THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho học viên các lớp TCLLCT-HC K45

Đăng lúc: 10:09:49 15/05/2018 (GMT+7)1433 lượt xem

           Thực hiện chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật và đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 – 2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/5/2018 tại Trường Chính trị tỉnh hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Nhà trường tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho gần 200 cán bộ, công chức là học viên các lớp A1, A2, A3, A4 TCLLCT-HC K45. Tới dự hội nghị có TS.Thịnh Văn Khoa - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, TS.Dương Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa, các thành viên chi hội Luật gia Trường Chính trị và học viên K45.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Thịnh Văn Khoa nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của pháp luật trong đời sống xã hội; đặc biệt, đối với học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị, việc cập nhật thường xuyên các chính sách, pháp luật là hết sức thiết thực và có ý nghĩa, góp phần thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của địa phương, cơ sở.
lg1.png 
Cán bộ, giảng viên và học viên TCLLCT-HC K45 nghe giới thiệu về luật TNTG và luật TNBTCNN

Hội nghị đã được nghe TS.Dương Khánh giới thiệu những điểm mới và những nội dung cơ bản của 2 đạo luật có liên quan trực tiếp đến quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cơ sở. Hai đạo luật quan trọng này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, đó là luật Tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) năm 2016 và luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017.
 
lg2.png 
TS.Dương Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa tại hội nghị Tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật

Luật TNTG năm 2016 gồm 9 chương, 68 điều, thay thế Pháp lệnh TNTG năm 2004. Luật TNTG được ban hành nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, bảo đảm quyền tự do TNTG, tạo sự thông thoáng, minh bạch và cơ chế pháp lý bảo hộ, bảo đảm quyền tự do TNTG của mọi người, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện để quyền tự do TNTG và các giá trị dân chủ, văn minh và chủ nghĩa xã hội được phát huy. So với Pháp lệnh TNTG năm 2004, Luật TNTG năm 2016 có những điểm mới quan trọng như: Mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do TNTG (từ “công dân” thành “ mọi người”); rút ngắn thời gian công nhận tổ chức tôn giáo; bổ sung một chương về quyền tự do TNTG; bổ sung quy định đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, chuyển một số nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho cơ quan quản lý nhà nước về TNTG ở trung ương; công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo; bổ sung các quy định liên quan đến cơ sở đào tạo tôn giáo; bổ sung quy định cho phép người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị; được tập trung sinh hoạt tôn giáo riêng tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam; được mời chức sắc, nhà tu hành là người Việt Nam hoặc người nước ngoài giảng đạo.
Luật TNBTCNN năm 2017 gồm 9 chương, 78 điều, thay thế Luật TNBTCNN năm 2009. Việc sửa đổi luật TNBTCNN nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về TNBTCNN, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và quyền, lợi ích của Nhà nước; từng bước nâng cao trách nhiệm của người thi hành công cụ, hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. So với luật TNBTCNN năm 2009, luật TNBTCNN năm 2017 có nhiều điểm mới về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, về phạm vi TNBTCNN, về thiệt hại được bồi thường, về cơ chế giải quyết bồi thường, về thủ tục giải quyết bồi thường, về phục hồi danh dự, về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả, về trách nhiệm hoàn trả và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước…
Tại hội nghị, học viên còn được nghe tư vấn, giải đáp các tình huống pháp luật liên quan đến việc áp dụng và thi hành 2 đạo luật trên trong quá trình thực thi công vụ. Hội nghị đã tạo được sự quan tâm, hứng thú cho học viên về phương pháp, cách tiếp cận để tìm hiểu pháp luật trong cuộc sống ./.  
Số lượt truy cập
Hôm nay:
71
Hôm qua:
1677
Tuần này:
12050
Tháng này:
52110
Tất cả:
4.920.759