NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học “Đổi mới đánh giá hoạt động dạy và học Trung cấp LLCT – HC hiện nay”

Đăng lúc: 16:46:10 28/05/2016 (GMT+7)1301 lượt xem

PGS.TS Trương Thị Thông
 Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
 
Kính thưa đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa!
Thưa các đồng chí tham dự Hội thảo!
Đánh giá hoạt động dạy và học là một việc làm rất quan trọng trong quá trình tổ chức đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị. Công việc này đã được thường xuyên thực hiện trong toàn hệ thống Học viện và các trường chính trị trong nhiều năm nay, tuy nhiên, vẫn cần phải được tổng kết, rút kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa hiệu quả của nó. Đây chính là lý do hôm nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học về Đánh giá hoạt động dạy và học ở các trường chính trị.
Mục đích của Hội thảo là nhằm làm rõ thực trạng công tác đánh giá việc dạy và học ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay, mà cụ thể là việc dạy và học chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính, chỉ ra những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, đồng thời thảo luận để xác định những giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dạy và học ở các trường chính trị trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là diễn đàn khoa học để các trường chính trị trên toàn quốc trao đổi kinh nghiệm đổi mới công tác tổ chức và đánh giá hoạt động dạy và học.
Thay mặt Ban Giám đốc Học viện, tôi nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của  đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa; các đồng chí lãnh đạo là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành cùng tất cả các quý vị đại biểu đã về dự Hội thảo.
Thưa các đồng chí!
Từ trước tới nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị ở cơ sở luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Nhiệm vụ lớn này được Đảng và Nhà nước giao cho các trường chính trị tỉnh, thể hiện qua nhiều văn bản, trong đó tiêu biểu là Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 03-9-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) vềchức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Quyết định này, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác. Như vậy,  Quyết định số 184-QĐ/TW đã xác định vị trí quan trọng hàng đầu của các trường chính trị trong việc đào tạo nhân lực đặc biệt của xã hội.
Gần đây nhất, ngày 20/11/2015 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 117-KL/TW tiếp tục khẳng định trường chính trị có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương và  nhấn mạnh yêu cầu cần “đổi mới đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học viên, hoàn thiện công tác quản lý đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng”.
Thưa các đồng chí!
Để thực hiện các văn kiện đã nêu của Đảng, cần liên tục đổi mới chu trình  giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị. Đánh giá hoạt động dạy và học là một khâu quan trọng trong chu trình đó, có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị. Thực tiễn cho thấy, Trường nào thực hiện tốt việc đánh giá hoạt động dạy và học thì chất lượng đào tạo, bồi dưỡng sẽ tốt hơn.
Xét trên toàn hệ thống học viện, những năm qua, đánh giá hoạt động dạy và học ở các trường chính trị đã đi vào nền nếp và đạt được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể như sau:
Một là, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành bộ quy chế, quy định quản lý đào tạo ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành trong đó có quy chế về Đánh giá và quản lý kết quả học tập của học viên, quy chế về Hội thi giảng viên dạy giỏi, ban hành mẫu giáo án thống nhất chung cho toàn quốc,…
Hai là, Căn cứ tình hình thực tế, điều kiện của địa phương, các trường đã chủ động xây dựng, cụ thể hoá thành quy chế, quy định, những biện pháp cụ thể để hoạt động dạy và học có hiệu quả như: Thực hiện phân loại đối tượng học để đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy cho phù hợp; đổi mới việc phân công giảng dạy và chuẩn bị giáo án của giảng viên; tăng cường hoạt động thao giảng cấp khoa, cấp trường và dự giờ giảng. Thông qua hoạt động dự giảng, rút kinh nghiệm tập thể, nhiều trường còn phổ biến được kinh nghiệm dạy học, nhân rộng các mô hình, phương pháp dạy phù hợp hoặc quán triệt các quy định về chuyên môn mà các giảng viên chưa thực hiện tốt; tăng cường cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở để nâng cao nhận thức, vận dụng vào bài giảng; quy định và tổ chức thực hiện việc chấm vở ghi, kiểm tra miệng đối với học viên; đổi mới việc ra đề thi, kiểm tra, coi thi, chấm thi, chấm tiểu luận cuối khóa theo hướng khoa học, phù hợp, thiết thực hiệu quả hơn; đổi mới công tác thanh tra giáo dục,...
Để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học, gắn lý luận với thực tiễn địa phương, trong tổ chức đào tạo, các trường đã coi trọng các bài tập tình huống, gắn lý luận với xử lý những tình huống trong thực tế lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học theo định kỳ và thường xuyên v.v.. Công tác đánh giá hoạt động dạy và học của các trường có những chuyển biến rõ rệt, ngày càng đi vào nề nếp, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các địa phương.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đánh giá hoạt động dạy và học ở các trường chính trị cũng còn những hạn chế nhất định. Một số khâu của quá trình đào tạo, bồi dưỡng ở một số trường chưa thật chặt chẽ, nhất là khâu tự học, tự nghiên cứu ở các lớp tại chức; số lớp, số lượng học viên các lớp bồi dưỡng, nhìn chung còn đông; số lượng giảng viên các trường (nhất là giảng viên có trình độ và kinh nghiệm) còn thiếu so với quy định; việc tổ chức, quản lý, kiểm tra quá trình soạn, giảng; hoạt động thao giảng cấp khoa có những khâu, những bước trong quy trình thao giảng chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và hiệu quả; công tác chấm điểm, đánh giá chất lượng bài thao giảng đôi khi chưa thật khách quan, công tâm, chưa phản ánh chuẩn xác năng lực, trình độ giảng viên, nhất là đối với những giảng viên cao tuổi, giảng viên nắm giữ các chức vụ quản lý ở các khoa, phòng; nội dung  nhận xét, góp ý, rút kinh nghiệm bài thao giảng vẫn còn xen lẫn yếu tố tình cảm, làm cho phần rút kinh nghiệm đôi khi căng thẳng, hoặc chưa hình thành được văn hóa tranh luận khoa học, khách quan, vô tư trong sinh hoạt chuyên môn; có những giảng viên, lãnh đạo khoa chuyên môn còn thờ ơ, coi nhẹ công tác tổ chức thao giảng cấp khoa hoặc quá khắt khe với giảng viên, xem thao giảng như cơ hội để chấn chỉnh, soi xét lẫn nhau, làm cho công tác thao giảng trở nên căng thẳng, nặng nề, mất đi ý nghĩa, tác dụng đích thực; hoạt động dự giảng đột xuất diễn ra chưa nhiều, công tác rút kinh nghiệm trực tiếp với giảng viên chưa được chú trọng đúng mức; việc bổ sung kiến thức mới, số liệu thực tế vào giáo án, bài giảng chưa kịp thời, v.v..
Thưa các đồng chí!
Để Hội thảo có kết quả tốt, đạt được các mục tiêu đề ra, tôi xin nêu một số gợi ý thảo luận tại Hội thảo:
Thứ nhất, những nội dung và phương pháp mới trong đánh giá hoạt động dạy và học là gì?
Thứ hai, trong quá trình đổi mới giáo dục và đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong các trường chính trị thì đổi mới đánh giá hoạt động dạy và học hiện nay có vị trí và tầm quan trọng như thế nào?
Thứ ba, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị hiện nay cần đổi mới đánh giá hoạt động dạy và học như thế nào? Những chủ thể, nội dung, những mắt khâu, bước đột phá, tính quá trình của việc đổi mới đánh giá hoạt động dạy và học ở các trường chính trị hiện nay là gì? Từ đó, cần xác định những quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị hiện nay.
Thứ tư, từ thực tiễn hoạt động của các trường, từ các báo cáo điển hình của các trường tại Hội thảo có thể nêu những bài học kinh nghiệm, xây dựng và nhân rộng các phương pháp, giải pháp điển hình tiên tiến trong đánh giá hoạt động dạy và học ở các trường chính trị như thế nào?
Thứ năm, làm thế nào nâng cao chất lượng và hiệu quả của sự phối hợp giữa Học viện với các trường chính trị, giữa Ban Giám hiệu nhà trường với các khoa, phòng, giữa các cơ quan ban ngành của Trung ương và địa phương với nhà trường trong đánh giá hoạt động dạy và học ở các trường chính trị?
Có thể nói, công tác đánh giá hoạt động dạy và học của các trường chính trị còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi sự quan tâm của các trường. Tôi mong rằng, với buổi Hội thảo này, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm đổi mới đánh giá hoạt động dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường chính trị.
Trong quá trình tổ chức Hội thảo khoa học về “Đổi mới đánh giá hoạt động dạy và học”, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã khắc phục không ít khó khăn về nhiều mặt, nhưng với bề dày kinh nghiệm của nhà trường, cùng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, sự nỗ lực của Ban Giám hiệu và tập thể nhà trường, sự góp sức của các trường chính trị trong toàn quốc, tôi tin rằng Hội thảo của chúng ta sẽ đạt được các yêu cầu đề ra. Sự thành công đó sẽ cung cấp những tài liệu bổ ích, những kinh nghiệm quý báu cho các trường chính trị tham khảo trong đổi mới đánh giá hoạt động dạy và học.
Thay mặt Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tôi xin bày tỏ lòng cám ơn với sự giúp đỡ quý báu và chúc các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các ban, ngành của tỉnh, đại biểu các trường chính trị Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường bộ, ngành và toàn thể, các đồng chí về dự Hội thảo sức khỏe và thành công.
Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
175
Hôm qua:
1321
Tuần này:
6224
Tháng này:
1496
Tất cả:
4.432.784