NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945-19/8/2024) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CÔNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945- 2/9/2024)!

Giải pháp đẩy mạnh thực hiện văn hóa công vụ của viên chức, người lao động Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay

Đăng lúc: 10:34:24 14/05/2024 (GMT+7)353 lượt xem

 Bệnh viện Nhi Thanh Hoá luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của ngành Y tế đối với cộng đồng. Bên cạnh việc tập trung hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khám chữa bệnh và nâng cao tay nghề y bác sỹ, Bệnh viện luôn xác định: Văn hóa công vụ, kỹ năng giao tiếp, nghệ thuật ứng xử cũng là những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng khám chữa bệnh. Do đó, hoàn thiện các nội dung của văn hóa công vụ sẽ góp phần hoàn thiện phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện; đảm bảo tính chuyên nghiệp, liêm chính, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ.
z5438299958995_f83da7d9244c1c55f1e6b220202c276c.jpg
Bệnh viện Nhi Thanh Hoá
 
Văn hóa công vụ là một nội hàm rộng, bao gồm một hệ thống các yếu tố hình thành trong quá trình thực thi công vụ, là sự pha trộn của văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa công vụkhông đơn giản chỉ là những biểu hiện bề ngoài như trang phục của công chức, viên chức, hay một công sở khang trang, có nhiều những thiết bị, vật dụng hiện đại và tiện nghi... Mà hơn hết, văn hóa công vụ chính là hành vi ứng xử hàng ngày của những cán bộ, công chức, viên chức trong các mối quan hệ tương tác để công việc được trôi chảy, thành công, nó xác lập một hệ thống các giá trị được mọi người làm trong tổ chức chia sẻ, chấp nhận, đề cao, và ứng xử theo các giá trị đó.
Văn hóa công vụ cũng là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, giúp cho mọi hoạt động của cơ quan được thông suốt, phân công nhiệm vụ rõ ràng, trụ sở làm việc văn minh hiện đại. Một cơ quan có văn hóa công vụ là cơ quan có bản sắc riêng của mình; hoạt động sáng tạo, điều hành khoa học, tạo ra những giá trị mới để phục vụ cộng đồng. Vì vậy, xây dựng và thực hiện tốt văn hóa công vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại.
Trên cơ sở Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 “Về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ” của Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 06/4/2020 về “triển khai thực hiện Đề án công vụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” của UBND tỉnh Thanh Hóa, ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa nói chung, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa nói riêng đã triển khai xây dựng và thực hiện văn hóa công vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.
bệnh viện hạng I, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của ngành Y tế đối với cộng đồng, bên cạnh việc tập trung hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khám chữa bệnh và nâng cao tay nghề y bác sỹ. Bệnh viện luôn xác định: Văn hóa công vụ, kỹ năng giao tiếp, nghệ thuật ứng xử cũng là những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng khám chữa bệnh. Do đó, hoàn thiện các nội dung của văn hóa công vụ sẽ góp phần hoàn thiện phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện; đảm bảo tính chuyên nghiệp, liêm chính, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ. Thời gian qua, việc thực hiện văn hoá công vụ tại Bệnh viện được thể hiện cụ thể như sau:
Về tinh thần, thái độ làm việc của viên chức, người lao động. Bệnh viện thực hiện đúng khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”, xây dựng người cán bộ y tế với “Nụ cười từ trái tim”, có thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực. Người bệnh ngay khi đến khu vực tiếp đón đều được đội ngũ lễ tân bệnh viện hướng dẫn tận tình, chu đáo, kịp thời giải thích cho người bệnh các thủ tục về Bảo hiểm y tế và những quyền lợi được hưởng theo quy định; nhờ vậy, người bệnh luôn an tâm và tin tưởng. Đối với những người bệnh có chỉ định nhập viện, điều dưỡng của khoa khám bệnh trực tiếp hỗ trợ, đồng thời dẫn về tận các khoa lâm sàng. Bên cạnh đó, Bệnh viện bệnh đã và đang triển khai mô hình “5S - Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng” vào công việc hàng ngày, góp phần xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch - đẹp.
Về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của viên chức, người lao động. Bệnh viện luôn yêu cầu cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên rèn luyện kỹ năng giao tiếp nhẹ nhàng, niềm nở, trang phục đẹp, gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, tự giả định các tình huống khó khăn, phức tạp, đưa ra các phương án giải quyết để thực hành và có khả năng áp dụng vào những tình huống thực tế. Với trang thiết bị hiện đại, biển bảng chỉ dẫn rõ ràng, bệnh viện sạch sẽ đi đôi với nhân viên y tế luôn niềm nở. Do đó, tại tất cả các cuộc khảo sát, luôn có tới hơn 99% bệnh nhân tin tưởng và chắc chắn quay trở lại hoặc giới thiệu cho người thân khám chữa bệnh tại Bệnh viện.
Về chuẩn mực đạo đức, lối sống của viên chức và người lao động. Rèn luyện y đức cho đội ngũ y, bác sỹ là mục tiêu xuyên suốt, quyết định sự tồn tại, phát triển của Bệnh viện; do đó, Đảng ủy Bệnh viện đã ra Nghị quyết chuyên đề “Nâng cao y đức”, trong đó xác định rõ chủ trương, mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, làm cơ sở cho các khoa, ban, và từng viên chức, người lao động triển khai thực hiện. Bệnh viện luôn coi trọng xây dựng môi trường văn hóa trong đơn vị, lấy mối quan hệ giao tiếp, ứng xử giữa cán bộ, nhân viên với người bệnh làm khâu đột phá. Theo đó, Bệnh viện đã ban hành các quy tắc ứng xửgiữa cán bộ, nhân viên với nhau, giữa cán bộ, nhân viên với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ y, bác sĩ; đẩy mạnh thực hiện nghiêm 12 điều y đức do Bộ Y tế ban hành.
Về trang phục của viên chức và người lao động. Viên chức, người lao động Bệnh viện đều tuân thủ nghiêm trang phục theo đúng chức danh, vị trí việc làm được quy định tại Quy chế Bệnh việnThông tư số 45/2015/TT-BYT Quy định về trang phục y tế ngày 30/11/2015 của Bộ Y tế.
Có thể khẳng định, việc triển khai văn hóa công vụ đã góp phần cải thiện đáng kể sự chuyên nghiệp và tinh thần làm việc của nhân viên y tế, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của bệnh nhân. Việc áp dụng văn hóa công vụ không chỉ là việc thiết lập một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; giảm thiểu sai sót, tăng cường hiệu quả điều trị và nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai văn hóa công vụ ở Bệnh viện vẫn tồn tại một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, một số nhân viên y tế vẫn giữ tư tưởng chủ yếu tập trung vào công tác chuyên môn, coi công tác chuyên môn là hàng đầu nên không tăng cường rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất chính trị từ những việc nhỏ như phát ngôn trong giao tiếp đến việc lớn hơn là tinh thần, thái độ trong phục vụ bệnh nhân.
Thứ hai, vẫn còn xảy ra tình trạng một số nhân viên y tế trong quá trình phục vụ bệnh nhân có thái độ cáu gắt, chưa làm đúng quy trình chuyên môn, kỹ thuật, tuy không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, song phần nào ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tin của Bệnh viện.
Thứ ba,đôi khi công tác truyền thông của Bệnh viện chưa được phát huy trong truyền đạt đầy đủ nội dung văn hóa công vụ, văn hóa giao tiếp, mặc dù Bệnh viện đã tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, giao lưu, in pano, áp phích
Thứ tư, một bộ phận nhân viên y tế chưa thực hiện đầy đủ các nội dung của văn hóa công vụ nên bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hiểu chưa đúng về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, từ đó thiếu đồng thuận, hợp tác với nhân viên y tế, đặc biệt là các bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên về công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp chưa quy định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện của cơ quan, tổ chức cá nhân, chưa đưa ra chế tài xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nguyên nhân lớn nhất hiện nay làm ảnh hưởng tới văn hóa công vụ trong các bệnh viện công nói chung và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa nói riêng chính là vấn đề quá tải trong khám chữa bệnh và điều trị. Trong khi đó, cơ chế chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế còn bất cập, lương và phụ cấp cho cán bộ y tế không tương xứng với thời gian đào tạo và môi trường, điều kiện làm việc vất vả, đầy áp lực.
Chi phí khám chữa bệnh hiện nay vẫn thực hiện theo quy định chỉ thu một phần viện phí, cùng với nguồn thu do cơ quan Bảo hiểm Y tế chi trả chỉ đủ để Bệnh viện cân đối các chi phí thường xuyên, không đủ để thực hiện các hoạt động đầu tư trong khi một số khu nhà đã xuống cấp, nhiều trang thiết bị y tế đã cũ và lạc hậu, không triển khai được các kỹ thuật mới… Những khó khăn về tài chính này đã phần nào làm ảnh hưởng tới tâm tư nghề nghiệp, tới nhiệt tình, tâm huyết với công việc của đội ngũ y bác sỹ.
Một nguyên nhân lớn không thể không kể đến đó là sự thiếu cảm thông, hợp tác của gia đình người bệnh trong việc phối hợp thực hiện các Quy tắc giao tiếp, ứng xử trong bệnh viện. Một bộ phận nhỏ người nhà bệnh nhân không biết hoặc cố tình không thực hiện các quy định do bệnh viện đưa ra như hút thuốc trong bệnh viện, không xếp hàng theo đúng thứ tự, không thực hiện đúng theo các hướng dẫn của nhân viên y tế, đòi hỏi phải được phục vụ trước mặc dù tình trạng bệnh tật không nguy cấp. Nếu y bác sĩ không đáp ứng thì có những lời nói, hành động thô lỗ, gây gổ, thậm chí hành hung chính những người đang chữa trị cho thân nhân của mình. Chính vì vậy, văn hóa công vụ đã không phát huy được hết tác dụng của mình như ngành Y tế và cả xã hội mong đợi.
Để đẩy mạnh thực hiện hiệu quả văn hóa công vụ tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là,đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử, văn hóa công vụ và đạo đức nghề nghiệp tại Bệnh viện.Tuyên truyền giáo dục nhằm tác động, định hướng tư tưởng cho cộng đồng, cho cán bộ nhân viên y tế về các giá trị, chuẩn mực của văn hóa công vụ nói chung và văn hóa ứng xử tại bệnh viện là rất cần thiết nhằm khắc phục sự bảo thủ của những tư tưởng ích kỷ và cục bộ, kích thích các hành vi tự nguyện và tự giác. Một số cán bộ ngành y cho rằng thầy thuốc, bác sĩ, nhân viên y tế thì chỉ cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là được, còn vấn đề giáo dục đạo đức là việc làm không cần thiết. Trên thực tế, giáo dục và tự giáo dục là công việc thường xuyên, không có điểm kết thúc. Trong giai đoạn hiện nay, khi khoa học, công nghệ có những tiến bộ vượt bậc, tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc cho nên đời sống đạo đức và các quan niệm, chuẩn mực đạo đức ít nhiều đã thay đổi. Để thực hiện có hiệu quả văn hóa công vụ, văn hóa giao tiếp và các quy định về y đức của cán bộ, nhân viên y tế cần đặt công tác giáo dục y đức, văn hóa giao tiếp vào đúng vai trò, vị trí của nó cho phù hợp với thực tế.
Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về y tế trong Bệnh viện. Kiện toàn hệ thống kiểm tra nội bộ trên tất cả các lĩnh vực: công vụ, chuyên môn, tài chính, vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc, vệ sinh môi trường, vệ sinh lao động, v.v… cần được xem là một giải pháp quan trọng. Các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước cần phải được lãnh đạo Bệnh viện cụ thể hóa. Trên cơ sở đó, thành lập các tổ để kiểm tra, giám sát các hoạt động khám chữa bệnh nói chung và quản lý giám sát cán bộ nhân viên y tế nói riêng. Qua đó phát hiện các dấu hiệu vi phạm và có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời; kịp thời uốn nắn, ngăn chặn những biểu hiện vi phạm y đức, vi phạm Luật Khám chữa bệnh.
Ba là, giảm quá tải trong bệnh viện. Thực tế cho thấy, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân luôn vượt quá khả năng phục vụ của các bệnh viện, bình quân tăng 10%/năm; do đó,  việc triển khai thực hiện văn hóa công vụ của Bệnh viện đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Việc đẩy mạnh hợp tác công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế là một giải pháp rất đáng được xem xét trong bối cảnh ngân sách nhà nước đầu tư cho ngày y tế ngày càng khó khăn như hiện nay; sẽ mang lại lợi ích cho cả Bệnh viện và người dân vì tận dụng được nguồn lực tài chính và năng lực quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn bảo đảm lợi ích cho người dân và xã hội.
Tóm lại:Thực hiện văn hóa công vụ, nâng cao y đức một mặt góp phần giữ vững truyền thống đạo đức, tính nhân văn của ngành Y nói chung, của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa nói riêng, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh và sự tôn vinh của xã hội, cộng đồng đối với cán bộ nhân viên y tế, mặt khác góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân./.
Học viên: Nguyễn Viết Hoàng
Lớp A1 TCLLCT A1 K51
Đơn vị công tác: Bệnh viện Nhi Thanh Hoá
-----------------------------------
TÀI  LIỆU THAM KHẢO
1.    Báo cáo kết quả thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính (3 tháng đầu năm 2023) ngày 31/3/2023 của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa;
2.    Công văn số 452/SYT-VP ngày 13/02/2023 “Về việc đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị y tế năm 2023” của Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa;
3.    Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 06/4/2020 về “Triển khai thực hiện Đề án công vụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” của UBND tỉnh Thanh Hóa;
4.    Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 “Về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ” của Thủ tướng Chính phủ;
5.    Quyết định số 156/QĐ-BVN ngày 22/3/2024 “Ban hành Quy chế Văn hóa công sở tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa năm 2024” của Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa;
6.    Thông tư số 45/2015/TT-BYT ngày 30/11/2015 “Quy định về trang phục y tế” của Bộ Y tế.
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
324
Hôm qua:
1439
Tuần này:
13437
Tháng này:
14425
Tất cả:
4.734.192