CHÀO MỪNG HỌC VIÊN KHOÁ 52 TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VỀ NHẬP HỌC VÀ DỰ LỄ KHAI GIẢNG, NĂM HỌC 2024 - 2025

Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam

Đăng lúc: 16:34:27 09/10/2024 (GMT+7)208 lượt xem

 Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
td.jpg
 
Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Từ thân phận nô lệ, Nhân dân Việt Nam đã thực sự trở thành người làm chủ đất nước. Nhưng, thực dân Pháp với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 đã gây hấn tại Nam Bộ, rồi phát động chiến tranh ra cả nước.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, ngay trong đêm ngày 19/12/1946, quân và dân Hà Nội đã nổ phát súng đầu tiên. Khoảng 20 giờ ngày 19/12, công nhân Nhà máy đèn phá máy, điện tắt làm tín hiệu tấn công. Pháo của ta từ các pháo đài Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo bắn vào khu thành. Vệ quốc đoàn và tự vệ đồng loạt tiến công vào các mục tiêu đã định. Vật cản, chiến luỹ được dựng lên khắp các phố. Cả Hà Nội đứng lên. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, tiêu biểu là trận chiến đấu ở Bắc Bộ phủ - một trận đánh lớn ở khu trung tâm Hà Nội. Thế trận “trong đánh ngoài vây - trong ngoài cùng đánh” đã được hình thành. Ở Liên khu I, dựa vào địa thế hiểm hóc, quân ta liên tục nổ súng, kiềm chế địch khi chúng đánh toả ra các cửa ô. Ở vòng ngoài, quân ta đánh chặn hàng chục đợt tấn công ra các cửa ô của địch. Ngày 6/1/1947, Trung đoàn Thủ đô chính thức được thành lập, đánh dấu một bước trưởng thành mới của các lực lượng vũ trang Hà Nội, tạo thêm điều kiện của thế trận “trong cùng ngoài đánh”, cầm chân địch.
Cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội quyết liệt ở cả nội thành và ngoại thành. Mỗi góc phố, mỗi căn nhà đều trở thành một pháo đài. Quân dân Hà Nội đã nêu cao quyết tâm chiến đấu với khẩu hiệu “Sống chết với Thủ đô” và với ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trải qua 60 ngày đêm ( 19/12/1946 đến 18/2/1947) chiến đấu anh dũng, sáng tạo và quyết liệt, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc một cách oanh liệt và quả cảm nhất, đã đánh gần 200 trận, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 2000 địch… kìm chân địch hiệu quả và làm tiêu hao sinh lực địch để các cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta an toàn rút ra khỏi Hà Nội lên chiến khu tiếp tục lãnh đạo kháng chiến; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó đó là chặn đứng ý định của thực dân Pháp đánh chiếm và làm chủ Thành phố trong vòng 24 giờ, bước đầu đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng.
Cuộc chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến là một minh chứng điển hình về tinh thần hy sinh cao cả và quyết tâm vượt qua khó khăn của người Việt Nam; tiêu biểu cho tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Chiến đấu ở nơi trung tâm đầu não xâm lược của thực dân Pháp, cuộc kháng chiến ở Hà Nội là một nét tiêu biểu của sức mạnh chiến tranh nhân dân, là một điển hình kháng chiến toàn dân trên mặt trận đô thị.
Trong 9 năm kháng chiến, mặc dù trong lòng địch, nhưng Đảng bộ Hà Nội đã vận dụng đúng đắn đường lối, chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng, đặc biệt là phương châm và nhiệm vụ công tác trong vùng bị địch tạm chiến. Đoàn kết, huy động sức mạnh toàn dân đánh giặc, chăm lo xây dựng, bồi dưỡng lực lượng trong suốt quá trình kháng chiến; kết hợp chặt chẽ phong trào đấu tranh kinh tế, chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao; vừa tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, vừa tuyên truyền, vận động ngay trong hàng ngũ địch, tạo nên sức mạnh tổng hợp giành chiến thắng. Chính vì vậy, trong quá trình kháng chiến, quân và dân Thủ đô Hà Nội vừa trực tiếp đánh địch bằng nhiều hình thức, vừa tích cực chi viện, chia lửa cho các chiến trường, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân Pháp phải rút hết khỏi miền Bắc, tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày sau khi Hiệp định ký kết. Chính vì vậy, lợi dụng khoảng thời gian cuối cùng này, quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt. Trước tình hình mới, trên cơ sở quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, đồng thời nhận thức rõ việc tiếp quản Thủ đô, giải phóng hoàn toàn Hà Nội có một ý nghĩa hết sức trọng đại đối với sự nghiệp kháng chiến của cả nước, Thành uỷ Hà Nội đã chuẩn bị kế hoạch tiếp quản thành phố vô cùng chu đáo. Ngày 17/9/1954, theo quyết định của Chính phủ, Uỷ ban Quân chính Hà Nội được thiết lập, bộ máy tiếp quản được tổ chức. Trung ương ban hành và phổ biến cho cán bộ tiếp quản các chỉ thị: "Bảo vệ thành phố mới được giải phóng" cùng "08 chính sách đối với thành phố mới được giải phóng" và "10 điều kỷ luật của bộ đội, nhân viên công tác khi vào thành phố mới được giải phóng". Uỷ ban quân chính đã chuẩn bị một lực lượng quân - dân đủ mạnh để phòng và khắc phục mọi hậu quả âm mưu phá hoạt của kẻ địch gây ra.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt với địch, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều cùng ngày, người dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Công cuộc tiếp quản Thủ đô an toàn, nhanh gọn, thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch và 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học. Sinh hoạt của Nhân dân được bình ổn, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm. Bộ máy của các cơ quan chức năng về kinh tế, chính trị, xã hội, y tế, giáo dục hoạt động đều, giao thông, liên lạc, bưu điện giữa Hà Nội với các tỉnh được thông suốt.
td1.jpg
Hình ảnh các đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô năm 1954. (Ảnh: Tư liệu).
 
Để khắc phục những khó khăn, nhất là về mặt đời sống vật chất của Nhân dân trong những ngày mới giải phóng, Uỷ ban Quân chính thống nhất ban hành chủ trương: ngoài nhiệm vụ chính là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thành phố, lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô cần tích cực tham gia mọi hoạt động giúp đỡ Nhân dân, nhanh chóng phục hồi sản xuất, góp phần khôi phục nền kinh tế, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân cả nước. Đồng thời, Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội đã lãnh đạo các cấp, các ngành cùng Nhân dân cả nước đoàn kết, nỗ lực chung tay khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn; khắc phục những hậu quả của chế độ thực dân để lại; tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống Nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cùng Nhân dân miền Bắc dốc sức chi viện cho chiến trường miền Nam.
Như vậy, trong suốt chặng đường hành quân lịch sử từ ngày toàn quốc kháng chiến đến ngày trở về giải phóng Thủ đô, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, quân và dân Hà Nội đã lập nên mốc son chói lọi làm nức lòng quân và dân cả nước. Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng ghi nhận sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo tài tình và chiến lược hiệu quả trong quá trình giải phóng và tiếp quản Thủ đô.
Sự kiện thủ đô Hà Nội được giải phóng đã đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta, đồng thời mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Phát huy, vai trò vị trí của Thủ đô Hà Nội đối với đất nước và cách mạng Việt Nam, ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền Thành phố tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm có được trên những chặng đường đã qua, trong đó có những bài học kinh nghiệm trong quá trình tham gia kháng chiến, thực hiện tiếp quản và giải phóng Thủ đô để quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục của cả nước - Thành phố vì hoà bình.
ThS. Lê Hải Yến
GVC. Khoa Xây dựng Đảng
-----------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- “Thiên sử vàng của quân dân Thủ đô anh dũng”, NXB Hà Nội, 2014
- Phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình”
- Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3 (1945 -1995), NXB giáo dục 1998
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
942
Hôm qua:
2520
Tuần này:
10408
Tháng này:
42629
Tất cả:
4.834.616