THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC 

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Trường Mầm non Trường Sơn

Đăng lúc: 16:40:16 18/03/2025 (GMT+7)467 lượt xem

 Trường Mầm non Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn đã và đang thực hiện hiệu quả các giải pháp tiết kiệm và chống lãng phí, nhờ đókhông chỉ góp phần xây dựng môi trường giáo dục văn minh,mà còn góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
n1.jpg
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Trường Sơn
 
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những phẩm chất cơ bản trong hệ thống quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính Người là tấm gương mẫu mực về thực hành những chuẩn mực đạo đức đó.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm “là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” nhưng cũng “không phải là bủn xỉn, tiết kiệm không phải ép nhịn ăn, nhịn mặc mà chi tiêu ở những việc cần thiết, thể hiện nếp sống văn minh”. Người đã chỉ ra ba nội dung cơ bản của việc tiết kiệm, đó là: tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ và tiết kiệm tiền của.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”. Lãng phí tập trung vào ba loại: lãng phí lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của của nhân dân, đất nước. Người nhấn mạnh: tham ô, lãng phí và quan liêu là một thứ “giặc nội xâm”, là kẻ thù của đạo đức cách mạng, của xã hội chủ nghĩa.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng đã coi lãng phí là một căn bệnh - “bệnh lãng phí”. Trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn...; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, hành chính, kinh tế, hình sự trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Coi phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong sạch vững mạnh”.
Để khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chỉ thị, hướng dẫn, như: Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội; Quy định 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013; và các văn bản hướng dẫn thi hành. 
Đối với ngành Giáo dục nói chung, bậc học Mầm non nói riêng, tiết kiệm, chống lãng phí trở thành yêu cầu cấp thiết, là nhiệm vụ quan trọng bởi lẽ, mỗi cán bộ, viên chức trong các nhà trường phải là những tấm gương đạo đức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để lan toả tinh thần này cho người học noi theo, từ đó xây dựng ý thức tiết kiệm trong mọi hành động của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội văn minh.
Trường Mầm non Trường Sơn được thành lập năm 1981, hiện có 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Được sự quan tâm và tạo điều kiện của cấp uỷ Đảng, chính quyền, phụ huynh học sinh và nhân dân, Nhà trường đã có được cơ sở vật chất khang trang, phục vụ có hiệu quả cho hoạt động dạy-học. Nhờ đó, năm học 2023-2024, Nhà trường có 4 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 2 cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn tặng giấy khen; năm học 2024-2025, Trường Mầm non Trường Sơn vinh dự được công nhận là Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Thời gian qua, công tác thực hành tiết kiệm và chống lãng phí ở Trường Mầm non Trường Sơn đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà trường; cụ thể như sau:
Đối với việc nâng cao ý thức cho học sinh và giáo viên. Nhà trường giáo dục về tiết kiệm cho trẻ em thông qua các hoạt động học tập và vui chơi để dạy cho trẻ thói quen tiết kiệm từ nhỏ, như: không làm hỏng đồ chơi; phân loại, tái chế rác; không lãng phí trong bữa ăn; bảo vệ thực phẩm… qua đó giúp trẻ hình thành thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ. Việc tạo thói quen tiết kiệm cho giáo viên cũng được hình thành trong công tác giảng dạy, quản lý tài nguyên, qua đó giáo dục cho trẻ về bảo vệ môi trường và giảm thiểu lãng phí.
Đối với thực hành tiết kiệm tài nguyên, cơ sở vật chất và chi phí. Nhà trường đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, như: tắt đèn khi không sử dụng; sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, nước trong các sinh hoạt hàng ngày của học sinh và giáo viên. Đồng thời, Nhà trường sử dụng hợp lý thực phẩm, đồ dùng học tập, đồ chơi, tài liệu giáo dục; giảm thiểu việc mua sắm đồ dùng mới không cần thiết; tái sử dụng, bảo quản và sửa chữa đồ dùng học tập để giảm chi phí thay thế, góp phần tiết kiệm ngân sách của trường. Bên cạnh đó, Nhà trường đã sử dụng hiệu quả không gian học tập thông qua tổ chức các hoạt động ngoài trời, tận dụng không gian xung quanh để giảm bớt chi phí mua sắm thiết bị học tập trong lớp và tiết kiệm điện.
Đối với việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Nhà trường đã tạo sự kết nối chặt chẽ với phụ huynh trong việc giáo dục trẻ về tiết kiệm và chống lãng phí, qua đó xây dựng một môi trường giáo dục đồng bộ cả ở trường và ở nhà.
Tuy nhiên, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Trường Mầm non Trường Sơn vẫn còn một số hạn chế nhất định. Do đặc thù của học sinh mầm non còn quá nhỏ nên việc truyền đạt kiến thức về tiết kiệm cho trẻ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí của Nhà trường còn hạn chế nên thiếu nguồn lực đầu tư các thiết bị, đồ dùng học tập chất lượng cao. Hiện nay, một số hạng mục cơ sở vật chất của Nhà trường đã xuống cấp, không thuận tiện cho việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm hoặc khó thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên một cách hiệu quả. Việc duy trì thói quen tiết kiệm trong môi trường mầm non cần sự giám sát và nhắc nhở thường xuyên từ giáo viên, nhưng đôi khi do khối lượng công việc lớn nên việc này có thể bị lơ là. Ngoài ra, do một bộ phận phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm trong trường học nên chưa thực sự hỗ trợ các chương trình tiết kiệm tại trường.
n2.png
Hoạt động dạy trẻ ý thức tiết kiệm nước và tài nguyên
 
Do đó, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của việc thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, đồng thời thực hiện nhiệm vụ giáo dục ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí để hình thành thói quen cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, Nhà trường cần thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động nhà trường về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo đó, Nhà trường thường xuyên tuyên truyền, giáo dục  để mỗi cán bộ, viên chức, nhân viên không ngừng tự trau dồi đạo đức, tận tâm, tâm huyết với nghề; nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các nhiệm vụ của Nhà trường để chung sức, đồng lòng xây dựng môi trường làm việc có hiệu quả. Bởi lẽ, khi một đảng viên, quần chúng xác định trường là ngôi nhà thứ hai thì sẽ có ý thức tiết kiệm cho trường và đó cũng chính là tiết kiệm, chống lãng phí cho chính bản thân họ.
Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hành văn bản, tiết kiệm giấy tờ, sử dụng tái chế các loại giấy; tăng cường khai thác, bảo quản, vệ sinh tài sản, cơ sở vật chất để tăng thời gian sử dụng và tạo nguồn thu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ba là, xây dựng các quy chế, quy định đảm bảo định mức vừa phải, phù hợp với thực tế. Nhà trường cần xây dựng dự toán, kế hoạch sử dụng kinh phí hàng năm trên nguyên tắc cắt giảm tối đa các hoạt động không cần thiết, mang tính hình thức; đồng thời, cần kết hợp giải quyết nhiều công việc trong cùng một hội nghị, sự kiện để tiết kiệm thời gian, ngân sách và có cơ chế kiểm tra, giám sát, qua đó đề nghị khen thưởng, phê bình, xử lý vi phạm đối với các trường hợp “nói không đi đôi với làm” để tạo động lực cho người thực hiện, triển khai tốt công việc và mang tính răn đe đối với người chưa thực hiện nghiêm.
Bốn là, tăng cường giáo dục ý thức tiết kiệm, chống lãng phí cho trẻ thông qua các tiết dạy hàng ngày lồng ghép bài học về tiết kiệm nước, điện và thức ăn trong giờ học. Giáo viên cần sử dụng truyện kể, trò chơi, hoặc video để giáo dục trẻ hiểu tác hại của lãng phí và lợi ích của tiết kiệm. Thông qua các hoạt động vui chơi, giáo viên cần lồng nghép giáo dục trẻ việc tiết kiệm chống lãng phí mọi lúc, mọi nơi Hằng ngày, giáo viên thường xuyên dạy trẻ tắt đèn, quạt khi ra khỏi phòng; hướng dẫn trẻ sử dụng nước tiết kiệm khi rửa tay hoặc vệ sinh cá nhân và sử dụng những đồ dùng tái sử dụng; khuyến khích trẻ ăn hết phần thức ăn được chia…
Năm là, tạo động lực, truyền cảm hứng cho giáo viên đổi mới sáng tạo thực hành tiết kiệm, phục vụ cho hoạt động dạy học. Theo đó, Chi bộ, Ban Giám hiệu cần tăng cường lãnh chỉ đạo giáo viên tích cực thu gom các vật liệu phế thải như vải vụn, chai nhựa, thùng giấy, giấy báo còn sạch... đã qua sử dụng để trang trí phòng học và làm nên những bộ đồ chơi, đồ dùng học tập theo chủ đề một cách sinh động, từ đó kích thích trẻ đưa ra ý tưởng làm đồ chơi, góp phần phát triển toàn diện cho trẻ, đồng thời phát triển các kỹ năng, nhận thức, tính sáng tạo.
Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là nhiệm vụ chung của cả tập thể, đặc biệt trong môi trường giáo dục mầm non. Việc giáo dục ý thức tiết kiệm cho trẻ từ sớm không chỉ giúp hình thành thói quen tốt mà còn tạo nền tảng để trẻ trở thành những công dân có trách nhiệm trong tương lai. Qua các hoạt động cụ thể, sáng tạo và thiết thực, Trường Mầm non Trường Sơn đã và đang thực hiện hiệu quả các giải pháp tiết kiệm và chống lãng phí, đồng thời lan tỏa tinh thần này đến phụ huynh và học sinh toàn trường, qua đó không chỉ góp phần xây dựng môi trường giáo dục văn minh, tiết kiệm, mà còn góp phần phát triển xã hội bền vững theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh./.
       
Học viên: Nguyễn Thị Nhung
Lớp: TCLLTC A3.K52
Đơn vị công tác: Trường Mầm non Trường Sơn
 
-------------------------
Tài liệu khám khảo
1. Tác phẩm “Cầm, Kiệm, Liêm, Chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1947)
2. Báo cáo tổng kết năm học 2023-2024 Trường Mầm non Trường Sơn, TP Sầm Sơn
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1621
Hôm qua:
4674
Tuần này:
14757
Tháng này:
12717
Tất cả:
5.236.948