HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Nâng cao hiệu quả việc vận dụng kiến thức thực tiễn vào bài giảng

Đăng lúc: 15:39:53 11/11/2014 (GMT+7)1766 lượt xem

Chiều ngày 04/6/2013, Câu Lạc bộ “giảng viên trẻ” Trường Chính trị tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề: “Trao đổi kinh nghiệm về việc vận dụng kiến thức thực tiễn vào bài giảng”

 Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trẻ, được sự nhất trí của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường; sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Đoàn trường, chiều ngày 04/6/2013, Câu Lạc bộ “giảng viên trẻ” Trường Chính trị tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề: “Trao đổi kinh nghiệm về việc vận dụng kiến thức thực tiễn vào bài giảng”. Tham dự có đồng chí Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng; các đồng chí trong Đảng ủy, Giám hiệu; đại diện lãnh đạo các khoa, phòng, tổ bộ môn; các giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm và thành viên Câu Lạc bộ.

Xuất phát từ phương châm “gắn lý luận với thực tiễn”, ý kiến của các thành viên CLB đã đề cập tới nhiều cách tiếp cận khác nhau trong việc lĩnh hội kiến thức thực tiễn, như: Thông qua việc nghiên cứu thực tế ở cơ sở; qua học viên; qua việc trao đổi với đồng nghiệp; khai thác thông tin trên mạng Internet, báo, tạp chí, thời sự…Điều giảng viên trẻ trăn trở là lĩnh hội và vận dụng sao cho phù hợp với từng phân môn, bài giảng và đối tượng học viên.

Trao đổi và chia sẻ với đội ngũ giảng viên trẻ, các thầy cô giáo là những người đi trước, có nhiều năm kinh nghiệm đã tháo gỡ những trăn trở, băn khoăn, truyền đạt lại những kinh nghiệm quý báu về cách tiếp cận và vận dụng kiến thức thực tiễn vào bài giảng một cách hiệu quả nhất.

Từ thực tiễn công tác giảng dạy, các thầy, cô giáo qua nhiều năm kinh nghiệm, đều thống nhất cho rằng, để tích lũy và vận dụng tốt kinh nghiệm thực tiễn vào bài giảng lí luận chính trị cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Trước hết, giảng viên phải nắm vững các nội dung lý luận mà mình đảm nhiệm giảng dạy, để qua đó có sự vận dụng thực tiễn phù hợp. Không phải tất cả các nội dung lý luận trong bài giảng đều cần có liên hệ thực tế, mà chỉ ở những vấn đề nào quan trọng, cần thiết nhấn mạnh, khó hiểu, hay muốn tăng thêm tính thuyết phục…Không chỉ vậy, nắm vững lí luận còn giúp giảng viên lựa chọn được loại kiến thức thực tiễn nào, ở mức độ nào thì phù hợp.

Thứ hai, giảng viên phải thường xuyên bám sát thực tiễn. Kết hợp các phương thức khác nhau để tiếp cận với các hình thức, các mức độ của thực tiễn. Ví dụ: đi thực tế cơ sở (xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp…), gặp gỡ trao đổi với cán bộ, hội viên nông dân, phụ nữ, đến với các tổ chức công đoàn cơ sở gặp gỡ cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân; thăm quan các mô hình lao động sản xuất để có thực tiễn trực tiếp sinh động, thời sự. Hoặc tích cực khai thác thông tin ở các phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo, tạp chí, Internet,…) để có thực tiễn đa chiều, rộng lớn đã được chọn lọc, phân tích. Đồng thời tích cực nghiên cứu các tài liệu chính thống, nhất là các văn kiện Hội nghị, Đại hội Đảng,…đây là dạng thực tiễn có độ tin cậy cao, vừa có tính cụ thể, vừa có tính khái quát.

Thứ ba, nắm bắt được đối tượng học viên. Cùng một chuyên đề nhưng giảng dạy tại các lớp học vùng thành phố, đồng bằng, không thể đồng nhất với các lớp vùng trung du, miền núi, hoặc giảng dạy tại các lớp đại đa số học viên là thanh niên thế hệ trẻ, không thể giống với lớp đa số học viên lớn tuổi. Nắm bắt được đối tượng sẽ giúp lựa chọn kiến thức thực tiễn hoặc cách khai thác nhấn mạnh khía cạnh nào trong cùng một sự kiện để phù hợp đối tượng.

Thứ tư, phải đảm bảo tính khoa học khi đưa các yếu tố thực tiễn vào bài giảng đó là: yếu tố thực tiễn đưa vào bài giảng phải có tính điển hình, tính thời sự, tính chính xác, có địa chỉ rõ ràng và phù hợp nội dung lí luận đang cần được phân tích chứng minh.

Và tiếp đến là lòng yêu nghề. Trên nền tảng nắm vững lí luận, bám sát thực tiễn, lòng yêu nghề sẽ thổi hồn cho bài giảng chính trị trong điều kiện hiện nay. 

Phát biểu tại diễn đàn, trên cơ sở kết luận, đồng chí Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, để có kiến thức thực tiễn và vận dụng tốt vào bài giảng chúng ta cần: Tích lũy kiến thức thực tiễn phải đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí (thực tiễn được vận dụng vào bài giảng phải đảm bảo tính khách quan, phù hợp với đối tượng, nội dung bài giảng; đảm bảo tính định hướng). Về con đường tiếp cận:  Kiến thức phải biết học từ sách, báo; từ các cơ quan, tổ chức địa phương, cơ sở; từ thực tiễn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; học từ đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, từ người đi trước và học từ thực tiễn công tác của chính mình. Theo đó, vận dụng kiến thức thực tiễn phải sát với nội dung bài học, sát với hoàn cảnh, sát với đối tượng; vận dụng phải lý giải, làm sáng tỏ được thực tiễn và lý luận; vận dụng thực tiễn phải làm cho bài học thêm sinh động để người học có thể hiểu và nắm bắt được nội dung tri thức của bài học, cũng như biết vận dụng những tri thức đó vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày…

Buổi sinh hoạt trở thành diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, là cơ hội để thế hệ giảng viên trẻ Nhà trường trao đổi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong việc lĩnh hội và vận dụng kiến thức thực tiễn vào bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

Số lượt truy cập
Hôm nay:
447
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10625
Tháng này:
56999
Tất cả:
4.421.879