HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Báo cáo đề dẫn khoa học “Đổi mới công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền cấp xã ở các huyện đồng bằng tỉnh Thanh Hóa”

Đăng lúc: 09:07:37 12/11/2014 (GMT+7)3585 lượt xem

Sáng ngày 28 tháng 9 năm 2013, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo chuyên đề "Đổi mới công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền cấp xã ở các huyện đồng bằng tỉnh Thanh Hóa"

 KHOA HOC DV HT KHOA HOC DV

 

 

 

            Kính thưa các quý vị đại biểu !

            Thưa các đồng chí và các bạn!

            Cách đây hơn 2000 năm, tư tưởng chính trị phương Đông đã nêu cao vai trò của dân với nước. Kinh thư, một tác phẩm của Đạo Nho giáo cho rằng: "Dân duy bang bổn, bổn cố bang ninh", nghĩa là "dân là gốc của nước, gốc có vững nước mới yên" (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 4-1994, tr3). Mạnh Tử cũng là một người đánh giá cao vai trò của nhân dân, ông nói: "Dân là quý, xã tắc là thứ yếu, vua là chuyện nhẹ", "Các vua Kiệt, Trụ mà mất thiên hạ là vì họ mất lòng dân"(La Trấn Vũ: Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc, Nxb Sự thật Hà Nội, 1964,tr247). C.Mác, Ph.Ăngghen, V.L.Lênin, đều chỉ ra rằng: Tất cả các Đảng cộng sản đều phải làm công tác dân vận để giành lấy sự đồng tình ủng hộ của đa số quần chúng nhân dân trong đấu tranh cách mạng.

            Trong tư tưởng chính trị Việt Nam trước đây, các bậc hiền tài và người kinh bang tế thế, bao giờ cũng đề cao sức mạnh của dân, biết đề ra chính sách hợp lòng dân. Trần Hưng Đạo khẳng định: Khoan thư sức dân để làm kế bền gốc sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước. Nguyễn Trãi thì tổng kết rằng, sức mạnh của nhân dân như sức mạnh của nước. Chở thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân. Một tư tưởng suốt đời phò vua giúp nước của ông là: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.

   Vận dụng và phát triển tư tưởng của các nhà tiền bối về vai trò của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều là vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002,t5, tr698). Theo đó Người tổng kết: "Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NxbSự thật.Hà Nội, 1985, t5, tr 301).

   Kế tục tư tưởng của Người, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn giữ gìn và phát huy vai trò to lớn của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bền vững. Trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, nhận thức và hành động của Đảng ta về dân, về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã tiến những bước mới. Ngay từ Đại hội VI, Đảng đã đúc kết bốn bài học lớn, trong đó bài học thứ nhất được khái quát thành một phương châm cơ bản: Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, phải thường xuyên xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Thực hiện phương châm đó, Hội nghị Trung ương 8 Khóa VI ra Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết 8B) về Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, trong đó tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân. Trên cơ sở Nghị quyết 8B, trong 23 năm qua cũng với các nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ từ Khóa VII đến Khóa XI, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản nhằm tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung Nghị quyết này, để tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phù hợp với từng đối tượng, tầng lớp quần chúng nhân dân. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 25 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thanh Hóa là một tỉnh lớn nằm ở Khu vực Bắc Trung Bộ, toàn tỉnh có 27 huyện, thị, thành phố với 637 xã, phường, thị trấn. Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận: kịp thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của địa phương đến các tầng lớp nhân dân; phân công cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên phụ trách công tác dân vận, chăm lo xây dựng, kiện toàn khối Dân vận đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên quan tâm lãnh đạo chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận thành chương trình, kế hoạch hành động sát thực với địa phương. Chính quyền cấp xã đã phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ trong quản lý, điều hành trên một số lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; vận động và phát huy nội lực toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng đảng, chính quyền ở cơ sở ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên, công tác dân vận của một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức nhận thức về vị trí, vai trò của công tác dân vận có lúc, có nơi chưa đúng; còn xem nhẹ công tác dân vận, nặng tính mệnh lệnh, hành chính hóa, chưa chú trọng giải quyết ổn định tình hình nhân dân bằng các giải pháp tuyên truyền, vận động; có lúc, có nơi còn “khoán trắng” công tác dân vận cho Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa làm tốt vai trò lãnh đạo, quản lý nhà nước, chưa sát dân, gần dân nên không nắm được diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như giải quyết những bức xúc của nhân dân chưa kịp thời, để xảy ra tình trạng nhân dân tự phát đấu tranh chống tiêu cực, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài; Bên cạnh đó một bộ phận nhân dân chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân của mình, chỉ quan tâm chính quyền đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng, mà chưa chú ý phát huy vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của nhân dân…

Để phát huy những kết quả và khắc phục những hạn chế về công tác dân vận nêu trên, trong điều kiện cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng đang trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tích cực tham gia hội nhập quốc tế; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân; từ thực tiễn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn cùng với việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, đòi hỏi cần phải tăng cường, đổi mới công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền cấp xã nhằm tăng cường và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở địa phương.

   Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân Tỉnh, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo chuyên đề "Đổi mới công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền cấp xã ở các huyện đồng bằng tỉnh Thanh Hóa" với mục đích làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, đề ra các giải pháp nhằm tăng cường đổi mới công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn các huyện đồng bằng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

            Kính thưa các quý vị đại biểu !

            Thưa các đồng chí và các bạn!

            Hội thảo là diễn đàn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay về công tác dân vận của cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã. Bởi, công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Mỗi chúng ta phải tự mình rèn luyện và giúp nhau rèn luyện theo phương châm xây dựng một đội ngũ cán bộ  có phong cách "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân" để "nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin". và phải có "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" và là tấm giương sáng để nhân dân noi theo.

            Sau thời gian chuẩn bị khẩn trương, đến nay, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 11 bản tham luận của các đồng chí Phó Bí thư huyện ủy và của các đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã ở các huyện đồng bằng trên địa bàn tỉnh. Hội thảo còn nhận được các tham luận của cán bộ cơ sở và nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh. Các tham luận làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ và sự cần thiết phải đổi mới công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đây là kết quả bước đầu, đáng được ghi nhận và trân trọng.

            Để tạo sự thống nhất và đạt mục tiêu đề ra, Hội thảo tập trung làm sáng tỏ 03 vấn đề sau:

            Một là: Làm rõ sự cần thiết tầm quan trọng của công tác dân vận, những quan điểm chỉ đạo đổi mới công tác dân vận của Đảng; ví trí, vai trò của cấp ủy, chính quyền cấp xã đối với công tác dân vận trong tình hình mới

            Hai là: Đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền cấp xã ở các huyện đồng bằng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

            Ba là: Từ thực tiễn và nhận thức mới, đề xuất các giải pháp tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

            Kính thưa các quý vị đại biểu !

            Thưa các đồng chí và các bạn!

            Với ý nghĩa đó, chúng tôi hy vọng Hội thảo này là hành động thiết thực góp phần quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết số 25 Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa XI) về Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận  trong tình hình mới". Đồng thời giúp các cấp ủy, chính quyến các xã, thị trấn các huyện đồng bằng có thêm những kinh nghiệm, cách làm hay về công tác dân vận để triển khai thực hiện ở địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh góp phần xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020.

Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo chuyên đề: "Đổi mới công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền cấp xã ở các huyện đồng bằng tỉnh Thanh Hóa".

 

(*) Báo cáo đề dẫn khoa học do đồng chí Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị trình bày tại Hội thảo chuyên đề "Đổi mới công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền cấp xã ở các huyện đồng bằng tỉnh Thanh Hóa").

Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1091
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11269
Tháng này:
57643
Tất cả:
4.422.523