Sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam là thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân
Đăng lúc: 06:28:49 11/04/2025 (GMT+7)32 lượt xem
Đất đai là tài sản đặc biệt, tư liệu sản xuất quan trọng của mỗi quốc gia. Vấn đề sở hữu về đất đai là một chế độ chính trị – pháp lý đặc biệt quan trọng. Ở Việt Nam, thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là thể hiện tính ưu việt, vì Nhân dân, phù hợp với lịch sử truyền thống và chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Bài viết đưa ra các luận cứ khoa học chứng minh tính ưu việt, vì Nhân dân của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Đồng thời chỉ rõ một số vấn đề cần tập trung giải quyết để góp phần bảo vệ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Đất đai; quyền làm chủ; Nhân dân; sở hữu toàn dân.
1. Đặt vấn đề
Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là một trong những tiền đề vững chắc cho việc thực hiện chế độ dân chủ của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; là cách tốt nhất để thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam hiện nay thể hiện tính đúng đắn, phù hợp điều kiện cụ thể của nước ta cũng như định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước đã lựa chọn.
2. Sở hữu toàn dân về đất đai
Thứ nhất, về nguồn gốc quá trình hình thành đất đai ở Việt Nam.
Xét về nguồn gốc, đất đai là một bộ phận quan trọng của lãnh thổ quốc gia Việt Nam, được hình thành và phát triển cùng với quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc. Đất đai ở Việt Nam trước hết phải thuộc về Nhân dân mà đại diện là một chính thể nhà nước thống nhất quản lý trong từng giai đoạn, không thể để cho một tầng lớp hay nhóm người nào đó độc quyền chiếm sở hữu.
Ở Việt Nam, sự ra đời của Nhà nước khác hẳn với việc ra đời của các nhà nước ở các nước phương Tây. Sự ra đời của Nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam là do nhu cầu chống chọi với những khắc nghiệt của thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm. Cơ sở quan trọng của chế độ phong kiến tập quyền Việt Nam là chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất. Chính nhờ vào chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất, chính quyền trung ương tập quyền được xác lập và củng cố vững chắc, lấy thống nhất và giữ vững toàn vẹn lãnh thổ làm cơ sở cho thống nhất chính trị. Và cũng do chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất không phát triển đến mức cực đoan như các nước phương Đông cùng thời hay bị cát cứ bởi những lãnh chúa như các nước phương Tây. Chính sự vận động theo cách riêng, với nhiều đặc điểm mang tính truyền thống đã làm cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ tư hữu đất đai ở Việt Nam chưa diễn ra hay diễn ra rất chậm chạp. Lợi ích chung của toàn dân tộc là chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm đã trở thành mẫu số chung chi phối và góp phần làm suy yếu mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Việt Nam nói chung và trong nông thôn Việt Nam nói riêng.
Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, chế độ sở hữu đất đai có vị trí đặc biệt quan trọng và đều được xác định rất rõ ràng. Theo đó, sở hữu nhà nước về đất đai là tối cao, tuyệt đối, với đầy đủ quyền năng chủ sở hữu, sử dụng và định đoạt về ruộng đất (thực chất là quyền sở hữu của Vua). Đồng thời cũng tồn tại sở hữu tư nhân về ruộng đất, đó là đất của Vua ban phát cho quan lại – “kiến điền”. Chính chế độ sở hữu về đất đai chủ yếu do Nhà nước phong kiến nắm giữ có kết hợp với sở hữu tư nhân về ruộng đất, chủ yếu là do nhà Vua ban phát và chưa phổ biến, nên trong thực tế các nhà nước phong kiến đều có thể điều tiết các quan hệ sở hữu đất đai theo ý chí của mình. Đó là điều kiện thuận lợi để các Nhà nước phong kiến thực hiện các chính sách tập quyền có hiệu quả và huy động được lực lượng toàn dân tộc đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững đất đai, lãnh thổ trong tiến trình lịch sử dân tộc ta.
Thứ hai, cơ sở pháp lý.
Khi có quyền sở hữu về bất kỳ một tài sản nào đó, thì người sở hữu có đầy đủ ba quyền năng (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt). Trong đó, quyền chiếm hữu là quyền được nắm giữ, quản lý tài sản trên thực tế hoặc danh nghĩa pháp lý theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất của tài sản trong phạm vi pháp luật cho phép. Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác hoặc từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản ấy bằng cách tự mình bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, cho mượn, để thừa kế, từ bỏ hoặc bằng các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
Đối với đất đai ở Việt Nam, thực hiện chế độ sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Do vậy, các tổ chức, cá nhân không có quyền sở hữu về đất đai, mà chỉ được giao quyền sử dụng đất với tư cách là một trong ba quyền của quyền sở hữu về đất đai. Tuy nhiên, ý nghĩa thực tế của quyền sử dụng đất đai vẫn đầy đủ, gần như quyền sở hữu. Người có quyền sử dụng đất có quyền nắm giữ, quản lý đất trên thực tế hoặc danh nghĩa pháp lý theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ; có quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất của đất đai mang lại trong phạm vi pháp luật cho phép và có quyền định đoạt số phận pháp lý của quyền sử dụng đất, có nghĩa là có quyền chuyển quyền sử dụng đất cho người khác, có quyền cho thuê, thừa kế, thế chấp hoặc các hình thức định đoạt khác đối với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Điểm lợi và linh hoạt của việc chỉ giao cho các tổ chức, cá nhân quyền sử dụng đất đai là thuận lợi cho việc thu hồi, bồi thường đất đai, tài sản, hoa màu trên đất. Thực tế cho thấy, vì lý do an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… sẽ phải thu hồi và bồi thường về đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Như vậy, Nhà nước có thể điều tiết quan hệ đất đai có lợi cho lợi ích quốc gia, còn người sử dụng đất có thể khai thác công dụng của đất đai để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…
Thứ ba, về thực tiễn quá trình quản lý, sử dụng đất ở Việt Nam.
Trong thực tiễn quá trình quản lý, sử dụng đất, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách đất đai phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Trước năm 1959, có 2 hình thức sở hữu về đất đai, đó là sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Giai đoạn 1959 – 1980, sở hữu về đất đai tồn tại chủ yếu dưới 3 hình thức: Nhà nước, tập thể và tư nhân. Từ năm 1980 đến nay, quy định một hình thức sở hữu về đất đai là sở hữu toàn dân. Cụ thể:
Cải cách ruộng đất được thực hiện ở miền Bắc nước ta từ cuối năm 1953 đến giữa năm 1956. Kết quả là quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ, phong kiến bị xóa bỏ. Số ruộng đất lấy được đem cấp cho nông dân, quyền sở hữu ruộng đất đã chuyển từ địa chủ sang nông dân cá thể, chủ yếu là trung nông, bần nông. Tuy nhiên, sở hữu tư nhân về ruộng đất chỉ tồn tại và chiếm ưu thế trong một thời gian rất ngắn. Từ năm 1958, Đảng chủ trương tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh “Hợp tác hóa nông nghiệp”, vận động các hộ nông dân góp ruộng đất, sức kéo, công cụ sản xuất… vào hợp tác xã. Chỉ sau một thời gian ngắn, đến cuối năm 1960, miền Bắc đã hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp với đại đa số diện tích ruộng đất vào hợp tác xã. Như vậy có thể thấy, trong giai đoạn này có 3 hình thức sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu của người lao động riêng lẻ (sở hữu tư nhân). Sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể được khuyến khích, còn sở hữu tư nhân tiêu giảm dần và không còn vai trò đáng kể trong đời sống kinh tế – xã hội. Quyền sở hữu ruộng đất trên thực tế là sở hữu toàn dân do các nông, lâm trường quản lý và sở hữu tập thể do hợp tác xã quản lý, còn hộ gia đình xã viên chỉ là thành viên của hợp tác xã.
“Khoán 10” theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị (khóa VI) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp đã chính thức thừa nhận hộ gia đình nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ và thực hiện giao “ruộng khoán” cho hộ gia đình sử dụng ổn định và lâu dài, ổn định năng suất, sản lượng khoán. Với những quy định đó, “Khoán 10” đã tạo nên sức bật chưa từng thấy của sản xuất nông nghiệp. Từ một quốc gia thiếu ăn, phải nhập khẩu và xin viện trợ lương thực, Việt Nam không chỉ bảo đảm đủ nhu cầu lương thực trong nước mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba trên thế giới, sau Thái Lan và Hoa Kỳ lúc bấy giờ.
3. Một số vấn đề cần giải quyết
Một là, làm tốt công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 (khóa XIII) đã nêu: “Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững”. Do vậy, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất và đồng bộ, Nhà nước cần phải ưu tiên phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục cụ thể hóa thành các quy hoạch, kế hoạch chi tiết cho địa phương.
Trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cần phân định rõ vai trò của các cơ quan nhà nước với tư cách thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và vai trò của các tổ chức, cơ quan, đơn vị nhà nước với tư cách là người sử dụng đất để bảo đảm tính minh bạch và bình đẳng trong thực thi quan hệ đất đai; quy định rõ quyền và tạo cơ chế thuận lợi để cá nhân, tổ chức được giao đất, cho thuê đất thực hiện các quyền chiếm hữu (giữ và làm chủ), sử dụng và hưởng lợi tùy theo loại đất.
Hai là, tập trung giải quyết tốt các “điểm nóng” về đất đai. Thực tế cho thấy, khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, có tốc độ đô thị hóa cao. Một số nơi còn tồn tại một số tranh chấp về đất đai do lịch sử để lại, tranh chấp đất đai thờ tự, tôn giáo… Đây là cơ hội để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, để hạn chế xuất hiện và xử lý tốt các “điểm nóng” về đất đai, cần lưu ý một số vấn đề sau: (1) Thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng; (2) Làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, dứt điểm hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài trợ, kích động hoạt động khiếu nại, tố cáo sai sự thật, vượt cấp; (3) Giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, khiếu kiện phức tạp về đất đai ở địa phương, không để lây lan, kéo dài, vượt cấp; (4) Không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức địa phương có phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, các sai phạm trong quản lý đất đai trên phạm vi cả nước có mối liên hệ mật thiết với đội ngũ cán bộ, công chức địa phương. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức địa phương có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ là yêu cầu cấp bách và đặc biệt quan trọng đối với việc thực thi hiệu quả chính sách đất đai hiện nay. Theo đó, cán bộ, công chức địa phương phải có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; có năng lực thực tiễn, nắm chắc và hiểu biết cơ bản tình hình thực tế để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công.
4. Kết luận
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam là sự kế thừa có chọn lọc những ưu việt của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Là sự lựa chọn tất yếu nhằm thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Chúng ta cần phải nhận thức một cách khách quan, khoa học về bản chất, ý nghĩa của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, từ đó đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch nhằm chống phá chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.
TS. Thịnh Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng
(Bài viết được đăng trên Tạp chí Quản lý nhà nước: https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/04/10/so-huu-toan-dan-ve-dat-dai-o-viet-nam-la-thuc-hien-quyen-lam-chu-cua-nhan-dan/)
---------------------
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2022). Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
2. Bộ Chính trị (1988). Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.
3. Quốc hội (2024). Luật Đất đai năm 2024.
Các tin khác
- Sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam là thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân
- Sự cần thiết khách quan phải chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra ở tỉnh Thanh hóa hiện nay
- Vận dụng quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập khi giảng dạy Bài 6 bộ môn Quản lý hành chính nhà nước
- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá tiếp tục phát huy kết quả Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3394
Hôm qua:
6778
Tuần này:
21555
Tháng này:
52442
Tất cả:
5.276.673