THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp

Đăng lúc: 09:46:11 02/12/2024 (GMT+7)1 lượt xem

 Để thực hiện tốt mô hình “5-5-5-5-5” (5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò), mỗi chủ nhiệm lớpphải là một tư lệnh trưởng”, hiện thực hoá những ý tưởng quản lý lớp thành kế hoạch, định hướng cho học viên chủ động tổ chức các hoạt động cụ thể, đồng thời khơi dậy sự nhiệt tình tham gia của cả tập thể lớp.                           
tx1.jpg

Lớp TCLLCT không tập trung
huyện Thọ Xuân, khóa học 2024 - 2025
chụp ảnh lưu niệm
 tại Lễ khai giảng
                                     
Quán triệt quan điểm lý luận của Đảng “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá luôn bám sát mục tiêu, yêu cầu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và căn cứ vào tình hình thực tiễn để không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, đổi mới tư duy và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Với truyền thống 75 năm đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” cho tỉnh nhà, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý học viên. Trong đó, công tác chủ nhiệm lớp luôn được lãnh đạo Nhà trường quan tâm, xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Trong bối cảnh hiện nay, trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng các cấp đề ra, đòi hỏi đội giảng viên làm công tác chủ nhiệm lớp phải thực hiện tốt hơn vai trò của mình. Theo đó, nhiệm vụ của chủ nhiệm lớp là quản lý, điều hành lớp học; chuẩn bị, quản lý hồ sơ lớp học; cùng với phòng QLĐT và NCKH xây dựng kế hoạch hoạt động toàn khóa để lãnh đạo Nhà trường phê duyệt; định hướng, dẫn dắt lớp học thực hiện kế hoạch chủ nhiệm đúng tiến độ. Thường kỳ, sau các phần học, môn học, khoá học, chủ nhiệm lớp phải báo cáo với lãnh đạo Nhà trường về tình hình mọi mặt của lớp; cung cấp hồ sơ học viên để trình Hiệu trưởng xem xét, quyết định việc khen thưởng, kỷ luật, công nhận và cấp bằng tốt nghiệp cho học viên. Trong suốt khoá học, chủ nhiệm lớp được dự và tham gia ý kiến tại các cuộc họp giao ban; giải quyết các công việc cụ thể liên quan đến lớp khi được lãnh đạo Nhà trường phân công hoặc ủy quyền.
Một trong những nhiệm vụ thường xuyên mà chủ nhiệm lớp phải thực hiện là nắm vững tình hình học tập và rèn luyện của học viên để báo cáo với lãnh đạo Nhà trường. Đây là kênh thông tin rất quan trọng và cần thiết đối với Ban Giám hiệu để có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cho từng lớp học cụ thể. Bên cạnh đó, chủ nhiệm lớp là cầu nối giữa cấp uỷ địa phương với Nhà trường trong công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời, tổ chức phối hợp với giảng viên các khoa chuyên môn quản lý học viên trong suốt khóa học, đồng hành và truyền cảm hứng để tập thể lớp thi đua học tập, rèn luyện và đạt được kết quả cao nhất. Có thể khẳng định, chủ nhiệm lớp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học viên.
Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đang tiếp tục phấn đấu sớm đạt chuẩn mức 2 vào Quy định số 11 của Ban Bí thư. Theo đó, Nhà trường cần “…tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thích ứng với tình hình mới, trong đó phải kiên định về mục tiêu, linh hoạt trong mô hình và tạo đột phá về phương pháp dạy và học… chú trọng dạy thực chất, học thực chất, đánh giá kết quả thực chất”. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Nhà trường chú trọng nghiên cứu và đưa vào thực hiện các mô hình đổi mới sáng tạo, trong đó, đối với công tác chủ nhiệm lớp, Nhà trường tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện mô hình5-5-5-5-5 (5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò).
Đối với “5 được”, thông qua công tác chủ nhiệm lớp, giảng viên được: (1) Nâng cao năng lực quản lý thông qua kế hoạch chủ nhiệm; (2) Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; (3) Nâng cao năng lực tham mưu; (4) Hiểu biết toàn diện; (5) Có cơ hội mở rộng quan hệ công tác.
Đối với “5 sản phẩm”, để hoàn thành nhiệm vụ chủ nhiệm lớp, Nhà trường yêu cầu giảng viên phải hoàn thành 5 sản phẩm, gồm: (1) Kế hoạch chủ nhiệm lớp; (2) Báo cáo tổng quan vấn đề nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn; (3) Báo cáo chuyên đề tổng kết thực tiễn; (4) Báo cáo tổng kết khoá học; (5) Báo cáo kiến nghị, đề xuất.
Đối với “5 quán xuyến, trong quá trình quản lý lớp, giảng viên cần thường xuyên quán xuyến: (1) Kế hoạch đào tạo; (2) Chương trình phối hợp; (3) Học viên; (4) Giảng viên; (5) Hợp đồng đào tạo lớp.
Đối với “5 thông qua”, chủ nhiệm lớp cần thông qua Ban Giám hiệu: (1) Kế hoạch chủ nhiệm lớp; (2) Kế hoạch nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn; (3) Báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế và tổng kết thực tiễn; (4) Các chuyên đề và báo cáo tổng kết khoá học; (5) Báo cáo kiến nghị, đề xuất.
Đối với “5 vai trò”, chủ nhiệm lớp cần phát huy vai trò: (1) Định hướng; (2) Đồng hành; (3) Kích hoạt; (4) Thổi hồn; (5) Truyền cảm hứng cho học viên.
Thông qua kế hoạch chủ nhiệm, giảng viên cần định hướng để học viên thực hiện tốt các mô hình học tập và các hoạt động của trường, lớp. Với vai trò “đồng hành”, chủ nhiệm lớp cần sẵn sàng giúp đỡ, động viên học viên trong tổ chức các hoạt động học tập, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người học trong và cả sau khoá học.
Với phương châm “lấy học viên làm trung tâm”, chủ nhiệm lớp cần “kích hoạt, thổi hồn, truyền cảm hứng” và đồng hành với học viên trong tổ chức các hoạt động học tập, hoạt động ngoại khóa, hoạt động nghiên cứu thực tế nhằm phát huy tính chủ động của người học, thông qua các diễn đàn, toạ đàm do học viên chủ trì, trao đổi, thảo luận về các vấn đề đa dạng gắn với thực tiễn, như: đạo đức, tác phong, phong cách, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính ở địa phương; phát triển kinh tế - xã hội; công tác giảm nghèo ở địa phương... Qua đó, nâng cao kiến thức, năng lực và kỹ năng cần thiết cho học viên, cũng như nâng cao phẩm chất, nhân cách người cán bộ.
Để thực hiện tốt mô hình “5-5-5-5-5” (5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò), mỗi chủ nhiệm lớp phải là một “tư lệnh trưởng”, hiện thực hoá những ý tưởng quản lý lớp thành kế hoạch, định hướng cho học viên chủ động tổ chức các hoạt động cụ thể, khơi dậy sự nhiệt tình tham gia của cả tập thể lớp. Đồng thời, chính chủ nhiệm lớp cần thực hiện tốt “5 kết nối” (kết nối giữa giảng viên, học viên và Nhà trường; kết nối giữa giảng viên, học viên và địa phương, cơ sở; kết nối, giao lưu, học tập văn hoá các vùng, miền; kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai; kết nối trước, trong và sau bài học, khoá học. Từ đó, mỗi chủ nhiệm lớp sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường là “phát huy tốt vai trò học viên là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực”.
Tóm lại: Mô hình 5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò là chỉ dẫn cụ thể để chủ nhiệm lớp phát huy năng lực quản lý, năng lực tham mưu, nghiên cứu thực tế và tổng kết thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay./.
ThS. Nguyễn Thị Phương
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
----------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXb Chính trị - Quốc gia - Sự thật, H. 2021, tr 233.Cuốn lịch sử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
2. Quy định số 11 của Ban Bí thư, ngày 19/5/2021 về “trường Chính trị chuẩn”
3. Kết luận 729 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 14/02/2022 về “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
4. Bài viết của TS. Lương Trọng Thành: Từng bước xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước (Đăng Báo Thanh Hóa, ngày 01/01/2022).
5. Cuốn: Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá (1949-2024), Nxb Thanh Hoá, 2024
6. Cuốn sách “Những mô hình đổi mới sáng tạo vì học viên” - Chủ biên: TS. Lương Trọng Thành
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1163
Hôm qua:
1922
Tuần này:
5536
Tháng này:
10639
Tất cả:
4.944.240