HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình trọng tâm về công tác xây dựng Đảng của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025

Đăng lúc: 13:44:54 02/02/2021 (GMT+7)480 lượt xem

Bùi Thị Thu
Trưởng Khoa Lý luận cơ sở
 
Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở - đây là điều luôn được Đảng ta nhất quán khẳng định và quy định rõ trong Điều lệ Đảng. Việc chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, trong sạch, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng chính là chăm lo xây dựng nền tảng của Đảng, tạo tiền đề, bảo đảm điều kiện để giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng ngay từ cơ sở. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng là để góp phần giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.
Quán triệt sâu sắc các quan điểm lý luận; đồng thời từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX xác định, việc “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ” [1] là một Chương trình trọng tâm. Thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình này, nhằm tạo bước đột phá để đạt đích đến năm 2025 trở thành tỉnh trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước và là một cực tăng trưởng mới. Tuy nhiên để Chương trình đó thực hiện đem lại hiệu quả cao và thiết thực, một trong những yêu cầu cần thiết là phải nắm vững lý luận của công tác xây dựng Đảng kiểu mới để linh hoạt vận dụng thực sự có hiệu quả.  
Lý luận về công tác xây dựng Đảng kiểu mới và thực tiễn của công tác này đều chỉ rõ, năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng được tạo nên từ yếu tố nội sinh; từ sự phấn đấu của chính tổ chức cơ sở đảng trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo. Năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng chính là năng lực thực hiện các khâu, các bước trong quy trình lãnh đạo nhằm đạt hiệu quả cao trong thực tiễn, trước hết và trực tiếp từ việc ra nghị quyết lãnh đạo kịp thời, phù hợp; từ khâu tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và sơ, tổng kết việc thực hiện nghị quyết. Sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng trước hết được biểu hiện ở trình độ giác ngộ, bản lĩnh chính trị vững vàng của tổ chức đảng và khả năng khắc phục những biểu hiện tiêu cực, sai trái, những hạn chế, khuyết điểm của tổ chức cơ sở đảng, của cơ quan, đơn vị và mọi đảng viên. Nhất là, trong điều kiện hiện nay, cấp ủy, đảng viên của tổ chức cơ sở đảng phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ bên ngoài; kiên định ủng hộ cái đúng, cái mới, cái tiến bộ, bảo vệ nền tảng lý luận và đường lối quan điểm của Đảng; bảo vệ sự nghiệp đổi mới đất nước. Hơn thế còn phải là một tổ chức đảng đoàn kết, kỷ luật và giữ nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Cán bộ, đảng viên phải luôn tiền phong, gương mẫu, có ý chí quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng là nhiệm vụ mang tính quy luật, là yêu cầu tất yếu khách quan của công tác xây dựng Đảng ngay từ cơ sở. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải được tiến hành ở mọi khâu, bước, các mối quan hệ trong lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng. Do vậy không thể tách rời nhiệm vụ sắp xếp bộ máy và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ. Hoạt động đó phải được thực hiện với nhiều biện pháp.
Hiện nay, để thực hiện có chất lượng, hiệu quả Chương trình trọng tâm về “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ” được Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX xác định. Theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp uỷ cơ sở về vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng; yêu cầu khách quan của việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay.
 Tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của các cấp uỷ, nhất là cấp uỷ cơ sở về vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng; yêu cầu khách quan của việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ. Mọi đảng viên của tổ chức cơ sở đảng cần nhận thức đúng vai trò là hạt nhân chính trị, là trung tâm đoàn kết ở cơ sở của tổ chức cơ sở đảng. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và xây dựng đội ngũ cán bộlà điều kiện để các đơn vị cơ sở thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Từ đó xác định trách nhiệm chính trị đúng đắn của tổ chức, cá nhân. Chú trọng giáo dục cho cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; về chất lượng cấp ủy viên, chất lượng cán bộ, đảng viên là yếu tố quyết định đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Nắm vững các yếu tố tác động đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Đồng thời, cấp ủy các cấp cần phải nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo thực hiện các nội dung, biện pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và công tác cán bộ. Cán bộ, đảng viên phải đề cao trách nhiệm nghiên cứu, học tập, vận dụng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, các nghị quyết của cấp uỷ vào thực tiễn công tác. Cấp ủy cơ sở cần tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nhằm tạo sự thống nhất và đồng thuận trước những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo. Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành các nguyên tắc, quy định về sinh hoạt đảng. Đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng. Phải thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đề cao trách nhiệm của cấp ủy trong đấu tranh ngăn chặn các tiêu cực, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Tổ chức đảng, các cấp uỷ phải duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt, học tập trong Đảng theo quy định.
Hai là, kịp thời kiện toàn tổ chức đảng, nhất là các chi bộ; chú trọng chăm lo xây dựng các chi bộ trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo.
Kiện toàn tổ chức của Đảng, trực tiếp là chi bộ phải coi trọng xây dựng cấp ủy vững mạnh, lựa chọn cấp ủy viên phái đúng tiêu chuẩn, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đây là vấn đề quan trọng, như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Mỗi cấp uỷ đảng phải là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy phong trào cách mạng sôi nổi tiến lên”[2]. Duy trì và thực hiện nghiêm các khâu, các bước trong tiến trình lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng. Muốn vậy, cấp uỷ cơ sở phải trực tiếp dự thảo, hoàn chỉnh nghị quyết; quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết; thường xuyên nắm tình hình, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện nghị quyết. Tổ chức đảng cần duy trì nghiêm các nguyên tắc tổ chức, chế độ sinh hoạt Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; kịp thời giải quyết các mối quan hệ của tổ chức cơ sở đảng và đơn vị, đoàn thể.
Có biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Phải dựa vào tiêu chuẩn quy định trong Điều lệ Đảng, bám sát chức năng, nhiệm vụ, tình hình của cơ quan, đơn vị để bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của đảng viên. Thực hiện tốt việc phân loại đảng viên hàng năm, gắn phân loại đảng viên với phân loại cán bộ. Quản lý chặt chẽ chất lượng đảng viên, coi trọng quản lý tư tưởng, động cơ, thái độ chính trị trong thực hiện nhiệm vụ. Cấp ủy phải bám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị để đánh giá chính xác phẩm chất, năng lực của đảng viên, trên cơ sở đó có biện pháp giáo dục, quản lý, bồi dưỡng phù hợp. Kết hợp tốt giữa công tác giáo dục với rèn luyện đảng viên thông qua thực tiễn công tác. Các chi bộ cần phân công cụ thể nhiệm vụ cho mỗi cấp ủy viên phụ trách từng mặt công tác, phân công đảng viên thực hiện nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của bản thân. Đồng thời, thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát đảng viên về việc chấp hành và giữ nghiêm kỷ luật Đảng theo đúng Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp uỷ cấp trên. Quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đặt chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi bộ là cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Trong sinh hoạt, từng chi bộ cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung sinh hoạt sát với đặc điểm lãnh đạo của từng tổ chức đảng; coi trọng chất lượng của công tác quản lý đảng viên.
Coi trọng kiện toàn uỷ ban kiểm tra cấp uỷ; phân công trách nhiệm rõ ràng cho các uỷ viên. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ này. Duy trì nghiêm chế độ kiểm tra, giám sát, kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra và giám sát. Kết hợp tốt giữa công tác kiểm tra với nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên và kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên. Đi sâu kiểm tra về chấp hành nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, nghị quyết của tổ chức cơ sở đảng, về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, gắn kiểm tra với chống tham nhũng, tiêu cực trong đảng bộ, chi bộ.
Ba là, nâng cao chất lượng và ban hành các Nghị quyết, các kết luận của tổ chức cơ sở đảng; tổ chức tốt việc thực hiện và đánh giá, sơ kết, tổng kết nghị quyết.
Để các nghị quyết, các kết luận của tổ chức cơ sở đảng thực sự có chất lượng, sát với nhiệm vụ lãnh đạo, cấp uỷ cơ sở cần chấp hành đúng nguyên tắc lãnh đạo; nghiêm túc thực hiện các bước, khâu trong ban hành. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện từng khâu. Khi nghị quyết, kết luận đã được ban hành phải được quán triệt đầy đủ; phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Gắn trách nhiệm thực hiện nghị quyết, kết luận với từng mặt công tác của mỗi thành viên cấp uỷ. Giải quyết tốt các mối quan hệ giữa cấp uỷ với  các tổ chức chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận. Giải quyết tốt các mối quan hệ công tác của cấp ủy với các tổ chức đoàn thể. Bí thư cấp uỷ, chi bộ cần nêu cao tính Đảng, tinh thần tự phê bình và phê bình trong lãnh đạo; gương mẫu chấp hành các nguyên tắc, quy định; thực hiện tốt dân chủ trong Đảng.
Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng ở cơ sở tham gia công tác xây dựng đảng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và công tác cán bộ
 Đối với đảng ủy cấp trên, thường xuyên có nghị quyết đúng đắn để các tổ chức cơ sở đảng quán triệt, cụ thể hóa sát với yêu cầu lãnh đạo nhiệm vụ chính trị được giao. Đảng ủy phải nắm chắc chất lượng lãnh đạo, chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, chất lượng đảng viên để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo kịp thời. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc giáo dục nâng cao nhận thức cho cấp ủy, đảng viên, việc quán triệt và cụ thể hóa nghị quyết của cấp trên, chấp hành các nguyên tắc, chế độ quy định của các tổ chức cơ sở đảng bảo đảm cho các tổ chức cơ sở đảng chấp hành nghiêm túc, thực hiện có chất lượng. Đảng ủy phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, xây dựng và củng cố sự đoàn kết trong cấp ủy, giữa lãnh đạo và chỉ huy tạo ra sự đoàn kết, nhất trí cao trong các tổ chức cơ sở đảng. Đảng ủy quan tâm xây dựng đội ngũ bí thư, cán bộ chủ trì có đủ phẩm chất, năng lực, thật sự là trung tâm đoàn kết, là “linh hồn” của tổ chức cơ sở đảng.
Đối với các đoàn thể quần chúng, cần nghiên cứu nắm chắc các quy định, hướng dẫn về xây dựng tổ chức cơ sở đảng; nắm vững trách nhiệm của tổ chức mình về tham gia xây dựng Đảng và công tác cán bộ để hướng dẫn thực hiện nghiêm túc, đúng đắn. Tích cực tham gia phản biện và chủ động tham mưu cho cấp ủy cơ sở về các chủ trương, biện pháp lãnh đạo phù hợp và hiệu quả. Tăng cường các hoạt động giám sát, nhất là về công tác cán bộ, nhận xét đánh giá đảng viên của tổ chức cơ sở đảng. Tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên và  quần chúng, nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác xây dựng đảng, vai trò tham gia xây dựng Đảng. Nhất là, việc nâng cao nhận thức về các quy định, quy trình trong tham gia xây dựng Đảng; quy trình, cách thức tham gia góp ý đối với  cán bộ, đảng viên. Chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên làm cơ sở vững chắc trong tham gia xây dựng Đảng.
Tóm lại, việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng là cách thức tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ và là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng cần được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc với nhiều nội dung cụ thể và bằng các biện pháp linh hoạt , quyết liệt; song cần chú trọng những vấn đề mang tính trọng tâm. Bám sát tinh thần này, chúng tôi mạnh dạn trao đổi những nội dung trên./.

[1] Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, Xb 2020, tr.87.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.1996, tập 10, tr.205.
 
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
95
Hôm qua:
1983
Tuần này:
10408
Tháng này:
42054
Tất cả:
4.406.934