kiên định, vừa phát triển sáng tạo không ngừng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của nước ta và xu thế vận động của thời đại, từ đó hoạch định đường lối đúng đắn, tiếp tục đề ra những giải pháp hữu hiệu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

           Bài học không thành công của những người cộng sản ở không ít quốc gia vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ XX đã cho thấy một cách thuyết phục về mối quan hệ giữa kiên định và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin có tầm quan trọng sống còn như thế nào. Trong quá khứ, ở không ít nơi, với không ít người, sự kiên định bị biến thành thói bảo thủ, rập khuôn, tới mức giáo điều; và, sự sáng tạo lại bị bóp méo và nhảy sang thái cực hoặc là thực dụng hoặc là cơ hội, thậm chí xét lại. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin khi bị vi phạm một cách thô bạo, bị làm cho biến dạng, bị xuyên tạc là nguyên nhân dẫn tới chao đảo, đổ vỡ không chỉ trên phương diện chính trị tư tưởng mà còn làm sụp đổ về mặt tổ chức thực tiễn cách mạng một cách nặng nề, tới mức không thể cứu vãn nổi, ở Liên Xô và tại không ít quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây, như chúng ta thấy.

          Toàn bộ những vấn đề trên, một cách tự nhiên cho thấy rằng, việc định hướng xã hội chủ nghĩa trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, không chỉ là quy luật vận động của mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễnmà còn là nhu cầu phát triển nội tại của toàn bộ công tác lý luận chính trị của chúng ta nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

           Theo ý nghĩa đó, phương hướng hoạt động của công tác nghiên cứu, phát triển lý luận Mác - Lê-nin theo định hướng xã hội chủ nghĩa vừa mang ý nghĩa chiến lược, vừa đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn, bao gồm một số vấn đề cơ bản sau:

         Về phương hướng chung, công tác nghiên cứu lý luận chính trị cần kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận cơ bản với nghiên cứu triển khai và nghiên cứu ứng dụng nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nghĩa là xuất phát từ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp chặt chẽ với tổng kết thực tiễn đất nước và thâu thái tinh hoa những thành tựu lý luận (mác-xít và ngoài mác-xít) trên thế giới, góp phần hình thành lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thật sự cách mạng, khoa học và khả thi.


          Xuất phát từ phương hướng chung đó, phương hướng cụ thể bao gồm  những vấn đề chủ yếu sau:

         Thứ nhất, luận chứng một cách khoa học về thời đại ngày nay; về tính tất yếu, thực tiễn và triển vọng của chủ nghĩa xã hội nói chung và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói riêng, trong bối cảnh thế giới đương đại.
         Thứ hai, nghiên cứu và làm rõ tính phổ biến và tính đặc thù của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó, hoạch định đúng đắn mô hình, con đường, phát hiện trúng và đúng động lực, phác thảo một cách lô-gíc, phù hợp và khả thi những chặng đường, bước đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

         Thứ ba, trên bình diện phương pháp luận, xây dựng một cách nhìn toàn diện, lịch sử; đồng thời, phân tích một cách độc lập, sáng tạo những cái cụ thể, trong những tình huống cụ thể của lịch sử về toàn bộ lý luận, thực tiễn và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội, xét trong mối liên hệ chằng chịt, phức tạp của thế giới ngày nay. Đặc biệt, làm rõ mối quan hệ tương dung và tương đối, thống nhất và đấu tranh, đối tượng và đối tác... giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trong thời đại ngày nay nhằm hoàn thiện phương pháp nghiên cứu lý luận chính trị mác-xít.
           Thứ tư, kế thừa một cách có phê phán những thành tựu lý luận đã có của chúng ta cũng như các thành tựu lý luận chính trị trên thế giới.

         Thứ năm, thực hành dân chủ nhưng kiên quyết chống lại và tẩy trừ sự chủ quan duy ý chí, giáo điều, cơ hội, xét lại và phản động trong nghiên cứu lý luận và tổ chức hành động thực tiễn; bảo vệ sự đúng đắn, trong sáng của lý luận chính trị và bản thân công tác nghiên cứu lý luận chính trị.

           Có thể nói, chỉ có hành động theo phương hướng như vậy, nền lý luận chính trị mới khả dĩ thực sự có cơ hội và môi trường phát triển không ngừng, ngang tầm với sự nghiệp cách mạng hiện nay. Theo đó, công tác nghiên cứu lý luận chính trị của chúng ta mới thực sự xứng đáng với vị trí mà nó chốt giữ, đủ sức thực hiện nhiệm vụ nặng nề theo chức năng mà nó đảm nhiệm.

Vì thế, một cách tự nhiên, trọng trách của công tác lý luận trong quá trình kiên định, bảo vệ, phát triển sáng tạo và hiện thực hóa chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phải coi việc công khai giữ vững, kiên định nguyên tắc tính đảng mác-xít là vấn đề có ý nghĩa thành bại, sinh tử, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa giáo điều và những khuynh hướng cơ hội, xét lại hiện đại. Nếu không, trước sau chúng ta vẫn chỉ là người “ngây thơ khờ khạo”, “vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”, như V.I. Lê-nin từng cảnh báo. Tệ hại hơn, nếu xa rời nguyên tắc đó, chúng ta lập tức mất phương hướng, từ đó hoặc sa vào vũng bùn của các chứng bệnh “tả” hay “hữu” khuynh hoặc rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa giáo điều, thực dụng, cơ hội... một cách vô tình hay cố ý, tất yếu dẫn đến sai lầm về chính trị, khoa học và tổ chức thực tiễn. Rốt cuộc, nhất định sẽ bị thất bại.

           Từ xuất phát điểm nguyên tắc đó, hơn bao giờ hết, công tác lý luận phải tự nhận về mình và làm thật tốt trọng trách kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn việc nghiên cứu cơ bản chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với nghiên cứu triển khai thực tiễn trong nước, tiếp thu một cách chọn lọc với thái độ cầu thị kinh nghiệm tốt của các nước khác nhằm tiếp tục góp phần cơ bản và quan trọng trong quá trình hoạch định và quyết sách đường lối chính trị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

             Kinh nghiệm cho thấy, muốn tổ chức thực tiễn cách mạng tốt phải nghiên cứu cơ bản tốt, nếu không rất khó tránh khỏi sự chắp vá. Nhưng, nếu coi chủ nghĩa Mác - Lê-nin là “nhất thành bất biến”, vô hình trung, đã biến lý luận thành một lược đồ cứng nhắc, thì cũng là sai lầm; và, kỳ thực như thế là đi ngược lại phương pháp của chính các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Và, rốt cuộc, đã tước đi ở học thuyết cách mạng đó khả năng tự phát triển, với tư cách là một khoa học; đồng thời, thủ tiêu tính thực tiễn của nó đối với lịch sử, khi nó là một cương lĩnh hành động cách mạng. Vì, toàn bộ thế giới quan của học thuyết Mác, nói như Ph. Ăng-ghen, không chỉ là một học thuyết mà còn là phương pháp. Nó đưa ra không phải những giáo điều có sẵn mà là những xuất phát điểm để tiếp tục nghiên cứu toàn diện sự vận động của lịch sử.

           Vì vậy, nhất thiết phải phát triển lý luận một cách sáng tạo, thông qua nghiên cứu, tổng kết tiến trình tổ chức thực tiễn. Trong quá khứ, ở mức độ này hay khác, sự phát triển lý luận thường được quy thành một sự kết hợp máy móc hai mặt đó đã khiến cho: một mặt, lý luận Mác - Lê-nin bị phá vỡ tính chỉnh thể do tình trạng chắp vá, giáo điều dẫn tới tình trạng lý luận lạc hậu, đường lối mất tác dụng dẫn dắt thực tiễn; mặt khác, thực tiễn lại vận động một cách tự phát, vì thiếu lý luận hoặc lý luận không đủ năng lực dẫn đường. Do vậy, phải bảo đảm sự thống nhất giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu triển khai - thống nhất giữa lý luận với thực tiễn nhằm phát triển lý luận, chủ động đáp ứng những nhu cầu phát triển của thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn tiến lên. Lấy thực tiễn để đối chiếu, kiểm nghiệm, bổ sung và phát triển lý luậnchứ không phải lấy lý luận chứng minh cho thực tiễn. Đảng ta chỉ rõ: Tăng cường tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, thảo luận dân chủ, sớm kết luận những vấn đề mới và bức xúc từ thực tiễn đặt ra, bảo đảm cụ thể hóa, bổ sung, phát triển đường lối, chính sách của Đảng một cách đúng đắn và sáng tạo. Nói như C. Mác, ở khía cạnh này, mỗi bước tiến của cuộc vận động thực tế còn quan trọng hơn là một tá cương lĩnh. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tránh những giáo điều, xơ cứng trong tư duy lý luận là bí quyết thành công và là sự bảo đảm chắc chắn sẽ luôn tìm được những lời giải đúng đắn cho mọi vấn đề thực tiễn phát triển của đất nước đặt ra, cho dù có những khó khăn phức tạp.

             Nhưng, cũng phải thấy rằng, trong tổng kết thực tiễn nhằm phát triển lý luận, trước hết cần bám sát thực tiễn đất nước trên tất cả mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và đời sống nhân dân lao động. Qua đó, phát hiện, tìm tòi và tổng kết những vấn đề có tính quy luật và quy luật, hoàn thiện không ngừng hệ thống lý luận làm cơ sở bổ sung cho việc hoạch định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 
            Coi trọng thực tiễn không đồng nghĩa với chủ nghĩa thực dụng, kinh nghiệm chủ nghĩa. Đề cao lý luận cũng tuyệt nhiên không có nghĩa là đưa ra một thứ lý luận tự thân, “lý luận suông”. Cả hai thái cực đều nguy hiểm như nhau và đồng nghĩa với sự thất bại không tránh khỏi trong nghiên cứu và hiện thực hóa học thuyết Mác - Lê-nin.

             Do đó, có mấy lưu ý rằng, trong việc tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận cần kế thừa những thành quả lý luận đã có, nhưng phải kế thừa trên cơ sở phủ định biện chứng nhằm bảo đảm sự nhất quán và phát triển liên tục của quá trình bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận thông qua sự kiểm chứng của thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn để không ngừng bổ sung, phát triển lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, trong việc phát triển lý luận, cần phân tích và tiếp thu một cách chọn lọc trên tinh thần phê phán các kinh nghiệm của các nước với thái độ thực sự cầu thị, không xa lánh, không kỳ thị, với phương pháp độc lập, không rập khuôn và không thực dụng. C. Mác và Ph. Ăng-ghen từng khẳng định, học thuyết của các ông không “nhất thành bất biến”. V.I. Lê-nin cũng đã nói rằng: C. Mác và Ph. Ăng-ghen không trói buộc những nhà cách mạng tương lai trong việc vận dụng một cách giáo điều, mà luôn mở ra những chân trời mới cho sự sáng tạo học thuyết và tư tương của mình trong sự vận động không ngừng của thực tế khách quan. Vì, học thuyết của C. Mác và Ph. Ăng-ghen là biện chứng, mà “biện chứng tức là học thuyết về sự phát triển dưới hình thức hoàn bị nhất, sâu sắc nhất...”. Và, đã là học thuyết về sự phát triển, thì tự thân nó luôn mang tính cách mạng, khoa học và gợi mở cho sự sáng tạo. Nó cũng phát triển cùng với sự phát triển của thực tiễn trên cơ sở những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác. Chủ nghĩa giáo điều và tính cứng nhắc mâu thuẫn với nguyên tắc vận động vĩnh cửu và không ngừng của phép biện chứng mác-xít. Chính vì vậy, Ph. Ăng-ghen đã nhắc lại tư tưởng của mình và của C. Mác khi viết Lời tựa cho Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bằng tiếng Anh năm 1888, rằng: “Chính ngay “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”(1).


             Đó là con đường bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác một cách khoa học, cách mạng và triệt để; là sự thể hiện sinh động lòng kiênđịnh và hành động phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác nhằm làm cho công tác lý luận thực sự góp phần xứng đáng vào việc hoạch định đường lối chính trị của Đảng ta một cách đúng đắn và phù hợp. Và, chỉ có như thế, chúng ta mới thực sự chủ động đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, những lực lượng chống lại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

          Để việc nghiên cứu di sản lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự căn cơ và phù hợp, là nền tảng đưa công tác lý luận chính trị của chúng ta tiến lên vững chắc và đúng hướng, cần thực hiện một số yêu cầu đồng thời là nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

         Một là, nghiêm ngặt giữ vững sự lãnh đạo của Đảng.

         Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc bất di bất dịch. Đây vừa là một trong những trọng trách của Đảng, một trong những lĩnh vực then chốt của công tác xây dựng Đảng, vừa là tất yếu, là nhu cầu phát triển của chính công tác lý luận chính trị của chúng ta. Đảng phải ngang tầm với nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, trọng trách chính trị - lịch sử mà Đảng gánh vác, trước hết là bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ và trình độ tổ chức thực tiễn chính trị.

        Hai là, bảo vệ và phát triển không ngừng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng.

        Đây là yêu cầu số một thuộc về chính bản thân Đảng. Không làm được điều này, Đảng không còn là đảng mác-xít chân chính nữa; và do vậy, công tác lý luận chính trị không còn là công tác lý luận chính trị xã hội chủ nghĩa nữa. Có nghĩa, việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác lý luận chính trị cũng bao hàm cả việc làm giàu hơn và phong phú hơn nữa kho tàng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng cách thâu thái trên tinh thần cầu thị khoa học tất cả tinh hoa thành tựu lý luận chính trị - xã hội trên thế giới, mà chính C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin và Hồ Chí Minh là những mẫu mực trên phương diện này. Đó là con đường phát triển của công tác lý luận chính trị và là sự tự hoàn thiện của chính bản thân nền lý luận chính trị của chúng ta.

          Ba là, tăng cường tổng kết thực tiễn phát triển lý luận nhằm không ngừng lý luận hóa thực tiễn gắn chặt với thực tiễn hóa lý luận.

         Không làm như vậy không thể có bất cứ sự phát triển nào của công tác lý luận chính trị cũng như không thể nói tới bất cứ một sức sống nào của bản thân lý luận chính trị của chúng ta. Nói cách khác, nếu làm khác đi là vô hình trung làm “đông cứng”, làm “khô héo” lý luận chính trị cũng như tự “đóng cửa” hoặc “chặt cụt” con đường phát triển tự nhiên của chính công tác lý luận chính trị của chúng ta.

          Trong tiến trình tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận nhằm lý luận hóa thực tiễn gắn chặt với thực tiễn hóa lý luận, cần đặc biệt kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận cơ bản với nghiên cứu lý luận ứng dụng và nghiên cứu lý luận triển khai; lấy hiệu quả thực tiễn để kiểm chứng các chế định - “con đẻ” trực tiếp của công tác nghiên cứu lý luận triển khai, hiện thân của công tác nghiên cứu lý luận ứng dụng và mục tiêu của công tác nghiên cứu lý luận cơ bản. Đến lượt chúng, các mặt nghiên cứu lý luận này phải lấy tính hiệu quả thực tiễn làm thước đo giá trị đích thực, làm mục đích hướng tới của mình và từ đó, tự hoàn thiện mình không ngừng. Đó là biện chứng phát triển của công tác lý luận chính trị, sức sống của lý luận chính trị của chúng ta.

          Bốn là, xây dựng đội ngũ những nhà lý luận chính trị kiên định lập trường chính trị gắn chặt với việc kiến tạo một đội ngũ những nhà khoa học chuyên ngành và liên ngành nhằm xây dựng một đội ngũ những nhà lý luận xuất sắc, trong đó những nhà lý luận chính trị đóng vai trò nòng cốt.

          Thời đại mới và yêu cầu phát triển mới của đất nước đặt ra điều đó. Đó chính là trọng trách của công tác lý luận. Việc xây dựng một đội ngũ những nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng ta trên nền móng sức mạnh tổng hợp gồm những nhà lý luận về khoa học tự nhiên, khoa học - công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn,... là nhu cầu phát triển tất yếu, một bảo đảm cơ bản có tính quyết định sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của công tác nghiên cứu lý luận chính trị và tính thiết thực, khả thi của lý luận chính trị.

        Vấn đề đặt ra một cách cấp bách là tiếp tục xây dựng cơ chế nhằm thu hút, tập hợp đông đảo và đầy đủ những nhà khoa học hàng đầu của đất nước đang công tác, học tập và làm việc ở trong và ngoài nước. Đó cũng là biện pháp để nâng cao trí tuệ của Đảng lên ngang tầm sự phát triển của đất nước hiện nay; của mỗi cán bộ nghiên cứu khoa học, trong đó có các nhà khoa học chính trị. 

        Năm là, xây dựng một cơ chế nghiên cứu khoa học lý luận chính trị một cách cơ bản, thực sự dân chủ và minh bạch.

          Đây là công việc rất cần kíp. Cơ chế hoạt động khoa học phù hợp và hữu hiệu là một trong những yếu tố rất quan trọng để xây dựng một nền lý luận chinh trị tiên phong. Trước hết, mở rộng không ngừng dân chủ và minh bạch hóa cao độ trong nghiên cứu vừa là yêu cầu, vừa là động lực phát triển của công tác nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng. Thứ hai, tôn trọng ý kiến cá nhân, không độc quyền chân lý, không trù úm quy kết, không a dua, biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác và ý kiến của cơ sở, chống thói cơ hội, thực dụng chính trị... là những yêu cầu tối thiểu của mỗi người, nhất là những nhà lãnh đạo khoa học, nhà chính trị trong nghiên cứu khoa học. Đó cũng là phương châm hành động của mỗi tổ chức nghiên cứu khoa học nói chung, của nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng.

           Vì vậy, cần xác lập một cơ chế hoạt động bảo đảm để mỗi nhà lý luận chính trị vừa là một cá thể hoạt động độc lập, sáng tạo không ngừng, đầy bản lĩnh trong chỉnh thể đội ngũ những nhà khoa học, vừa là một nhân cách luôn được tôn trọng và biết tôn trọng đồng nghiệp trong tổ chức nghiên cứu khoa học vững mạnh, vừa là một nhà chính trị có nhãn quan sâu rộng, tầm nhìn xa, cương quyết và mềm dẻo. Phải rất coi trọng thưởng, phạt nghiêm minh, công bằng và kịp thời. Đây là động lực rất quan trọng đối với những người làm công tác nghiên cứu lý luận. Bởi bản chất của khoa học nói chung, khoa học chính trị nói riêng là sự minh bạch và khách quan. Nó đối lập với mọi sự giả trá, ngụy tạo và lắt léo. Nó không dung thứ thói a dua, chủ quan, duy ý chí, thực dụng và cơ hội. Nó càng đối lập với thói cường quyền, như nước với lửa. Do vậy, nếu không xác lập quy chế thưởng, phạt nghiêm minh, công bằng và kịp thời trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị, thì chúng ta không thể đưa nền lý luận chính trị tiến lên đúng hướng được.
        
 Sáu là, chú trọng sơ kết, tổng kết công tác nghiên cứu lý luận chính trị.
         
 Bài học ngày hôm qua, nếu được sơ kết, tổng kết đúng đắn chính là phương hướng và con đường hành động hiệu quả của ngày hôm nay trên hành trình đi tới tương lai. Đó là con đường để tiếp cận chân lý trong nghiên cứu khoa học chính trị, để tránh sự tụt hậu và khủng hoảng của lý luận chính trị. Đó cũng là một trong những biện pháp quan trọng để xây dựng nền lý luận chính trị của chúng ta. Do đó, ở đây không dung thứ thói thiển cận, cục bộ, thực dụng và cơ hội về khoa học và chính trị. Nói một cách hình ảnh, chính những thói đó sẽ chôn sống một cách “ngọt ngào” và không thương tiếc nền lý luận chính trị mác-xít chân chính.
         Đó chính là con đường C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin đã đi và chúng ta tiếp tục đi trên con đường của các ông một cách kiên định và bình tâm, vì sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, sự tiến bộ và văn minh của nhân loại trên quy mô toàn thế giới./.

-----------------------------------------

(1) C. Mác, Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 21, tr. 524

 

 

Nguồn Tạp chí Cộng sản

Số lượt truy cập
Hôm nay:
913
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11091
Tháng này:
57465
Tất cả:
4.422.345