Xây dựng tác phong làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ, viên chức Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công thương hiện nay
Đăng lúc: 08:30:33 12/11/2024 (GMT+7)94 lượt xem
Chính sự chú trọng xây dựng tác phong làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ, viên chức Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công thương, đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của Nhà trường; nhiều tập thể, cá nhân đã đạt thành tích cao trong công tác, được Hội đồng thi đua các cấp ghi nhận, khen thưởng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, trong đó có tác phong làm việc khoa học. Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải xây dựng tác phong khoa học, cách làm việc khoa học và chính Người cũng là tấm gương sáng về tác phong làm việc khoa học cho toàn Ðảng, toàn dân ta học tập và noi theo, mà trước hết là các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Xây dựng tác phong làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có đủ năng lực phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng tác phong làm việc khoa học trong công tác, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công thương luôn coi đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật công thương là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công thương, đóng trên địa bàn thành phố Thanh Hoá. Trường có chức năng, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực bậc cao đẳng và trung cấp các ngành nghề liên quan quan đến lĩnh vực kinh tế, dịch vụ, du lịch và kỹ thuật.
Hiện nay, tổng số cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng của Nhà trường là 87 người; trong đó: giảng viên có 66 người (76%), hành chính phục vụ 21 người (24%). 100% giảng viên có trình độ đại học và sau đại học; trong đó, có 03 Tiến sỹ (4,5%), 01 NCS (1,5%), 56 Thạc sỹ (84,9%) và 6 Cử nhân (9,1%).
Nhà trường đạt giải cao trong Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
tỉnh Thanh Hoá lần thứ IX, năm 2024
Hiện nay, với sự thay đổi tích cực trong cơ chế quản lý của nhà nước về đào tạo, tạo điều kiện tối đa cho người học, nhưng có sự cạnh tranh trong đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nên đòi hỏi mỗi cán bộ, viên chức của Nhà trường phải thường xuyên nỗ lực học tập, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện tác phong, lề lối làm việc để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đưa Nhà trường vượt qua khó khăn, thách thức, ngày một phát triển.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, viên chức của Nhà trường đều có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm các quy chế, nội quy, quy định của Nhà trường và của Ngành; có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, giản dị, tiết kiệm, gương mẫu, có trình độ chuyên môn, năng lực công tác tốt, tâm huyết với nghề, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, rèn luyện tác phong làm việc nói chung, tác phong làm việc khoa học nói riêng và thường xuyên chủ động xây dựng, rèn luyện tác phong làm việc khoa học.
Chính sự chú trọng xây dựng tác phong làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ, viên chức Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công thương, đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của Nhà trường; nhiều tập thể, cá nhân đã đạt thành tích cao trong công tác, được Hội đồng thi đua các cấp ghi nhận, khen thưởng. Nhiều năm Đảng ủy Nhà trường luôn được xếp loại: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tập thể Nhà trường được Bộ Công Thương tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp bộ, cấp cơ sở; nhiều giảng viên đạt Giáo viên dạy giỏi toàn quốc, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp cơ sở; nhiều cán bộ, đoàn viên đạt danh hiệu “Phụ nữ Hai giỏi”, phần lớn cán bộ, viên chức được xếp loại Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong việc xây dựng tác phong làm việc khoa học của cán bộ, viên chức Nhà trường. Tác phong làm việc của giảng viên chủ yếu tập trung vào công tác giảng dạy nhưng một số vẫn thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên và không chú trọng đến việc cải tiến phương pháp giảng dạy. Tác phong làm việc của cán bộ quản lýđôi khi thiếu kỹ năng tổ chức và điều hành, dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao. Tác phong làm việc của nhân viên hành chínhphần lớn làm theo thói quen, thiếu tính sáng tạo nên đôi khi dẫn đến tình trạng công việc bị trì hoãn hoặc thiếu sự phối hợp. Một số cán bộ, viên chức còn thiếu chủ động, sáng tạo trong công việc, việc quản lý thời gian chưa hiệu quả, chưa áp dụng đầy đủ công nghệ thông tin vào trong công việc. Bên cạnh đó, việc xây dựng các kế hoạch nhà trường và kế hoạch cá nhân (kế hoạch giảng dạy, kế hoạch học tập và làm theo Bác, kế hoạch nghiên cứu khoa học...) của một số cán bộ, viên chức chưa thực sự chi tiết, cụ thể, nhiều nội dung còn chung chung, chưa khoa học nên kết quả thực hiện chưa cao.
Do đó, để nâng cao chất lượng các mặt công tác của Nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần thực hiện các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tác phong làm việc khoa học. Thông qua việc học tập, rèn luyện từ việc tổng kết thực tiễn, tổng kết những mô hình mới, những cách làm hay, người lãnh đạo phải thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức, kỹ năng, và kinh nghiệm mới về khoa học lãnh đạo quản lý; chú trọng đến kỹ năng quản lý sự thay đổi và tạo động lực làm việc cho cấp dưới. Trường cần tổ chức các khóa học về kỹ năng quản lý thời gian, phương pháp nghiên cứu khoa học, kỹ năng giảng dạy và giao tiếp sẽ giúp đội ngũ cán bộ, viên chức nâng cao năng lực và phát triển tác phong làm việc khoa học; từ đó, xây dựng văn hóa làm việc chuyên nghiệp.
Thứ hai,thực hiện xây dựng đồng bộ các khâu quy trình “Kế - Tổ - Chỉ - Kiểm” (kế hoạch, thực hiện, chỉ đạo, kiểm soát). Đây là 4 chìa khóa vàng trong quản lý, là đưa ra các quy trình làm việc chuẩn, yêu cầu cán bộ, viên chức tuân thủ các quy định, chuẩn mực trong công việc. Cải tiến công tác quản lý và giám sát để đảm bảo các công việc được thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả. Tổ chức xây dựng các kế hoạch đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học sát với hình thực tế của Nhà trường và nhu cầu của xã hội. Cụ thể hóa việc xây dựng và thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm của công chức, viên chức, đặc biệt là của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên rà soát, kịp thời bổ sung và hoàn thiện quy định về đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo; quy chế làm việc của Đảng ủy, quy chế thi đua khen thưởng, nội quy trong thực thi công vụ kèm theo các yêu cầu bắt buộc, cùng các chế tài cụ thể để xử lý sai phạm
Thứ ba, tạo môi trường, động lực cho cán bộ, viên chức rèn luyện tác phong làm việc khoa học. Cần phát huy nhân rộng mô hình tác phong làm việc khoa học điển hình ở nhà trường thực hiện nghiên cứu các mô hình tác phong làm việc khoa học từ các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp thành công và áp dụng vào thực tế của trường, đồng thờitạo động lực để phát huy nhân rộng mô hình tác phong làm việc khoa học điển hình ở nhà trường nhằm xây dựng môi trường làm việc tích cực. Bên cạnh đó, cần biểu dương, khen thưởng những tấm gương có phong cách làm việc tốt, có hiệu quả; ngăn chặn, uốn nắn kịp thời những người có phong cách làm việc chưa phù hợp, kém hiệu quả.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, viên chức. Từ nội quy, quy chế của Nhà trường, cần xây dựng, ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, viên chức phù hợp với các đơn vị, phòng, khoa chuyên môn. Các tiêu chí đánh giá phải được xây dựng trên công việc cụ thể, như: tiêu chí dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, giáo viên kiệm nhiệm, nhân viên hành chính. Việc xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cần tạo động lực phấn đấu cho cán bộ, viên chức, đồng thời, có cơ chế phù hợp để động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, viên chức. Trong công tác đánh giá, phân loại cán bộ, viên chức phải đúng nguyên tắc (công tâm, khách quan, toàn diện…), đánh giá đúng người, đúng việc nhằm khích lệ tinh thần thi đua, tránh bệnh nể nang, né tránh, chủ quan, cào bằng.
Thứ năm, thường xuyên tổ chức tự phê bình và phê bình đối với việc thực hiện tác phong, phong cách làm việc khoa học. Hàng tháng, trong sinh hoạt chi bộ, cần tăng cường tổ chức học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về sửa đổi lề lối làm việc. Người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý phải phát huy vai trò tiền phong gương mẫu trong thực hiện tự phê bình và phê bình, tránh nể nang, né tránh.
Xây dựng tác phong làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ, viên chức Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật công thương là một chiến lược lược tổng thể và lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bộ phận từ lãnh đạo nhà trường tới đội ngũ cán bộ, viên chức. Khi tác phong làm việc khoa học được xây dựng và duy trì sẽ không chỉ giúp đội ngũ cán bộ, viên chức hoàn thành công việc hiệu quả mà còn tạo ra một môi trường làm việc năng động, sáng tạo, góp phần nâng cao vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc gia./.
Học viên: Lê Thị Bình
Lớp: A7K51 TCLLCT
Đơn vị: Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công Thương
(Bài viết được trích từ khoa luận tốt nghiệp lớp Trung cấp Lý luận chính trị)
Các tin khác
- Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của chi bộ - Yếu tố quyết định sự phát triển của Trường THCS Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá
- Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hoá
- Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - Thực tiễn từ lớp A1.K52
- Chi đoàn lớp TCLLCT A4.K52 tham gia tiếp bước đến trường cho trẻ em vùng cao
- Mô hình “5 không, 4 hỗ trợ, 5 đồng bộ” - Động lực đổi mới trong học tập lý luận chính trị
- Vận dụng quan điểm của Đảng về “chân - thiện - mỹ” trong xây dựng tập thể lớp TCLLCTA2. K52 kiểu mẫu
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của học viên lớp TCLLCT A3.K52 về phòng chống lãng phí
- Giải pháp nâng cao hiệu quả học tập lý luận chính trị cho học viên lớp TCLLCT A3.K52
- Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học Trường Mầm non Thị trấn 2, huyện Ngọc Lặc
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
222
Hôm qua:
2718
Tuần này:
14799
Tháng này:
34176
Tất cả:
4.967.777