Nâng cao ý thức và trách nhiệm của học viên lớp TCLLCT A4.K52 trong học tập, rèn luyện
Đăng lúc: 14:29:45 16/01/2025 (GMT+7)82 lượt xem
Xác định việc học tập lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở hiện nay là nhiệm vụ bắt buộc, là mục tiêu, động lực để đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ, mỗi học viên Trường chính trị tỉnh Thanh Hoá nói chung và học viên lớp A4.K52 nói riêng cần phải có ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện; chủ động xây dựng kế hoạch và phương pháp học tập khoa học; rèn luyện tác phong, hình ảnh học viên trường đảng.
Tập thể lớp TCLLCT A4.K52
Lý luận chính trị được ví như “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của Đảng. Do đó, cán bộ, đảng viên học tập lý luận chính trị sẽ được phát triển tư duy khoa học để nhận thức, nắm bắt được bản chất, tính tất yếu, quy luật vận động khách quan của lịch sử cách mạng Việt Nam; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó định hướng nhận thức và hành động thực tiễn đúng đắn, hạn chế sai lầm, mù quáng, góp phần xây dựng niềm tin, lý tưởng cách mạng.
Học tập lý luận chính trị là việc nghiên cứu, học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là yêu cầu thường xuyên, hằng ngày, cấp thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và đối với học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị A4 khoá 52 Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá nói riêng.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ngày 30/10/2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ đã chỉ rõ: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Từ nhận định này, khi đánh giá thực trạng học tập lý luận chính trị ở lớp TCLLCT A4.K52, có thể thấy, vẫn còn nhiều học viên chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học lý luận chính trị, chưa xem đó là nhu cầu của bản thân; hầu như chỉ chú trọng đến chuyên môn. Nhiều học viên tham gia học với tư tưởng bắt buộc phải học để có đủ điều kiện đề bạt, bổ nhiệm, lên chức cho nên có thái độ học tập chưa nghiêm túc, học đối phó, ít tương tác, trao đổi với giảng viên. Một bộ phận học viên không thực hiện đúng quy chế của trường, quy định của lớp học; còn hiện tượng đi muộn, xin về sớm, làm việc riêng và sử dụng điện thoại trong giờ học hoặc đem việc của cơ quan đến lớp học để làm việc, không chú ý nghe giảng viên giảng bài, các buổi thảo luận ở lớp rất ít phát biểu và không đọc giáo trình trước khi lên lớp... Đây được xem là biểu hiện lười học, ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên; cần phải chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị.
Đất nước đang bước vào thời kỳ mới với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện “bốn kiên định” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Để có được sự kiên định, niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, không có con đường nào khác là phải học tập lý luận chính trị một cách thực sự, thực chất.
Xác định việc học tập lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở hiện nay là nhiệm vụ bắt buộc, vừa là mục tiêu, là động lực để đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ, mỗi học viên Trường chính trị tỉnh Thanh Hoá nói chung và học viên lớp A4.K52 nói riêng cần phải có ý thức tự giác trong học tập, xác định đúng động cơ, mục đích học tập; tự xây dựng cho mình kế hoạch, phương pháp học tập khoa học; xây dựng tác phong, hình ảnh học viên "3 có" (có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tư duy độc lập, sáng tạo; có tác phong học tập, rèn luyện khoa học); "3 không" (không vào muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng và sử dụng điện thoại trong giờ học).
Một giờ học ở lớp TCLLCT A4.K52
Theo đó, để khắc phục những biểu hiện lười học, ngại học lý luận chính trị, góp phần ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, mỗi học viên lớp TCLLCT A4.K52 cần thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là, nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị. Theo đó, học viên lớp A4 cần nhận thức sâu sắc lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, nhiều cán bộ, đảng viên của ta mắc phải bệnh chủ quan, gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử lý cho khéo, không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy, kết quả thường thất bại”; từ đó, phải có ý thức, động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Đồng thời, cần xác định đúng mục đích học tập lý luận chính trị: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”. Nếu không xác định đúng đắn mục đích của học tập lý luận chính trị thì học viên sẽ có động cơ học tập không trong sáng, tinh thần thái độ học tập lệch lạc, sẽ dẫn đến việc học tập không thể có chất lượng, hiệu quả.
Hai là, chuẩn bị tài liệu và nghiên cứu bài học trước khi lên lớp. Học, đọc bài cũ và nghiên cứu bài mới trước khi đến lớp cũng như tự đặt câu hỏi trước; liên hệ với bài trước, môn học trước là khâu bắt buộc không thể thiếu, giúp người học nắm vững, ôn lại những kiến thức đã học và hình dung được tổng quan bài học mới, nhờ đó khi nghe giảng học viên không bỡ ngỡ với những luận điểm, quy luật, khái niệm, phạm trù mà giảng viên truyền đạt trên lớp, biến bài giảng của thầy cô làm kiến thức cho mình.
Ba là, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, của tỉnh, của địa phương mình. Việc tìm hiểu thông tin phải đảm bảo tính chính thống, có cơ sở lý luận và thực tiễn qua sách, báo, tin, bài, đặc biệt là những bài viết của các nhà chính trị, nhà khoa học về lý luận chính trị, từ đó làm cơ sở nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn học tập và công tác
Bốn là, tập trung tư tưởng, tránh bị phân tán khi nghe giảng trên lớp và biết kết hợp tốt nghe, nhìn, hiểu, ghi chép. Việc nghe giảng rất quan trọng, giúp người học hiểu vấn đề, luyện được kỹ năng ghi nhớ trên lớp, tích lũy kiến thức. Việc ghi chép bài giúp cho người học thêm một lần nữa rèn luyện khả năng ghi nhớ, nên ghi theo cách hiểu. Trong giờ thảo luận, người học cần mạnh dạn phát biểu tranh luận và phản biện, nên bày tỏ ý kiến của mình với giảng viên hướng dẫn thảo luận, từ đó giảng viên sẽ tiếp nhận ý kiến, giải thích những vấn đề vướng mắc mà người học chưa hiểu rõ. Học viên cần cố gắng chọn phương pháp học hiểu, học vận dụng, học xử trí, tiếp thu kiến thức ngay tại lớp; chủ động trong việc học, tránh trường hợp soạn bài, ôn bài dồn vào những ngày thi.
Năm là, thực hiện tốt phương châm “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành”. Trong toàn khóa học, Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động, như: nghiên cứu thực tế tham quan, học tập để giúp học viên nâng cao năng lực thực tiễn, rèn luyện kỹ năng, từ đó học viên được tăng cường nhận thức rằng việc học tập lý luận chính trị mang lại giá trị và hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của học viên. Đồng thời, học viên cần tích cực tham gia các buổi học ngoại khoá, các diễn đàn, hội thảo, toạ đàm do trường, lớp tổ chức để trao đổi học thuật, thể hiện lập trường tư tưởng, nghiên cứu, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, nhận diện, phê phán và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Có thể khẳng định, lý luận chính trị sẽ làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, dẫn đến thay đổi hành động và quá trình hành động đó lại được tổng kết thành lý luận. Do đó, mỗi học viên phải luôn luôn nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu nhằm tiếp thu những kiến thức lý luận để áp dụng vào thực tiễn công tác. Việc học lý luận chính trị không chỉ học trong giáo trình mà còn phải quan sát, học những điều hay từ thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp... Những kiến thức mà học viên A4 tích cực tích lũy trong thời gian học tập lý luận chính trị tại trường sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Họ và tên: Hà Thị Vân
Lớp: TCLLCT A4.K52
Đơn vị công tác: UBND xã Trí Nang
Các tin khác
- Thực trạng và giải pháp phát triển công tác đoàn của Đoàn Thanh niên xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc
- Đẩy mạnh chuyển đổi số tại thành phố Sầm Sơn
- Mô hình ''4 tiết kiệm, 2 tăng thêm'' tại Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá - Thực tiễn và kinh nghiệm
- Nâng cao ý thức và trách nhiệm của học viên lớp TCLLCT A4.K52 trong học tập, rèn luyện
- Giải pháp đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tại xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh
- Một số kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số tại Trường THCS Quảng Châu
- Một số giải pháp khắc phục việc ngại học lý luận chính trị của học viên lớp TCLLCT thành phố Thanh Hoá, khoá học 2024 - 2026
- Giải pháp đẩy mạnh việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Quảng Ngọc
- Giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng cho học viên lớp TCLLCT A1.K52
- Thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi thành phố Thanh Hóa
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
335
Hôm qua:
1796
Tuần này:
6437
Tháng này:
65151
Tất cả:
5.070.024