HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Học lý luận chính trị vì sự phát triển bản thân!

Đăng lúc: 11:06:15 10/01/2022 (GMT+7)1398 lượt xem

 Buổi chiều cuối tuần đầu tiên của năm mới 2022, những vạt nắng xuân đưa chúng tôi về miền quê xinh đẹp Thường Xuân, nơi có một lớp học lý luận chính trị đang say sưa với những bài học bổ ích. Giờ giải lao đến rồi, lớp học ùa đón đón cô giáo chủ nhiệm cùng người bạn đồng nghiệp lên thăm lớp. Ấm áp, nồng hậu ngay từ giây phút ban đầu, gieo thân thương trong lòng tôi!
Tuy không lên thăm lớp với tính chất công việc, nhưng tôi may mắn có cơ hội được thu lượm thêm kinh nghiệm về cách thức trao giấy khen và quà tặng của nhà trường cho học viên tiêu biểu của lớp. Trân trọng và tự hào là những cảm nhận của tôi qua cách trao và nhận, từ hai đồng chí chủ nhiệm lớp, từ những học viên được tôn vinh và từ tập thể lớp học gồm 80 học viên
Capture.PNG
Trong cuộc họp giao ban các lớp Trung cấp lý luận chính trị tại huyện vào tháng 11 năm 2021, được nghe các giảng viên đánh giá lớp Thường Xuân với những tình cảm tốt đẹp về ý thức học tập, về văn hoá ứng xử, tôi đã mong muốn được gặp gỡ lớp học thú vị này. Và tôi đã may mắn có dịp trò chuyện với những học viên của lớp để hiểu hơn về tình hình học tập, rèn luyện của những cán bộ cơ sở khi tham gia khoá học.
Nhiệt tình chia sẻ với tôi, học viên Lê Đình Sơn - Công chức địa chính UBND xã Tân Thành cho biết, lớp học là môi trường thuận lợi để em được gặp gỡ các học viên trẻ, để hiểu được nhiều vấn đề các bạn trẻ quan tâm hiện nay. Bên cạnh đó, theo Sơn, học lý luận chính trị không chỉ là để thực hiện chuẩn hoá về công tác cán bộ mà còn giúp chính bản thân có thêm cách thức, kinh nghiệm tham mưu cho lãnh đạo giải quyết các vấn đề về tranh chấp khi giao tiếp với người dân. Trên thực tế, từ trước đến nay, cán bộ địa chính đã từng làm, từng va vấp rồi nhưng nhờ học tập chương trình lý luận chính trị, trong công việc, Sơn đã chủ động sửa lỗi khi tiếp xúc với dân, kể cả từ cách nói, cách đặt vấn đề để làm sao đạt hiệu quả. Nhận thức rằng, học lý luận chính trị là cả một quá trình nhưng dù mới học được nửa chặng đường của khoá học, Sơn nhìn nhận vấn đề từ thực tiễn một cách toàn diện hơn; đồng thời xác định, sau này có thể gặp những vấn đề phức tạp hơn, khó khăn hơn trong công việc thì sẽ đối diện để tìm ra giải pháp vượt qua.
Học viên Lê Thị Thảo hiện đang công tác tại UBND xã Lương Sơn cho biết, em có 2 bằng đại học và đã tham gia học nhiều lớp bồi dưỡng, nhưng chỉ khi học lý luận chính trị em mới hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, khi được tiếp xúc với các thầy cô Trường Chính trị tỉnh, em được nâng cao kỹ năng giao tiếp qua mỗi lần trò chuyện cùng thầy, cô. Trước đây, trong công việc, em thường không quan tâm đến ý kiến của người khác nhưng từ khi học lý luận chính trị, em có nhiều tiến bộ trong khắc phục chủ nghĩa cá nhân, khả năng dân vận tốt hơn và đặc biệt, em biết tiết chế để điềm tĩnh hơn trong xử lý công việc.
Ở độ tuổi 9X, học viên Lê Thị Ngân, cán bộ Hạt Kiểm lâm Thường Xuân vui mừng chia sẻ rằng, chương trình trung cấp lý luận chính trị có tác dụng rất lớn đối với em. Trong suy nghĩ, em nhìn nhận các vấn đề bao quát hơn, không còn chủ quan, hiểu rõ được những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống và công việc hàng ngày. Trong công tác, nhờ được học kỹ năng tuyên truyền, em đã tìm ra cách thức phù hợp để nói chuyện với bà con gần gũi hơn, từ đó đạt hiệu quả cao khi thực hiện nhiệm vụ. Là học viên trẻ nhất lớp, trong lớp học, Lê Thị Ngân rất tích cực phát biểu ý kiến xây dựng bài. Em nhận thấy những bài học về các kỹ năng thực sự giúp ích trong công việc của em.
Là một công chức văn phòng UBND huyện, học viên Nguyễn Thị Hằng đặc biệt ấn tượng với tác phong, hình ảnh của các giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Em nhận thức rằng, trang phục phù hợp, lịch sự có tác dụng tích cực trong giao thiệp. Được học tập qua các trang phục lên lớp của thầy, cô, em có ý thức hơn về cách tạo diện mạo trong giao tiếp để phần nào hỗ trợ cho công việc hàng ngày của em. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo còn giúp em học cách tăng cường kỹ năng giao tiếp, kỹ năng truyền đạt vấn đề để em biết cách tiết chế giọng điệu, lúc nào cần nói to, khi nào cần nói nhỏ, cách đặt vấn đề như thế nào cho phù hợp…
Trao đổi cởi mở với tôi, lớp trưởng Hoàng Anh Tuấn nói: “Thực sự chúng em không thấy nặng nề khi đi học chính trị. Là huyện miền núi, được các thầy cô lên đây giảng dạy thực sự là đáng quý lắm, cô ạ”.
Khi được hỏi về những khó khăn thực sự trong quá trình học tập, các học viên đều cho biết, việc vừa học, vừa làm là cản trở lớn nhất. Khi nhận quyết định cử đi học, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đều yêu cầu cán bộ phải cam kết hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của Trường Chính trị tỉnh và của Trung tâm Chính trị. Do đó, có những học viên vì cần xử lý công việc một cách cấp bách, thường phải tất tả tranh thủ đến cơ quan trước giờ học hoặc vào lúc giải lao phải xin giảng viên vào chậm dăm, mười phút. Tuy nhiên, những học viên phải đồng thời làm hai nhiệm vụ như vậy chiếm số lượng ít trong lớp bởi đại đa số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đều rất quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ đi học. Bên cạnh đó, chính mỗi học viên đều chủ động sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc của mình. Được lãnh đạo quan tâm cho chủ trương về cách thức làm việc phù hợp mềm dẻo, học viên có thể xử lý công việc mình quản lý trên hệ thống, được phép hạn chế các cuộc họp, trao đổi với lãnh đạo qua E-mail hoặc qua các nhóm làm việc online. Bên cạnh đó, nhờ được trang bị kiến thức và kỹ năng của chương trình lý luận chính trị, học viên biết cách tạo sự hỗ trợ công việc từ đồng nghiệp hoặc chủ động trong tổ chức các cuộc hẹn gặp làm việc với công dân.
Rất tự tin và mạnh dạn, các học viên mong muốn, mỗi môn học, bài học, giảng viên nên tuyền đạt những nội dung trọng điểm để tăng thời gian chia sẻ những kiến thức bên ngoài, truyền kinh nghiệm thực tiễn, có liên hệ sát thực với nội dung bài, bởi, kiến thức lý thuyết đã có trong giáo trình, nếu có sự định hướng của giảng viên thì học viên có thể tự học, tự tra cứu. Theo các học viên, mỗi môn học đều có ý nghĩa và vai trò khác nhau, điều cơ bản là cần biết vận dụng như thế nào trong công việc; để đạt được điều này rất cần sự định hướng, trao truyền kinh nghiệm của giảng viên. Để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác, các học viên lớp Thường Xuân mong muốn được kết nối với học viên các lớp khác trong trường, được tổ chức giao lưu thể thao, văn hoá, văn nghệ theo đúng nghĩa của câu ca “Đi một ngày đàng gặp một sàng khôn”.
- Theo em, bí quyết gì để học viên đến lớp học lý luận chính trị không cảm thấy bị áp lực? - Tôi đặt thêm câu hỏi cho lớp trưởng của lớp học vui vẻ này.
- Thưa cô, chính sự gương mẫu của những học viên lớn tuổi là tấm gương để mỗi học viên noi theo. Họ là những hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong tạo dựng nền nếp học tập của lớp. - Lớp trưởng trả lời tôi không chút đăn đo.
- Vậy cho mình hỏi thêm câu cuối cùng nhé! Cá nhân em, em học lý luận chính trị để làm gì?
- Thưa cô, em học cho chính bản thân em, thực sự để thấm nhuần và giúp ích cho công việc, cô ạ.
Tôi mỉm cười thật sự hài lòng với câu trả lời hết sức nghiêm túc của lớp trưởng. Ngoái cổ nhìn ra ngoài phòng học, trời đã bắt đầu chuyển màu nhá nhem, vội vã chia tay với lớp Thường Xuân, tôi được các em ríu rít hẹn gặp ngày trở lại để khám phá những điểm du lịch hấp dẫn của miền quê tuyệt vời này. Và tôi mong, được trở lại Thường Xuân vào một ngày gần nhất.
Đêm 6/01/2022./.
Nguyễn Trần Bách Diệp
Số lượt truy cập
Hôm nay:
225
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10403
Tháng này:
56777
Tất cả:
4.421.657