“Cháu rất yêu chồng nhưng cháu không muốn chung chồng”
Đăng lúc: 15:03:23 10/11/2016 (GMT+7)1180 lượt xem
CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT
“Cháu rất yêu chồng nhưng cháu không muốn chung chồng”
Mai Thị Viện, Khoa Dân vận
Hội thẩm nhân dân
“Cháu rất yêu chồng nhưng cháu không muốn chung chồng” đó là câu nói trong nước mắt của cô N khi đưa đơn đến Tòa án xin ly hôn.
Cứ mỗi độ thu đi đông về, được ngắm các đôi uyên ương trong bộ váy áo cưới rang rỡ đón nhận những lời chúc hạnh phúc tôi lại nhớ đến kỷ niệm khi mới chập chững bước chân vào nghề luật.
Chuyện xảy ra từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Hôm đó, Tòa án nhân dân huyện NH tiếp một phụ nữ trẻ tên là N đến gửi đơn xin ly hôn chồng với lý do chồng cô đang sống với người vợ khác tên là H.
Qua tiếp công dân, nữ thư ký Tòa án huyện được biết: Hai năm trước cô N về làm dâu bà K và là vợ anh T. N không thạo việc đồng, việc nhà lại hay ốm đau, hàng ngày bà K luôn tìm cách chửi mắng con dâu. Trong một lần chửi con dâu và nói: “cô ra khỏi nhà tôi ngay tôi sẽ cưới cho con trai tôi năm bảy vợ”. Thấy chồng vẫn im lặng, cô N đã bỏ về nhà mẹ đẻ. Ba ngày sau anh T ra nhà ngoại đón vợ về. N biết anh T vẫn rất yêu mình nhưng lại sợ mẹ nên còn nấn ná chưa muốn về. Gần một tháng sau, nhân ngày giỗ chồng bà K tuyên bố với anh em trong họ: “Từ hôm nay cháu H đây là vợ thằng T nhà tôi”. Cô N nghe tin chồng mình có vợ khác trở về nhà chồng và được mẹ chồng cho làm một cái lán nhỏ ở cuối vườn ở riêng còn anh T chồng cô giờ ở với cô H. Cô không chịu được cảnh chồng chung nên xin ly hôn.
Sau đây là cuộc đối thoại của cán bộ Tòa án với cô N:
- Thế cô có còn yêu chồng mình không?
- Có chứ. Cháu rất yêu chồng cháu nhưng cháu không muốn chung chồng.
- Thực lòng cô có muốn ly hôn chồng mình không?
- Không ạ. Nhưng vì giờ anh ấy đã có vợ mới nên cháu đành phải xin ly hôn thôi ạ.
Sau khi nghe giải thích, cô N không gửi đơn xin ly hôn chồng nữa mà làm đơn tố cáo anh T và cô H về “Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng” đến cơ quan công an huyện NH.
Báo cáo trước cán bộ điều tra Công an lấy lời khai của anh T cho biết: Hiện nay mình đang chung sống với cả hai người vợ. Cô N có đăng ký kết hôn, cô H được mẹ chọn đưa về và công bố với họ hàng nhân ngày giỗ bố mình năm nay.
- Thế anh có biết cùng một lúc sống với hai người vợ là vi phạm pháp luật không?
- Em không biết em vi phạm pháp luật gì cả. Bố mất sớm. Mọi việc trong nhà em nhất nhất việc gì cũng phải theo sự sắp đặt của mẹ. Việc vợ con của em cũng là do mẹ em lấy cho.
Để làm rõ sự việc, Công an huyện triệu tập bà K để lấy lời khai. Bà K khai nhận:
- Đúng, hiện nay con trai tôi có hai người vợ. Cô N có đăng ký kết hôn và là vợ T được gần 3 năm. Cô H cũng là vợ cháu T, tôi không tổ chức linh đình mà chỉ làm vài mâm cơm nhỏ nhân dịp giổ bố chúng nó rồi tuyên bố với họ hàng.
- Thế bà có biết bà và con trai bà đang vi phạm pháp luật không?
- Vi phạm gì, ông nội chúng nó có ba bà vợ cũng có thấy ai nói là vi phạm pháp luật đâu.
- Thế ông nội của các cháu mà bà nói năm nay bao nhiêu tuổi? Hiệu đang sống với các bà vợ ở đâu?
- Ông ấy mất lâu rồi, từ cái thời cải cách ruộng đất gì đó, tôi nhớ không chính xác, nếu còn sống thì phải hơn trăm tuổi rồi.
- À ra thế, ông cụ nhà bà sống ở thời kỳ phong kiến thực dân, khi đó xã hội Việt Nam đang tồn tại chế độ “đa thê”. Nay con trai bà sống dưới thời XHCH với chế độ hôn nhân “một vợ một chồng”…bây giờ đang là năm 1990 của thế kỷ XX rồi bà ơi. Đồng chí cán bộ điều tra còn giở Bộ luật Hình sự ra đọc điều luật có quy định mức hình phạt với người đang có vợ có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác thì bà K quỳ sụp dưới ôm lấy chân cán bộ công an huyện khóc van “xin anh đừng bắt tôi vào tù, tôi sợ lắm”.
Trong câu chuyện này, ai là người có lỗi? Bà K hay anh T và cả cô H nữa chứ? Họ vừa đáng trách vừa đáng thương? Chỉ vì không hiểu biết pháp luật mà các nhân vật nói trên không biết mình vi phạm pháp luật, thậm chí trở thành tội phạm. Ngay lúc đó, tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm hơn với vai trò của người Hội thẩm nhân dân trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật để những người như bà K, anh T không mắc phải những sai phạm do thiếu hiểu biết pháp luật./.
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1323
Hôm qua:
1669
Tuần này:
12615
Tháng này:
49805
Tất cả:
4.983.406