NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ

Đăng lúc: 08:38:47 22/04/2015 (GMT+7)1700 lượt xem

 
Ở làng này, ai cũng ngưỡng mộ gia đình ông Xuân và bà Khanh, ông Xuân làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, bà Khanh là giáo viên dạy toán, hai con ông bà ngoan ngoãn, học giỏi.
          Vào một buổi tối khi nhà bà Khanh vừa ăn cơm xong thì có tiếng gọi “Chị Khanh ơi!”. Bà Khanh đang từ bếp đi lên nhà, nhìn ra thấy Đức tới chơi bà vui vẻ đáp “Chú Đức đấy à, đợi chút chị ra mở cửa nhé”.
Đức là công chức địa chính xã, vẫn thường hay đến chơi nhà ông bà, ngoài công việc, vợ Đức còn là em họ bà nên hai gia đình có quan hệ thân thiết. Bà Khanh pha ấm trà ngon mời khách: “Hai anh em uống nước, trò chuyện nhé, chị xuống dưới nhà dọn dẹp đã”. “Vâng, em cảm ơn chị”. Bà Khanh vừa đi khỏi, đã thấy Đức kéo ghế ngồi sát gần vào ông Xuân, dường như có chuyện gì đó quan trọng muốn nói. Sinh nghi, bà Khanh đi vào buồng trong nhưng không xuống bếp mà lén nghe câu chuyện của hai người.
- Anh ạ, ngày mai anh xét và ký đề nghị cấp đất cho mấy trường hợp anh em mình đã thống nhất anh nhé.
- Ừ, cụ thể thế nào nhỉ?
- Ba trường hợp nhờ người khác đứng tên xin cấp đất là của ông Thảo, ông Hùng, bà Lan và 4 trường hợp của ông Tý, ông Thành, bác Hợi, chị Loan là trường hợp hợp lý hóa hộ khẩu để lập hồ sơ anh ạ.
- Toàn những chỗ quen biết, thân thiết, không xét, lập hồ sơ đề nghị cấp đất cho cũng khổ. Mà này, thế còn giá đất của mấy hộ ở ngã ba thôn 9 thì cứ thống nhất thu hệ số 1,1 nhé, cao hơn một chút để còn để ra được một khoản chi tiêu cho công việc của Ủy ban chú ạ.
- Vâng, anh cứ yên tâm, mình tăng lên ít không sợ đâu anh ạ.
- Chú cứ chủ quan, mọi việc phải kín kẽ nghe không, cứ oang oang cái mồm, có ngày chết cả lũ.
Nghe cuộc đối thoại giữa hai người, bà Khanh thấy lòng nóng như lửa, bồn chồn không yên. Sau khi chồng bà tiễn Đức ra về, bà hỏi ngay: “Anh và Đức có chuyện gì mà nhỏ to thế?”.
“Có chuyện gì đâu, chú Đức nhắc anh mấy chuyện cần giải quyết ngày mai ở cơ quan ấy mà”.
“Anh và chú Đức làm gì thì làm, đừng có làm trái quy định là được. Đừng nể nang vì đó là những chỗ họ hàng, thân thích, cần ngoại giao, quan hệ mà làm liều, vi phạm pháp luật, là vào tù đấy.”
“Bà này hay thật, việc cơ quan tôi phải biết lo, bà biết gì mà nói” – ông Xuân nói giọng bực tức.
“Mình ăn ở phải để phúc đức cho con, đừng làm việc khuất tất anh ạ, em cũng thấy dạo này bà con hay xì xào, to nhỏ”.
“Ai phản ánh gì thì cứ bảo đến đây, tôi có làm gì sai đâu mà sợ. Mấy trường hợp xin cấp đất, toàn những chỗ thân thiết, bạn chí cốt, trong khả năng của mình, mình chỉ xác nhận đất cát không có tranh chấp, lập hồ sơ cho họ, mình tạo điều kiện cho các anh chị, các bác ấy, thế chẳng là làm phúc hay sao. Thôi tôi mệt lắm rồi, bà nhiều chuyện quá!”
Thấy chồng bực mình, bà Khanh cũng không tranh luận nữa, nhưng bà vẫn thấy lo lo, rồi lại tự nhủ hay mình cứ hay lo quá, vì từ trước đến nay ông Xuân vốn luôn là người sống chân thành, cởi mở, tốt bụng, chắc ông cũng sẽ biết phải trái.
Thế rồi thời gian trôi đi, bà Khanh cũng bận công việc mà không để ý tới chuyện này nữa.
Một hôm bà vừa đi làm về đến cổng nhà thì chị Bình – vợ anh Đức hốt hoảng chạy đến, giọng lạc đi: “Chị ơi, anh Xuân và anh Đức bị công an bắt rồi chị ạ”. Bà Khanh thấy choáng váng, tai như ù đi không nghe được gì nữa, chân bà như khụy xuống… Cố trấn tĩnh bà hỏi: “Em cứ bình tĩnh, nói chị nghe anh Xuân, chú Đức bị bắt vì tội gì?”. Chị Bình nói trong nước mắt: “Em cũng không rõ, hình như tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chị ạ, liên quan gì đến lập hồ sơ đề nghị cấp đất vừa rồi đấy?”…
Thế là điều bà Khanh lo lắng đã thành sự thật. Tại phiên tòa, ông Xuân, anh Đức và các bị cáo đã nhận thức ra được hành vi sai phạm của mình và xin lỗi các bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Hầu hết bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo, nhất là bị cáo Xuân là người trước đó đã có công lớn với địa phương. Hội đồng xét xử đã kết án bị cáo Xuân 04  năm tù, bị cáo Đức 03 năm tù theo quy định tại Khoản 1 Điều 281 Bộ luật hình sự.
Bản án vừa tuyên, cả hội trường xét xử oà lên tiếng khóc của gia đình người thân, người liên quan là đồng niên, đồng nghiệp của các bị cáo.
Trong nắng chiều, bà Khanh lê từng bước chân khó nhọc rời khỏi tòa án, hình ảnh chồng bà tại phiên tòa cứ ám ảnh trong tâm trí bà, khuôn mặt của ông thật tiều tụy, ánh mắt buồn thăm thẳm, chẳng biết cười hay khóc nữa. Từ một cán bộ có uy tín, được bà con trong xã tin yêu giờ đây ông đã trở thành kẻ phạm tội.
Bà Khanh cứ ân hận, day dứt, giá như ngày ấy bà sát sao, kiên quyết ngăn cản việc làm sai trái của chồng và Đức thì giờ đây hai anh em đâu có phải chịu cảnh tù tội.
 
(Nguồn: Câu chuyện pháp luật – Trang thông tin về phổ biến giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp)
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
239
Hôm qua:
2022
Tuần này:
8310
Tháng này:
3582
Tất cả:
4.434.870