NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Cách mạng Tháng Mười Nga - Sức sống mãnh liệt đối với cách mạng Việt Nam

Đăng lúc: 17:09:14 05/11/2019 (GMT+7)663 lượt xem

ThS. Lê Na
Khoa Xây dựng Đảng
          Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp vô sản Nga tiến hành, đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Nga Xô viết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Đây là một sự kiện trọng đại trong tiến trình lịch sử của nhân loại, mở ra thời kỳ phát triển mới của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như phong trào giải phóng dân tộc. Từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của loài người, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực, có sức mạnh vô cùng to lớn, lôi cuốn các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
          Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, cung cấp những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Sau thành công của Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, nhất là đã huy động được lực lượng vật chất và tinh thần đánh thắng liên minh các thế lực đế quốc trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, các thế lực phát xít tàn bạo trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong hơn bảy mươi năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội trên quy mô lớn với trình độ hiện đại, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Với sự lớn mạnh toàn diện, chủ nghĩa xã hội có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị thế giới, đóng vai trò quan trọng vào sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
          Tuy nhiên, từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bước vào thời kỳ khủng hoảng, rồi sụp đổ trong những năm 1989 - 1991. Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội mà là sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội giáo điều, xơ cứng, chậm thay đổi trước những biến chuyển to lớn của thời cuộc; khi cải tổ, cải cách lại xa rời các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội. Sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Xôviết xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan lẫn khách quan, đã tác động rất sâu sắc đến mọi mặt của đời sống chính trị thế giới, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận động và phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới. Nhưng chính từ thực tiễn đó đã để lại những bài học quý giá, là cơ hội cho mỗi quốc gia nhận thức rõ hơn, đúng hơn quy luật vận động, phát triển lên chủ nghĩa xã hội, phù hợp với đặc điểm dân tộc mình và xu thế của thời đại. Sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các nước xã hội chủ nghĩa không tồn tại với tư cách là một hệ thống, nhưng sức sống mãnh liệt và giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười, của chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa.
          Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười thành công đã thổi một luồng ánh sáng mới của thời đại - ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, truyền tỏa đến Việt Nam đúng vào thời điểm phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang có chuyển biến sâu sắc, giai cấp công nhân đã phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng bước lên vũ đài chính trị góp phần chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc vào đầu thế kỷ 20. Từ bản sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin năm 1920 đăng trên báo Nhân đạo của Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra kết luận sâu sắc: chỉ có đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn, cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự.
          Kế thừa và vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp những giá trị phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của đất nước, cùng với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Liên Xô, của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giành được những thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa; đặc biệt, thắng lợi to lớn trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo là kết quả của quá trình tìm tòi, thử nghiệm, bám sát thực tiễn, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện. Theo đó, Đảng ta luôn kiên định quan điểm đổi mới có nguyên tắc, đổi mới nhưng không đổi màu, đổi mới nhưng phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đổi mới để hoàn thành tốt hơn hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh tình hình thế giới cực kỳ phức tạp, các thế lực phản động trong và ngoài nước không ngừng chống phá, nhưng Ðảng Cộng sản Việt Nam - một đảng mác-xít chân chính, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng đã luôn luôn tiếp thu và vận dụng đúng đắn những bài học vô giá của Cách mạng Tháng Mười Nga, trong đó bài học cơ bản nhất là giữ vững vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; kiên trì mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong đổi mới.
          Kiên định mục tiêu và kiên trì những nguyên tắc trong đổi mới, Đảng và nhân dân ta luôn nhận thức sâu sắc rằng, những kinh nghiệm quý báu từ Cách mạng Tháng Mười Nga, những kinh nghiệm lớn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô trước đây cũng như từ quá trình cải cách, đổi mới thành công vừa qua ở Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa khác trên thế giới là những bài học thực tiễn vô cùng quý giá, đặc biệt là bài học về thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, về công tác cán bộ, về nâng cao cảnh giác cách mạng, chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của chủ nghĩa đế quốc. Ðiều đó đòi hỏi Ðảng ta và nhân dân ta phải không ngừng sáng tạo cả trong tư duy và hành động, để tiếp tục làm sâu sắc và phong phú thêm di sản lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga, bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời kỳ mới.
          Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của hơn 30 năm đổi mới trên đất nước ta là bước tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, những giá trị và biểu tượng của Cách mạng Tháng Mười Nga lên một tầm cao mới của nền văn minh hiện đại. Trong đổi mới và qua thực tiễn đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã ngày càng sáng rõ hơn. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Những thành tựu to lớn mà Việt Nam cũng như một số nước xã hội chủ nghĩa đạt được trong quá trình cải cách, đổi mới, xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp đặc điểm đất nước và thời đại, không chỉ củng cố vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước, mà còn gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới.
          Đã 102 năm trôi qua, nhưng Cách mạng Tháng Mười vẫn là một trong những sự kiện trọng đại nhất của lịch sử thế giới hiện đại. Lý tưởng và con đường Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục toả sáng, soi rọi cuộc đấu tranh tự giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tiếp thêm nguồn sinh lực cho phong trào xã hội chủ nghĩa. Qua đó, chúng ta tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lớn lao và giá trị lịch sử to lớn cũng như sức sống mãnh liệt của Cách mạng Tháng Mười Nga và những cống hiến, đóng góp to lớn của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong lịch sử nhân loại đối với cách mạng Việt Nam, để chúng ta tiếp tục nhìn nhận, phân tích sâu sắc, khoa học những kinh nghiệm, bài học lịch sử cả về sự thành công và thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực một thế kỷ qua; làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến trì trệ, khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực mô hình Xôviết sau hơn 70 năm tồn tại và phát triển; từ đó tìm ra những quy luật, những cách thức phát triển mới, nhanh, bền vững, phù hợp với xu thế thời đại trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
          Hiện nay, kế thừa những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, Việt Nam luôn kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và  lãnh tụ Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng Việt Nam gần 90 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt lịch sử. Nhân dân Việt Nam kiên định sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng và hướng tới là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1983
Hôm qua:
2395
Tuần này:
12161
Tháng này:
58535
Tất cả:
4.423.415