NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Trao đổi kinh nghiệm thi giáo viên dạy giỏi

Đăng lúc: 15:34:38 11/11/2014 (GMT+7)1863 lượt xem

 CÂU LẠC BỘ GIẢNG VIÊN TRẺ

VỚI BUỔI “TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM THI GIÁO VIÊN GIỎI”

                                                 Th.S Nguyễn Thị Thanh Nhàn

                                                Chủ nhiệm CLB Giảng viên trẻ

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả Hội thi giáo viên giỏi cấp khoa, cấp trường, hướng tới hội thi giáo viên giỏi cấp học viện năm 2011, ngày 23/4 năm 2011 CLB Giảng viên trẻ tổ chức buổi sinh hoạt với chủ đề “Trao đổi kinh nghiệm thi giáo viên dạy giỏi”. Dự buổi sinh hoạt có đồng chí Lương Trọng Thành, Tỉnh uỷ viên, Hiệu trưởng nhà trường; đồng chí Lê Công Quyền, Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng nhà trường; các đồng chí trong Ban giám hiệu; các đồng chí đại diện các khoa, phòng, bộ môn; đại diện các tổ chức đoàn thể. Tham gia trao đổi kinh nghiệm là những giảng viên nhà trường đã từng tham dự hội thi giáo viên giỏi các cấp và thành viên CLB. Các giảng viên tập trung trao đổi về vấn đề chọn bài dự thi, chuẩn bị giáo án lý thuyết, sử dụng phương tiện dạy học hiện đại, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, phương tiện giao tiếp sư phạm, nghệ thuật ứng xử tình huống sư phạm... với những nội dung rất bổ ích, thiết thực.

Trao đổi về cách chọn bài dự thi, Th.S Thịnh Văn Khoa - Phó trưởng Phòng Đào tạo khẳng định vai trò quan trọng của vấn đề này. Theo thầy Khoa, các giảng viên nên chọn bài giảng mà mình tâm đắc, có phông kiến thức rộng và đã tham gia giảng nhiều lần ở các lớp, các hệ. Nội dung của bài phải đảm bảo tính chính thống (tránh những bài giảng hiện đang có tranh cãi về mặt kiến thức). Nên chọn bài giảng có thể đan xen, kết hợp được nhiều phương pháp giảng dạy - đặc biệt là phương pháp giảng dạy tích cực và có thể phát huy cao nhất hiệu quả của phương tiện dạy học hiện đại. Nếu chọn bài giảng đưa được phim ảnh, sơ đồ, bảng biểu... để minh hoạ sẽ dễ lôi cuốn người học. Đồng thời lưu ý nội dung giảng phải phù hợp với lượng thời gian trong một tiết giảng và bảo đảm sự cân đối với thời gian giảng của cả bài.

Về vấn đề chuẩn bị giáo án, CN Dương Bảo Anh - GV Bộ môn Đường lối kinh tế cho rằng, đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả và sự thành công của giờ giảng. Để có một giáo án chất lượng giảng viên phải dựa trên cơ sở nắm chắc nội dung, kiến thức của bài học để xác định đúng mục đích, yêu cầu của bài và xác định đúng kiến thức trọng tâm; phải thu thập nguồn tư liệu thông tin phong phú phục vụ cho bài giảng. Thông tin thu thập phải là thông tin mới, mang tính thời sự, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chính thống. Hoặc có thể là những thông tin cũ nhưng có giá trị về mặt lịch sử.    Trong quá trình soạn bài, ở mỗi phần, mỗi suất kiến thức cần dự kiến các phương pháp giảng dạy phù hợp. Có thể kết hợp nhiều phương pháp nhưng cần phải xác định rõ phương pháp chủ đạo. Các phương pháp sử dụng phải thay đổi một cách linh hoạt. Đặc biệt với những bài học khó, việc sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp lại càng cần thiết. Những kiến thức đưa vào giáo án cần được chắt lọc, đảm bảo tính chính xác, tính khoa học và tính lô gíc của tri thức, tránh trình bày một giáo án quá dài dòng. Phải làm rõ nhiệm vụ của người dạy là phải cắt nghĩa những nội dung giáo trình ngay từ trong giáo án.

Trao đổi về sử dụng phương tiện dạy học hiện đại CN Lê Thị Hương -GV Khoa pháp luật cho rằng, phương tiện giảng dạy hiện đại có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nó có thể trở thành “phản mục đíchi” nếu giảng viên quá lạm dụng hoặc không có đủ kỹ năng cần thiết, vì hiệu quả của bài học vẫn phụ thuộc vào vai trò của giảng viên. Giảng viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn phải biết tổ chức dẫn dắt người học tích cực tham gia vào bài giảng. Để phát huy vai trò của phương tiện dạy học, giảng viên nên đầu tư thời gian chuẩn bị những hình ảnh, đoạn video phù hợp để giúp cho bài giảng thêm sinh động, lôi cuốn. Tuy nhiên cũng cần lưu ý nếu lạm dụng hoặc thiếu sự chọn lọc sẽ gây nhiễu cho quá trình lĩnh hội kiến thức. Nội dung bài giảng nên được sơ đồ hóa hoặc thể hiện dưới dạng bảng biểu thì hiệu quả ghi nhớ cho học viên tốt hơn. Giảng viên phải biết chắt lọc, cô đọng kiến thức trên các slide đảm bảo súc tích, ngắn gọn nhưng vẫn thể hiện được nội dung cơ bản. Tránh đưa quá nhiều chữ vào trong một slide. Lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền phù hợp cho các Slide. Không nên lạm dụng hiệu ứng vì nó rất dễ làm phân tán sự chú ý của học viên. Bên cạnh đó, giảng viên cần nắm vững kỹ thuật sử dụng phần mềm Powerpoint để chủ động, tự tin trong thao tác sử dụng máy chiếu trên lớp và có thể tự xử lý những sự cố cần thiết.

Xoay quanh vấn đề áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, các giảng viên đều nhấn mạnh rằng, việc sử dụng các phương pháp phát vấn, tình huống, thảo luận nhóm... để lôi cuốn học viên vào giờ giảng, phát huy tính chủ động của học viên là rất cần thiết. Trong quá trình giảng dạy không nên tuyệt đối hoá bất kỳ phương pháp nào. Các phương pháp cần được vận dụng một cách uyển chuyển, linh hoạt phù hợp với nội dung, đối tượng, điều kiện và quy mô của lớp học nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất trong quá trình dạy - học. Mỗi phương pháp không nên sử dụng quá lâu (trên 10 phút) để tránh tình trạng nhàm chán. Trao đổi về điều này, CN Đỗ Phương Anh - GV Khoa Pháp luật còn nhấn mạnh, do đặc trưng của phương pháp này là lấy người học làm trung tâm nên phải lưu ý đến việc sử dụng “quân xanh” khi tham gia hội thi. “Quân xanh” khi trả lời câu hỏi kiểm tra bài cũ, câu hỏi phát vấn cần phải thoát ly tài liệu, không nên học thuộc lòng một cách máy móc và các câu trả lời nên có những phương án sai để giáo viên còn hoàn thiện.

          Một vấn đề cần được quan tâm và đòi hỏi phải có quá trình tập luyện mới đi đến thành công đó là phương tiện giao tiếp trực tiếp giữa người dạy và người học. Th.S Nguyễn Thị Hạnh - GV Khoa Dân vận nhấn mạnh, đây là yếu tố quyết định trực tiếp sự thành công của bài giảng. Khi giảng, ngôn ngữ nói của giảng viên phải rõ ràng, mạch lạc, đảm bảo chuẩn tiếng phổ thông, không sai lỗi chính tả. Để tạo sự lôi cuốn, thuyết phục người học, giảng viên phải biết chọn vị trí nhấn giọng trong mỗi câu, tránh âm lượng đều đều khi giảng. Đặc biệt giọng nói của giảng viên phải thể hiện ngọn lửa nhiệt tình, sự tâm huyết và thái độ tôn trọng đối với học viên. Còn ngôn ngữ viết thì phải rõ ràng, khoa học và mang tính thẩm mỹ trong việc trình bày bảng. Chỉ viết tắt những cụm từ đã được quy định, xin phép khi muốn viết tắt... Ngoài ra, các phương tiện phi ngôn ngữ (nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, hành vi, điệu bộ, cách đi đứng, trang phục...) cũng có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình lên lớp của giảng viên. Giúp giảng viên biểu lộ cảm xúc, thái độ nhiệt tình, vui vẻ, phấn khởi, hài lòng, thân thiện hoặc ngược lại. Nó thể hiện khả năng bao quát lớp, tư thế, tác phong của giảng viên trong giờ giảng.

          Trao đổi về ứng xử tình huống sư phạm CN Mai Thị Viện - Phó Trưởng Khoa Dân vận chia sẻ trên cơ sở một số tình huống ứng xử sư phạm thường gặp và các thành viên CLB cũng hưởng ứng bằng nhiều tình huống ứng xử khác được đặt ra để cùng trao đổi.

          Qua buổi trao đổi kinh nghiệm thi giáo viên giỏi, các ý kiến trao đổi không chỉ tháo gỡ được những băn khoăn, vướng mắc của những giảng viên đang chuẩn bị tham gia hội thi giáo viên giỏi mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với tất cả các thành viên Câu lạc bộ. Đặc biệt, những kinh nghiệm của các thầy, cô trong việc chuẩn bị giáo án, sử dụng phương tiện dạy học hiện đại, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, ứng xử tình huống sư phạm... mỗi chúng tôi đều có thể học tập, vận dụng vào trong quá trình giảng dạy của mình để có những giờ giảng đạt chất lượng cao hơn. Chia sẻ của các giảng viên, những người đã kinh qua các kỳ thi như thổi vào trong chúng tôi ngọn lửa quyết tâm, như tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin và sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Số lượt truy cập
Hôm nay:
3928
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12746
Tháng này:
62903
Tất cả:
4.361.440