THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Thanh Hoá vận dụng bài học phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng quê hương hiện nay

Đăng lúc: 14:57:13 26/04/2024 (GMT+7)1575 lượt xem

 Tự hào sâu sắc về những giá trị lịch sử to lớn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, mỗi người dân Thanh Hóa ra sức lao động, học tập, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
n1.jpg
Ảnh minh hoạ sưu tầm trên Internet
 
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thành quả rực rỡ nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Quân và dân cả nước đã thực hiện trọn vẹn mong muốn thiết tha của Bác Hồ kính yêu: “... Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn… Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà…”.
Thắng lợi đó đã kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân trên đất nước Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa Tổ quốc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do nhiều yếu tố tạo thành, trước hết là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng thể hiện qua việc xây dựng và phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với đặc điểm cách mạng Việt Nam ở cả hai miền Nam - Bắc. Chính sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã làm nên chiến thắng 30 tháng 4 lịch sử, trở thành bài học quý báu cho đất nước ta nói chung, cho tỉnh Thanh Hoá riêng sáng tạo vận dụng trong chiến đấu chống Đế quốc Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng Tổ quốc, quê hương ngày một giàu mạnh.
Việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự tiếp nối đường lối đoàn kết dân tộc của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà theo đó, tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vận dụng một cách sáng tạo, với nhiều hình thức phong phú vào điều kiện lịch sử mới - điều kiện đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, cả nước đồng thời thực hiện hai chiến lược cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính Bộ Quốc phòng Mỹ sau này thừa nhận rằng: Nhờ chiến lược đoàn kết đa dạng, phía Việt Nam dân chủ cộng hòa đã nắm được các ngọn cờ dân tộc và chống thực dân, do đó Mỹ và chính phủ Việt Nam cộng hòa (chính quyền Sài Gòn) chỉ còn lại có độc ngọn cờ chống cộng. 
Khi cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn quyết liệt, trên cơ sở đường lối kháng chiến đúng đắn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Đảng đề ra phương thức tập hợp quần chúng rất sáng tạo. Ở miền Bắc, sau ngày giải phóng, tháng 9-1955, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam được thành lập. Mặt trận đã đoàn kết đại bộ phận 17 triệu nhân dân miền Bắc, dựa chắc trên nền tảng của khối liên minh công - nông và đội ngũ trí thức, để thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc; đồng thời, chi viện đắc lực cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam. Ở miền Nam, những năm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, các tầng lớp nhân dân miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đoàn kết một lòng, liên tục nổi dậy đấu tranh, mà đỉnh cao là phong trào Đồng Khởi đầu năm 1960, đập tan từng mảng chính quyền Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi được tạo nên bởi lòng dân, ý Đảng, phản ánh sự thống nhất về ý chí, hành động và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.
Cũng chính từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam đặt ra yêu cầu khách quan phải có một tổ chức đoàn kết thật rộng rãi các lực lượng chống chế độ thực dân mới của Mỹ và bè lũ tay sai. Ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng (MTDTGP) miền Nam Việt Nam được thành lập. Mặt trận chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và nhân sỹ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Dựa chắc vào khối liên minh công - nông, Mặt trận chủ trương tranh thủ bất cứ người nào có thể tranh thủ được, đoàn kết bất cứ người nào có thể đoàn kết được, nhằm triệt để phân hóa và cô lập kẻ thù, tập hợp rộng rãi tất cả các tầng lớp nhân dân miền Nam chĩa mũi nhọn vào đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai phản động. Thông qua cương lĩnh đúng đắn, chương trình hành động thiết thực, bằng những mục tiêu phù hợp, với những bước đệm: tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình trung lập... Mặt trận đã thu hút không chỉ các tầng lớp nhân dân lao động (công nhân, nông dân, tiểu thương), mà còn lôi cuốn được cả các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo, ngoại kiều, tư sản dân tộc, lớp dưới trong bộ máy chính quyền ngụy Sài Gòn...Mặt trận ra lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy siết chặt hàng ngũ chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm” 
Đứng trước khả năng đế quốc Mỹ đưa quân vào thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt vào ngày 27/3/1964. Với hơn 300 đại biểu gồm những người tiêu biểu cho các ngành, các giới, đại diện cho 31 triệu đồng bào cả hai miền: Nam, Bắc. Đây chính là một “Hội nghị Diên Hồng” của dân tộc trong thời đại mới, thôi thúc cao trào hành động cách mạng trong cả nước, biểu thị khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Khi đế quốc Mỹ trực tiếp đổ quân ồ ạt vào miền Nam để tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyết tâm đoàn kết toàn dân tộc để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược với ý chí sắt đá: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Bắc đã kết thành một khối, đẩy mạnh các phong trào thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực với khẩu hiệu hành động: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Các phong trào, như: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”; hoặc các khẩu hiệu hành động: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”... đã lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, từ biên giới đến hải đảo đều hăng hái thi đua vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đồng thời, sẵn sàng lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trên chiến trường miền Nam, quân và dân miền Nam đẩy mạnh tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, góp phần chia lửa với đồng bào miền Bắc. Tất cả những hoạt động của quân và dân hai miền trong giai đoạn này là những biểu hiện sinh động của sự đoàn kết Bắc - Nam, đoàn kết quân - dân, đoàn kết nhân dân nông thôn và nhân dân thành thị, đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân vì mục tiêu chung: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ buộc chúng phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Ngày 4/3/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta bắt đầu với ba đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4-3 đến ngày 3-4), đòn tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21 đến 29-3) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến 30-4). Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kết thúc vẻ vang chặng đường 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc kể từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cơ sở đường lối kháng chiến đúng đắn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công xây dựng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hoá đã vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để quyết tâm giành thắng lợi. Thanh Hóa trở thành địa bàn chiến lược trọng yếu, là “chiếc giáp sắt” bảo vệ thủ đô Hà Nội, kho dự trữ chiến lược, chiếc cầu nối giữa miền Bắc với miền Nam... qua 2 lần giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân và hải quân hòng hủy diệt miền Bắc. Người người, nhà nhà, làng, xã, huyện và toàn tỉnh đều bước vào cuộc chiến với ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá. Những thành tích nổi bật của các cụ lão dân quân Hoằng Trường (Hoằng Hóa), nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc) cùng nhiều lực lượng dân quân, tự vệ ở Hà Trung, Tĩnh Gia... chỉ bằng súng bộ binh nhưng đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, làm nức lòng quân dân cả nước. Cũng trong những năm tháng ấy bao lớp thanh niên trong tỉnh đã xung phong lên đường nhập ngũ, hoặc tham gia thanh niên xung phong với ý chí, quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và hoài bão: “Nhằm thẳng  quân thù mà bắn”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” để cùng quân, dân cả nước đánh Mỹ, thắng Mỹ, lật nhào chế độ ngụy quyền để non sông liền một dải, Nam - Bắc vui sum họp một nhà. Đã thể hiện cao nhất tinh thần đoàn kết vững chắc của nhân dân Thanh Hoá trong trận tuyến chống quân thù.
 Trong chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông quan trọng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường lớn miền Nam. Quân dân Thanh Hoá lại ra sức, đồng lòng đoàn kết thống nhất, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù đã bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng điều này đã chứng minh tinh thần đại đoàn kết toàn dân thông qua đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta đã được thể hiện một cách sinh động nhất. Từ trong khói lửa ác liệt của Hàm Rồng anh hùng, đã có nhiều tấm gương chiến đấu kiên cường, anh dũng. Giữa lúc bom đạn địch đang dội xuống dày đặc, dân quân Yên Vực (Hoằng Long) vẫn chèo thuyền vượt sông Mã chở đạn dược cho bộ đội cao xạ. Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển vượt đạn bom vác 98kg đạn, nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể mình tiếp cho bộ đội. Tổ cứu thương Lò Cao gồm 6 cô gái băng mình qua lửa đạn địch tới các khẩu đội pháo để băng bó vết thương cho thương binh, tiếp đạn, lau đạn. Bất chấp máy bay địch gầm rú, ném bom đánh phá, dân công làng Hạc Oa (Đông Cương) không quản hiểm nguy tiếp đạn, cứu thương cho các trận địa cao xạ đồi 75, C4, Quyết Thắng, Không Tên. Hàng trăm các mẹ, các chị trong làng Đông Sơn nấu cơm đưa ra từng trận địa cho bộ đội… đã đi vào lịch sử như một huyền thoại khiến dư luận nước Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới khâm phục.
Khi cuộc chiến ở giai đoạn cuối, quân và dân Thanh Hóa đã nhất tề đứng lên anh dũng, quyết tâm chiến đấu để giải phóng quê hương. Các phong trào thi đua: “Hòn đá chống Mỹ”, “Ba giỏi” được nhân rộng đã huy động sức mạnh của toàn dân phục vụ chiến đấu. Người dân đã không ngần ngại dỡ nhà làm cầu, lấy đá lát đường, cứu chữa phương tiện, hàng hóa bị máy bay địch bắn phá. Công ty vận tải thuyền nan và đoàn vận tải Lam Sơn, Công ty xe đạp thồ và đoàn vận tải Điện Biên và các đoàn vận tải cơ giới chống Mỹ phá hoại đã vận chuyển 15 triệu tấn hàng hóa đáp ứng chi viện cho chiến trường, phục vụ chiến đấu, sản xuất. Những đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của, những chiến công oanh liệt, lẫy lừng của quân, dân Thanh Hoá được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận. Nhiều cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu, xuất sắc đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý. Toàn tỉnh có 25 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 16 đơn vị và cá nhân là Anh hùng Lao động, 71 cá nhân là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 56.559 liệt sĩ, 32.146 người là thương binh...
Hòa bình lập lại, cùng với cả nước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa tiếp tục kế thừa và phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong kháng chiến chống Mỹ, chuyển từ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu chuyển sang lao động sản xuất, cải tạo, dựng xây đất nước. Khắc phục những hậu quả tàn phá nặng nề của chiến tranh, sự bao vây, cấm vận của kẻ thù, Đảng bộ, chính quyền Thanh Hoá đã cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân khắc phục mọi khó khăn, tích cực thi đua lao động sản xuất để phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ vững chắc vùng biển, biên cương, vùng trời Tổ quốc  
n2.jpg
Ảnh minh hoạ sưu tầm trên Internet
 
Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo nhân dân thực hiện sự nghiệp đổi mới đi lên bằng chính nội lực của mình. Với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, Thanh Hóa đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, tập trung xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng lực của mọi tầng lớp trong xã hội, chú trọng phát huy dân chủ, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Thanh Hoá đã huy động sức mạnh toàn dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, tương thân, tương ái, nhân văn, nghĩa tình của dân tộc trong xây dựng nông thôn mới, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng như giúp đỡ, ủng hộ đồng bào trong cả nước khắc phục, vượt qua nhiều mất mát, đau thương do hậu quả của những đợt bão, lũ lụt liên tiếp xảy ra. Thực tiễn phong phú của những năm Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân thực hiện sự nghiệp đổi mới đã khẳng định: Càng khó khăn, thử thách, truyền thống và tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó của mỗi người dân Thanh Hoá càng được khơi dậy mạnh mẽ, tỏa sáng. Đây chính là cơ sở quan trọng để Thanh Hoá giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực nhằm góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu về thăm Thanh Hoá năm 1947.
Đã 49 năm trôi qua, những đổi thay kỳ diệu trên quê hương Thanh Hóa từ ngày thống nhất đến nay đã chứng tỏ những giá trị to lớn những bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ không ngừng được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh giữ gìn và phát huy. Bài học quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc rút ra từ cuộc kháng chiến đó đã và đang được Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thanh Hóa vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để tiếp tục gặt hái lập nên những thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Tự hào sâu sắc về những giá trị lịch sử to lớn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, mỗi người dân Thanh Hóa ra sức lao động, học tập, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra./.
                                                          ThS. Lê Na
                                                       Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
 
 
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.113.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. Sđd, tập 7, tr.461.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.534.
4. “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020): Những dấu ấn và những thành tựu nổi bật” - NXB Thanh Hóa - 2020.
5. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)
(Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng)
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2426
Hôm qua:
1746
Tuần này:
8187
Tháng này:
48247
Tất cả:
4.916.896