Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên đất và sức lao động ở xã Trung Lý
Đăng lúc: 10:11:55 19/12/2024 (GMT+7)0 lượt xem
Với vai trò nòng cốt trong “kiềng 3 chân” của hệ thống chính trị, MTTQ xã Trung Lý cùng toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng, kiên định, kiên trì, bền bỉ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Công sở xã Trung Lý
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số, Người viết: “…Từ đây về sau, các dân tộc đã đoàn kết càng phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu càng phải phấn đấu nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng, để xây dựng một nước Việt Nam mới. Khi khó nhọc chúng ta cùng gắng sức, lúc thái bình chúng ta cùng hưởng chung”. Người cũng nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ của đồng bào dân tộc thiểu số là: “… Ra sức trồng trọt chăn nuôi, tăng gia sinh sản, làm cho đủ ăn đủ mặc, và để giúp đỡ những nơi mất mùa”. Người cũng kêu gọi: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm”, “tiết kiệm sức lao động”, “tiết kiệm thời gian”, “tiết kiệm tiền của”, đặc biệt là “vừa thi đua tăng gia sản xuất, vừa thi đua tiết kiệm”.
Thực hiện lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời quyết tâm thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát, Đảng uỷ xã Trung Lý chú trọng công tác lãnh đạo việc tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị; trong đó, có công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị.
Với vai trò nòng cốt trong “kiềng 3 chân” của hệ thống chính trị, MTTQ xã Trung Lý cùng toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng, kiên định, kiên trì, bền bỉ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Xã Trung Lý có 7,8 km đường biên giới với nước bạn Lào, cách thị trấn Mường Lát 38 km, có tổng diện tích tự nhiên là 19.751,11ha với 15 thôn, bản, 1360 hộ/ 7.156 nhân khẩu. Xã có 5 dân tộc anh em sinh sống là Kinh, Khơmu, Thái, Mông, Mường. Kinh tế của xã còn khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và hỗ trợ từ Nhà nước; tỷ lệ người mù chữ trong xã còn cao, hộ nghèo chiếm quá nửa dân số toàn xã. Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Trung Ly đã có bước chuyển mình rõ rệt, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa thôn bản, trạm y tế đã tốt hơn, giúp tiết kiệm được thời gian và kinh phí di chuyển cho người dân.
Trước điều kiện thực tế của xã, Đảng uỷ xã Trung Lý đã lãnh đạo giảm các khoản chi không cần thiết, ưu tiên phân bổ ngân sách vào các chương trình, dự án cấp thiết, như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Xã xây dựng mô hình Tổ Truyền thông cộng đồng để tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, tiết kiệm, đổi mới.
Theo đó, MTTQ xã đã phát huy vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện Mô hình này nhằm tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở xã Trung Lý. Nhờ nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc xã, bà con xã Trung Lý được tập huấn và biết áp dụng nhiều biện pháp thâm canh tăng năng suất cây trồng, đưa nhiều loại giống cây có năng suất cao như giống ngô LVN10, CP888 vào sản xuất, trồng các loại cây màu khác như khoai, sắn, rau sạch… Nhiều mô hình sản xuất được triển khai và nhân rộng trong toàn xã, như: trồng cây lâm nghiệp tại bản, trồng cỏ voi, chăn nuôi bò sinh sản và vịt đẻ trứng… Những mô hình sản xuất này đã tăng thu nhập cho người dân và chống lãng phí đất đai khi lâu nay đất thì có nhưng không biết sử dụng để làm gì.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tình trạng lãng phí về nguồn tài nguyên đất ở xã Trung Lý còn nhiều do người dân canh tác theo phong tục tập quán, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên để cho đất đai bị bạc màu, dẫn đến không còn canh tác được. Bên cạnh đó, thường xuyên xảy ra việc lãng phí về nguồn nhân lực lao động trên địa bàn xã; nhiều người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm do trình độ văn hóa thấp, không có tư duy phát triển kinh tế. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng ở Trung Lý còn phải quan tâm hơn nữa khi nhiều trường học trên địa xã xuống cấp, sử dụng không hiệu quả.
Nguyên nhân của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên đất và nguồn lực lao động trên địa bàn xã Trung Lý chưa đạt hiệu quả cao là do MTTQ xã chưa phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, hội viên trong vận động, tuyên truyền tới bà con. Thời gian qua, mặc dù nội dung, phương thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia lao động sản xuất có sự đổi mới nhưng chưa mạnh mẽ, chưa cụ thể. Bên cạnh đó, vai trò giám sát việc thực hành tiết kiệm của MTTQ còn hạn chế, chưa rõ nét. Mặc dù, Ủy ban MTTQ đã có phương thức phối hợp giữa với các tổ chức thành viên, nhưng chưa phát huy hiệu quả tinh thần làm việc do tác động bởi thu nhập còn thấp, các hội viên phải chăm lo đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế.
Lễ ra mắt Tổ Truyền thông cộng đồng tại bản Pa Búa, xã Trung Lý
Do đó, để phát huy hiệu quả vai trò của MTTQ xã trong đẩy mạnh thực hành phòng, chống lãng phí trên địa bàn xã Trung Lý, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, chú trọng xây dựng kế hoạch vận động, tuyên truyền, vận động. Theo đó, MTTQ cần xây dựng kế hoạch tổng thể và chi tiết về công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, thành viên và người dân tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên đất và sức lao động. Kế hoạch cần có sự thống nhất về phân công thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tính cấp thiết của lao động sản xuất, canh tác đất đai một cách khoa học, với sự tham gia của các lao động nhàn rỗi, không có việc làm lâu nay. MTTQ cần tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng uỷ trong định hướng mục tiêu, nội dung của kế hoạch và trong lãnh, chỉ đạo sự phối hợp tuyên truyền của các tổ chức chính trị-xã hội.
Thứ hai, mỗi cán bộ MTTQ xã cần trực tiếp vận động Nhân dân tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên đất, sức lao động; đồng thời, MTTQ là địa chỉ tin cậy cho người dân phản ánh các hiện tượng tham nhũng, lãng phí xảy ra trên địa bàn xã. Cần chủ động, sáng tạo tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung hướng dẫn các thôn, bản lao động, canh tác đất đai khoa học và huy động sự tham gia của các đối tượng trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, MTTQ xã cần khéo léo thông qua đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư am hiểu về phong tục, tập quán để vận động, khuyến khích người dân thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ xã. Điều này đã được quy định trong Điều lệ của MTTQ và trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015. Cán bộ chủ chốt MTTQ xã phải dám nói đúng, nói trúng thực trạng hiện nay về vấn đề lãng phí tài nguyên đất và nguồn lực sức lao động, kịp thời kiến nghị với Cấp ủy có những biện pháp mạnh mẽ để chỉ đạo các ngành, các cấp cho thật tốt.
Thứ tư,nâng cao năng lực phòng, chống tham lãng phí tài nguyên đất và nguồn lực sức lao động cho cán bộ MTTQ xã. Thông qua các hội thảo, hội nghị tập huấn để trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ MTTQ xã nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác phòng, chống lãng phí.
Thứ năm, MTTQ xã cần chủ động đề nghị với Đảng uỷ, cấp trên thực hiện các quy định về bảo vệ, khen thưởng người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Đồng thời, tổ chức biểu dương, khen thưởng, nêu gương cá nhân, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tiết kiệm tài nguyên đất và sức lao động; từ đó lan toả những tấm gương này trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, MTTQ cần chủ động, sáng tạo trong phối kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất và sức lao động.
Thực hiện phòng, chống lãng phí đòi hỏi sự nỗ lực tham gia và phối hợp tích cực của từng cá nhân, tổ chức trong xã hội. Phòng chống lãng phí không chỉ là việc bảo vệ nguồn lực quốc gia mà còn là cách xây dựng một xã hội văn minh, bền vững và công bằng. Mỗi người dân đều có thể đóng góp vào sự nghiệp này từ những hành động nhỏ nhất, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai./.
Học viên: Vàng A Sùng
Lớp: TCLLCT A4.K52
Đơn vị công tác: Xã Trung Lý, huyện Mường Lát
--------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Báo cáo Kết quả thực hiện công tác Mặt trận quý I năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong quý II năm 2024
Các tin khác
- Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Đông Sơn
- Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại UBND xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc
- Giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa
- Giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa
- Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên đất và sức lao động ở xã Trung Lý
- Đoàn viên Chi đoàn lớp TCLLCT A4.K52 tham gia hiến máu tình nguyện
- Giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Chi đoàn lớp TCLLCT A4.K52
- Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại UBND thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Tân Thành, huyện Thường Xuân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- Lớp Trung cấp Lý luận chính trị thị xã Bỉm sơn sinh hoạt chính trị kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1682
Hôm qua:
1669
Tuần này:
12974
Tháng này:
50164
Tất cả:
4.983.765