“Hai nghề được gọi là Thầy
Thầy giáo, Thầy thuốc xưa nay rất cần...”
Nhân kỷ niệm 59 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, BBT Website xin chia sẻ những tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh giành cho nghề thầy thuốc qua những bức thư Bác gửi cho ngành y tế.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của chúng ta đã nói:“Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người không chỉ quan tâm đặc biệt tới ngành giáo dục mà Người còn thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của sức khỏe cũng như vị trí quan trọng của ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngay từ năm 1946, Người đã viết: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công". Vì vậy Bác đã rất quan tâm đến ngành y tế và luôn dành cho người thầy thuốc những tình cảm đẹp đẽ nhất.
Tháng 3/1948, trong thư gửi Hội nghị Quân y, Bác Hồ viết: "Người ta có câuLương y kiêm từ mẫu, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền", bên cạnh đó Người nhấn mạnh: "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Nghề thầy thuốc là một nghề mang sứ mạng thiêng liêng cao cả, của lòng nhân ái, của tình thương yêu.
Tháng 06/1953, thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế toàn quốc Bác viết: "Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công".
Ngày 27/02/1955, Bác đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế - xin trích nguyên văn lá thư của Người, để một lần nữa chúng ta nhận thức sâu sắc hơn lời dạy của Bác đối với ngành y tế Việt Nam và để chúng ta thấy được những lời dạy quý báu đó vẫn còn nguyên giá trị.
“ THƯ GỬI HỘI NGHỊ CÁN BỘ Y TẾ
Bác thân ái chúc các cô (nghe nói có nữ bác sĩ ở Nam về?), các chú vui vẻ, mạnh khỏe, hăng hái trao đổi kinh nghiệm, bàn định kế hoạch cho thiết thực và làm việc cho tiến bộ.
Bác góp vài ý kiến sau đây để giúp các cô, các chú thảo luận:
- Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
- Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.
Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.
“Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
- Xây dựng một nền y học của ta – Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng.
Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.
Mong các cô, các chú cố gắng thi đua làm tròn nhiệm vụ.
Chào thân ái và thành công.
Tháng 2 năm 1955
HỒ CHÍ MINH”
Từ năm 1947 đến năm 1967, trong 20 năm ấy, Bác đã 25 lần viết thư cho ngành y tế và thương binh xã hội. Đặc biệt trong thư nào Bác cũng nhắc đến vấn đề y đức, một vấn đề cốt lõi trong y tế. Trong hoạt động, Người đã dành thời gian đến thăm các bệnh viện và nhiều cơ sở y tế, thăm hỏi các thầy thuốc như Giáo sư Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Hưởng, Đặng Văn Ngữ, Đỗ Xuân Hợp và rất nhiều thầy thuốc nổi tiếng khác luôn được Bác Hồ gần gũi và động viên. Đồng thời, Người cũng luôn dặn dò những người thầy thuốc phải nâng cao y đức.
Bác Hồ đã nói: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Câu nói trên không chỉ nhắc nhở đến trách nhiệm mà cao quý hơn, thiêng liêng hơn là Bác muốn người thầy thuốc phải thương yêu người bệnh như những người thân của mình, có như vậy thì việc cứu chữa mới đạt kết quả cao nhất. Đó chính là niềm vinh dự và trách nhiệm nặng nề của người thầy thuốc.
Từ tình cảm sâu sắc của Người giành cho nghành y tế và giá trị nhân văn trong bức thư của Người, kể từ năm 1985, ngày 27 tháng 2 được Nhà nước ta chọn là Ngày thầy thuốc Việt Nam./.