Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại UBND xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc
Đăng lúc: 14:03:14 19/12/2024 (GMT+7)1 lượt xem
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm, cán bộ, công chức UBND xã Cầu Lộc đã đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, lan tỏa và ảnh hưởng tích cực đến toàn thể Nhân dân.
Công sở UBND xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, làm theo. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Người cũng nhấn mạnh tư cách của người cách mạng: “Tự mình phải cần, kiệm”. (Đường Kách mệnh (1927). Theo quan niệm của Người, tiết kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ nhằm giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định. Người cũng chỉ ra rằng lãng phí có khi còn tai hại hơn tham ô bởi lãng phí rất phổ biến.
Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; bởi vậy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí các nguồn lực là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Chống lãng phí”, mang đến một thông điệp mạnh mẽ, như một hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc để mọi người xem xét lại việc sử dụng, quản lý các nguồn lực trong xã hội. Mỗi người dân và cả hệ thống chính trị cần có ý thức về việc phòng chống lãng phí, đó không chỉ vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn là sự thể hiện trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khi mà các nguồn lực dần suy kiệt thì việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lại cấp thiết hơn bao giờ hết. Tại UBND xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, việc đẩy mạnh thực hành tiết kệm, chống lãng phí đã trở thành mục tiêu, động lực quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý các lĩnh vực.
Cầu Lộc là xã nằm ở phía Bắc của huyện Hậu Lộc, cách trung tâm thị trấn 5km, với hơn 7.000 nhân khẩu, tổng diện tích tự nhiên là 657,99 ha. Bằng sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay góp sức của nhân dân, năm 2023, Cầu Lộc đã được công nhận là xã Nông thôn mới sau gần 12 năm xây dựng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, niềm tin đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương được củng cố bền chắc.
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm, cán bộ, công chức UBND xã Cầu Lộc đã đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, lan tỏa và ảnh hưởng tích cực đến toàn thể nhân dân. Theo đó, UBND xã đã kịp thời chỉ đạo việc ban hành các quy chế, quy định, kế hoạch cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn cơ quan và phát động các phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được lồng ghép trong các hội nghị của cơ quan, đồng thời mở rộng triển khai đến các trường học, các thôn với các mô hình tiết kiệm, như: thu gom phế liệu, biến rác thải thành tiền; đảm nhận các công trình tạo nguồn thu, nguồn quỹ giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, thực hiện phong trào thi đua xây dựng công sở “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, mỗi thứ sáu cuối tuần, tất cả cán bộ, công chức, người lao động UNBD xã ra quân dọn vệ sinh phòng làm việc, khuôn viên công sở, vừa tiết kiệm chi phí thuê nhân công, tiết kiệm ngân sách cơ quan, vừa nâng cao trách nhiệm của mọi người trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được lan tỏa tới từng người dân thông qua phong trào Ngày chủ nhật xanh, huy động lực lượng ở các thôn làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông dòng chảy, tạo cảnh quan sạch đẹp, mang lại không khí trong lành cho miền quê.
Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, UBND xã đã có nhiều đổi mới trong áp dụng công nghệ thông tin vào việc triển khai các chỉ thị, chương trình, kế hoạch của cấp trên, qua đó giảm được chi phí in ấn tài liệu, thời gian họp hành, nâng cao hiệu quả của công việc. Bên cạnh đó, công tác quản lý ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập đến chấp hành dự toán và quyết toán; trong đó mọi công việc, hoạt động, phong trào phải có kế hoạch cụ thể, được thông qua dự trù kinh phí, giới hạn ở mức chi nhất định, tránh việc lạm chi nguồn sách.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống lãng phí tại UBND xã Cầu Lộc vẫn tồn tại những hạn chế cần phải khắc phục. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sâu rộng nên vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phòng chống lãng phí, dẫn đến chưa có những hành động thiết thực để thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí trong thực tiễn. Tại địa phương vẫn tồn tại nhiều biểu hiện của sự lãng phí, như:
Lãng phí tài nguyên đất. Hiện nay diện tích ruộng hoang hóa chiếm tỉ lệ khá lớn do nhân dân bỏ canh tác. Người dân chủ yếu sản xuất vụ chiêm xuân, còn vụ mùa tỷ lệ gieo trồng chí chiếm 2/3 diện tích. Cầu Lộc có quy hoạch vùng sản xuất đất 02 lúa 01 màu để trồng cây vụ thu đông; tuy nhiên, đến nay, gần như nhân dân không canh tác vụ thu đông. Đất màu khu vực ven sông Lèn chỉ trồng cây ngô phục vụ cho chăn nuôi của người dân, hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lập nên các trang trại, gia trại, nhưng một số gia trại hiện nay hoạt động không hiệu quả hoặc có ít hoạt động liên quan đến việc phát triển mô hình gia trại.
Lãng phí điện.Để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức trong công việc, UBND xã đã đầu tư hệ thống trang thiết bị điện cho các phòng, như: máy tính kết nối mạng, quạt, điện sáng, điều hoà... Mặc dù đa số có ý thức tốt nhưng vẫn còn hiện tượng quên tắt điện thắp sáng; mở cửa sổ hoặc cửa chính khi dùng điều hòa; thường xuyên cắm dụng cụ đun nước hoặc bật chế độ chờ khi máy tính chưa sử dụng… dẫn đến gây lãng phí nguồn điện.
Lãng phí nước. Trụ sở làm việc của cơ quan đã qua thời gian sử dụng 4 năm, do đó, một số hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, trong đó có hệ thống nước, một số vòi nước rửa tay, vòi nước bồn vệ sinh đang sử dụng đã bị lờn van, hở van nên không cẩn thận sẽ gây hiện tượng rò nước, gây lãng phí, cạn kiệt nguồn nước sạch
Lãng phí giấy. Một số ít cán bộ, nhân viên chưa sử dụng hiệu quả các thiết bị thông minh nên việc chuyển tài liệu, văn bản vẫn phải thực hiện bằng văn bản giấy chuyển tận tay. Mặt khác, do việc văn bản in một mặt giấy hoặc không được kiểm tra chặt chẽ dẫn đến in sai, phải in lại cũng gây ra lãng phí.
Lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước. Dù là điện, nước hay văn phòng phẩm thì nguồn chi trả cho việc sử dụng các tài nguyên này đều xuất phát từ ngân sách nhà nước. Bởi vậy việc lãng phí nguồn điện, nước, văn phòng phẩm vô hình chung gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Lãng phí thời gian. Việc giải quyết các thủ tục trên hệ thống thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân rút ngắn bớt thời gian giải quyết. Tuy nhiên, thực tế còn khá nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp; hơn nữa phải phụ thuộc vào hệ thống mạng của cơ quan và của cấp trên nên nhiều khi thời gian giải quyết thủ tục kéo dài, công việc bị chậm trễ, lãng phí thời gian của người dân khi phải đi lại nhiều.
Buổi tuyên truyền về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại UBND xã Cầu Lộc
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại UBND xã Cầu Lộc, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu đúng, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, quy định của các cấp đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, làm tốt công tác tổng kết, kiểm tra, thường xuyên biểu dương, khen thưởng các tấm gương điển hình "người tốt, việc tốt” về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng.
Thứ hai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hành văn bản, tiết kiệm giấy tờ, sử dụng tái chế các loại giấy; tăng cường khai thác, bảo quản, vệ sinh tài sản, cơ sở vật chất để tăng thời gian sử dụng. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các quy trình rườm rà, nâng cao hiệu suất làm việc, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cán bộ và người dân, tăng tính công khai minh bạch khi thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, kết nối thông tin quốc gia, tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy chế, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao vai trò và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm; nâng cao hiệu quả chi tiêu công, nhất là trong sử dụng tài sản công, sử dụng kinh phí ngân sách, thực hiện tốt công khai tài chính, ngân sách nhà nước cấp.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực công tác. Khi phát hiện có hành vi gây lãng phí trong cơ quan, đơn vị, phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; thực hiện công khai việc xử lý trước tập thể.
Thứ năm, tăng cường công tác công khai minh bạch thông tin để tạo điều kiện cho nhân dân giám sát về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan; tăng cường phối hợp giữa các phòng chuyên môn, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để thực hiện có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc làm cấp thiết để bảo vệ những thành quả đã đạt được ở hiện tại và là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững ở tương lai. Hãy để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành một nét văn hoá, một việc làm thường trực trong mỗi chúng ta, góp phần tích trữ thêm nguồn lực cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, tạo nên những tiền đề quan trọng để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, cần sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có vai trò, trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Cầu Lộc.
Học viên: Lê Thùy Dung
Lớp: TCLLCT A4K52
Đơn vị công tác: UBND xã Cầu Lộc
--------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Báo cáo kết quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí UBND xã Cầu Lộc năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025
Các tin khác
- Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Đông Sơn
- Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại UBND xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc
- Giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa
- Giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa
- Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên đất và sức lao động ở xã Trung Lý
- Đoàn viên Chi đoàn lớp TCLLCT A4.K52 tham gia hiến máu tình nguyện
- Giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Chi đoàn lớp TCLLCT A4.K52
- Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại UBND thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Tân Thành, huyện Thường Xuân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- Lớp Trung cấp Lý luận chính trị thị xã Bỉm sơn sinh hoạt chính trị kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1768
Hôm qua:
1669
Tuần này:
13060
Tháng này:
50250
Tất cả:
4.983.851