CHÀO MỪNG HỌC VIÊN KHOÁ 52 TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VỀ NHẬP HỌC VÀ DỰ LỄ KHAI GIẢNG, NĂM HỌC 2024 - 2025

Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống cho Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 07:04:10 05/04/2024 (GMT+7)916 lượt xem

 Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân là những nội dung cơ bản, cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là những nội dung luôn được Hồ Chí Minh quan tâm trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và được thể hiện trong chính tấm gương đạo đức và phong cách của Người.
Picture1 (1).png
Toạ đàm sinh hoạt chuyên đề ở khoa Xây dựng Đảng
 
Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống cho Nhân dân là những nội dung cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống cho Nhân dân trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng chủ yếu bao gồm những nội dung cốt lõi sau:
- Về tôn trọng Nhân dân
Thứ nhất, theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôn trọng Nhân dân thể hiện trước hết là thái độ đề cao vai trò, sức mạnh của Nhân dân và tin tưởng vào Nhân nhân. Bởi theo Người, “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”(1). Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ khi chỉ là một người yêu nước, chiến sĩ cộng sản, cho đến khi trở thành lãnh tụ tối cao, dù ở cương vị nào thì Hồ Chí Minh cũng đều đề cao vai trò, sức mạnh của Nhân dân và nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng, chứ không phải của một, hai người”(2) “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ” (3).
Thứ hai, cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của nhân dân, theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ý thức tôn trọng nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp của Nhân dân, không xúc phạm đến Nhân dân. Trong bài Huấn thị nhân dịp Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II, năm 1950, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Phải biết trọng nhân dân. Tôn trọng có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực vật lực của dân, Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”(4). Người cũng nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải chú ý những điều nên làm và không nên làm, trong đó Người nhấn mạnh: "Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết. Phải làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc, chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ." (5) và khi đến với dân phải thì phải lưu ý “… Dù một cái kim, một sợi chỉ cũng không xâm phạm đến của dân. Đối với sự tôn giáo tín ngưỡng của dân chúng, mình phải kính trọng.”(6)
Thứ ba, tôn trọng Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn thể hiện đó là thái độ lắng nghe, học hỏi Nhân dân. Bởi theo Người “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra.”(7) , cho nêncán bộ, đảng viên muốn lãnh đạo được Nhân dân thì phải lắng nghe, học hỏi cách làm hay, sáng tạo của Nhân dân và nếu “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dânCó biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”(8).
- Về phát huy dân chủ
Theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân và cũng là đặc trưng quan trọng thể hiện rõ tính chất của Nhà nước ta. Người từng khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích cũng vì dân. Bao nhiêu quyền hạn cũng là của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(9). Do đó, trong suốt những năm với cương vị là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã luôn kiên trì xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ và luôn chú trọng việc phát huy dân chủ.
Dân chủ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đó chính là dân là chủ và dân làm chủ. Dân là chủ có nghĩa là tất cả quyền bính trong nước đều thuộc về Nhân dân, tất cả những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia, đến đời sống Nhân dân đều phải được đưa ra để Nhân dân bàn bạc, quyết định. Điều này đã được Người khẳng định ngay từ trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946) là: “Tất cả quyền bính trong nước đều là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo...”; “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra  nhân dân phúc quyết”. Còn dân làm chủ đó là quyền và lợi ích của người dân được hưởng trong chế độ mới cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, nhưng đồng thời cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong đóng góp xây dựng Nhà nước và chế độ xã hội mới, như Người từng khẳng định trong bài viết về Đạo đức công dân, đó là: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là: Tuân theo pháp luật Nhà nước. Tuân theo kỷ luật lao động. Giữ gìn trật tự chung. Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung. Hăng hái tham gia công việc chung. Bảo vệ tài sản công cộng. Bảo vệ Tổ quốc”(10).
Còn về phát huy dân chủ theo Hồ Chí Minh là đề cao vị thế là chủ, vai trò làm chủ của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng; làm cho vị thế là chủ, vai trò làm chủ của Nhân dân ngày càng được mở rộng. Theo đó, Đảng, Chính quyền phát huy dân chủ chính là bảo đảm quyền con người, quyền công dân, làm sao cho Nhân dân có năng lực làm chủ, biết hưởng, biết dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm và các quyền này phải được đảm bảo đầy đủ trên thực tế, được thực hiện kịp thời và có hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, cũng phải làm cho người dân thấy rõ được trách nhiệm của người làm chủ trong đóng góp xây dựng đất nước.
- Về chăm lo đời sống cho Nhân dân.
Đây là vấn đề mà Hồ Chí Minh luôn trăn trở trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ngay từ khi bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước, cho đến khi trở thành lãnh tụ của Đảng và là người đứng đầu Nhà nước. Người từng nói về mục tiêu phấn đấu trong suốt cả cuộc đời của mình là: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(11). Đồng thời, Người cũng luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên là đều từ nhân dân mà ra nên phải biết chăm lo đời sống cho Nhân dân, phải có trách nhiệm với dân. Người nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi”.(12) Chính vì vậy, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Chính phủ tập trung vào ngay vào những công việc cụ thể để chăm lo đời sống Nhân dân như: chống nạn đói, nạn dốt và xóa các tệ nạn xã hội; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tín ngưỡng tự do; lương giáo đoàn kết...Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, dù trong điều kiện chiến tranh, Người vẫn luôn đề cập đến việc Đảng, Chính phủ phải thực hiện các biện pháp để chăm lo đời sống Nhân dân. Ngay cả đến cuối đời, trong Di Người vẫn có những trăn trở và căn dặn cụ thể về việc phải chăm lo đời sống của Nhân dân sau khi đất nước giành độc lập.
Chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là phải chăm lo mọi mặt đời sống Nhân dân, nhưng trước hết là các nhu cầu thiết yếu nhất về ăn, mặc, ở, học hành, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, như Người đã nêu trong Bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc: “Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập… Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành” (13).
Tuy nhiên, việc chăm lo đời sống cho Nhân dân cũng được Hồ Chí Minh nêu rõ là chăm lo cho dân không phải làm thay dân, mà là đề ra kế hoạch và hướng dẫn cho Nhân dân để cho Nhân dân tự chăm lo đời sống của mình. Trong Di chúc, Người đã nêu rõ: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (14).
Đặc biệt, để thực hiện tốt việc chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến việc phải xây dựng bộ máy Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức thực sự liêm khiết, trong sạch, tránh quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, phải loại bỏ hết “những ông quan cách mạng” ra khỏi bộ máy Nhà nước.
Tóm lại: Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân là những nội dung cơ bản, cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là những nội dung luôn được Hồ Chí Minh quan tâm trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và được thể hiện trong chính tấm gương đạo đức và phong cách của Người. Quán triệt, vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo cho đời sống của Nhân dân là một trong những nội dung có ý nghĩa thiết thực trong tình hình hiện nay, nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
ThS. Lê Hải Yến
Khoa xây dựng Đảng
------------------------
(1), (3), (6), (7), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.335, tr286, tr394, tr335
(2), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t2, tr.283
(5), (11), (13), Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t4, tr.166, tr187, tr152
(4), (8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t6, tr.458, tr432, tr232
(10), (12), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t9, tr258, tr518
(14), Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t15, tr612
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
157
Hôm qua:
2835
Tuần này:
8420
Tháng này:
39273
Tất cả:
4.759.040