HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Góp phần tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh về nam nữ bình quyền và giải phóng phụ nữ; vận dụng trong lãnh đạo, quản lý ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 17:38:52 07/03/2021 (GMT+7)530 lượt xem

                               ThS. Phạm Bá Thịnh – Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
 
          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu đấu tranh cơ bản của sự nghiệp cách mạng. Không ai biết chính xác Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu nghĩ đến cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ từ khi nào, song những bút tích mà Người để lại cho thấy, Người viết về đề tài này từ rất sớm. Thân phận của người phụ nữ An Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và chế độ phong kiến cũ đã xuất hiện từ rất sớm trong những bài viết của Người. Năm 1922, Người có bài viết với nhan đề Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp đăng trên báo Le Paria, số 5, ngày 1- 8- 1922. Bài báo đã bóc trần thực tế đối xử tàn bạo của chế độ thực dân đối với phụ nữ nước ta dưới vỏ bọc “văn minh”, “tư do”, “công lý”. Năm 1926, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Người viết bài Mục dành cho phụ nữ: Về sự bất công. Người đã lột tả được sự bất công về giới cao độ trong xã hội Việt Nam thời đó và kết luận bằng một lời hiệu triệu kêu gọi phụ nữ đứng lên đòi các quyền chính đáng của mình “Trong xã hội và gia đình, người phụ nữ bị hành hạ tột bậc và không được hưởng chút quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?” 1. Năm 1952, giữ lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong thời kỳ đầy khó khăn, thách thức, nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, Người đã viết bài Nam nữ bình quyền, nêu rõ thực chất cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ ở Việt Nam: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội…Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”2.
          Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ được thể hiện ở một số nội dung cốt lõi sau: Một là, phụ nữ là một nữa xã hội, muốn xây chủ nghĩa xã hội phải giải phóng phụ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ đối với lịch sử dân tộc: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu làm thêm tốt đẹp, rực rỡ”3. Người có những luận điểm thể hiện tầm nhìn chiến lược khi đặt vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ trong tương quan phát triển của xã hội mới, của chủ nghĩa xã hội: “Nói phụ nữ là nói phần nữa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nữa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây chủ nghĩa xã hội chỉ một nữa”4. Hai là, giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền là nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước và bản thân. Để thực hiện nam nữ bình quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chị em: “Phải nâng cao tinh thần dân chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập” 5. Người chỉ rõ cho các cấp ủy đảng và chính quyền “phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ” 6. Người còn nói, nếu cán bộ lãnh đạo là nữ mà ít, đây là một thiếu sót của Đảng. Nguyên nhân của tình trạng phụ nữ ít được tham gia lãnh đạo, quản lý, theo Người là vì: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai”7. Người khẳng định, giải phóng phụ nữ phải bằng pháp luật, chính sách, biện pháp cụ thể: “Từ nay, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa”8, “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Ban thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”9. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng đã trở thành lý tưởng cách mạng, vừa thể hiện ý thức chính trị, lòng nhân ái vừa thể hiện giá trị văn hóa, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản của Người.
          Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nam nữ bình quyền và phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, những năm qua, Tỉnh ủy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã, đang dành sự quan tâm ưu tiên phát triển bền vững nguồn nhân lực nữ, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, mẫu mực về đạo đức, lối sống. Bởi việc phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý là biểu hiện cao nhất, đầy đủ nhất quyền bình đẳng giới của phụ nữ. Đặc biệt, đối với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa,có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, pháp luật, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, công tác đoàn thể cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở trong tỉnh và tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương, nên việc tạo điều kiện cho nữ cán bộ, giảng viên Nhà trường tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý góp phần thúc đẩy mức độ bình đẳng giới ở tỉnh ta. Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa có 85 cán bộ, viên chức công tác ở 5 đơn vị khoa, phòng. Trong đó, nam 33/85 đồng chí (chiếm 38,8%); nữ 52/85 đồng chí (chiếm 61,2%). Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, các nhiệm vụ ở phòng chức năng, tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp trong nhà trường và chăm lo hạnh phúc gia đình, nét đặc biệt của phụ nữ Trường Chính trị, đó là phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý luôn chiếm tỷ lệ cao, cụ thể: số lượng nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ đạt 6/11 đồng chí (chiếm 55%); 12/15 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Chi bộ (chiếm 80%); 15/23 đồng chí là trưởng, phó khoa, phòng (chiếm 65%); 7/11 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đoàn trường (64%); 7/11 đồng chí trong Ban Chấp hành Công đoàn (chiếm 64%). Qua những số liệu này đã khẳng định được năng lực, trí tuệ và vai trò của phụ nữ Nhà trường.
          Bên cạnh đó, trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhiều nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã vượt qua những khó khăn, thách thức vươn lên chứng minh năng lực của bản thân, đạt được những thành tích xuất sắc: như làm chủ nhiệm, thư ký các đề tài khoa học cấp tỉnh, viết các đề án, chương trình bồi dưỡng, chủ biên nhiều cuốn sách, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Học viện; được dân chủ họp bàn ở tất các hội nghị của viên chức và đảng viên; dân chủ trong tham mưu, đề xuất xây dựng phát triển nhà trường (về cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cũng như bảo vệ quyền, lợi ích, vị thế của phụ nữ…). Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng ủy, Ban Giám hiệu để nữ cán bộ, giảng viên được tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bản thân nữ cán bộ, giảng viên Nhà trường luôn ý thức được việc phân bổ, sắp xếp công việc gia đình hợp lý để có thời gian học tập, nghiên cứu, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất cá nhân, phẩm chất nhà giáo, đặc biệt là việc xây dựng tác phong, hình ảnh của nữ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị nói riêng và hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung.
          Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cũng còn những khó khăn, hạn chế như: phải đảm nhiệm giảng dạy ở nhiều lớp, nhiều hệ, trên địa bàn rộng, một số lãnh đạo, quản lý còn đảm nhiệm nhiều việc ở phòng chức năng; đa số lãnh đạo, quản lý còn phải kiêm nhiệm nhiều chức danh (tham gia cấp ủy, Ban Chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức nghề nghiệp) phần nào ảnh hưởng từ áp lực công việc và việc phân bổ thời gian cho gia đình, cho thư giãn bản thân; phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý đa số là ở độ tuổi trung niên khó khăn trong phát triển đội ngũ kế cận, đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi trong cơ quan, tỷ lệ phụ nữ và nữ lãnh đạo, quản lý đang chiếm ưu thế dẫn đến không thể san sẻ công việc cho nam giới…
Để phát huy vai trò của phụ nữ Trường Chính trị nói chung và nữ lãnh đao, quản lý nói riêng, cũng như đảm bảo nam, nữ bình quyền, trong thời gian tới nhà trường cần tiếp tục quan tâm những vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong việc định hướng nhiệm vụ của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý để không quá tải công viêc.
Thứ hai,  tiếp tục xây dựng đội ngũ phát triển cả về chất lượng và số lượng (đảm bảo cơ cấu lãnh đạo, quản lý nam, nữ; quy hoạch, bổ nhiệm, sắp xếp sát với chuyên môn, năng lực và vị trí việc làm; có chiến lược, lộ trình tuyển dụng viên chức mới là nam giới khi thiếu biên chế; chăm lo xây dựng phát triển phụ nữ trẻ, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất là nhiệp vụ lãnh đạo, quản lý…).
Thứ ba, có cơ chế, chính sách tốt, đặc thù động viên, khuyến khách phụ nữ nhà trường và nữ lãnh đạo, quản lý đảm nhiệm các nhiệm vụ mới, khó của nhà trường (chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh, đảm nhận các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng, đề xuất đề án khả thi phát triển nhà trường…).
Thứ tư, giao nhiệm vụ cho phụ nữ trẻ, phụ nữ không lãnh đạo, quản lý các chức vụ kiêm nhiệm trong cấp ủy, Ban Chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội và tiếp tục chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm tốt quyền lợi, lợi ích hợp pháp và môi trường văn hóa chính trị cho cán bộ, viên chức, người lao động trong nhà trường.
Thứ năm, bản thân đội ngũ cán bộ nữ của nhà trường cần phải nỗ lực, cố gắng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục phấn đấu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện hiện nay.
          Như vậy, việc thúc đẩy tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới trong cấp ủy và trong các tổ chức chính trị - xã hội và các hoạt động khác ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa không chỉ phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, về sự nghiệp giải phóng phụ nữ; hơn hết khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phụ nữ Trường Chính trị về đại diện chính trị; phản ánh nhu cầu, lợi ích, sự trải nghiệm cuộc sống về sự bình đẳng giới; sự huy động, phát huy, sử dụng nguồn nhân lực nữ chất lượng, hiệu quả trong nhà trường; là hình mẫu, trí tuệ, ý chí, khát vọng, sự tự tin cho nhiều phụ nữ vươn lên thành nhà lãnh đạo, quản lý và góp phần tô thắm những phẩm chất đạo đức tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”10.
         
          Trích nguồn:
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị, H.2011, t2, tr. 512;
            [2,3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị, H.2011, t7, tr. 342, 340;
[4,8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị, H.2011, t12, tr. 300, 639 -640;
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị, H.2011, t14, tr. 313;
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị, H.2011, t13, tr.260;
[7,9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị, H.2011, t15, tr.275, 617;
[10]. Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 – 2022.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2395
Hôm qua:
2925
Tuần này:
10178
Tháng này:
56552
Tất cả:
4.421.432