THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Đẩy mạnh chuyển đổi số tại thành phố Sầm Sơn

Đăng lúc: 16:48:10 16/01/2025 (GMT+7)362 lượt xem

 Những kết quả của công tác chuyển đổi số ở thành phố Sầm Sơn là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của sự đổi mới và quyết tâm hội nhập thời đại số. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo sáng suốt của chính quyền, sự đồng lòng của doanh nghiệp và người dân, Sầm Sơn nhất định sẽ trở thành đô thị thông minh kiểu mẫu của tỉnh Thanh Hóa để khẳng định khát vọng về một “Sầm Sơn đột phá công nghệ, vươn tầm thế giới”.
s1.png

Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực tham gia hoạt động chuyển đổi số
cho thanh thiếu niên thành phố Sầm Sơn
 
Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW. Nghị quyết nêu rõ: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yếu tố sống còn để các địa phương phát triển bền vững, trong đó có thành phố Sầm Sơn, một đô thị du lịch nổi tiếng của tỉnh Thanh Hoá với khát vọng vươn tầm, đang từng ngày đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sống của người dân, thúc đẩy kinh tế, và xây dựng hình ảnh một đô thị thông minh, năng động.
Trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, TP Sầm Sơn đã thực hiện chuyển đổi số với những kết quả đáng phấn khởi. Để giám sát và điều hành các hoạt động đô thị, bao gồm an ninh, giao thông và các dịch vụ công, TP Sầm Sơn đã triển khai Trung tâm Điều hành Đô thị Thông minh (IOC) gồm hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh an toàn, hệ thống phản ánh hiện trường, hệ thống giám sát thông tin báo chí và truyền thông, hệ thống cổng thông tin du lịch, hệ thống cảnh báo cháy nhanh, hệ thống cảnh báo thiên tai, hệ thống Wifi công cộng, hệ thống nhắn tin chào mừng du khách; đồng thời, triển khai tích hợp hệ thống ứng dụng CNTT của thành phố về Trung tâm điều hành thông minh.
Thời gian qua, Thành phố đã cung cấp hơn 90 % thủ tục hành chính trực tuyến ở mức độ 3 và 4, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và dễ dàng tiếp cận dịch vụ hành chính công; triển khai các hệ thống thanh toán điện tử cho giáo dục và y tế; cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, tạo nền tảng vững chắc để phát triển xã hội số.
Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn TP Sầm Sơn áp dụng mô hình giáo dục thông minh, dạy học trực tuyến và quản lý học sinh bằng phần mềm. Hồ sơ sức khỏe được triển khai, giúp người dân dễ dàng truy cập và quản lý thông tin y tế cá nhân. Hệ thống đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, giảm thời gian chờ đợi tại các cơ sở y tế. 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP Sầm Sơn đã áp dụng nền tảng số trong kinh doanh. Ngoài ra, thành phố đã lắp đặt mạng Wi-Fi công cộng tại các khu vực trọng điểm như bãi biển, khu du lịch và trung tâm thành phố, giúp tăng cường kết nối công nghệ cho cả người dân và du khách. Bên cạnh đó, TP khuyến khích sử dụng thanh toán không tiền mặt, tăng mức độ tiện lợi và minh bạch trong các giao dịch.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, quá trình chuyển đổi số tại TP Sầm Sơn vẫn gặp một số khó khăn, như: hạ tầng chưa đồng bộ; một số khu vực xa Trung tâm thành phố vẫn chưa được kết nối hạ tầng công nghệ hiện đại; thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin và chưa được đào tạo bài bản; nhận thức của người dân chưa đồng đều; một bộ phận người dân, đặc biệt là người cao tuổi và các doanh nghiệp truyền thống vẫn chậm thích nghi với chuyển đổi số. Nguồn lực tài chính của Tp Sầm Sơn còn hạn chế, trong khi việc đầu tư phát triển công nghệ đòi hỏi kinh phí lớn, gây khó khăn cho quá trình triển khai các dự án quy mô.
Những thách thức nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như: các ban chỉ đạo chuyển đổi số tại cấp xã, phường chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, thói quen làm việc truyền thống khiến nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh chậm thích nghi với các nền tảng số. Ngoài ra, nhóm đối tượng người cao tuổi, người lao động trong các lĩnh vực ít tiếp cận công nghệ (như nông nghiệp, làng nghề) còn hạn chế về nhận thức và kỹ năng số. Đội ngũ thanh thiếu niên - lực lượng nòng cốt cho quá trình này chưa được tận dụng hiệu quả. Hơn nữa, nguồn lực tài chính và trang thiết bị công nghệ để triển khai chuyển đổi số vẫn còn nhiều bất cập.
s2.png

Công an phối hợp với đoàn thanh niên phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn
hướng dẫn và kích hoạt định danh điện tử cho người dân
 
Để vượt qua những thách thức, khắc phục những khó khăn, TP. Sầm Sơn cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng lộ trình chi tiết và đồng bộ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần định hướng rõ ràng, triển khai các kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với đặc điểm từng khu vực, từng giai đoạn; tiến hành khảo sát và đánh giá hiện trạng hạ tầng, nhận thức và năng lực của các bên liên quan, từ đó xây dựng một kế hoạch chuyển đổi số tổng thể. Lộ trình phải bao gồm các yếu tố như phát triển hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ mới và phát triển các dịch vụ công trực tuyến. Các giải pháp phải được triển khai theo từng giai đoạn, kết hợp với đánh giá, điều chỉnh và cải tiến liên tục để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững. Đồng thời, cần có sự tham gia đồng bộ của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
Thứ hai, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu. Theo đó, cần chú trọng nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đồng thời, tận dụng lực lượng Đoàn thanh niên làm tiên phong trong triển khai chuyển đổi số, như: tham gia tổ chuyển đổi số tại các xã, phường; lực lượng thanh niên tại thôn, khu phố tham gia tổ công nghệ số cộng đồng từ đó làm cơ sở phát triển lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Đẩy mạnh truyền thông, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của chuyển đổi số, từ đó tạo sự đồng lòng và tham gia tích cực hơn. Để đạt được hiệu quả cần có sự tham gia đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố.
Thứ tư, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và huy động các nguồn lực tài chính để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, bền vững. Cần tập trung xây dựng mạng lưới công nghệ hiện đại, đảm bảo kết nối Internet tốc độ cao và đồng bộ cơ sở dữ liệu. Cần triển khai các hệ thống quản lý thông minh, ứng dụng công nghệ tiên tiến như IoT và AI để nâng cao hiệu quả quản lý và dịch vụ. Đồng thời, phải đầu tư vào trang thiết bị phù hợp cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế số và xã hội số.
Chuyển đổi số tại TP. Sầm Sơn là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của sự đổi mới và quyết tâm hội nhập thời đại số. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo sáng suốt của chính quyền, sự đồng lòng của doanh nghiệp và người dân, Sầm Sơn nhất định sẽ trở thành đô thị thông minh kiểu mẫu của tỉnh Thanh Hóa để khẳng định khát vọng về một “Sầm Sơn đột phá công nghệ, vươn tầm thế giới”./.
 
Học viên: Nguyễn Thị Huệ
Lớp: TCLLCT A3.K52
Đơn vị công tác: UBND phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn
 
-----------------------
Tài liệu tham khảo
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị
- Báo cáo Kết quả sơ kết 06 tháng thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn TP Sầm Sơn
- http//thanhhoa.dcs.vn
- Baothanhhoa.vn
Số lượt truy cập
Hôm nay:
344
Hôm qua:
1796
Tuần này:
6446
Tháng này:
65160
Tất cả:
5.070.033