Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào việc rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
Đăng lúc: 15:41:19 08/07/2025 (GMT+7)21 lượt xem
Trong bối cảnh đẩy mạnh công tác chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII, việc thấm nhuần và thực hành những chỉ dẫn trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa rèn luyện đạo đức, nâng cao trách nhiệm, hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại hội Chi bộ khoa Xây dựng Đảng, nhiệm kỳ 2025 - 2027
Đạo đức cách mạng luôn là yếu tố cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên suốt trong suốt quá trình Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947) là một văn kiện quan trọng, thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, nội dung và phương pháp thực hiện tự phê bình và phê bình. Tác phẩm ra đời trong bối cảnh Đảng đang lãnh đạo toàn dân tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp, yêu cầu chỉnh đốn tổ chức, nâng cao đạo đức và hiệu quả hoạt động trong nội bộ cán bộ, đảng viên trở nên cấp bách.
Ngay từ phần mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm thì kiên quyết sửa chữa...”[1]. Người cho rằng, tự phê bình và phê bình chính là "vũ khí sắc bén để tăng cường sức mạnh nội bộ Đảng". Đó không chỉ là một nguyên tắc tổ chức của Đảng mà còn là một chuẩn mực đạo đức, giúp cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình
Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc cho thấy Hồ Chí Minh nhìn nhận tự phê bình và phê bình một cách toàn diện và nhân văn. Theo Người, sai lầm, khuyết điểm là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu cán bộ, đảng viên không dám nhìn nhận, không có quyết tâm sửa chữa thì đó mới là điều nguy hại. Người viết: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[2]Để Đảng mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải xem tự phê bình là việc làm thường xuyên như “mỗi ngày rửa mặt”, từ đó nhận ra hạn chế để kịp thời điều chỉnh.
Hồ Chí Minh cũng khẳng định: tự phê bình và phê bình không nhằm trừng phạt hay hạ thấp uy tín mà nhằm mục đích xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ. Phê bình đúng là phải chỉ rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, với tinh thần chân thành, xây dựng, tuyệt đối tránh các biểu hiện mỉa mai, công kích cá nhân, hoặc lợi dụng phê bình để trả đũa.
Nội dung, mục đích và phương pháp thực hiện tự phê bình và phê bình
Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ: “Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình”; “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình”; “Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau” [3].Mục đích là để sửa đổi, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới lề lối công tác, góp phần xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất.
Người nhấn mạnh, muốn phê bình đúng phải có thái độ đúng. Phê bình phải gắn với tình thương yêu đồng chí, tôn trọng lẫn nhau, khơi dậy trách nhiệm, tránh làm tổn thương hay gây tâm lý sợ hãi. Đặc biệt, Người cảnh báo: nếu không dân chủ, không gương mẫu từ người đứng đầu, sẽ dẫn đến tình trạng “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, gây mất đoàn kết, suy giảm niềm tin trong tổ chức.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
Với chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa có luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ giảng viên, học viên.
Trong những năm qua, việc tổ chức tự phê bình và phê bình được Nhà trường gắn với sinh hoạt chi bộ định kỳ, đánh giá cán bộ hàng năm, đồng thời lồng ghép trong sinh hoạt chuyên môn và các tổ chức hội; qua đó, góp phần xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, đoàn kết, kỷ cương và phát triển. Đặc biệt, việc nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên chủ chốt được xem là nhân tố quan trọng để lan tỏa tinh thần thẳng thắn, cầu thị, xây dựng văn hóa góp ý trong nội bộ nhà trường.
Đối với đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa - những đảng viên, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, thì việc thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là kim chỉ nam trong rèn luyện, phấn đấu. Trong những năm qua, đội ngũ giảng viên Nhà trường luôn nỗ lực tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hiện tốt các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố…”[4], đội ngũ giảng viên Nhà trường nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình; đồng thời, xem đây là biện pháp hữu hiệu để mỗi giảng viên tự soi, tự sửa, từ đó giúp đồng chí, đồng nghiệp cùng tiến bộ, góp phần xây dựng tập thể Nhà trường đoàn kết, vững mạnh.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả nguyên tắc này, trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, cấp ủy cần thường xuyên nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trong thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tự phê bình và phê bình là việc làm bắt buộc, thường xuyên của mọi tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên, là quy luật phát triển của Đảng”[5]. Thực tiễn tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa thời gian qua cho thấy, nguyên tắc này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi cấp ủy các cấp nhận thức đúng, đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên.
Nếu cấp ủy, nhất là người đứng đầu, không thấy rõ ý nghĩa, mục đích và giá trị thực tiễn của tự phê bình và phê bình thì sẽ dễ dẫn tới biểu hiện hình thức, chiếu lệ, né tránh khuyết điểm, thậm chí e ngại “mất uy tín”, từ đó làm suy giảm tính chiến đấu của tổ chức đảng. Vì vậy, từ Đảng ủy đến các chi bộ cần thường xuyên tổ chức quán triệt nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, làm rõ mục đích, đối tượng, phương pháp, thái độ khi thực hiện nguyên tắc này.
Khi tổ chức kiểm điểm, sinh hoạt chi bộ định kỳ hay họp toàn trường, cấp ủy cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần tự giác, trách nhiệm của từng cán bộ, giảng viên. Cần thống nhất nhận thức rằng, mục đích tự phê bình và phê bình là giúp nhau cùng tiến bộ, xây dựng đoàn kết nội bộ, chứ không phải để công kích hay “soi xét” cá nhân.
Về cách thức khi thực hiện tự phê bình và phê bình phải theo đúng những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là phải nêu được cả điểm mạnh, điểm yếu. Trong đó phải nêu được điểm tốt, điểm mạnh của cá nhân và tập thể trước; tiếp đó, góp ý những điểm yếu, điểm hạn chế cần khắc phục, sửa chữa trong cả thời gian trước mắt và lâu dài, để tổ chức và cá nhân được phê bình, góp ý tâm phục, khẩu phục; kiên quyết ngăn chặn tình trạng lợi dụng tự phê bình và phê bình để nói xấu, bôi nhọ, đả kích và hạ bệ lẫn nhau hoặc thực hiện mang tính hình thức, đại khái, qua loa.
Đặc biệt, trong các buổi sinh hoạt định kỳ, hội nghị kiểm điểm, cấp ủy, nhất là Bí thư, cần chuẩn bị kỹ lưỡng thông tin, cung cấp đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ để làm cơ sở cho việc đánh giá, góp ý khách quan, đúng người, đúng việc. Có như vậy, nguyên tắc tự phê bình và phê bình mới trở thành động lực thúc đẩy mỗi cán bộ, giảng viên không ngừng tự soi, tự sửa, hoàn thiện bản thân và đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của nhà trường.
Hai là, nâng cao vai trò nêu gương của người đứng đầu, của cấp ủy các cấp trong tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình. Cần thực hiện nghiêm túc các quy định nêu gương của Trung ương, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân hằng năm. Cấp ủy, Bí thư các chi bộ trong nhà trường cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải làm gương trước”[6]. Theo đó, từng cấp ủy viên, nhất là Bí thư Đảng ủy, Bí thư cho bộ khoa, phòng phải gương mẫu đi đầu trong tự phê bình và phê bình; dám nhận khuyết điểm, dám nói sự thật và tích cực sửa chữa. Chính sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo là yếu tố quyết định đến hiệu quả thực chất và sự lan tỏa trong toàn thể cán bộ, giảng viên.
Cần thực hiện nghiêm túc các quy định nêu gương của Trung ương, nhất là Quy định số 101-QĐ/TW, Quy định số 55-QĐ/TW, Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Việc nêu gương không chỉ thể hiện ở lời nói mà cần hành động cụ thể, nhất quán trong công tác, ứng xử, đạo đức, lối sống.
Trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân hằng năm, người đứng đầu cấp ủy phải thẳng thắn, chân thành trong kiểm điểm bản thân, đồng thời chủ động tạo không khí dân chủ, khuyến khích cán bộ, đảng viên đóng góp ý kiến góp phần xây dựng. Tránh tình trạng hình thức, né tránh, ngại va chạm hoặc “đánh trống bỏ dùi” trong nhận lỗi và sửa lỗi.
Đặc biệt, sau phê bình, cần có cam kết và theo dõi việc sửa chữa khuyết điểm, tránh tình trạng hứa suông. Khi người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm, dám thay đổi, tập thể sẽ noi theo và cùng nỗ lực để nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng và hiệu quả công việc.
Ba là, mỗi cán bộ, giảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng cũng như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố”[7], mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cần xem tự phê bình và phê bình là phương pháp tự hoàn thiện hiệu quả, là công cụ để rèn luyện bản lĩnh, nâng cao đạo đức cách mạng và tinh thần trách nhiệm đối với tập thể.
Trong công tác chuyên môn, mỗi giảng viên cần có thói quen tự kiểm điểm sau mỗi ngày làm việc, mỗi tiết giảng, mỗi nhiệm vụ được giao, từ đó rút kinh nghiệm sâu sắc, tránh lặp lại sai sót, phát huy những điểm mạnh, cải thiện những điểm yếu. Việc tự soi, tự sửa không chỉ giúp cá nhân tiến bộ mà còn tạo ra giá trị lan tỏa tích cực trong đội ngũ giảng viên.
Trong sinh hoạt Đảng, mỗi cán bộ, giảng viên phải trung thực, thẳng thắn, cầu thị khi tự kiểm điểm trước chi bộ; đồng thời, cần có tinh thần trách nhiệm trong việc góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp. Phê bình phải đúng người, đúng việc, đúng mục đích - đó là xây dựng, giúp nhau tiến bộ; tránh động cơ cá nhân, không được lợi dụng phê bình để công kích, đả kích hay trù dập lẫn nhau.
Việc phê bình cần được thực hiện theo tinh thần nhân văn, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “phê bình phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, biết lựa chọn ngôn ngữ phù hợp, cách thức góp ý khéo léo để người được góp ý tâm phục, khẩu phục, có động lực sửa chữa và phấn đấu.
Tự phê bình và phê bình sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi được thực hiện thường xuyên, thành tâm, trên tinh thần xây dựng. Đây chính là phương pháp rèn luyện đạo đức cách mạng thiết thực nhất đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường - những người đang trực tiếp làm nhiệm vụ giáo dục, truyền cảm hứng tư tưởng chính trị cho cán bộ trong toàn tỉnh.
Qua tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể khẳng định, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc nền tảng, xuyên suốt trong tư tưởng của Người về xây dựng Đảng. Trong bối cảnh toàn Đảng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Việc thấm nhuần và thực hành tự phê bình, phê bình sẽ giúp mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa rèn luyện đạo đức, nâng cao trách nhiệm, hoàn thiện bản thân, qua đó góp phần xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Th.S Lê Mỹ Dung
GVC Khoa Xây dựng Đảng
--------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-sự thật, Hà Nội, 2011, T. 5, tr. 272 - 273
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-sự thật, Hà Nội, 2011, T. 5, tr.301
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-sự thật, Hà Nội, 2011, T. 5, tr.301
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, H.2011, t.11, tr.612
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, T5, tr.316
[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, T5, tr. 320.
[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, T15, tr. 612.
Các tin khác
- Phong trào thi đua “5 tốt” và hành trình kiến tạo chuẩn mực mới từ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
- Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào việc rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
- Góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng
- Học tập suốt đời - Yêu cầu tất yếu đối với giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
- Sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam là thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân
- Sự cần thiết khách quan phải chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra ở tỉnh Thanh hóa hiện nay
- Vận dụng quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập khi giảng dạy Bài 6 bộ môn Quản lý hành chính nhà nước
- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá tiếp tục phát huy kết quả Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1579
Hôm qua:
1800
Tuần này:
3379
Tháng này:
21705
Tất cả:
5.478.219