NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Giải pháp nâng cao chất lượng xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay

Đăng lúc: 13:33:07 21/10/2022 (GMT+7)800 lượt xem

 Để nâng cao chất lượng xác định nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới, cần: hoàn thiện các quy định của pháp luật;đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn; tổ chức các cuộc thi đề xuất ý tưởng nghiên cứu khoa học.
1.jpg
Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa; trong đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ ở các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch, y tế, giáo dục…
Xác định được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt quan tâm đến phát triển KHCN&ĐMST. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong ba khâu đột phá trong là “Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ”. Đóng góp của KHCN&ĐMST cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2020 ước đạt 38,56%. Năng lực KHCN&ĐMST của tỉnh được nâng cao; các tổ chức KH&CN công lập được tổ chức, sắp xếp lại và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các doanh nghiệp KH&CN của tỉnh phát triển nhanh, đứng thứ ba toàn quốc. Hoạt động KHCN&ĐMST được đẩy mạnh, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; đã chuyển giao và ứng dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là các kỹ thuật mới, phức tạp trong khám, chữa bệnh... [1]
Tuy nhiên, bên cạnh nhưng kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Nguồn lực cho KH&CN còn rất hạn chế, nguồn kinh phí chi cho KH&CN chủ yếu dựa vào NSNN, song đang rất thiếu so với nhu cầu; nguồn nhân lực KH&CN chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ, coi đầu tư cho KH&CN là chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp; các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai đã tập trung hơn vào việc giải quyết các vấn đề KH&CN để phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, song việc tổ chức triển khai vẫn còn dàn trải, manh mún, chưa tạo được đột phá lớn về ứng dụng công nghệ; việc đánh giá về hiệu quả ứng dụng kết quả của các nhiệm vụ KH&CN và sự tác động của chúng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua còn hạn chế; một số lĩnh vực quản lý nhà nước còn hạn chế như cơ chế xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin, thống kê KH&CN, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho phân tích, định hướng trong phát triển kinh tế - xã hội; số cán bộ nghiên cứu của tỉnh còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Thiếu các chuyên gia đầu ngành và nhân lực trình độ cao trong nhiều lĩnh vực KHCN&ĐMST; thiếu những nhóm nghiên cứu mạnh có đủ khả năng giải quyết những vấn đề KHCN&ĐMST lớn của tỉnh.
Nhiệm vụ KH&CN là những vấn đề KH&CN cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển KH&CN; Đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN là việc bên đặt hàng đưa ra yêu cầu về sản phẩm KH&CN, cung cấp kinh phí để tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tạo ra sản phẩm KH&CN thông qua hợp đồng [2].
Quá trình quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thường bao gồm 4 giai đoạn: (1) Xác định nhiệm vụ; (2) Tổ chức thực hiện; (3) Đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu ; (4) Công bố và ứng dụng kết quả nghiên cứu. Trong đó, xác định nhiệm vụ là khâu quan trọng nhất; đây là bước đầu tiên và có thể nói là nền móng cho cả quá trình nghiên cứu, ảnh hưởng lớn tới cả quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ, việc xác định đúng nhiệm vụ sẽ đem lại một kết quả nghiên cứu chính xác và đạt kết quả tốt. Qua đó thấy rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới một số hạn chế được nêu ở phần trên là do khâu xác định nhiệm vụ chưa thực hiện tốt.
Để nâng cao chất lượng xác định nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là xác định nhiệm vụ), trong thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, triển khai đồng bộ một số nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của pháp luật
- Rà soát các quy định của pháp luật liên quan, đề xuất với Bộ, Ngành trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xác định nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, để làm căn cứ rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của tỉnh. Trong đó, đặc biệt đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế một số nội dung của Thông tư số 07/2014/TT-BKHCN ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư số 03/2017/TT-BKHCN ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 07/2014/TT-BKHCN ngày 26 tháng 5 năm 2014 của bộ trưởng bộ khoa học và công nghệ quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về xác định nhiệm vụ theo hướng hiện đại nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng, công khai, minh bạch để các nhà khoa học và cộng đồng giám sát. Trong đó, đặc biệt cần rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 205/2015/QĐ-UBND ngày 21/01/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành “Quy định xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
- Ban hành “Quy định về việc xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học; nhóm chuyên gia khoa học tỉnh Thanh Hóa” nhằm làm rõ nguồn nhân lực KH&CN để thành lập các hội đồng tư vấn chuyên ngành là từ cơ sở dữ liệu chuyên gia của tỉnh. Qua đó xây dựng mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong tỉnh, trong nước và quốc tế sẵn sàng tham gia giải quyết các vấn đề KHCN&ĐMST của tỉnh, đặc biệt là tham gia Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ; nâng cao chất lượng của các hội đồng tư vấn chuyên ngành;
Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền
- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các người dân, cấp chính quyền, ban, ngành, nhất là người đứng đầu về vai trò của KHCN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trong thực hiện các mục tiêu phát triển của từng ngành, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Nhận thức được cơ hội và thách thức trước các xu thế quốc tế, nhất là xu thế hội nhập và phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thông báo đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia đề xuất đặt hàng nhiệm vụ để nắm rõ được các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025; các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên nghiên cứu - ứng dụng KH&CN của tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, tập trung thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 (tập trung vào 06 chương trình trọng tâm và 03 khâu đột phá, tạo động lực cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững: 06 chương trình trọng tâm là: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025; Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ; 03 khâu đột phá là: Khâu đột phá về phát triển hạ tầng; Khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững); tập trung vào các chương trình KHCN&ĐMST trọng điểm của tỉnh, giai đoạn 2021-2025 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 5060/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án: “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”.
- Đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân tham gia đề xuất đặt nắm rõ được các quy định liên quan đến quản lý nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là quy định về xác định nhiệm vụ. Tạo sự thuận lợi trong việc tiếp cận các thông tin về KH&CN của tỉnh, các mẫu biểu để triển khai đề xuất đặt hàng, các thủ tục hành chính liên quan.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn
- Hằng năm tổ chức các lớp, các khóa đào tạo, tuấn huấn nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu đề xuất, tư vấn, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN trong các sở, ban, ngành, cơ quan quản lý hoạt động KH&CN, tổ chức KH&CN, Hội đồng KH&CN tỉnh, doanh nghiệp và nhà khoa học trên địa bàn toàn tỉnh.
- Thường xuyên tổ chức các hội thảo để hướng dẫn chi tiết, chuyên sâu về quy trình, cách thức xác định nhiệm vụ, cụ thể như:  căn cứ đề xuất đặt hàng, nguyên tắc xác định đề xuất đặt hàng, trình tự xác định nhiệm vụ, Yêu cầu đối nhiệm vụ KH&CN…
- Đưa nội dung xác định nhiệm vụ vào các chuyên đề thuộc chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, chuyên viên, chuyên viên chính… để tổ chức đào tạo trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Thứ tư, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội đồng tư vấn chuyên ngành (Hội đồng)
- Các Hội đồng phải bảo phát huy tối đa trí tuệ, vài trò, trách nhiệm của các thành viên trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Bám sát các chủ trương, định hướng của tỉnh và các quy định của pháp luật.
- Mời thêm nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là chuyên gia ngoài tỉnh tham gia các Hội đồng tư vấn về các lĩnh vực mà địa phương đang thiếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình xác định nhiệm vụ.
- Các Hội đồng cần thường xuyên đi tham quan, học tập các mô hình ứng dụng KH&CN trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có khu công nghệ cao, thị trường KH&CN phát triển, có nền tảng KH&CN mạnh qua đó có thêm nhiều ý tưởng, giải pháp tư vấn cho tổ chức, cá nhân đề xuất đặt hàng và cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN.
Thứ năm, tổ chức các cuộc thi đề xuất ý tưởng nghiên cứu khoa học
Hằng năm tổ chức các hội thi đề xuất ý tưởng nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và cấp tỉnh, để thúc đẩy phong trao, phát huy khả năng nghiên cứu khoa học cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Qua đó lựa chọn những ý tưởng tốt, ý tưởng sáng tạo, có tính đột phá và khả thi cao để phát triển thành các nhiệm vụ KH&CN tỉnh.
Nguyễn Ngọc Hùng (Sở Khoa học và công nghệ)
                                      Học viên lớp TCLLCTA1K49
-----------------------
Tài liệu tham khảo
[1] Quyết định số 5060/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án: “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”;
[2] Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13
[3] https://camautech.vn/blogs/news/giai-phap-nang-cao-chat-luong-de-xuat-dat-hang-cac-nhiem-vu-khoa-hoc-va-cong-nghe-tinh-ca-mau;
[4] https://www.khcnbackan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-khcn/giai-phap-nang-cao-chat-luong-de-xuat-dat-hang-nhiem-vu-khoa-hoc-va-cong-nghe-tinh-bac-kan
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1550
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11728
Tháng này:
58102
Tất cả:
4.422.982