NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài và việc thu hút, trọng dụng nhân tài ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay

Đăng lúc: 07:51:56 23/04/2024 (GMT+7)43 lượt xem

 Thấm nhuần tư tưởng của Bác, Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa luôn đề ra và thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những chủ trương để thu hút cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhờ đó, trong những năm qua, Bệnh viện đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
2.png
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Từ xa xưa, cha ông ta luôn coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, hiền tài là “rường cột” của nước nhà. Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thiên tài trong việc chọn người, dùng người và trọng dụng nhân tài. Cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện thái độ trọng thị, tầm nhìn minh triết, lòng nhân ái bao la và tư tưởng đại đoàn kết cao cả. Người đã để lại nhiều bài học quý báu và cốt yếu về nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng ta hiện nay.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài bắt nguồn từ tư tưởng trọng dân, tin dân, nêu cao vai trò làm chủ đất nước của nhân dân, là sự nối tiếp và phát triển quan niệm cầu hiền tài truyền thống trong điều kiện mới của đất nước. Theo Người, nhân tài là “người tài đức, có thể làm những việc ích nước lợi dân”. Điều đó có nghĩa là, một người được coi là nhân tài phải hội tụ đủ cả 2 yếu tố tài và đức, quan trọng hơn là tài và đức ấy phải hướng đến những việc làm ích nước, lợi dân. Người khẳng định: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Trong đó, người cho rằng, đức phải là cái gốc. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Do có quan điểm đúng đắn về trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tìm kiếm, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng những “người tài đức” cho cách mạng, động viên họ mang hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.  
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, vấn đề chăm lo bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, rèn luyện đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” luôn là sự quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến trước lúc đi xa, Người vẫn ân cần dặn lại trong Di chúc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Trong giai đoạn đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài càng trở thành yếu tố quan trọng có tính chất quyết định hơn bao giờ hết. Cái gốc của chính sách nhân tài nằm ở việc nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nhân tài. Nhân tài cần phải được trọng dụng, được giao nhiệm vụ xứng đáng và phù hợp với tài năng của họ; được tôn trọng, đánh giá đúng mức thành quả lao động và được ghi nhận, tôn vinh những gì mà họ cống hiến. Vì vậy, Đảng, Nhà nước cần phải xây dựng và triển khai chiến lược phát triển nhân tài, coi việc “cầu hiền tài” là một chiến lược phát triển quốc gia, thực hiện chính sách thu hút và sử dụng nhân tài một cách hợp lý; phải xác định đây là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để tìm kiếm, giữ chân, thu hút và phát triển nguồn trí tuệ để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.
3.png
Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025
 
Thấm nhuần tư tưởng của Bác, Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa luôn đề ra và thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những chủ trương để thu hút cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhờ đó, trong những năm qua, Bệnh viện đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đến nay, Bệnh viện có quy mô 1.200 giường bệnh, với gần 1.200 cán bộ, viên chức và người lao động đang làm việc; trong số đó có hơn 500 cán bộ, viên chức có trình độ đại học trở lên; có 4 tiến sĩ, 30 bác sỹ CKII, 48 bác sỹ CKI, 53 thạc sĩ y học, thạc sĩ dược, 113 bác sĩ, 52 dược sĩ, gần 10 thạc sĩ, chuyên khoa I điều dưỡng, hơn 130 cử nhân điều dưỡng trong số 704 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 181 nhân viên y tế các chuyên ngành khác được phân bố ở 42 khoa, phòng, bộ phận và 2 trung tâm.
Điều quan trọng khẳng định sự phát triển bền vững và niềm tự hào của bệnh viện trong hơn 30 năm đổi mới là có một cơ sở hạ tầng khá khang trang, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại và một khối lượng lớn các dịch vụ kỹ thuật y tế có chất lượng cao; nhiều thế hệ các thầy thuốc, cán bộ khoa học có uy tín trải qua hoạt động thực tiễn, không ngừng học tập, nghiên cứu khoa học, đã từng bước trưởng thành, đạt được trình độ học vấn cao và đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú (có 1 Thầy thuốc Nhân dân, 23 Thầy thuốc Ưu tú). Bệnh viện cũng vinh dự có 02 cá nhân được tặng danh hiệu công dân kiểu mẫu của tỉnh, có nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương, đảm nhận các cương vị quan trọng trong lĩnh vực chuyên môn.
4.png
Một ca ghép thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa
 
Tuy nhiên, cũng như toàn bộ hệ thống y tế công lập quốc gia, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho bệnh viện vẫn luôn là một khó khăn, thách thức lớn. Nguyên nhân chính là do nguồn nhân lực y tế chất lượng cao hầu hết tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh hoặc các đơn vị tư nhân có chế độ đãi ngộ rất tốt. Đây là vấn đề phức tạp cần sự lãnh đạo khéo léo và chỉ đạo kịp thời. Để khắc phục khó khăn này, Bệnh viện cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, chính sách tuyển dụng nhân lực. Bệnh viện cần đổi mới phương thức truyền thông trong tuyển dụng, như: đẩy mạnh sử dụng Website của bệnh viện để truyền thông, quảng bá về hình ảnh và thương hiệu bệnh viện; sử dụng các Website tuyển dụng như Vietnamworks.com, vieclam24h, timviecnhanh.com,…) và các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, …). Bên cạnh đó, cần xây dựng chế độ chính sách phù hợp cho nhân lực trình độ cao;  làm tốt công tác dự báo nhu cầu và quy hoạch vị trí việc làm của từng bộ phận cụ thể. Ngoài ra, cần tăng cường ngân sách cho công tác tuyển dụng và đào tạo.                                           
Hai là, chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực. Ngoài các chính sách về tiền lương, đào tạo thì chế độ đãi ngộ đảm bảo chất lượng cuộc sống cho đội ngũ cán bộ là vấn đề cần được Bệnh viện quan tâm. Vì vậy các Bệnh viện cần có những chính sách phù hợp, như: đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất đồng bộ và hiện đại phục vụ nhu cầu làm việc, các phòng sinh hoạt chuyên môn, các khu thể dục thể thao, khu vực nhà ăn tiết chế dinh dưỡng… Đồng thời, hàng năm có các chế độ, như: nghỉ mát, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp...
Ba là, chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Bệnh viện cần có chế tài hỗ trợ để động viên tinh thần, tránh trường hợp khi cán bộ học xong có thêm bằng cấp sẽ “nhảy việc”, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám trong đơn vị y tế. 
Bốn là, chính sách về môi trường làm việc và cơ hội phát triển. Với mục tiêu nhằm tạo một môi trường làm việc hạnh phúc, sáng tạo và chia sẻ cuộc sống, Bệnh viện cần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo. Người tài vốn dĩ luôn đi tìm môi trường và cơ hội để cống hiến tốt nhất, nên chỉ cần có môi trường phù hợp là họ sẽ chủ động tìm đến. Nếu không có môi trường làm việc tốt thì dù có chính sách đãi ngộ cao, bác sĩ giỏi vẫn sẽ rời đi. Vấn đề mấu chốt khi giải bài toán thu hút, trọng dụng người tài là hãy tạo môi trường tốt để họ làm việc. Thực tế đã chứng minh, nơi nào có môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ tốt thì người tài sẽ gắn bó và cống hiến lâu dài. Bên cạnh đó, cơ hội thăng tiến trong công việc là nhu cầu tất yếu của con người, đối với các bác sĩ giỏi thì đây là nhu cầu tất yếu để khẳng định được uy tín, danh tiếng trong khám chữa bệnh, nâng cao địa vị xã hội, tăng thêm thu nhập. Xây dựng tốt vị trí việc làm cho đội ngũ nhân lực chất lượng cao, hàng năm rà soát làm tốt công tác quy hoạch để có cơ sở đào tạo nguồn cán bộ về mặt chuyên môn, chính trị một cách khoa học và có định hướng đáp ứng tốt nhu cầu bổ nhiệm cán bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa nhưng tư tưởng của Người về nhân tài vẫn còn nguyên giá trị. Quan điểm của Người về nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài chính là bài học vô giá để chúng ta có những chủ trương, chính sách đúng, trúng và hiệu quả trong công tác cán bộ hiện nay.
Học viên: Lê Anh Tuấn
Lớp A1K51 Trung cấp lý luận chính trị
Đơn vị công tác: Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
80
Hôm qua:
1901
Tuần này:
10052
Tháng này:
5324
Tất cả:
4.436.612