Sự cần thiết khách quan phải chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra ở tỉnh Thanh hóa hiện nay
Đăng lúc: 07:37:50 02/04/2025 (GMT+7)37 lượt xem
Cùng với các địa phương trên cả nước, tỉnh Thanh Hoá xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, là vấn đề sống còn, quyết định sự phát triển của đất nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng; từ đó, Ban Thường vụ tỉnh đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về chuyển đổi số thông qua việc ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định: “Chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài”.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh
Thành phố Sầm Sơn
Theo xu thế về công nghệ trên toàn cầu hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số nhằm tạo ra tính minh bạch trong quản lý, phục vụ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Do đó, chuyển đổi số thực sự cần thiết khách quan đối với mỗi cá nhân, tổ chức nói chung và tỉnh Thanh Hoá nói riêng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khái niệm “Chuyển đổi số” được ra đời trong thời đại bùng nổ Internet, là sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong cách thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Theo Wikipedia, Chuyển đổi số là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Theo cuốn Cẩm nang Chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông xuất bản, “Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số; là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”.
Chuyển đổi số (CĐS) phổ biến trên thế giới từ năm 2017 và được nhắc đến nhiều ở Việt Nam một năm sau đó. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". CĐS là xu thế tất yếu khách quan, mở ra cơ hội để Việt Nam vươn lên, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng; kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình; xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Đồng thời, CĐS cũng thực hiện mục tiêu kép là hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chương trình, chiến lược về CĐS quốc gia với tầm nhìn đến năm 2030 “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải đẩy nhanh quá trình CĐS.
Theo đó, cùng với các địa phương trên cả nước, tỉnh Thanh Hoá xác định CĐS là xu thế tất yếu, khách quan, là vấn đề sống còn, quyết định sự phát triển của đất nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng; từ đó, Ban Thường vụ tỉnh đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về CĐS thông qua việc ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về CĐS của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định: “CĐS là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài”; vì vậy, “cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân; đồng thời, phải tận dụng tối đa cơ hội, điều kiện thuận lợi để đi nhanh, đi trước, không để bị tụt hậu”. Do đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2020-2025), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực trong tổ chức thực hiện của các đơn vị, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả bước đầu trong CĐS. Cụ thể như sau:
Về công tác triển khai các văn bản về CĐS của Trung ương. Trước hết, căn cứ vào các văn bản của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của về “CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; UBND tỉnh đã ra Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 05/10/2020 về “Ban hành Kế hoạch CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vàQuyết định số 3853/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về “Ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ CĐS của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy CĐS. Hằng năm, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đều ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện CĐS; 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương thành lập tổ giúp việc CĐS; 100% các đơn vị UBND cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo CĐS. Đối với CĐS cấp xã, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết địnhsố 1829/QĐ-UBND về việc ban hành bộ tiêu chí CĐS cấp xã đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 20/02/2023, Thanh Hoá đã hoàn thành việc kết nối chính thức giữa Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp người dân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính được định danh và xác thực điện tử thông suốt; không phải khai báo thông tin ban đầu.
Về kết quả cụ thể trong thực hiện CĐS của tỉnh Thanh Hoá. Theo Bảng xếp hạng CĐS cấp tỉnh, năm 2024, Thanh Hóa xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; Kinh tế số và Xã hội số đều xếp thứ 8, Chính quyền số xếp hạng 9 cả nước. Đây là kết quả của sự quyết liệt trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối về CĐS của Đảng, Chính phủ và chính sách của tỉnh.
Đối với phát triển chính quyền số. Toàn tỉnh hiện có 9.056/1.805 dịch vụ công trực tuyến, hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết sớm và đúng hạn đạt trên 98%. Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) tại địa chỉ https://lgsp.thanhhoa.gov.vn) được duy trì, hoạt động một cách thường xuyên, ổn định, hiện đang cung cấp 10 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 11 dịch vụ kết nối bên ngoàiđã thực hiện khai báo mã định danh điện tử cho 2.588 đơn vị và đồng bộ lên hệ thống danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước (do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý).
Bên cạnh đó, việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các quan khối Đảng, Chính quyền, Đoàn thể ở cả 03 cấp trên nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh; thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa Chính quyền và doanh nghiệp. Cổng Dịch vụ công tỉnh và Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh hoạt động ổn định, hiệu quả, thực hiện công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đối với phát triển kinh tế số. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoài tỉnh. Đến nay, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thương nhân kinh doanh xăng dầu, 80% trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Thanh Hóa đã sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền; 6.500 doanh nghiệp đạt mức độ chuyển đổi số theo quy định; toàn tỉnh có 615 doanh nghiệp công nghệ số.
Đối với phát triển xã hội số. Tỉnh xác định CĐS lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và là đối tượng thụ hưởng kết quả mà CĐS mang lại. Các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt. Tỉnh triển khai các ứng dụng nền tảng số phục vụ người dân, như: nền tảng khám chữa bệnh từ xa (telehealth); KIOSK khám chữa bệnh thông minh; hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân; các ứng dụng phát triển du lịch thông minh tại các khu, điểm du lịch trong toàn tỉnh; tích cực triển khai một số mô hình nổi bật về CĐS như mô hình làng số, thôn thông minh; số hóa các điểm du lịch; mô hình “Camera Nhân dân với an ninh, trật tự”... Toàn tỉnh cũng đã triển khai cấp hơn 500.000 chữ ký số cá nhân cho người dân, tốc độ tăng trưởng 300%, dẫn đầu cả nước…
Để đạt được những kết quả về CĐS như trên, Thanh Hoá cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 21.306 hộ nghèo nên việc tiếp cận thông tin và sử dụng thiết bị thông minh gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh còn thấp. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn cách thức thống kê, đánh giá một số chỉ tiêu còn gặp nhiều khó khăn, như: hoạt động kiểm tra hành chính định kỳ của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ; tỷ lệ thuê bao di động thông minh có sử dụng phần mềm an toàn thông tin mạng cơ bản… Ngoài ra, việc liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Trung ương và địa phương còn mang tính thứ bậc, chưa đảm bảo nguyên tắc đồng đẳng, dẫn đến việc thiếu tính kế thừa như cơ sở dữ liệu về cấp đổi giấy phép lái xe, về doanh nghiệp, về đất đai; nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong thực hiện CĐS chưa cao; các doanh nghiệp chưa chủ động tham gia hoạt động CĐS dẫn đến tỷ lệ ứng dụng dịch vụ công phục vụ người dân doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều; cán bộ phụ trách công tác CĐS tại các đơn vị trực thuộc là kiêm nhiệm, không có chuyên môn lĩnh vực công nghệ thông tin do đó trong quá trình xử lý các vấn đề mang tính chuyên môn cao gặp rất nhiều khó khăn.
Từ những kết quả và khó khăn nêu trên, bài viết có một số đề xuất, kiến nghị để tìm ra giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng công tác CĐS ở tỉnh Thanh Hoá trong thời gian tới; đó là:
Đối với UBND tỉnh. Dưới sự điều hành của Chính phủ, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ liên thông; chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Trung ương và địa phương; đảm bảo nguyên tắc đồng đẳng, đồng bộ nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành được thuận lợi và đầy đủ thông tin. Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh ủy và HĐND tỉnh ban hành các chính sách: (1) Chính sách tỷ lệ chi tối thiểu và hướng dẫn định mức cho ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS; (2) Chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS; (3) Chính sách thuê chuyên gia; (4)Có chính sách khuyến khích cho nhân lực tham mưu về CĐS; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ công nghệ số cộng đồng.
Đối với Sở Khoa học và Công nghệ. Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng đề án hỗ trợ máy tính bảng, điện thoại thông minh thuộc Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 nhằm nâng cao chỉ số CĐS của tỉnh Thanh Hóa và hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận thông tin, sử dụng các ứng dụng CĐS. Hướng dẫn phương pháp để xác định giá trị cụ thể đối một số chỉ tiêu khó hoàn thành trong Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động theo yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS./.
---------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. BCHTW ĐCS Việt Nam: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình CĐS”.
2. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về “Phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
3. Ban Thường Tỉnh ủy Thanh Hóa: Nghị Quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 “Về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
4. UBND tỉnh Thanh Hóa: Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 06/10/2020 về việc “Ban hành Kế hoạch CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
5. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Quyết định Số: 3853/QĐ-UBND ngày 09/11/2022 về việc “Ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ CĐS của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
6. Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, tháng 11 năm 2024.
7. Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số tháng 8/2023
8. https://thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2025-2-20/Thanh-Hoa-tang-4-bac-tren-Bang-xep-hang-ve-chuyen-đoi-so
Các tin khác
- Sự cần thiết khách quan phải chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra ở tỉnh Thanh hóa hiện nay
- Vận dụng quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập khi giảng dạy Bài 6 bộ môn Quản lý hành chính nhà nước
- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá tiếp tục phát huy kết quả Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1512
Hôm qua:
4674
Tuần này:
14648
Tháng này:
12608
Tất cả:
5.236.839