THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Cảm xúc từ chuyến nghiên cứu thực tế của lớp Trung cấp LLCT tập trung A6.K51

Đăng lúc: 07:47:32 23/04/2024 (GMT+7)157 lượt xem

 Nghiên cứu thực tế (NCTT) là nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị (TCLLCT). Với những kết quả to lớn đã đạt được, việc NCTT ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong việc củng cố, bổ sung kiến thức lý luận, cung cấp kiến thức thực tiễn cho học viên nhằm đảm bảo thực hiện tốt phương châm “gắn lý luận với thực tiễn”, “học đi đôi với hành”. Từ đó, giúp học viên tích lũy kinh nghiệm, vận dụng có hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, cơ quan, đơn vị công tác.
1.jpg

Tập thể lớp TCLLCT A6-K51 dâng hương tại Khu di tích lịch sử Am Tiên, thị trấn Nưa
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, một tấm gương mẫu mực, điển hình về việc gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với đề ra đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách”.
Nghiên cứu thực tế (NCTT) là nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị (TCLLCT). Với những kết quả to lớn đã đạt được, việc NCTT ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong việc củng cố, bổ sung kiến thức lý luận, cung cấp kiến thức thực tiễn cho học viên nhằm đảm bảo thực hiện tốt phương châm “gắn lý luận với thực tiễn”, “học đi đôi với hành”. Từ đó, giúp học viên tích lũy kinh nghiệm, vận dụng có hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, cơ quan, đơn vị công tác.
Thực hiện kế hoạch số 75-KH/TrCT ngày 09/4/2024 của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá về việc tổ chức nghiên cứu thực tế của lớp TCLLCT tập trung A6. K51, ngày 13-14/4/2024, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Tạ Văn Hưng - Phó trưởng Khoa Lý luận cơ sở, Trưởng đoàn, cô giáo Nguyễn Thị Phương - Giáo viên chủ nhiệm lớp cùng một số thầy cô giáo khoa Lý luận cơ sở, phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, học viên lớp A6.K51 đã tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực tế tại xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn.
Với tất cả sự nhiệt tình, trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng về với địa phương, cơ sở, theo lịch trình, đúng 07 giờ 15 phút, đoàn NCTT lớp A6.K51 chúng tôi đã xuất phát từ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá về với quê hương Thọ Vực, huyện Triệu Sơn trong niềm hân hoan rạng rỡ hiện trên từng khuôn mặt.
Triệu Sơn là một huyện bán sơn địa cách thành phố Thanh Hoá khoảng 24 km về phía Tây, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Trong những năm qua, với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Đảng bộ và nhân dân huyện Triệu Sơn đã luôn chủ động, sáng tạo trong việc nghiên cứu, lựa chọn nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hiệu quả để đạt được nhiều thành quả đáng trân trọng. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến bộ mặt, diện mạo của địa phương đã thay đổi, phát triển toàn diện.
Địa điểm đầu tiên đoàn chúng tôi dừng chân khi đến huyện Triệu Sơn đó là Uỷ ban nhân dân xã Thọ Vực – một xã điển hình về các mô hình xây dựng nông thôn mới đã và đang được các địa phương trong và ngoài tỉnh học tập.
Lần đầu tiên đặt chân đến xã Thọ Vực, tôi vô cùng bất ngờ bởi cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm và cảnh quan nơi đây. Một xã vùng nông thôn nhưng vô cùng khang trang, thông thoáng, sạch đẹp. Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn cả đó là sự chào đón niềm nở, hồ hởi, phấn khởi của các đồng chí lãnh đạo địa phương và cán bộ đang công tác nơi đây. Sự chuẩn bị chu đáo cho buổi làm việc, những cái bắt tay, những câu chào hỏi thân tình thể hiện sự mến khách của cán bộ khiến mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi không khỏi xúc động.
Trước khi vào làm việc với chính quyền xã, đoàn chúng tôi đã được đồng chí Lê Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã đưa đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được xây dựng khang trang, rộng rãi và đặt ngay trong khuôn viên công sở xã. Một lần nữa các thầy cô giáo và học viên chúng tôi lại được kính cẩn, nghiêng mình trước sự hy sinh lớn lao, cao cả của các thế hệ cha ông vì độc lập, tự do của dân tộc.
Tại buổi làm việc, đoàn chúng tôi đã được nghe báo cáo của Ban chỉ đạo Nghị quyết số 12 của Huyện uỷ Triệu Sơn về kết quả và kinh nghiệm trong vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện.
Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, ngày 22/7/2022, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn đã ban hành Nghị quyết số 12 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đối với vận động nhân dân hiến đất, để mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện; Đề án số 02 - ĐA/HU ngày 22/7/2022 để HĐND huyện ban hành Nghị quyết khuyến khích, hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách của huyện cho các xã, thị trấn có thêm nguồn lực để vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Với mục tiêu phục vụ lợi ích thiết thực, lâu dài cho người dân, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị, việc áp dụng các phương pháp tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng gia đình, từng đối tượng cụ thể trên tinh thần dân chủ, tập hợp, lấy sức dân để lo cho dân, đảm bảo hài hoà giữa lợi ích xã hội và người dân; kết hợp nguồn lực hỗ trợ, đầu tư từ Ngân sách Nhà nước với đóng góp của nhân dân; kết hợp nhân hiến đất mở rộng đường giao thông với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo định hướng phát triển đô thị.
Công tác tuyên truyền, vận động người dân đã tạo được sự đồng thuận cao, sự hưởng ứng tích cực trong toàn thể nhân dân. Kết quả, tính đến 25/3/2024, toàn huyện đã hiến được trên 462 km các tuyến đường, diện tích hiến đất trên 48,9 ha với số thôn đã thực hiện hiến đất 25/254 thôn trong huyện.
Tiếp theo là báo cáo của đồng chí Lê Đình Toàn - Chủ tịch UBND xã chia sẻ về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng Chính quyền thân thiện xã Thọ Vực. Nhận thức được vai trò là một trong những xã điểm của huyện Triệu Sơn về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các địa phương nhân rộng mô hình, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Uỷ ban nhân xã Thọ Vực, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Chính trị - xã hội đã cụ thể hoá thành các chương trình kế hoạch, thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chung sức đồng lòng trong việc cùng chung tay đóng góp, xây dựng địa phương trở nên giàu đẹp. Kết quả, năm 2016, xã Thọ Vực đã được Uỷ ban nhân tỉnh Thanh Hoá công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2021 được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2023 được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” tại địa phương đã được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo nên sự hài lòng của nhân dân với tỷ lệ đạt 100%. Từ đó, giúp họ viên chúng tôi nhận thức được rằng, với cương vị là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”, mỗi chúng tôi cần phải thực hiện tốt “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn), “3 không” (không phiền hà, sách nhiễu; không né tránh trách nhiệm; không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc), “4 thể hiện” (tôn trọng trong giao tiếp; văn minh, văn hoá, lịch sự trong giải quyết công việc; gần gũi, giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân), thực hiện nhiệm vụ trên nguyên tắc “công khai, minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả”.
Để cảm nhận hơn một cách rõ nét hơn về một trong những mô hình hay đã được xây dựng tại xã Thọ Vực, theo chân các đồng chí lãnh đạo địa phương, đoàn chúng tôi đã xuống thăm Thôn 6, một mô hình thôn “sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”. Chúng tôi thực sự bất ngờ khi được gặp gỡ, trực tiếp trao đổi, trò chuyện với bác Trưởng thôn-thôn 6 xã Thọ Vực. Ở độ tuổi đã ngoài 70, nhưng với trình độ, kinh nghiệm, sự nhiệt tình, trách nhiệm của một Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, bác đã cùng với lãnh đạo xã Thọ Vực gánh vác nhiệm vụ ở thôn và chỉ đạo thực hiện một cách sáng tạo, hiệu quả.
Sau khi thăm quan một số mô hình phát triển kinh tế của địa phương, đoàn chúng tôi lại hành trình về với Đền Nưa – Am Tiên, Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chống giặc Ngô vào năm 248 đã đi vào lịch sử dân tộc.  Hình ảnh Bà Triệu đã in đậm trong tâm tư tình cảm mỗi người dân Việt Nam như một huyền thoại, một chiến công vang dội tạo nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Công lao to lớn của những người phụ nữ được lưu lại sử sách để các thế hệ con cháu noi theo.
Sau hơn 3 tiếng tham quan, làm việc, đoàn chúng tôi phải tạm chia tay Thọ Vực với dấu ấn đặc biệt thú vị. Hành trình nghiên cứu thực tế tại địa phương là sự kết nối yêu thương giữa học viên trong lớp, giữa thầy và trò, giữa nhà trường với địa phương, cở sở. Sự chân thành, thân thiện và mến khách của lãnh đạo, cán bộ và nhân dân xã Thọ Vực đã để lại cho Đoàn nhiều tình cảm và sự trân trọng. Những chia sẻ, bộc bạch của các đồng chí trong buổi làm việc là những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu giúp bồi đắp, phong phú thêm kiến thức, kỹ năng để mỗi học viên chúng tôi vận dụng linh hoạt, sáng tạo lý luận vào thực tiễn công tác tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương./.

Học viên: Vũ Thị Lan
Lớp: TCLLCT A6.K51
Đơn vị công tác: Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hóa
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2194
Hôm qua:
1987
Tuần này:
4181
Tháng này:
29522
Tất cả:
4.898.171