THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng cho học viên lớp TCLLCT A1.K52

Đăng lúc: 13:50:25 27/12/2024 (GMT+7)69 lượt xem

 Để tăng cường nhận thức cho học viên về tính cấp thiết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Chi bộ lớp TCLLCT A1.K52 tổ chức sinh hoạt chuyên đề để học viên trao đổi, thảo luận, nhận diện các nội dung xấu độc trên không gian mạng; đồng thời đề xuất với Nhà trường các giải pháp trang bị các kỹ năng cần thiết cho học viên để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.

c1.jpg
c1.jpgc1.jpg
 
Tập thể lớp TCLLCT A1-K52 biểu diễn văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 75 năm xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”. Điều này khẳng định, việc bảo vệ tư tưởng chính trị là một trong những yếu tố then chốt giúp duy trì sự ổn định và phát triển của đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành một nhiệm vụ cấp thiết và mang tính chiến lược. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo ra cả cơ hội và thách thức lớn cho công tác tư tưởng của Đảng khi các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách lợi dụng không gian mạng để phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đảng xác định: “Bảo vệ Đảng là công tác thường xuyên, luôn luôn gắn chặt với các mặt công tác xây dựng đảng trong mọi giai đoạn cách mạng, để bảo đảm cho tổ chức của Đảng được trong sạch và vững mạnh”. Theo đó, Đảng đã triển khai công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông báo, như: Nghị quyết số 01-NQ/TW về "Công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”(3/1992); Nghị quyết số 09-NQ/TW về "Một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” (2/1995); Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái và hoạt động tán phát tài liệu chống Việt Nam" (1/2002); Thông báo Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường nhiệm vụ chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa" (12/2002); Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá" (4/2009); Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" (10/2016); Nghị quyết số 35-NQ/TW về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" (10/2018, Nghị quyết số 35-NQ/TW), Kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư về "Việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội"(6/2019)…
Thực tế cho thấy, trên không gian mạng hiện nay, nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đang lan tràn với tốc độ chóng mặt. Lợi dụng những thế mạnh và tính mở của không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động trong nước và ngoài nước bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, không ngừng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá bằng việc lợi dụng sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường trên nhiều phương diện làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với nạn tham nhũng, lãng phí...
Trước tình hình đó, việc đấu tranh với các quan điểm sai trái và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ là trách nhiệm của toàn Đảng mà còn là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân và đặc biệt là vai trò tiên phong của học viên đang học tập, rèn luyện chính trị, trong đó có học viên lớp TCLLCT A1.K52 Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá. Do đó, học viên A1 luôn mong muốn được Nhà trường trang bị các kiến thức, kỹ năng, phương pháp đấu tranh, phản biện những thông tin sai lệch trên không gian mạng.
Nhằm tăng cường nhận thức cho học viên về tính cấp thiết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Chi bộ lớp TCLLCT A1.K52 tổ chức sinh hoạt chuyên đề để học viên trao đổi, thảo luận, nhận diện các nội dung xấu độc trên không gian mạng, từ đó nhận thấy số lượng bài viết, video clip có nội dung xấu độc, chống phá Đảng và Nhà nước ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư tưởng của một bộ phận quần chúng nhân dân, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Tham gia đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay, tập thể lớp TCLLCT A1.K52 đã thống nhất đề xuất một số giải pháp để Trường Chính trị tỉnh đẩy mạnh thực hiện nhằm cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng cho học viên trong công tác này. Cụ thể như sau:
c2.jpg

Chi
bộ lớp TCLLCT A1.K52 sinh hoạt chuyên đề
 
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị. Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, diễn đàn, các buổi nói chuyện của chuyên gia để thảo luận về các vấn đề thời sự, từ đó nâng cao nhận thức cho học viên về vai trò của nền tảng tư tưởng của Đảng, không chỉ giúp học viên hiểu sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong công tác bảo vệ tư tưởng chính trị. Đồng thời, Nhà trường cần đẩy mạnh việc sử dụng các kênh truyền thông xã hội để cung cấp thông tin chính thống, phản bác lại các thông tin sai lệch. Đặc biệt, Nhà trường cần thực hiện việc đa dạng hóa các bài viết, thiết kế các video, clip tuyên truyền một cách sinh động, dễ hiểu, dễ thu hút.
Thứ hai, trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho cán bộ, viên chức và học viên.Nhà trường cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nhận diện và phản biện thông tin sai trái trên không gian mạng để đội ngũ cán bộ, viên chức, học viên được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để có thể tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách hiệu quả. Đồng thời, Nhà trường cần tạo ra một môi trường làm việc và học tập khuyến khích sự tự giác trong việc tìm hiểu và bảo vệ các giá trị tư tưởng của Đảng thông qua hoạt động tuyên truyền, viết bài đăng trên các trang mạng xã hội bày tỏ quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng; cùng với đó cần tổ chức đánh giá, thi đua, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Thứ ba, tăng cường quản lý thông tin trên không gian mạng. Nhà trường cần có thêm các trang blog, mạng xã hội và các kênh truyền thông chính thức để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho học viên. Điều này giúp học viên có nguồn thông tin tin cậy để đối chiếu và phản bác lại các thông tin sai lệch. Đồng thời, Nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng trong việc giám sát và xử lý các thông tin sai trái trên mạng xã hội. Việc này không chỉ giúp ngăn chặn thông tin xấu mà còn tạo ra một môi trường mạng an toàn cho người sử dụng.
Thứ tư, khuyến khích sự tham gia tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của học viên và tổ chức đoàn thể trong Nhà trường.Nhà trường cần thường xuyên khuyến khích học viên tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, phản bác thông tin sai trái; tổ chức các cuộc thi viết, sáng tác về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để thu hút sự tham gia của đông đảo học viên. Các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Câu lạc bộ lý luận… cần phát huy vai trò của các thành viên trong việc tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Có thể khẳng định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Là học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, mỗi cá nhân cần chủ động thực hiện các giải pháp cụ thể để giữ vững niềm tin của Nhân dân vào Đảng, bảo vệ sự nghiệp cách mạng. Như Bác Hồ đã dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", sự đồng lòng của nhân dân chính là sức mạnh to lớn trong cuộc chiến này. Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, tuyên truyền và hành động cụ thể, chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường mạng trong sạch, lành mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia dân tộc./.
Học viên: Hoàng Anh Sơn
Lớp: TCLLCT A1.K52
Đơn vị công tác: Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1504
Hôm qua:
989
Tuần này:
2493
Tháng này:
2493
Tất cả:
5.007.366