HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Đoàn viên, thanh niên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 16:00:13 01/04/2020 (GMT+7)742 lượt xem

ThS. Dương Bá Tiến
 Khoa Lý luận cơ sở
            Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự phát triển của nền thể dục, thể thao nước nhà. Theo Người, sự nghiệp thể dục,thể thao (TDTT) luôn gắn với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, sự nghiệp vì dân giàu, nước mạnh.Luyện tập thể dục bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước, phải luôn luôn rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh, khỏe mạnh thì mới có sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước, lợi dân. Người chủ trương phát triển phong trào TDTT rộng khắp bởi TDTT có tác dụng gìn giữ và tăng cường sức khỏe của toàn dân. Người cũng khẳng định, để bảo vệ và tăng cường sức khỏe, bên cạnh sự quan tâm chung của xã hội, trách nhiệm của mỗi cá nhân cũng cần được đề cao. Không những thế, để tăng cường năng lực thể chất, còn phải có lòng kiên nhẫn, sự quyết tâm cao trong rèn luyện thân thể. Người kêu gọi toàn dân ta ai cũng có thể tập luyện TDTT, ai cũng cần rèn luyện thân thể: "Mỗi người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe"[1], điều này có ý nghĩa sâu sắc không chỉ về sức khỏe của nhân dân mà cả về vật chất và tinh thần của dân tộc.
Bác còn rất coi trọng vai trò của TDTT đối với sự phát triển thể chất của thế hệ trẻ. Giáo dục thể chất sẽ giúp trẻ học hỏi, rèn luyện kinh nghiệm thao tác, vận động thân thể, tham gia lao động. Do đó, quan tâm đến công tác TDTT cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chung của xã hội mà trực tiếp là những người làm công tác thể thao. Người thường xuyên nhắc nhở với thanh niên muốn làm chủ nhân tương lai của đất nước phải rèn luyện đạo đức cách mạng; học tập văn hóa, kỹ thuật chuyên môn, đồng thời phải rèn luyện sức khỏe và thể chất, “có khỏe mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ vào những công việc ích nước lợi dân”[2].
Không chỉ quan tâm tới công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Bác còn quan tâm đến việc sản xuất dụng cụ TDTT, vì đó là một trong những phương tiện tập luyện cần thiết nhằm tạo điều kiện để thế hệ trẻ phát triển về thể chất, tăng cường sức khỏe, sẵn sàng phục vụ nhân dân và đất nước. Bác quan tâm tới các hoạt động giáo dục thể chất thế hệ trẻ không chỉ trong tập luyện mà còn cả trong thi đấu thể thao. Bởi, thi đấu tốt cũng có tác dụng rèn luyện sức khỏe và tinh thần tốt cho tuổi trẻ và thúc đẩy phong trào giáo dục thể chất thế hệ trẻ ngày càng phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe một cách tích cực và sáng tạo để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Việc tập luyện thể dục, thể thao của Bác luôn là tấm gương mẫu mực nhất cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau noi theo. 
Ghi nhớ lời Bác dặn Thanh niên phải rèn luyện TDTT vì thanh niên là tương lai của đất nước, trong những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, Đoàn thanh niên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa luôn đẩy mạnh các phong trào thể dục, thể thao, coi đây là một trong những nội dung sinh hoạt quan trọng trong các hoạt động.
Hiện nay, Ban Chấp hành Đoàn trường phối hợp với Công Đoàn Nhà trường  thành lập các Câu lạc bộ thể dục, thể thao như: Câu lạc bộ Bóng đá nam và Câu lạc bộ Dancesport, bóng bàn, cầu lông.... cùng với đó là xây dựng sân bóng đá, sân bóng chuyền, nhà thi đấu bóng bàn và mua sắm những trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động thể dục, thể thao của các đoàn viên. Các Câu lạc bộ thường xuyên sinh hoạt vào những buổi chiều sau mỗi giờ làm việc,với không khí rất sôi nổi đã thu hút được nhiều đoàn viên thanh niên tham gia tập luyện. Vào các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của tỉnh, của nhà trường. Ban Chấp hành Đoàn trường phối hợp với Công đoàn nhà trường tổ chức các giải thể thao, cử các đoàn viên tham gia Hội thao do Đoàn Khối, Công đoàn cấp trên tổ chức đạt được những thành tích đáng khích lệ. Đặc biệt, kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26 tháng 3, ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 hằng năm đã trở thành ngày hội của phong trào thể dục, thể thao nhà trường. Ban Chấp hành Đoàn trường đã tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao như: bóng đá, bóng chuyền... Đây thực sự là những hoạt động bổ ích, giải trí lành mạnh giúp đoàn viên, thanh niên phát huy năng khiếu, sở trường, nâng cao thể chất, rèn luyện sức khỏe…
Có thể khẳng định, trong những qua phong trào thể dục, thể thao của Đoàn thanh niên nhà trường đã thu hút được đông đảo đoàn viên tham gia với những hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú các môn thể thao như: bóng đá, bóng bàn, cầu lông, tenis… Phong trào thể duc, thể thao không chỉ giúp các đoàn viên, thanh niên nâng cao sức khỏe, lấy lại được sự cân bằng sau những giờ làm việc và giải trí, thư giãn về tâm lí đểmang lại hiệu quả tốt nhất trong học tập và công việc mà còn là sợi dây thắt chặt tinh thần đoàn kết, thân ái giữa các đoàn viên, thanh niên trong nhà trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào thể dục, thể thao trong nhà trường vẫn còn những khó khăn như: các phong trào thể dục, thể thao của Đoàn trường chưa diễn ra thường xuyên mà chỉ gắn với các ngày lễ của đất nước, của tỉnh, của nhà trường, kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3, kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11…; đoàn viên, thanh niên công tác ở những bộ phận khoa, phòng khác nhau, mỗi bộ phận có đặc thù công việc riêng nên việc bố trí, sắp xếp thời gian để tham gia phong trào thể dục, thể thao cùng một thời điểm rất khó khăn, không chủ động được;một bộ phận Đoàn viên thường xuyên phải đi công tác; chưa tổ chức được nhiều môn thể thao phù hợp cho các đồng chí đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt là những môn thể thao dành cho đoàn viên, thanh niên nữ; một số đoàn viên, thanh niên chưa thực sự hòa mình vào tập thể, vào phong trào, ít tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao, đã ảnh hưởng đến chất lượng một số hoạt động…
Để cán bộ, giảng viên nói chung, đoàn viên thanh niên nói riêng có đủ sức khỏe tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ vào những công việc ích nước, lợi dân như lời Bác dặn, trong thời gian tới, nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thể dục, thể thao. Muốn vậy, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, Làm tốt công tác tuyên truyền để đoàn viên, thanh niên nhận thức được đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của các phong trào thể dục, thể thao đối với bản thân mỗi con người cũng như đối với cộng đồng xã hội. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ chủ động, tự giác sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao; góp phần đẩy mạnh các phong thể dục, thể thao của nhà trường ngày càng phát triển.
Thứ hai, Đoàn Trường cần phối hợp với các khoa, phòng trong nhà trường  để xây dựng những tiêu chí cụ thể để đánh giá những Đoàn viên thiếu ý thức tham gia hoặc không có tinh thần trách nhiệm, thờ ơ với các phong trào thể dục, thể thao; đồng thời biểu dương, khích lệ những đoàn viên, thanh niên tham gia đầy đủ, nhiệt tình các hoạt động thể dục, thể thao của nhà trường.
Thứ ba, Đoàn Trường phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể trong nhà trường tạo ra các môi trường để các đoàn viên có nhiều cơ hội tham gia các phong trào thể dục, thể thao; tổ chức những cuộc thi đấu thể dục, thể thao giữa các khoa, phòng trong nhà trường… Thông qua đó, nhằm mục đích nâng cao sức khỏe, sự đoàn kết, giao lưu giữa các đoàn viên trong nhà trường; tạo nên thói quen luyện tập thể dục, thể thao, để hoạt động thể dục, thể thao là việc làm thường xuyên, liên tục.
Tóm lại: để phong trào thể dục, thể thao của nhà trường ngày càng phát triển, ngoài việc nhà trường cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp như: tuyên truyền, vận động, áp dụng các chế tài, tạo môi trường bổ ích để cho mỗi cá nhân có cơ hội tham gia, mỗi cá nhân cần phát huy tinh thần phải  tự giác, chủ động, tích cực  tham gia vào các phong trào thể dục, thể thao. Có như vậy, phong trào thể dục, thể thao của nhà trường mới thực sự phát triển một cách bền vững, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, giảng viên nhà trường.
 
Tài liệu tham khảo:
[1] Hồ Chí Minh – toàn tập, tập 4 trang 241.
          [2] Hồ Chí Minh – toàn tập, tập 8 trang 264.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1518
Hôm qua:
2925
Tuần này:
9301
Tháng này:
55675
Tất cả:
4.420.555