THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Đăng lúc: 15:06:25 26/04/2024 (GMT+7)1972 lượt xem

 Để bảo vệ và xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ, hậu phương vững mạnh cho cuộc kháng chiến chống Pháp, trên cơ sở quan triệt sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã luôn coi trọng công tác quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh để vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa dồn lực chi viện cho các chiến trường, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Chính vì vậy, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã có sự đóng góp rất lớn.
a2.png
Hình ảnh chiếc xe đạp thồ của dân công tham gia tải lương thực trong cuộc kháng chiến chống Pháp
được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
 
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta đã giành được độc lập, hệ thống chính quyền cách mạng được thiết lập trên phạm vi cả nước. Nhưng, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp lại quay trở lại xâm lược nước ta bằng việc nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, Nam Bộ, đồng thời ngày càng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Trước tình hình đó, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ Việt Nam ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo đó, cuộc kháng chiến toàn quốc đã chính thức bùng nổ vào đêm ngày 19/12/1946.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa vừa là vùng tự do, vừa là hậu phương và có lúc cũng là tiền tuyến trực tiếp chiến đấu với các cuộc tấn công của quân Pháp. Để bảo vệ và xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ, hậu phương vững mạnh cho cuộc kháng chiến, trên cơ sở quan triệt sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã luôn coi trọng công tác quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh để vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa dồn lực chi viện cho các chiến trường, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Chính vì vậy, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã có sự đóng góp rất lớn.
Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã rất quan tâm tổ chức lực lượng vũ trang. Chi đội mang tên Đinh Công Tráng gồm 1.500 chiến sĩ được thành lập trong những ngày tổng khởi nghĩa, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa, với quân số tương đương một trung đoàn, chia thành 9 đại đội, là một trong những đơn vị chủ lực cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước. Đây là đơn vị làm nòng cốt để xây dựng các tổ chức vũ trang ở các huyện, thị trong tỉnh. Chính quyền các cấp cũng chú trọng xây dựng lực lượng dân quân du kích, tự vệ, bộ đội tập trung, các đơn vị công an nhân dân, các đội trinh sát, lực lượng an ninh bí mật, sẵn sàng phối hợp với đơn vị chủ lực và nhân dân để đánh địch bảo vệ địa phương.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy là một tỉnh làm nhiệm vụ chính là hậu phương, nhưng thực dân Pháp vẫn liên tục mở hàng loạt các cuộc tấn công để phá hoại vùng căn cứ, hậu phương Thanh Hóa. Ngay từ tháng 3 năm 1947, thực dân Pháp đã tổ chức tiến hành đánh vào Thanh Hóa từ hướng biển (phía Đông) và miền núi (phía Tây).  Ở phía Tây Nam, địch kéo quân từ Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn, Lào) tràn vào chiếm đóng xã Yên Khương (Lang Chánh) và xã Bát Mọt (Thường Xuân), lập nên hành lang Đông Tây với âm mưu chia cắt miền Tây với nội địa Thanh Hóa, tổ chức các phái đảng phản động, mưu đồ lập xứ Mường tự trị. Đến năm 1948, thực dân Pháp tăng cường thêm lực lượng chiếm đóng miền Tây Thanh Hóa, lập nên phòng tuyến sông Mã, tiếp tục bao vây, tấn công nội địa và xây dựng các tổ chức phản động, như: “Liên bang Bắc Thái Trung Việt”, “Quân đội Thái tự do”... Chúng tiếp tục cho quân chiếm đóng và đổ bộ càn quét các huyện ven biển, cho tàu chiến, máy bay bắn phá các khu dân cư, phá hoại kinh tế.
Trước âm mưu và hành động của thực dân Pháp, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã phải thường xuyên chỉ đạo lực lượng vũ trang của tỉnh vừa chiến đấu ngăn chặn địch, vừa gây dựng, phát triển cơ sở kháng chiến, bảo vệ địa bàn. Ủy ban kháng chiến, hành chính tỉnh đã chủ động cử bộ đội chủ lực của tỉnh phối hợp cùng với các đơn vị thuộc Liên khu 4, Liên khu 3, Liên khu 10 đánh địch ở Sầm Nưa (Lào).
Cũng từ vị trí chiến lược của miền Tây Thanh Hóa đối với sự an toàn của cả vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, sự ổn định và phát triển của hậu phương Thanh Hóa cũng như hỗ trợ hiệu quả cho cách mạng Lào, Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban hành chính đặc biệt miền Thượng du Thanh Hóa. Đồng thời, Ủy ban lãnh đạo dân quân Thượng du cũng được thành lập tại huyện Ngọc Lặc. Các huyện miền Tây Thanh Hóa đã xây dựng được hai đại đội du kích tập trung, lấy tên hai vị chỉ huy nổi tiếng của địa phương là Cầm Bá Thước và Hà Văn Mao. Các đại đội độc lập của Trung đoàn 77 và 2 đại đội Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao phối hợp với dân quân các huyện miền núi tổ chức chiến đấu tiêu diệt quân địch, đập tan hành lang Đông Tây, xóa sổ các tổ chức phản động tay sai của giặc Pháp. Cùng với thắng lợi của quân dân miền Tây, quân dân các huyện ven biển đã đập tan các cuộc càn quét của địch, buộc chúng phải lên tàu rút chạy. Công an, bộ đội, quân dân các huyện Nga Sơn, Hà Trung, Quảng Xương, Nông Cống, Tĩnh Gia đập tan các tổ chức phản động, ngăn chặn kịp thời vụ bạo loạn của chúng ở Mậu Thôn (Nông Cống), bắt sống nhiều tên phản động.
Đến đầu năm 1950, Bộ tư lệnh Liên khu 4 quyết định thành lập và trực tiếp chỉ đạo Ban chỉ huy Mặt trận Thanh Hóa. Địa bàn Thanh Hóa được chia thành 5 khu vực tác chiến, các lực lượng vũ trang tỉnh luôn sẵn sàng chiến đấu và đã tổ chức phối hợp chiến đấu với các đơn vị của Liên khu 3 đánh địch xâm nhập từ phía Bắc và từ phía biển vào, từ phía Tây sang, góp phần phá vỡ phòng tuyến Sông Mã của địch, tiêu diệt, bức rút, bức hàng nhiều đồn bốt, giải phóng hoàn toàn miền Tây Thanh Hóa.
n3.jpg
Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa dùng bè mảng chở lương thực tiếp vận
chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh sưu tầm trên Internet)
 
Mùa hè năm 1953, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước sang năm thứ 8, cục diện chiến trường Việt Nam đã có những biến đổi quan trọng. Tại chiến trường Bắc Bộ, Tây Bắc, quân và dân ta mở nhiều chiến dịch lớn. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Để huy động lực lượng dồn sức đáp ứng cho chiến dịch, Đảng bộ Thanh Hoá đã nhanh chóng củng cố nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang, nhất là bộ đội địa phương.
Từ trung tuần năm 1953 đến đầu năm 1954, thực dân Pháp vừa tăng cường đối phó với ta ở chiến trường Tây Bắc, vừa cho máy bay, tàu chiến bắn phá, càn quét dữ dội vào Thanh Hóa nhằm buộc ta chi phối lực lượng và chia cắt hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh với chiến trường chính Tây Bắc và Lào. Tháng 10 năm 1953, thực dân Pháp mở cuộc hành binh Hải Âu (Mouette) đánh ra Tây Nam Ninh Bình và cuộc hành binh “con bồ nông” đánh vào vùng biển Thanh Hoá. Đây là cuộc tiến công quy mô lớn của quân Pháp vào Thanh Hóa trong những năm chiến tranh.
Chấp hành chỉ đạo, ngày 21/10/1953 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối phó với cuộc tiến công của quân Pháp ra Tây Nam Ninh Bình và Đông Bắc Thanh Hóa, các đơn vị chủ lực thuộc Đại đoàn 320 và Đại đoàn 304 đã phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tổ chức đánh địch, tiêu diệt nhiều tên, làm thất bại cuộc hành binh Hải Âu, bảo vệ được căn cứ hậu phương, đồng thời vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động trong Đông Xuân 1953-1954 như dự kiến.
Ngày 13/3/1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tiêu diệt cứ điểm Him Lam và Độc Lập, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, tại Nga Sơn, lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã cùng với Nhân dân đẩy mạnh tiến công quân sự để kìm chân địch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, tin chiến thắng nhanh chóng đến với quân và dân Thanh Hóa, lực lượng vũ trang tỉnh tích cực khuyếch trương chiến thắng, các tổ dân vận, địch vận đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta nói rõ âm mưu thủ đoạn của địch, kêu gọi binh lính địch đóng tại các đồn Điền Hộ, Mai An Tiêm hạ vũ khí đầu hàng. Đồng thời, các đại đội bộ đội địa phương tổ chức các đợt tấn công truy quét, buộc địch phải đầu hàng. 
Thất bại trên chiến trường chính Điện Biên Phủ, buộc địch phải rút khỏi Nga Sơn, bị tiêu diệt nặng trong các trận càn quét vào bờ biển phía nam Thanh Hóa, âm mưu phá hậu phương Thanh Hóa bị thất bại hoàn toàn. Ngày 7/8/1954, thực dân Pháp phải rút khỏi đảo Hòn Mê, chấm dứt sự có mặt của quân Pháp ở Thanh Hóa.
Ngoài nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã góp phần chi viện rất lớn cho tiền tuyến, bổ sung nhiều tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương cho quân chủ lực, như: Tiểu đoàn 275 bộ đội địa phương tỉnh cho Trung đoàn 53, các Đại đội 150, 160 cho Tiểu đoàn 541 phòng không, 2 trung đội trinh sát cho Đại đoàn 304. Ngoài ra, Thanh Hóa còn điều động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 128 bộ đội huyện Bá Thước, 112 bộ đội huyện Tĩnh Gia, các đơn vị của Hoằng Hóa, Hà Trung, Quảng Xương, Thạch Thành cho các đơn vị tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Lực lượng vũ trang Thanh Hoá còn cùng với nhân dân phục vụ các chiến dịch lớn, như: Quang Trung, Hoà Bình, Thượng Lào và Điện Biên Phủ, đặc biệt, trong chiến dịch Thượng Lào và Điện Biên Phủ, Thanh Hoá đã huy động tới mức cao nhất về người, phương tiện và lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của chiến dịch. Sự nỗ lực của quân và dân Thanh Hoá đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của quân dân cả nước, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Những đóng góp của quân và dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt, tinh thần xả thân chiến đấu ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thanh Hóa trên mặt trận là biểu tượng tốt đẹp rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần tô thắm thêm những truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung và lực lượng vũ trang Thanh Hóa nói riêng.
Tiếp nối và phát huy những truyền thống vẻ vang đó, trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lực lượng vũ trang Thanh Hóa vẫn luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc để thực hiện tốt phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi Tổ quốc chưa bị lâm nguy./.
Ths. Lê Hải Yến
GVC, khoa Xây dựng Đảng
------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, tập 1 (1930 - 1954), nghiên cứu biên soạn năm 1999 - 2000, trang 295.
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
6
Hôm qua:
2460
Tuần này:
8227
Tháng này:
48287
Tất cả:
4.916.936