NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Cảm nhận từ Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII - Năm 2023

Đăng lúc: 17:14:45 02/10/2023 (GMT+7)451 lượt xem

 Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị được tổ chức định kỳ 5 năm 2 lần và đã trở thành sự kiện quan trọng, là ngày hội thao giảng lớn nhất của giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh và các trường Bộ, Ngành.
1.png
Đoàn cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh tham dự Hội thi
 
Tham dự hội thi, các giảng viên sẽ thực hiện 3 nội dung thi: thi giáo án, thi viết và thi giảng; qua đó trau dồi thêm nội dung bài giảng, từng bước cải tiến phương pháp dạy học, sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thông qua quá trình chuẩn bị tổ chức, lựa chọn và cử giảng viên tham gia Hội thi, các trường đánh giá, phân loại giảng viên chính xác hơn, trên cơ sở đó có kế hoạch tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trong những năm tiếp theo.
2.png
TS. Lê văn Phong - Trưởng khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh nhận Giấy khen đạt danh hiệu Giảng viên xuất sắc tại Hội thi
 
Sau ba ngày diễn ra Hội thi (từ ngày 18 đến ngày 20/9), đã có 39 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên xuất sắc, 89 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi. Hội thi năm 2023 được đánh giá là hội thi có số lượng thí sinh tham gia cao nhất từ trước đến nay; hoàn thành toàn bộ mục tiêu yêu cầu, các nội dung đã đề ra; tạo được không khí học tập chuyên môn hào hứng. Đây là những kết quả ban đầu để mỗi giảng viên thêm nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, không ngừng rèn luyện, phấn đấu với tất cả sự tâm huyết, trách nhiệm. Qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trường Chính trị, hoàn thành tốt sự nghiệp cao cả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
3.png
PGS, TS. Hoàng Phúc Long - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá và giảng viên dự Hội thi
 
Trong suốt thời gian tổ chức Hội thi, các giảng viên dự thi đã được trực tiếp trải nghiệm, tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa, để lại những kỷ niệm, dấu ấn tốt đẹp, như: hoạt động dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh; tham quan triển lãm ảnh, triển lãm sách về thành tựu công tác trường chính trị và của TP.HCM; tham gia đêm gala với chủ đề “Chia sẻ - kết nối - phát triển”. Tất cả các hoạt động ý nghĩa này tạo nên không khí sôi nổi, hân hoan để Hội thi trở thành nơi hội tụ, kết nối, chia sẻ và truyền cảm hứng.
Với những đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức, Hội thi năm nay đã định hướng cho đội ngũ giảng viên chủ động soạn bài giảng theo mẫu giáo án chuẩn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo yêu cầu phải bám sát nội dung trong Chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị; đảm bảo chặt chẽ về mặt nội dung kiến thức; đồng thời lồng ghép những nội dung kiến thức thực tiễn về những thành tựu, kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của địa phương. Nội dung thi viết cũng mang tính hướng mở, đòi hỏi các giảng viên tham gia dự thi phải có kiến thức tổng hợp trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội tới an nình quốc phòng; đặc biệt yêu cầu thí sinh phải đưa ra giải pháp cụ thể đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và khắc phục bệnh lười học chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Đối với phần thi giảng, tính chủ động, toàn diện của các giảng viên càng được thể hiện rõ nét hơn qua hoạt động bắt thăm tiết giảng; điều này đặt ra yêu cầu thí sinh dự thi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về toàn bộ nội dung bài giảng, phải “giỏi” cả bài giảng chứ không phải chỉ “giỏi” một tiết, một phần; qua đó tránh kiểu làm hình thức, góp phần nâng cao chất lượng của Hội thi.
Không chỉ chủ động trong các phần thi, các giảng viên tham dự hội thi còn được trực tiếp lắng nghe những ý kiến góp ý quý báu của Hội đồng Giám khảo sau mỗi buổi thi; nhờ đó, giúp các giảng viên rút kinh nghiệm cho các phần thi sau, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan của Hội thi.
Từ không khí của Hội thi, chúng tôi cảm nhận được sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng hết mình; chủ động trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật, bổ sung kiến thức, trau dồi kỹ năng sư phạm; chủ động cập nhật kiến thức mang tính thời sự để thể hiện tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của các giảng viên. Các giảng viên tham gia hội thi đã bình tĩnh, tự tin và hoàn thành tốt ba nội dung thi; vận dụng tốt những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết gần đây của Đảng. Trọng tâm các bài giảng được thể hiện rõ trong quá trình giảng bài, giàu tính thực tiễn với các số liệu, tư liệu, ví dụ minh họa phong phú; tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; cập nhật các vấn đề lý luận và thực tiễn mới, liên hệ thực tiễn sinh động, mang tính thời sự cao… vào nội dung bài giảng; chú trọng hướng dẫn học viên vận dụng lý luận vào xử lý các vấn đề thực tiễn địa phương, áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, hiện đại, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với người học, thể hiện tốt năng lực tương tác với học viên. Nhiều giảng viên còn quan tâm tới rèn luyện kỹ năng vận dụng tri thức vào hoạt động thực tiễn của học viên, gợi mở các vấn đề để phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của học viên.
Những kết quả mà các giảng viên tham dự cuộc thi đã đạt được không chỉ là niềm tự hào của bản thân giảng viên và các nhà trường, mà còn là nguồn cảm hứng, là động lực để các giảng viên, các nhà trường tiếp tục duy trì và thúc đẩy phong trào “dạy tốt, học tốt”, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; xây dựng kế hoạch cụ thể và duy trì nề nếp tổ chức hoạt động thao giảng, dự giờ, tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp, nghiệp vụ sư phạm; đồng thời, xem việc thao giảng là một trong những biện pháp đánh giá, phân loại chất lượng giảng viên, từ đó xây dựng kế hoạch phù hợp để xây dựng đội ngũ giảng viên, xây dựng trường chính trị đạt chuẩn.
Kết quả Hội thi năm nay không chỉ là việc lựa chọn, công nhận giảng viên dạy giỏi, mà còn là cơ sở để khẳng định thành tích, kinh nghiệm trong tổ chức quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; là kết quả cụ thể, thiết thực trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, qua đó đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát hiện những giảng viên có năng lực, động viên, biểu dương kịp thời thành tích, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của các trường chính trị, trường bộ, ngành trong cả nước. Hội thi còn là cơ hội để tất cả các trường Chính trị trong cả nước được gặp gỡ giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác lãnh đạo, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.
Kết quả hội thi cũng là cơ sở quan trọng để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nắm bắt cụ thể hơn nhu cầu và tình hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đội ngũ giảng viên của các trường, đồng thời nghiên cứu, rút kinh nghiệm, xây dựng, thống nhất quản lý và đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, học tập; bổ sung quy chế, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, như đánh giá của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng tại Phát biểu bế mạc hội thi: “Thành công của hội thi này là cơ sở để chúng ta suy nghĩ về cách thức phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy để tổ chức các hội thi tiếp theo tại những địa phương có điều kiện phù hợp”.
Là những người trực tiếp tham dự các phần thi, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cho giảng viên để có thể đạt kết quả cao hơn nữa. Cụ thể như sau:
Một là, chủ động học tập, tích cực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, cập nhật thời sự và bám sát các nội dung trong Văn kiện, tài liệu của Đảng để vững vàng về chuyên môn, giỏi về kiến thức, từ đó truyền thụ bài giảng cho học viên một cách sâu rộng, phong phú, vận dụng lý luận để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Hai là, chú trọng tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào nội dung bài giảng, xem đây là một trong những nội dung chính quan trọng trong mỗi tiết giảng.
Ba là, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực vận dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại vào giảng bài nhằm thu hút người học, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, giúp học viên tiếp tục tự học, tự bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn.
Bốn là, có kỹ năng xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình giảng dạy, tùy theo từng đối tượng người học (tuổi tác, địa vị xã hội…) để sử dụng phương pháp dạy học thích hợp, lấy ví dụ minh họa phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Năm là, có bản lĩnh chính trị, có đạo đức trong sáng, nhiệt huyết, trách nhiệm và tận tụy với nghề, từ đó truyền cảm hứng cho người học, giúp học viên có thái độ, động cơ đúng đắn khi thực hiện nhiệm vụ được giao, loại bỏ tính thụ động, lười học lý luận của học viên.
Đây là những kinh nghiệm bản thân đúc rút được từ quá trình tham dự hội thi, cũng là hành trang để chúng tôi tiếp tục phấn đấu, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, trở thành những hạt nhân nòng cốt, giảng viên mẫu mực, có uy tín cao của trường, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đối với đồng nghiệp và học viên các trường chính trị.
TS. Dương Thị Hằng
                           Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1097
Hôm qua:
2004
Tuần này:
13279
Tháng này:
59653
Tất cả:
4.424.533