Vận dụng quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập khi giảng dạy Bài 6 bộ môn Quản lý hành chính nhà nước
Đăng lúc: 15:43:10 24/03/2025 (GMT+7)82 lượt xem
Những kiến thức lý luận được truyền đạt, tiếp thu, trao đổi, thảo luận thông qua vận dụng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập góp phần đạt được mục tiêu của bài học là nâng cao kỹ năng tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục ở cơ sở và tăng cường nhận thức cho học viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động giáo dục, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Học viên lớp TCLLCT A2.K52 thảo luận về nội dung xây dựng xã hội học tập
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh mục đích học tập suốt đời là để tiến bộ không ngừng, để phục vụ Nhân dân tốt hơn. Người chỉ rõ: “Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học tập để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm” [1]. Người viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại…”[2]. Do đó, khi xác định mục tiêu học tập, mỗi cán bộ, đảng viên luôn khắc ghi phải: “Lấy tự học là cốt”[3].
Vận dụng tư tưởng của Người, Đảng luôn nhất quán quan điểm về xây dựng xã hội học tập và xác định đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt, là nhiệm vụ quan trọng của người giảng viên dạy lý luận chính trị. Theo đó, đối với Bộ môn Quản lý hành chính nhà nước trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị, khi giảng dạy Bài 6 (Quản lý hoạt động văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế ở cơ sở) với nội dung “Quản lý hoạt động giáo dục ở cơ sở”, giảng viên cần vận dụng cụ thể quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước để truyền đạt, củng cố cho học viên về mục tiêu xây dựng xã hội học tập nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về giáo dục, bồi dưỡng, phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đối với lĩnh vực giáo dục, mục tiêu của bài học là cung cấp cho học viên kiến thức lý luận chung, những nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về giáo dục ở cơ sở và một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giáo dục ở cơ sở. Qua đó, người học sẽ được nâng cao kỹ năng tổ chức, triển khai, đánh giá và quản lý, điều hành hoạt động giáo dục ở cơ sở, đồng thời được tăng cường nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giáo dục - là lĩnh vực then chốt góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện. Từ việc xác định rõ mục tiêu, yêu cầu của bài học, giảng viên sẽ chủ động lựa chọn các vấn đề cốt lõi, trọng tâm và cấp bách trong thực tiễn để minh hoạ trong bài giảng, đảm bảo được thực hiện thống nhất trong suốt bài học.
Nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về giáo dục để học viên sẽ hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của giáo dục trong phát triển đất nước, giảng viên cần tập trung phân tích về sự ra đời của phong trào bình dân học vụ đã tạo những chuyển biến sâu sắc trong đời sống xã hội, từng bước thanh toán được nạn mù chữ trong dân chúng, nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết và ý thức làm chủ của người dân. Giảng viên cần vận dụng một cách có hệ thống quan niệm của Đảng qua các lần Đại hội và các chỉ thị, nghị quyết để nhấn mạnh về mục tiêu phát triển giáo dục của đất nước thông qua xây dựng xã hội học tập.
Có thể khẳng định, từ khi đất nước đổi mới, Đảng ta đã có các chủ trương phát triển giáo dục - đào tạo theo hướng “cả nước trở thành một xã hội học tập”. Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII với nội dung: “Tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Người nghèo được Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để học tập. Bảo đảm điều kiện cho những người học giỏi phát triển tài năng”. Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH bổ sung phát triển năm 2011 (Đại hội Đảng lần thứ XI) đề cập: “ Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”. Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chỉ rõ: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”. Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh rõ hơn mục tiêu “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, “Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”. Đây là những quan điểm chủ đạo, là chỉ dẫn, soi đường cho việc hoạch định, ban hành các chính sách của nhà nước trong xây dựng xã hội học tập.
Khi phân tích nội dung “Chức năng quản lý nhà nước về giáo dục”, giảng viên nên định hướng cho người học nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách giáo dục của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập, như: Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”; Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg của TTCP về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Quyết định số 89/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”; Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”; Quyết định số 1559/QĐ-TTg, ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”; Nghị định số 20/2014/NĐ-CP, ngày 24/03/2014 về “Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ”; Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Khi giảng dạy về “Nội dung quản lý hoạt động giáo dục ở cơ sở”, giảng viên cần hướng dẫn học viên vận dụng các chính sách của Nhà nước vào thực tiễn để nâng cao kỹ năng tổ chức, triển khai, đánh giá, quản lý, điều hành hoạt động giáo dục ở cơ sở. Do đó, giảng viên cần lựa chọn chính sách mới nhất về xây dựng xã hội học tập để làm ví dụ minh hoạ cho phần “Thực thi chính sách về giáo dục”; đó là Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Phát huy tinh thần chủ động trong học tập của người học, giảng viên có thể yêu cầu học viên chuẩn bị trước, đọc trước các nội dung cốt lõi trong Đề án để trình bày trước tập thể lớp, như: quan điểm chỉ đạo trong Đề án; mục tiêu chung của Đề án; tổ chức thực hiện Đề án. Đồng thời, sau mỗi nội dung học viên trình bày về Đề án, giảng viên cần chú trọng phân tích, liên hệ với thực tiễn đang đòi hỏi cấp bách hiện nay. Ví dụ, về quan điểm chỉ đạo trong Đề án, cần tập trung phân tích, liên hệ với trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên là “học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu”, “xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp”.
Để liên hệ về việc triển khai thực hiện Đề án, giảng viên có thể gợi mở, yêu cầu học viên tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản quản lý đối với công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh Thanh Hóa, như: Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 2/3/2022 về thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030"; Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 27/6/2022 về thực hiện Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 18/7/2022 về thực hiện Chương trình "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030". Qua đó, học viên sẽ tăng cường nhận thức phải tích cực tham gia bằng các hành động và việc làm cụ thể, góp phần thực hiện thành công chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Để giải quyết nội dung “Mục tiêu, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giáo dục ở cơ sở”, giảng viên có thể sử dụng hệ thống câu hỏi mở (phát vấn) để học viên cùng trao đổi, thảo luận làm rõ việc vận dụng nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và vận dụng vào thực tiễn ở cơ sở; từ đó neo chốt kiến thức để nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc chỉ đạo, triển khai các phong trào thi đua, các mô hình thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, như: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.
Trong quá trình giảng dạy nội dung “Quản lý hoạt động giáo dục ở cơ sở” (Bài 6 Quản lý hoạt động văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế ở cơ sở) phải thường xuyên cập nhật quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập, giảng viên và thực hiện mô hình “3 trước, 3 sau, 3 sâu, 3 sáng tạo” (“3 trước”: nghiên cứu trước, tìm hiểu trước, đặt câu hỏi trước; “3 sau”: hệ thống hóa kiến thức sau bài giảng, đánh giá sau bài giảng, gợi mở vấn đề để gắn kết với bài tiếp theo, môn học tiếp theo; “3 sâu”: sâu kiến thức, sâu thực tiễn, sâu liên hệ; 3 sáng tạo: dạy - học sáng tạo, vận dụng sáng tạo, sản phẩm sáng tạo).
Những kiến thức lý luận được truyền đạt, tiếp thu, trao đổi, thảo luận thông qua vận dụng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập sẽ góp phần đạt được mục tiêu của bài học là nâng cao kỹ năng tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục ở cơ sở cho học viên và tăng cường nhận thức cho học viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động giáo dục, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước./.
ThS. Nguyễn Trần Bách Diệp
Giảng viên phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
---------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 143.
[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, t.5, tr.684.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nx.Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.312.
Các tin khác
- Sự cần thiết khách quan phải chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra ở tỉnh Thanh hóa hiện nay
- Vận dụng quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập khi giảng dạy Bài 6 bộ môn Quản lý hành chính nhà nước
- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá tiếp tục phát huy kết quả Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1522
Hôm qua:
4674
Tuần này:
14658
Tháng này:
12618
Tất cả:
5.236.849