HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Gia đình – một trong những yếu tố hình thành tư tưởng cứu dân, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 08:17:58 27/06/2019 (GMT+7)19114 lượt xem

Dương Thị Hằng
Phó trưởng Khoa LLMLN, TTHCM
 
Gia đình có vai trò đặc biệt, là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách con người, trong đó, giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên tài năng và tính cách của mỗi người. Đối với mỗi người, để trở thành một người có nhân cách tốt khi trưởng thành, đều chịu sự tác động và ảnh hưởng từ cha mẹ thông qua sự giáo dục bằng những lời dạy bảo và những công việc cụ thể, bằng hành vi, thái độ, lối sống của cha mẹ. Trong gia đình, người cha là trụ cột, là biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo; người mẹ là chỗ dựa, là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu thương trong gia đình, nguồn tình cảm vô tận cho các con.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, tấm lòng ái quốc của cha, tình cảm nhân ái, vị tha của mẹ, đức tính thương người, yêu nước, gan dạ từ các thành viên trong gia đình được truyền dạy đến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tình yêu thương, sự dạy dỗ của đấng sinh thành, góp phần hình thành nên nhân cách và tư duy của một bậc vĩ nhân, kiến tạo nên mục tiêu, lý tưởng và con đường cứu dân, cứu nước cao cả của Người.
Lớn lên trong một gia đình mẫu mực, cội nguồn tư tưởng, nhân cách cao đẹp, chí hướng cứu nước, cứu dân cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bắt nguồn từ nhân tố gia đình, từ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của đấng sinh thành ra Người. Trong gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người được cha – Cụ Nguyễn Sinh Sắc yêu thương và đặt nhiều hy vọng nhất. Cha là người thầy đầu tiên dạy chữ, dạy làm người và giáo dục lòng yêu nước cho Người. Định hướng của cha là cho Người được học với những thầy giáo có lòng yêu nước thương dân; tạo điều kiện cho Người được tiếp xúc với các văn thân sĩ phu ở khắp Trung Kỳ; được theo cha đến những nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi và anh dũng; kết giao với những người có lòng yêu nước, có chí cứu nước, luôn day dứt trước hiện tình đất nước và số phận của dân tộc. Những chuyến đi, những cuộc tiếp xúc đó, là những trải nghiệm để Chủ tịch Hồ Chí Minh định hình cho mình con đường đi riêng, hình thành tư tưởng cứu dân, cứu nước, đem đến kết quả là hạnh phúc của cả một dân tộc, với một chí hướng rất rõ ràng: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi sự thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, người kia  lại nghĩ là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi[①].
Với tư tưởng tiến bộ và chán ghét chốn quan trường, với lý lẽ: “Muốn đánh kẻ thù phải học tiếng kẻ thù để hiểu được kẻ thù”, ngay từ khi còn nhỏ, cha đã cho Người học Trường tiểu học Pháp. Chính tại ngôi trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiếp xúc với văn hoá phương Tây và biết đến khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” khi mới 13 tuổi, và từ thủa ấy, Người “rất muốn quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy[②], muốn cứu dân thoát khỏi cảnh lầm than, giải thoát dân tộc khỏi ách áp bức nộ lệ, đem lại sự tự do, bình đẳng cho tất cả mọi người dân Việt...Ngoài thời gian học tập, Người còn được cha đưa đi thăm các di tích, miếu thờ, nơi đây đem đến những bài học thực tế bổ ích, quan trọng, mắt thấy, tai nghe, góp phần hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng, tạo thành ý chí, nghị lực và phong cách riêng có của Người. Đến thăm cha trước lúc ra đi tìm đường cứu nước, Người còn được cha tiếp thêm sức mạnh và động lực để quyết tâm thực hiện xứ mệnh cao cả giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người với câu nói: “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”. Ở đây, sự giáo dục của cha không chỉ truyền cho Người tư tưởng, trí tuệ, học vấn, mà còn truyền cho Người đạo đức của người cách mạng, một tấm lòng trung với nước, hiếu với dân; phong cách của một vĩ nhân với lòng nhiệt huyết, chí khí mạnh mẽ và động lực để Người vượt qua mọi gian nan, vươn tới sự nghiệp cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc.
Đối với mẹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh được học, rèn và xây dựng nên một nền tảng đạo đức nhân ái từ sự nuôi dưỡng, dạy dỗ nhân từ và hiền hậu của mẹ. Đức tính chịu khó, chịu khổ, chấp nhận cuộc sống vất vả, khó khăn về vật chất để chồng được dùi mài kinh sử, hun đúc tài năng; cố gắng lao động cật lực để con thơ không quá thiếu thốn; dẫu hoàn cảnh gia đình chật vật, khó khăn, nhưng mẹ luôn sống một cuộc sống tình cảm vô cùng đẹp đẽ với chồng con... Tất cả những tố chất này của mẹđã truyền trực tiếp cho Người và hình thành nên tình cảm yêu nước thương dân, luôn đau đáu nỗi đau của dân tộc nô lệ... Bằng cả tấm lòng yêu chồng, thương con, mẹ đã hy sinh tất cả vì chồng con, vun đắp nên cuộc đời và sự nghiệp đẹp đẽ của họ. Mẹ đã giáo dục Người ngay từ thủa trong nôi qua những lời ru bằng làn điệu dân ca xứ Nghệ, bằng tục ngữ, ca dao; mẹ đã dùng tính giản dị, khiêm tốn, đức hy sinh, chung thủy, yêu đời, yêu nước để tác động tích cực đến các con, truyền thụ cho Người những hiểu biết ban đầu về cuộc sống, dạy cho Người biết yêu lao động, biết làm những việc phù hợp với sức lực và lứa tuổi một cách say mê, chịu khó, sáng tạo, sau này đã trở thành nếp sống quen thuộc hàng ngày của Người. Tấm gương của mẹ đã đi vào tâm khảm, tạo nên bản lĩnh tự lực cánh sinh trong mọi lúc, mọi nơi của Người... Lúc ra đi tìm đường cứu nước, trả lời người bạn về việc lấy tiền đâu để đi, Người từng giơ hai bàn tay và nói: “Đây, tiền đây. Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”. Đây chính là đức cần kiệm, tinh thần lạc quan quý báu được giáo dục từ những đấng sinh thành mẫu mực và hiền từ, đã góp phần quan trọng hình thành nên nhân cách, hiện thực hóa ước mơ, hoài bão cứu dân, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ khi bước chân ra đi tìm đường cứu nước, và cả quá trình bôn ba khắp các đại dương, các châu lục tìm tòi, khảo nghiệm con đường cứu nước giải phóng dân tộc, Người đã luôn tự lao động và làm nhiều nghề khác nhau để sống, để học tập và đấu tranh nhằm mục tiêu cứu nước, cứu dân.
Có thể thấy, tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh như tờ giấy trắng mà cha mẹ là những người đã viết dòng đầu tiên, định hướng nhân cách, toả sáng tâm hồn, bồi đắp lòng bác ái, tình nghĩa đồng bào cho Người. Yếu tố gia đình, với sự tác động và ảnh hưởng của đấng sinh thành giữ vai trò quan trọng, đặt nền móng và kiến tạo nên lòng yêu nước, thương dân, ý chí cứu dân, cứu nước; tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.
Trong xã hội hiện nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập, nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam đang có những vận động và biến đổi. Bên cạnh việc xuất hiện nhiều giá trị mới của xã hội hiện đại thì nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong các gia đình đang có nguy cơ bị xâm hại và dần mai một đi. Để có thể phát huy tối đa vai trò của gia đình trong việc giáo dục và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, cần chú trọng giáo dục các truyền thống văn hoá gia đình, đem nội dung giáo dục văn hóa truyền thống trong gia đình tích hợp và lồng ghép giáo dục trong các môn học ở nhà trường, định hướng sự phát triển nhận thức, nhân cách và các giá trị văn hóa trong gia đình, xã hội cho giới trẻ… Thời gian qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong đó, nhân tố truyền thống gia đình có tác động mạnh mẽ thúc đẩy hành động xuất dương lịch sử đó. Do đó, để xây dựng con người mới, nền văn hóa mới “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt; gia đình càng tốt thì xã hội mới tốt.”[③]
Tóm lại, trong tiến trình vận động và phát triển của xã hội, gia đình với đầu tàu trụ cột là cha mẹ luôn có một vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và giữ gìn các giá trị văn hóa. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, những di sản quý báu của dân tộc ta như lòng yêu nước, tình cảm đoàn kết thương yêu nhau trong cộng đồng, sự say mê trong lao động, sáng tạo, ý chí kiên trì nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn, thử thách; lòng chung thuỷ, hiếu nghĩa… đã được truyền dạy từ những bậc cha mẹ, được truyền từ thời tổ tiên ông bà cho tới đời cháu con trong suốt dòng lịch sử. Vai trò của cha mẹ trong việc hình thành và hoàn thiện tư tưởng cứu dân cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng cho thấy ý nghĩa lớn lao của việc xây dựng một gia đình hoàn thiện, qua đó góp phần định hướng nhân cách mỗi con người, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững.


[] Báo Nhân dân, số: 4062, ngày 18-5-1965
[] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXBCTQG, HN. 2011, tập 1, tr.477.
[] Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, NXB sự thật, tập 5, trang 251
Số lượt truy cập
Hôm nay:
370
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10548
Tháng này:
56922
Tất cả:
4.421.802