HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Lê Hữu Lập – Người Cộng sản đầu tiên của Thanh Hóa

Đăng lúc: 17:39:36 19/12/2021 (GMT+7)572 lượt xem

Th.S. Lê Thị Hương 
 PTP TC,HC,TT,TL
 
          Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tập 1 (1930 - 1945)”, lời nói đầu cuốn sách khẳng định: “Những người yêu nước xứ Thanh mà tiêu biểu là người thanh niên cộng sản Lê Hữu Lập, đã sớm lĩnh hội chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc truyền bá sâu rộng trong thanh niên, trí thức và quần chúng cần lao, chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 29/7/1930”.
          Lê Hữu Lập sinh năm 1897, thôn Hữu Nghĩa, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông nội từng đậu cử nhân làm quan Án sát dưới triều Nguyễn tại Nghệ An, cha là một nhà nho yêu nước tiến bộ. Từ nhỏ Lê Hữu Lập đã được cha dạy học với những bài thơ ca ngợi tinh thần yêu nước cách mạng của các bậc tiền bối, lớn lên Lê Hữu Lập được theo học Trường Pháp - Việt và lấy bằng Tú tài (năm 1918). Trong bối cảnh lịch sử đầy rối ren, Lê Hữu Lập vừa học, vừa tham gia lao động cùng bà con nông dân, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của người dân mất nước và sự bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và cảnh sống khốn cùng của người dân Việt Nam, khiến anh phải suy nghĩ về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, vang dội khắp thế giới và ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam, Lê Hữu Lập háo hức với khuynh hướng cách mạng mới, nhưng với tầm nhận thức của mình, anh chưa thể hiểu hết bản chất của cuộc cách mạng này. Lê Hữu Lập tìm đến vị lão thành cách mạng Đinh Chương Dương, qua cụ Đinh anh hiểu rất nhiều về cuộc cách mạng Nga, về Lênin và vấn đề giải phóng dân tộc và Cụ căn dặn: “muốn làm cách mạng, phải đi học cách mạng, phải thoát ly gia đình”.
          Năm 1923, Lê Hữu Lập được cụ Đinh giới thiệu vào nhóm “vận động cách mạng” ở Trường Thành Trung (tỉnh Nam Định). Năm 1924, Anh tiến bước xa hơn về hoạt động cách mạng của mình, được tham gia chuyến xuất dương sang Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Lê Hữu Lập được học tập và lao động cùng với anh em công nhân khuân vác người Trung Quốc. Năm 1926, sau một thời gian rèn luyện, thử thách, Lê Hữu Lập được dự lớp huấn luyện chính trị cùng với Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, lớp huấn luyện do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Sau khóa học được kết nạp vào Hội Việt Nam thanh niên cách mạng tại Quảng Châu (Trung Quốc), sau đó được cử về nước hoạt động, phụ trách ba tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, với mục đích liên lạc, lựa chọn những thanh niên ưu tú sang huấn luyện ở nước ngoài.
          Cùng với Đinh Chương Dương, Lê Hữu Lập tích cực hoạt động trong việc đưa người xuất dương, tuyên truyền tài liệu cách mạng vào trong nước. Chính anh là người phát động phong trào đọc sách, báo cách mạng tại Thanh Hóa, lập nên Hội Việt Nam thanh niên cách mạng tại tỉnh nhà, hoạt động của Lê Hữu Lập đã bị mật thám theo dõi và điều tra, chúng biết rằng: “Lê Hữu Lập tức là Hoàng, là Toại, một tên cộng sản nguy hiểm, không những đưa thanh niên qua Tàu, qua Xiêm vào hồi tháng 4/1927 và 9/1929 mà còn lập ra chi bộ Thanh Niên Thanh Hóa…” [53,tr2]. Chúng đưa lệnh truy nã khắp ba miền và kết án khổ sai chung thân, phát vắng đi Nguyên Giang (Cayennes) Nam Mỹ, không được hưởng mọi biện pháp ân giảm trong tương lai. Nhưng chúng đã không bắt được Anh - Người cách mạng kiên trung tỉnh Thanh Hóa.
          Trong những năm 1926 - 1927, hoạt động xuất dương ở Thanh Hóa chia làm 3 đợt, được bắt đầu bằng chuyến đi của 3 thanh niên yêu nước là: Lê Hữu Lập, Đinh Chương Long (con trai cụ Đinh Chương Dương) và Nguyễn Danh Đới (quê Thái Bình) sang Quảng Đông (Trung Quốc); đợt 2 gồm 10 người; đợt 3 gồm 5 với sự lựa chọn cẩn thẩn và đi bằng nhiều con đường và các hướng khác nhau vì thực dân pháp kiểm soát gắt gao, chặt chẽ. Tất cả các lần xuất dương do Lê Hữu Lập đứng ra tổ chức đều tới nơi một cách an toàn, nhóm thanh niên Thanh Hóa nhanh chóng được dự lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc, Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển thanh niên xuất dương, rồi lại lao vào nhiệm vụ xây dựng tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tại tỉnh nhà.
          Hoạt động xuất dương ở Thanh Hóa trong hoàn cảnh cuộc đấu tranh dân tộc, dân chủ tỉnh nhà đang bị bế tắc. Thanh niên, trí thức trong tỉnh đang khao khát tìm đến con đường cách mạng mới, nhằm hướng cuộc đấu tranh cách mạng tỉnh nhà theo khuynh hướng vô sản. Hoạt động xuất dương chính là điều kiện để học tập, tiếp nhận xu hướng lý luận cách mạng mới để mở rộng tầm nhìn, đưa phong trào phát triển lên cao. Phong trào xuất dương ở Thanh Hóa không sôi nổi, mạnh mẽ như Nghệ An - Hà Tĩnh bởi “Nghệ - Tĩnh là trung tâm cách mạng của khu vực Bắc miền Trung”. Tuy nhiên, qua hoạt động xuất dương thể hiện tinh thần yêu nước, khát khao độc lập dân tộc của nhân dân Thanh Hóa mà tiêu biểu là Đinh Chương Dương và Lê Hữu Lập, hai con người ở hai thời đại nhưng chính họ đã tìm đến với khuynh hưỡng cách mạng mới, làm chuyển biến phong trào đấu tranh cách mạng dân tộc, dân chủ ở Thanh Hóa những năm đầu thế kỷ XX.
          Sau một thời gian hoạt động ở nước ngoài, cuối năm 1926, ông về quê nhà, trước cảnh mẹ đã mất, con gái nhỏ cũng không còn do bệnh tật, ông ngẹn ngào gạt lệ rồi nói với vợ những lời chân tình nhất rồi lại khăn gói ra đi hoạt động cách mạng. Nhờ sự hoạt động tích cực của Lê Hữu Lập và một số thanh niên yêu nước của, cuối năm 1926, Hội Đọc sách báo cách mạng ở Thị xã Thanh Hóa ra đời, với mục đích nhằm tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân. Những buổi trao đổi tình hình cách mạng trong nước và nước ngoài được tổ chức, thu hút nhiều thanh niên, trí thức trong tỉnh tham gia, tiêu biểu nhất là hoạt động thơ văn cổ vũ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng. Thông qua hoạt động của Hội, Báo Thanh niên, Đường Cách Mệnh… của Nguyễn Ái Quốc và lịch sử thế giới như: Cách mạng Tháng Mười Nga, tài liệu nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản… Từ Thị xã Thanh Hóa, Hội đọc sách báo cách mạng dần dần phát triển đến các huyện, các tổng…sách báo cách mạng được thâm nhập vào quần chúng, giác ngộ tinh thần đấu tranh, giải phóng dân tộc, đây chính là điều kiện để Ban Chấp hành hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập (tại số nhà 26 - phố Hàng Than, Thị xã Thanh Hóa) gồm 3 đông chí: Lê Hữu Lập (Bí thư), Lê Công Thanh (Thiệu Hóa), Nguyễn Chí Hiền (Hậu Lộc). Sau khi được thành lập, Hội thường xuyên mở các lớp huấn luyện bồi dưỡng nâng cao trình độ cho hội viên - Lê Hữu Lập vừa là người tổ chức, vừa là “thầy giáo”. Cứ lớp này bế mạc, lớp khác khai giảng với số lượng học viên ngày càng đông đảo. Bên cạnh đó, với uy tín, biện pháp chủ động, sáng tạo Lê Hữu Lập đã gây dựng được mối quan hệ đoàn kết với Đảng bộ Tân Việt. Lực lượng trẻ của Tân Việt đã có xu hướng hoạt động theo cương lĩnh của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Một số chuyển sang Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đây chính là công lao to lớn của Lê Hữu Lập - Người Cộng sản đầu tiên tỉnh Thanh Hóa.
          Với tinh thần yêu nước, xả thân vì phong trào cách mạng, năm 1929, Lê Hữu Lập được Kỳ bộ Trung Kỳ điều động đi công tác tại Thái Lan. Trước khi đi, ông triệu tập hội nghị tỉnh bộ bàn chủ trương “Vô sản hóa”, Hội nghị đã thống nhất cao kế hoạch. Nhiều cán bộ của tỉnh được phân công về cơ sở. Ông Hoàng Khắc Trung vào Nhà máy diêm Hàm Rồng; ông Võ Danh Thùy, Nguyễn Mậu Sung, Trịnh Huy Quang đi mỏ Cờ - rôm Cổ Định. Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Khắc Trung được cử làm Bí thư thay cho Lê Hữu Lập.
          Ngày 14/7/1929, khi vụ Hàm Hạ bị phá vỡ, Lê Hữu Lập đang ở nước ngoài, thực dân Pháp đã phát hiện được cơ sở tổ chức của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tại Thanh Hóa. Chúng ồ ạt mở các cuộc truy nã và phát hiện ra Lê Hữu Lập, người giữ trọng trách tổ chức này. Chúng phối hợp với mật thám của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng trị để dò xét bắt Lê Hữu Lập- Người đã đưa thanh niên qua Tàu, qua Xiêm, chủ trì cuộc họp ở Hang đá Hàm Rồng. Tại phiên toà ngày 02/11/1929 chúng đã kết án Lê Hữu Lập cùng một số đồng chí trong tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh Thanh Hóa, buộc tội ông như sau: “Hội kín (cách mạng thanh niên) được thành lập ở tỉnh Thanh Hóa năm 1928, do tên Lê Hữu Lập mà công việc do Hoàng Khắc Trung kế tục. Đồng thời tên này là chủ sự hiệu buôn ở Thanh Hóa dưới chiêu bài Hưng nghiệp Hội xã. Không lượm được tin tức gì về điều kiện hoạt động cửa hàng này, hình như nó thuộc về một hội mà lời lãi được dùng cho quỹ của Hội thanh niên. Lê Hữu Lập 32 tuổi đang tránh mặt, y đã dẫn Sung, Đệ sang tàu lần thứ ba. Y đã đưa Sung, Phựu, Độ vào thanh niên, đã cho Phựu đọc báo chí cách mạng. Ở Quảng Trị, Lê Hữu Lập đã tổ chức thanh niên trong tỉnh này sau khi đã làm xong công việc của Y ở Thanh Hóa. Kết án tử hình vắng mặt Lê Hữu Lập hoặc ít nhất cũng khổ sai chung thân, không được hưởng mọi biện pháp ân giảm trong tương lai”.
          Lê Hữu Lập sang Thái Lan đúng lúc phong trào cách mạng của kiều bào ta ở đây vừa được gây dựng. Với nhiệm vụ được giao hoạt động ở trại Cày Bản Đông của Việt kiều ở Pi - Chít, do ông Đặng Thúc Hứa phụ trách. Tại đây, Ông đã nhanh chóng hòa nhập vào phong trào quần chúng, mở lớp bồi dưỡng kiến thức về con đường cách mạng, giải phóng dân tộc và thoát khỏi cuộc sống nô lệ, tổ chức dạy  cho bà con biết đọc, biết viết. Tháng 3 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc trở lại Thái Lan chỉ đạo xây dựng Đảng cộng sản. Sau đó, Người triệu tập Hội nghị đại biểu các cơ sở Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh U - Đom và thống nhất những hội viên nòng cốt của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội chuyển sang Đảng viên Đảng cộng sản, trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện. Chính thức trở thành Đảng viên Đảng cộng sản, Lê Hữu Lập được phân công về nước xây dựng tổ chức, phát triển phong trào. Tháng 7/1930, ông được cử trở về Thanh Hóa, giữa lúc bọn Pháp, tay sai ra sức khủng bố, đặc biệt chúng vẫn dò la tìm kiếm dấu chân Lê Hữu Lập. Chúng dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, dọa nạt đối với gia đình của ông, mà đặc biệt là bà Phạm Thị Ngan - vợ ông.
          Từ năm 1932 đến đầu 1934, ông được điều động về công tác tại Ban Viện trợ cách mạng Đông Dương, ở vùng Đông Bắc Thái Lan, nhiệm vụ chủ yếu của Ban này là vận động bà con Việt kiều ủng hộ cơ sở vật chất để phong trào ở đây  có điều kiện hoạt động tốt hơn. Nhờ chủ trương kịp thời, sự cố gắng nỗ lực của Ban, Lê Hữu Lập đã nhanh chóng xây dựng cơ sở liên lạc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tiếp thu chủ trương, chỉ thị của Trung ương Đảng. Giữ lúc phong trào cách mạng ở vùng Đông Bắc Thái Lan đang có bước phát triển mạnh thì chính phủ phản động Xiêm - Phi Bin cấu kết với chính quyền phản động thực dân Pháp, bọn tay sai phản động ra sức chống phá cách mạng Đông Dương và can thiệp sâu vào phong trào cách mạng của người Việt ở Lào và Xiêm, với mục đích nhằm cấu kết, ngăn chặn, cắt đứt mối liên hệ giữa cách mạng Đông Dương với cách mạng Thái Lan, từ đó gây khó khăn, cản trở trong quá trình xây dựng cơ sở liên lạc cách mạng giữa các nước Đông Dương.
          Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo viện trợ cách mạng Đông Dương đã chủ trương chuyển hướng hoạt động, bằng cáchkhông để các đồng chí từ trong nước sang Thái Lan, mà phải từ Thái Lan trở về nước hoạt động. Đầu năm 1934, Lê Hữu Lập được cử về Nghệ - Tĩnh kiểm tra tình hình và đặt cơ sở cho phong trào. Sau khi được phân công phụ trách ở huyện Nghi Lộc, ông và một số đồng chí khẩn trương mở 2 lớp học bồi dưỡng kiến thức lý luận cách mạng cho cán bộcơ sở.Nội dung giảng dạỵ: Phương pháp vận động quần chúng, củng cổ tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, phân tích, đánh giá lại cao trào cách mạng 1930 - 1931, lớp học ngày càng thu hút được đông đảo học viên tham gia.Qua lớp học cán bộ cơ sở được trang bị kiến thức về lý luận, kinh nghiệm lãnh đạo phong trào cách mạng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh giành chính quyền.Từ đó, tìm biện pháp đấu tranh khôi phục hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng.Đây chính là nguyên nhân phong trào cách mạng Nghệ An, Hà Tĩnh sớm được khôi phục. Năm 1934, Đảng bộ ở Trung Kỳ được phục hồi.
          Nhiệm vụ đang cuốn hút sôi động nhất, thì Lê Hữu Lập phát bệnh nặng, mặc dù được các đồng chí ở Nghệ An và quần chúng nhân dân đã tìm mọi phương pháp và tận tình cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi. Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào tháng 9 năm 1934, trong niềm tiếc thương vô hạn của các đồng chí và nhân dân Nghệ An, đặc biệt là nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Ba mươi bảy tuổi đời, ở độ tuổi mà tài năng đang nở rộ với bao niềm thương tiếc vô hạn. Cuộc đời tuy ngắn ngủi, nhưng sự đóng góp, hy sinh của Ông vào sự nghiệp vinh quang của Đảng, của dân tộc, của tỉnh Thanh Hóa không ngắn, không thể tính bằng thời gian.
Kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng của các thế hệ đi trước. Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa luôn không ngừng phấn đấu, ra sức xây dựng đất nước, quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp. Trong những năm qua kinh tế Thanh Hóa luôn tăng trưởng khá; kết cầu kinh tế hạ tầng, kinh tế - xã hội có nhiều đổi mới tích cực, diện mạo từ đô thị đến nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; giáo dục và đào tạo tiếp tục được khẳng định một trong những tỉnh ở vị trí tốp đầu cả nước; y tế phát triển đồng đều ở các tuyến; hoạt động văn hóa, nghệ thuật đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đạt nhiều kết quả nổi bật; an ninh quốc phòng được đảm bảo vững chắc. Phát huy y chí, khát vọng phát triển, tinh thần đoàn kết, đồng thuận, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đó là: “đến 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước- một cục tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; “đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”.
          Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đồng chí Lê Hữu lập người cộng sản đầu tiên - Người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa, là tấm gương sáng người về ý chí cách mạng, tinh thần vượt khó, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì tương lai tươi sáng của đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
 
TÀO LIỆU THAM KH
1. Tỉnh ủy Thanh Hóa: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nxb Thanh Hóa (năm 2020)
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa , Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Mxb Thanh Hóa (2000).
3. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Nhũng sự kiện lịch sử Đảng bộ Thanh Hóa, giai đoạn 1925 - 1945.
4. Ban Nghiên cứu & Ban soạn Lịch sử Đảng Thanh Hóa, Tuổi trẻ Lê Hữu Lập - Người Cộng sản đầu tiên ở Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa (năm 1975).
5. Ban Nghiên cứu & Ban soạn Lịch sử Đảng Thanh Hóa, Tuổi trẻ Lê Hữu Lập, Nxb Thanh Hóa (năm 1981).
Nguyễn Thế Anh, Việt Nam dười thời Pháp thuộc, Nxb Lửa thiêng, Sài Gòn (năm 1970).
6. Vũ Khiêu (chủ biên), Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường (năm 1987).
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1508
Hôm qua:
2628
Tuần này:
4136
Tháng này:
50510
Tất cả:
4.415.390