THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ, NHIỆM KỲ 2025 - 2030!

Phong trào thi đua “5 tốt” và hành trình kiến tạo chuẩn mực mới từ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 19:18:21 08/07/2025 (GMT+7)0 lượt xem

 Thành công bước đầu của phong trào thi đua “5 tốt” tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa không chỉ khẳng định một cách làm sáng tạo, mà còn mở ra hướng tiếp cận mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị từ vai trò truyền đạt tri thức sang đồng hành cùng thực tiễn, tham mưu và tư vấn cho địa phương.
y1.png

Lễ
khai giảng các lớp Trung cấp lý luận chính trị khoá 52
 
Trong dòng chảy chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, các trường chính trị tỉnh đang đứng trước những yêu cầu đổi mới mang tính toàn diện và đòi hỏi cấp thiết. Khi yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ ngày càng cao về năng lực, phẩm chất và tư duy đổi mới, thì vai trò của các trường Đảng không thể chỉ dừng lại ở chức năng đào tạo, bồi dưỡng theo phương thức truyền thống. Thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng một mô hình tổ chức mang tính chuẩn mực, tính khoa học và khả năng thích ứng linh hoạt với sự phát triển của thời đại để các trường chính trị thực sự trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có tầm nhìn, bản lĩnh, năng lực hành động và phẩm chất phục vụ Nhân dân trong bối cảnh mới.
Từ nền tảng lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đồng thời kế thừa tư duy của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII (Nghị quyết số 26-NQ/TW) ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kết luận 58-KL/TW ngày 12/02/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình đổi mới sáng tạo, trong đó có phong trào thi đua “5 tốt”: Nghiên cứu tốt - Tham mưu tốt - Quản trị tốt - Dạy - học tốt - Tư vấn tốt. Phong trào này được Nhà trường xác định là một chương trình trọng tâm xuyên suốt trong quá trình đổi mới toàn diện các mặt hoạt động của Nhà trường, gắn với các chức năng cốt lõi của trường Đảng. Đây là bước đi kịp thời, đúng hướng, phù hợp với xu thế chung.
y2.png

Đại hội Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
nhiệm
kỳ 2020 - 2025
 
Phong trào thi đua “5 tốt” được Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá triển khai đồng bộ, tạo nên những dấu ấn nổi bật, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Nhà trường.
Thành tựu nổi bật khẳng định tính thực tiễn và hiệu quả của phong trào thi đua này là Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh công nhận đạt chuẩn mức 1, thuộc nhóm các trường chính trị cấp tỉnh dẫn đầu toàn quốc vào ngày 19/5/2023. Trên nền tảng đó, Nhà trường xác định mục tiêu đạt chuẩn mức 2 vào năm 2025 và hướng tới đạt kiểu mẫu trước năm 2030 theo tinh thần chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Kết luận số 729-KL/TU ngày 14/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Thông qua việc triển khai phong trào thi đua “5 tốt”, Nhà trường đã từng bước hình thành và lan tỏa hình ảnh giảng viên trường Đảng, tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu để tiến tới xây dựng cơ quan, đơn vị kiểu mẫu. Quá trình chuyển hóa này bắt đầu từ các nguồn lực của nhà trường và được khẳng định rõ nét ở kết quả xây dựng đội ngũ và chất lượng chuyên môn. Đến nay, Nhà trường có 58/60 (đạt 96,7%) giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 07 tiến sĩ, 03 nghiên cứu sinh; 60/60 giảng viên có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên, trong đó có 57 giảng viên có trình độ Cao cấp lý luận chính trị; 50 giảng viên chính và giảng viên cao cấp (chiếm 83,3%). Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nhà trường có 07 giảng viên tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Học viện, trong đó 05 người đạt xuất sắc. Đây là một minh chứng thuyết phục cho thành công của phong trào thi đua “5 tốt” - dạy-học tốt trong nhà trường.
Phong trào thi đua “5 tốt” ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đã được thể chế hóa thành giá trị cốt lõi, gắn kết chặt chẽ với hoạt động nghiên cứu khoa học, tham mưu thể chế và xây dựng quy chế, quy định của Nhà trường. Trong giai đoạn 2020 - 2025, Nhà trường đã xuất bản 35 đầu sách, tài liệu và thực hiện hàng chục đề tài cấp tỉnh, cùng sự duy trì đều đặn xuất bản Tập san “Nghiên cứu Lý luận & Thực tiễn”; vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ nhiệm kỳ đề ra. Đặc biệt, Nhà trường đã chủ động đề xuất và triển khai các nội dung then chốt trong Kết luận 729-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua đó thể hiện vai trò của Nhà trường không chỉ là nơi thực thi nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng mà còn là chủ thể tham mưu các chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cùng với đó, Nhà trường đã ban hành 36 quy định, quy chế nội bộ để làm công cụ quản lý, quản trị cơ quan.
 y3.png
Học viên Trung cấp lý luận chính trị khoá 52
 
Tuy đạt được những thành tựu rõ nét, quá trình triển khai phong trào “5 tốt” vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức:
Thứ nhất, quá trình chuyển đổi số trong Nhà trường tuy đã được chú trọng và bước đầu triển khai theo Đề án ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2023 - 2025, song thực tế vẫn còn gặp một số khó khăn. Việc triển khai còn chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối giữa các bộ phận, chưa hình thành được hệ thống quản trị thông minh toàn diện. Đây cũng là thách thức chung của nhiều trường chính trị cấp tỉnh trong bối cảnh nguồn lực kỹ thuật, nhân sự chuyên môn sâu và đầu tư cho số hóa còn hạn chế.
Thứ hai, hiệu quả trong công tác quản lý học viên và tổ chức hoạt động tự học vẫn còn những điểm cần tiếp tục củng cố. Việc phát huy vai trò chủ thể của học viên trong học tập, rèn luyện tuy đã được chú trọng, song ở một số lớp vẫn mang tính hình thức. Công tác quản lý lớp, theo dõi quá trình tự học và rèn luyện chưa thật sự gắn kết chặt chẽ, thiếu các cơ chế khuyến khích kịp thời. Điều này phần nào cho thấy nền tảng “lấy học viên làm trung tâm” - một trụ cột quan trọng của mô hình “5 tốt” tuy đã được định hình về mặt lý luận, nhưng vẫn cần thêm thời gian và giải pháp để chuyển hóa thành kỹ năng, thói quen học tập bền vững trong thực tiễn.
Thứ ba, ở một bộ phận cán bộ, giảng viên, tinh thần chủ động trong tham mưu, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy vẫn chưa thật sự nổi bật. Công tác nghiên cứu khoa học tuy đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới ngày càng cao. Đây được xem là “nút thắt tư duy” cần sớm được tháo gỡ để nâng cao chất lượng hai trụ cột quan trọng của phong trào “5 tốt”, đó là “nghiên cứu tốt” và “tham mưu tốt”.
Thứ tư, hoạt động tư vấn chính sách của Nhà trường trong thời gian qua đã có những bước chuyển tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác đầy đủ. Một số đề tài đã bước đầu góp phần kết nối giữa lý luận và thực tiễn, song mức độ ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách của địa phương còn khiêm tốn. Việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị bên ngoài đôi khi còn mang tính thời điểm; trong khi đó, đội ngũ đảm nhiệm công tác phân tích, tư vấn chuyên sâu vẫn cần được kiện toàn hơn nữa.
Thứ năm,tâm lý ngại thay đổi vẫn là lực cản âm thầm trong quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Mặc dù môi trường làm việc tại Nhà trường ngày càng cởi mở và cơ chế khuyến khích đổi mới đã được ban hành, nhưng ở một số bộ phận, sự e dè trước cái mới vẫn còn hiện hữu. Điều này xuất phát từ thói quen làm việc an toàn, tâm lý lo ngại rủi ro, hoặc thiếu tự tin khi triển khai ý tưởng trong thực tế. Nếu không được nhận diện và tháo gỡ kịp thời, những rào cản tâm lý này có thể ảnh hưởng đến sự lan tỏa của đổi mới sáng tạo và hạn chế tính chủ động từ bên trong đội ngũ.
Để phong trào thi đua “5 tốt” thực sự trở thành nền tảng bền vững, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng, cần có những giải pháp đồng bộ, gắn kết từ thể chế, văn hóa, con người đến công nghệ. Theo đó, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa có thể chủ động đề xuất, thử nghiệm một số hướng đi sau đây nhằm tạo tiền đề cho đổi mới sâu rộng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Một là, chú trọnghoàn thiện nền tảng chuyển đổi số theo hướng mở, linh hoạt và có khả năng liên thông hiệu quả. Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị sẽ khó đạt hiệu quả nếu hệ thống quản trị vẫn vận hành theo lối truyền thống. Chuyển đổi số không chỉ là việc đầu tư trang thiết bị, mà cần được nhìn nhận như một tư duy mang tính hệ thống. Theo đó, rất cần có sự định hướng thống nhất từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Nội vụ thông qua một khung hướng dẫn chung, nhằm từng bước xây dựng “hệ sinh thái số mở” cho toàn hệ thống trường chính trị. Trên cơ sở đó, Nhà trường cần ưu tiên tích hợp các lĩnh vực như: quản lý học viên, học liệu điện tử, dạy học trực tuyến, kiểm tra – đánh giá, và kết nối dữ liệu với các cấp tỉnh và Trung ương. Đồng thời, cần quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật số và bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và bộ phận hỗ trợ kỹ thuật.
Hai là, tiếp tục triển khai mô hình “Tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu” theo hướng thực chất và có chiều sâu, trong đó vai trò đồng hành của giảng viên được phát huy tối đa. Mô hình này nhằm tạo môi trường để học viên được tham gia tích cực vào tổ chức lớp, phản biện nội dung học tập, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chủ nhiệm lớp - người giữ vai trò như một “cố vấn học tập” gần gũi. Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống đánh giá linh hoạt, có sự tương tác hai chiều giữa học viên, giảng viên và cơ quan cử đi học. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm, khơi dậy tinh thần tự học, tự rèn luyện một cách chủ động và bền vững.
Ba là, tiếp tục tạo điều kiện để mở rộng không gian sáng tạo trong hoạt động chuyên môn của các khoa, bộ môn. Nhà trường có thể duy trì việc khơi gợi và khích lệ các khoa chuyên môn, giảng viên chủ động đề xuất những ý tưởng cải tiến nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy theo hướng phù hợp với thực tiễn. Những đề xuất khả thi nên được tạo điều kiện thử nghiệm trong phạm vi nhỏ, thời gian ngắn như một cách làm linh hoạt ban đầu. Việc đánh giá nên chú trọng hiệu quả thực tiễn, qua đó từng bước hình thành động lực đổi mới từ chính nội lực và kinh nghiệm thực hành của đội ngũ.
Bốn là, nâng cao vai trò tư vấn chính sách như một chức năng trọng tâm. Trong bối cảnh hiện nay, Trường Chính trị không chỉ là nơi đào tạo, mà cần dần đảm nhiệm vai trò là “trung tâm trí tuệ” của địa phương. Muốn vậy, cần có cơ chế phối hợp ổn định với các cấp ủy, chính quyền, sở, ngành trong việc tiếp nhận, đặt hàng và sử dụng các sản phẩm nghiên cứu. Đồng thời, từng bước xây dựng bộ phận tư vấn chính sách chuyên trách, đủ năng lực tổng hợp thông tin, phân tích và đưa ra các khuyến nghị có cơ sở. Những hình thức như hội nghị tư vấn chuyên đề, đối thoại khoa học định kỳ giữa Nhà trường và các cơ quan hoạch định chính sách nên được thể chế hóa thành hoạt động thường xuyên.
Năm là, tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo đã được Nhà trường ban hành. Việc xây dựng quy chế khuyến khích đổi mới sáng tạo là bước đi rất kịp thời, thể hiện sự chủ động và quyết tâm đổi mới từ bên trong. Trong thời gian tới, để cơ chế này thực sự đi vào chiều sâu, Nhà trường có thể tiếp tục hoàn thiện quy trình thử nghiệm, đánh giá và nhân rộng các sáng kiến phù hợp; đồng thời tăng cường truyền thông nội bộ để tạo sự lan tỏa và đồng thuận. Việc ghi nhận, tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp sáng tạo cần được thực hiện thường xuyên, góp phần nuôi dưỡng tinh thần đổi mới trở thành nét văn hóa đặc trưng của môi trường trường Đảng hiện đại.
Thành công bước đầu của phong trào thi đua “5 tốt” tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa không chỉ khẳng định một cách làm sáng tạo, mà còn mở ra hướng tiếp cận mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị từ vai trò truyền đạt tri thức sang đồng hành cùng thực tiễn, tham mưu và tư vấn cho địa phương. Để phong trào này thực sự trở thành động lực phát triển bền vững, rất cần sự chung sức, đồng lòng của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các khoa, phòng và toàn thể cán bộ, giảng viên. Trên hết, đó là sự nuôi dưỡng tinh thần đổi mới từ chính mỗi người, để “5 tốt” không chỉ là một phong trào thi đua, mà trở thành nét văn hóa học thuật, lan tỏa mạnh mẽ trong hành trình phát triển Nhà trường thời kỳ mới./.
ThS. Nguyễn Thị Yến
GVC Khoa Nhà nước & Pháp luật
 
--------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa khóa VIII, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ khóa IX, 2025 - 2030.
[2] Kết luận số 729-KL/TU ngày 14/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
[3] Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn.
[4] Website Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (www.hcma.vn).
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1773
Hôm qua:
1800
Tuần này:
3573
Tháng này:
21899
Tất cả:
5.478.413