NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Chủ nghĩa nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ý nghĩa trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay

Đăng lúc: 16:01:42 19/05/2020 (GMT+7)565 lượt xem

ThS. Tạ Văn Hưng
Phó trưởng Khoa Lý luận cơ sở
 
Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là yêu cầu khách quan để hoàn thành các mục tiêu chiến lược xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cũng như thực tiễn đổi mới đất nước hiện nay. Một trong những nội dung của xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chính là xây dựng văn hóa trong Đảng và trong cả hệ thống chính trị. Việc nghiên cứu tư tưởng nhân văn, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh sẽ gợi mở cho chúng ta nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị hiện nay.
1. Chủ nghĩa nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tư tưởng nhân văn (nhân đạo), chủ nghĩa nhân văn (nhân đạo), xét đến cùng cũng chính là tư tưởng về con người và phận người. Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, đã có nhiều học thuyết, tư tưởng nhân văn phản ánh tâm tư, nguyện vọng của con người muốn được giải phóng khỏi mọi bế tắc đến từ tự nhiên, xã hội và từ chính mình, được thể hiện ở những mức độ, trình độ và góc tiếp cận khác nhau.
Nhìn chung, những tư tưởng nhân văn, nhân đạo ấy chỉ mới dừng lại là ước mơ, là sự phản ánh nguyện vọng được giải phóng của con ngưuời, về tương lai và mối quan hệ xã hội tốt đẹp hơn. Điều này được phản ánh trong nhiều học thuyết triết học trước C.Mác, đặc biệt là chủ nghĩa xã hội không tưởng thế kỷ XVII – XVIII và các tôn giáo.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa những giá trị nhân văn cao cả của dân tộc, nhân loại và đặc biệt là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản của C. Mác, Ăng – ghen và Lênin. Điều đó đã giải thích vì sao tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh nói riêng luôn luôn là linh hồn, “ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam”, “lương tâm của thời đại”, có sức sống bền vững và ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của Nhân dân Việt Nam.
          Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh chính là tình thương yêu con người bao la vượt lên mọi hoàn cảnh. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ thấy, triết lý sống của Người chính là “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề…là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập,dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”[1].
          2. Nội dung chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh
          Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh trước hết thể hiện ở tư tưởng yêu thương con người. Tình thương yêu con người của Bác không phải là tình thương hại của bề trên, cũng không phải là sự động lòng trắc ẩn của người đứng ngoài, mà là sự đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ. Đó chính là nét đặc sắc, cũng là cái vượt lên trên các học thuyết, tư tưởng nhân bản trước Mác.
          Trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, bao dung, độ lượng là một thành tố không thể thiếu. Người luôn khắt khe với chính mình nhưng lại bao dung, độ lượng với những người xung quanh. Thái độ bao dung, độ lượng của Bác cũng rất đặc sắc. Bao dung nhưng không phải bỏ qua sai lầm, khuyết điểm. Đối với cán bộ có khuyết điểm thì phải sửa, muốn sửa được thì phải nhận ra khuyết điểm. Cho nên Người đề cao tinh thần phê bình và tự phê bình để sửa chữa khuyết điểm của cán bộ từ đó giúp cán bộ hoàn thiện hơn, phục vụ đất nước và Nhân dân tốt hơn. Thái độ đối với sai lầm của Bác cũng đặc sắc và đầy tính nhân văn. Ở đời có ai không sai lầm nhưng quan trọng phải biết bỏ tối, về sáng. Bác luôn khoan dung với những người lầm lỡ như vậy. Còn những người mắc sai lầm đi ngược đường lối đúng đắn của Đảng, Chính phủ, làm sai đường lối, pháp luật, làm tổn hại đến uy tín của Đảng, Chính phủ, gây hại cho lợi ích của đất nước của Nhân dân thì nghiêm trị theo pháp luật, nhưng Bác cũng rất đau xót, luôn tự nhận trách nhiệm giáo dục cán bộ chưa đến nơi đến chốn để cán bộ mắc sai lầm không thể tha thứ.
          Có thể nói, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh cô đậm nhất trong Di chúc. Bác viết: “Đầu tiên là vấn đề con người”“Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.
          Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là giải phóng con người, mà trước tiên là những người cùng khổ.
          Xưa nay, giai cấp thống trị coi khinh quần chúng lao động, cho họ là đám người ngu dốt, tiêu cực, thụ động. Nếu có tiến bộ lắm thì cũng chỉ mới phát hiện ra “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, hay “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Họ hoàn toàn chưa phát hiện ra sức mạnh vô địch đến từ Nhân dân.
          Hồ Chí Minh sống trong lòng quần chúng Nhân dân cần lao, hiểu được tâm tư, nguyện vọng và sức mạnh to lớn của quần chúng nhất là khi họ được trang bị lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Nên tình yêu thương quần chúng ở Bác gắn liền với niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh, tính chủ động, sáng tạo của quần chúng Nhân dân và lòng kính trọng Nhân dân thực sự. Yêu thương – tin tưởng tuyệt đối - kính trọng quần chúng cần lao, ấy là nét đặc sắc vượt lên mọi học thuyết nhân bản cũ để tạo nên sự quyến rũ của Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.
          Một nét đặc sắc khác trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, đó là, mặc dù là chủ nghĩa nhân văn, triết học nhân văn nhưng không phải là hệ thống phạm trù, khái niệm chung trừu tượng như truyền thống triết học Tây phương, mà triết học nhân văn Hồ Chí Minh là tổng hòa tư tưởng hành động nhân văn rất cụ thể và gần gũi, thể hiện thái độ ứng xử phù hợp đối với từng tầng lớp người khác nhau trong xã hội.
          Trong Di chúc, Người nhấn mạnh, “Đầu tiên là công việc đối với con người và đề ra yêu cầu, thái độ, chính sách đối với các lớp người khác nhau: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”.
          Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta.
          Đối với cha, mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương…phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
          Những chiến sỹ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang Nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, nghề để đào tạo thành cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
          Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh còn là xây dựng con người, giải phóng con người về đạo đức, nhân cách, tài năng, trí tuệ. Theo đó, xây dựng con người trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên thì đầu tiên là xây dựng về đạo đức, nhân cách. Đạo đức, nhân cách của cán bộ, đảng viên trước hết hình thành từ yêu cầu khách quan của công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng Nhân dân. Ngày nay còn là yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, bảo vệ và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
          Vậy người cán bộ, đảng viên thì cần đạo đức, nhân cách nào? Đó chính là đạo đức, nhân cách cách mạng.
          Cách mạng trước hết là cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Cán bộ, đảng viên là lực lượng nòng cốt đi đầu trong cách mạng, cho nên cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh: “Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?” . Đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên là phải cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, “Trung với nước, với Đảng”, “Hiếu với dân”.
          Như vậy có thể nói, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn hành động, hành động để giải phóng con người, giải phóng Nhân dân. Tất cả vì con người, vì Nhân dân. Người căn dặn: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho Nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho Nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”.
3. Ý nghĩa trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở nước ta hiện nay
          Xây dựng Đảng, xây dựng Hệ thống chính trị thực chất là xây dựng đội ngũ con người và cấu trúc tổ chức của Đảng và Hệ thống chính trị. Không có con người tốt thì không có tổ chức Đảng và đoàn thể chính trị tốt. Ngược lại cấu trúc tổ chức và cơ chế vận hành của tổ chức không khoa học thì kìm hãm sự phát triển của con người. Vì vậy xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị xét đến cùng cũng là vấn đề về con người, và vấn đề con người cũng là vấn đề của tổ chức. Đây là hai mặt của mối quan hệ biện chứng con người – tổ chức và tổ chức – con người.
          Vậy hiện nay trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta đang đặt ra những vấn gì?
          Đảng ta luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Việc cần làm trước tiên là xây dựng, chỉnh đốn lại Đảng”. Mục đích của xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để cán bộ, đảng viên, đoàn viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và hết lòng, hết sức phụng sự Nhân dân, phụng sự đất nước.
          Mặc dù công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm. Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30 tháng 10 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã chỉ rõ 9 biểu hiện suy thoái chính trị tư tưởng, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện về “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây chính là những vấn đề nhức nhối, cấp bách đang đặt ra trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay. Những vấn đề này nếu không sớm được khắc phục dứt điểm thì Đảng sẽ tự đánh mất vai trò lãnh đạo, cầm quyền của mình.
          Nghiên cứu chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh cho chúng ta một gợi mở đáng quan tâm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh hiện nay, đó là, quá trình vừa thanh lọc cũ, vừa tuyển chọn mới. Để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thì trước hết phải thanh lọc hàng ngũ, “thà ít mà tốt” còn hơn đông, nhiều mà hiệu quả thấp, thậm chí gây mất uy tín của Đảng, của hệ thống chính trị, tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc và Nhân dân. Sẵn sàng loại bỏ những cán bộ, đảng viên suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Ngăn chặn tình trạng một số cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn sống xa hoa, lãng phí ở nhà lầu, đi xe hơi sang trọng, dùng những thứ xa xỉ đắt tiền, trong khi đất nước và phần đông Nhân dân còn nghèo khổ, khó khăn. Phải đủ dũng khí để thanh lọc, thanh lọc ngay cả một số cán bộ lãnh đạo, thậm chí cả người đứng đầu một tỉnh, một ngành mà có biểu hiện suy thoái, biến chất, xa hoa, lãng phí.
          Bên cạnh đó cũng cần tuyển chọn mới những người có đức, có tài, có thể họ chưa là đảng viên, chưa tham gia các lớp học tập lý luận chính trị, nhưng họ yêu nước, yêu chế độ, có năng lực thực sự cũng nên tuyển chọn, bố trí công việc phù hợp. Muốn tìm được người có đức, có tài cần phải đổi mới các kỳ thi công chức, phải có khung chuẩn quốc gia về phẩm chất, năng lực cho từng vị trí, từng cấp bậc, tránh tình trạng bố bổ nhiệm con, anh bổ nhiệm em và cũng cần luôn luôn quán triệt tinh thần “Thà ít mà tốt”trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ. Có vậy tương lai mới có được một đội ngũ cán bộ mới tinh thông khoa học, ngoại ngữ, giỏi lãnh đạo, quản lý, nhân văn, bác ái trong Đảng và hệ thống chính trị.
          Tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời xa Nhân dân ta hơn nửa thế kỷ nhưng Chủ nghĩa nhân văn của Người vẫn còn nguyên giá trị trong tỉnh thức nhân cách của mỗi chúng ta hôm nay và trong công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh hiện nay.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Giá trị nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
NXB Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019
2.     Hồ Chí Minh, Toàn tập, t5,6,7. NXB Chính trị quốc gia- Sự thật.
Năm 2011


[1]Trích Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
4330
Hôm qua:
2605
Tuần này:
13148
Tháng này:
63305
Tất cả:
4.361.842