CHÀO MỪNG HỌC VIÊN KHOÁ 52 TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VỀ NHẬP HỌC VÀ DỰ LỄ KHAI GIẢNG, NĂM HỌC 2024 - 2025

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị

Đăng lúc: 08:55:28 10/10/2024 (GMT+7)117 lượt xem

 Việc học tập và rèn luyện chống “thói ba hoa” theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là một công việc thường xuyên, liên tục, lâu dài. Việc đó đòi hỏi phải có sự cố gắng nỗ lực rất lớn của mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trong việc tự học tập và rèn luyện để không ngừng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và chất lượng giảng dạy của bản thân, từ đó góp phần vào nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường.
binh 1.png

Ảnh: Sưu tầm trên Internet
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào tháng 10 năm 1947, với bút danh X.Y.Z. Trải qua 77 năm, tác phẩm vẫn còn nguyên ý nghĩa đấu tranh cách mạng sâu sắc nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xứng đáng là cuốn sách quý, tài liệu tuyên huấn gối đầu giường cho mỗi cán bộ, đảng viên,  chúng ta. 
Tác phẩm gồm 6 nội dung chính: “Phê bình và sửa chữa”, “Mấy điều kinh nghiệm”, “Tư cách và đạo đức cách mạng”, “Vấn đề cán bộ”, “Cách lãnh đạo” và cuối cùng là nội dung “Chống thói ba hoa”. Trong tác phẩm, tác giả dành cả chương VI, chương cuối cùng của tác phẩm để phân tích, phê phán thói ba hoa. Theo đó, Người cho rằng thói ba hoa có nhiều vẻ trong nói và viết, và được chỉ ra qua 8 vấn đề nhận diện: Dài dòng, rỗng tuếch; Thói “cầu kỳ”; Khô khan, lúng túng; Báo cáo lông bông; Lụp chụp cẩu thả; Bệnh theo “sáo cũ”; Nói không ai hiểu; Bệnh hay nói chữ.
Mỗi vấn đề nhận diện đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tường tận, thấu đáo nhằm thấy được cái nguy hại của thói xấu này, Người khẳng định: “Chúng ta chống bệnh chủ quan, chống bệnh hẹp hòi, đồng thời phải chống thói ba hoa. Vì thói này cũng hại như hai bệnh kia. Vì ba thứ đó thường đi với nhau. Vì thói ba hoa còn, tức là bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi cũng chưa khỏi hẳn”. [1]
Ngoài chỉ ra và phân tích tác hại như là một căn bệnh, tác giả X.Y.Z đưa ra “liều thuốc chữa thói ba hoa” và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu, phải nhớ và phải thực hành. Đó là: (1) Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. (2) Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu. (3) Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đểu hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: "Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?". (4) Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. (5) Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói". Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần. Làm được như thế - đảng viên và cán bộ ta quyết phải làm như thế - thì thói ba hoa sẽ bớt dần dần cho đến khi hoàn toàn hết sạch mà công việc của Đảng, tư cách của cán bộ và đảng viên sẽ do đó mà tăng thêm”. [2]
Qua chương VI của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra khá cặn kẽ, cụ thể các biểu hiện của thói ba hoa. Đồng thời, Bác phê bình thẳng thắn những cán bộ, đảng viên có thói ba hoa. Và nó giống như loại bệnh cần phải có thuốc đặc trị mới khỏi được.
Vận dụng quan điểm của Bác về chống thói ba hoa trong công tác, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, người giảng viên trường Đảng nói riêng cần xác định rõ những biểu hiện của thói ba hoa để tránh, nhờ đó sẽ nâng cao chất lượng công tác và hoàn thiện bản thân.
Đối với giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, một trong những nhiệm vụ chính là truyền đạt tri thức lý luận chính trị cho học viên. Thời gian qua, đội ngũ giảng viên Nhà trường luôn chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn và luôn chú trọng trau dồi, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo nên sự cuốn hút của những bài giảng. Tuy nhiên, việc trau đồi, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ là việc làm phải thực hiện thường xuyên, liên tục; đó chính là quá trình thấm nhuần những lời căn dặn, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống “thói ba hoa” được đề cập trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.
Thực tiễn cho thấy, muốn người học tiếp thu hiệu quả nguồn tri thức quý báu này, người giảng viên phải thực hiện giảng dạy thông qua các hoạt động nói, viết, đặc biệt là thông qua các hoạt động nói, bao gồm: nói truyền đạt thông tin, nói trao đổi, thảo luận, nói tuyên truyền thuyết phục… Trong quá trình này, ngoài việc luôn ý thức tránh thói ba hoa trong nói và viết, giảng viên còn phải luôn tâm niệm cách phòng chống thói ba hoa trong tư tưởng Hồ Chí Minh là cẩm nang nhận diện, để đấu tranh, sửa chữa, khắc phục.
binh 2.png

Một giờ học ở lớp Trung cấp Lý luận chính trị A1 khoá 50
 
Theo đó, để nâng cao chất lượng giảng dạy, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá cần vận dụng tốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng chống thói ba hoa. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, tránh “dài dòng, rỗng tuếch” “lông bông” trong soạn bài và giảng bài trên lớp. Thực tế cho thấy, có rất nhiều thông tin, tài liệu cho bài giảng nhưng giảng viên cần biết chắt lọc những nội dung liên quan tới bài giảng, có ý nghĩa thiết thực với người học. Hầu hết các chuyên đề giảng dạy có nhiều nội dung, nếu giảng viên quá “sa đà” vào một nội dung nào đó trong bài hoặc nói huyên thuyên những nội dung không liên quan đến bài giảng, không thiết thực với người học, thì sẽ khó thực hiện được mục tiêu của bài giảng.
Thứ hai, hạn chế “thói cầu kỳ”. Hiện nay, giảng viên nhà trường có trình độ ngày càng cao, am hiểu ngày càng nhiều nhưng trong nói và viết cần hạn chế sử dụng ngôn ngữ hàn lâm, bác học. Nên sử dụng cách nói và viết giản dị, trong sáng để học viên dễ nhớ, hiểu và làm theo. Theo đó, giảng viên cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đối tượng học viên của từng lớp, từ đó truyền đạt nội dung giảng dạy kết hợp các phương pháp, phương tiện dạy học đạt hiệu quả hơn.
Thứ ba, tránh “khô khan, lúng túng, lụp chụp cẩu thả” trong giảng dạy. Trước khi lên lớp, giảng viên cần chuẩn bị nội dung bài giảng kỹ lưỡng; phải nắm chắc, hiểu rõ nội dung bài giảng; có kiến thức về mặt lý luận cũng như thực tiễn; vận dụng sáng tạo các phương pháp dạy học tích cực để nâng cao chất lượng dạy học. Giảng viên cần lựa chọn những nội dung nào cần giảng kỹ, nội dung nào giảng lướt, nội dung nào yêu cầu học viên nghiên cứu ở nhà. Giáo án thường xuyên phải cập nhật những thông tin, số liệu mới; bài soạn powerpoint phải chăm chút từng slide, đảm bảo nội dung cô đọng, lựa fontx chữ, size chữ, màu chữ, biểu đồ, sơ dồ, hình ảnh hay clip minh họa phải phù hợp. Nếu “lụp chụp, cẩu thả” sẽ dẫn đến thiếu chính xác, thiếu chân thực trong giảng dạy; muốn mở rộng phân tích, đưa tư liệu, số liệu để liên hệ thực tiễn thì phải đưa những tư liệu xác thực trên tinh thần như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở, đó là: “Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Không nên nói ẩu” [3], “Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật. Không được bịa ra” [4], “chưa điều tra, nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết” [5]. Không nên vì muốn tỏ ra mình biết rộng, tham đưa nhiều kiến thức mở rộng mà đưa những tư liệu thiếu xác thực.
Thứ tư, cần loại bỏ “bệnh theo sáo cũ, nói không ai hiểu, bệnh hay nói chữ”. Giảng viên phải truyền tải tới học viên đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác… Để học viên lĩnh hội những kiến thức đó, giảng viên phải giảng sâu những nội dung học viên cần và có thể vận dụng vào thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Do đó, giảng viên phải dạy được cái mà học viên cần chứ không phải giảng những gì mình biết. Điều này đặt ra vấn đề: giảng viên ngoài tinh thông lý luận còn phải am hiểu thực tiễn, cần phải đi thực tế cơ sở nhiều hơn, nghiên cứu mô hình nhiều hơn và rèn luyện tư duy tổng kết thực tiễn sâu sắc. Trong quá trình truyền tải kiến thức, giảng viên cần diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, phát huy được sự trong sáng của Tiếng Việt.
Tóm lại, việc học tập và rèn luyện chống “thói ba hoa” theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là một công việc thường xuyên, liên tục, lâu dài. Việc đó đòi hỏi phải có sự cố gắng nỗ lực rất lớn của mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trong việc tự học tập và rèn luyện để không ngừng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và chất lượng giảng dạy của bản thân, từ đó góp phần vào nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường./.
ThS. Hoàng Ngọc Bình
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Sửa đổi lối làm việc, 10-1947, t. 5, tr. 238, 239, 299
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 5
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t6, tr418
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t15, tr673
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr346
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
977
Hôm qua:
2520
Tuần này:
10443
Tháng này:
42664
Tất cả:
4.834.651