NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Một số giải pháp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nông Cống hiện nay

Đăng lúc: 17:05:34 21/12/2020 (GMT+7)1957 lượt xem

 
 
Bùi Thị Hồng
GV Khoa NN&PL
Nông Cống là huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, phía Bắc giáp huyện Triệu Sơn và Đông Sơn, phía Đông giáp huyện Tĩnh Gia và Quảng Xương, phía Tây giáp huyện Như Thanh. Là huyện phụ cận trong vùng kinh tế nam Thanh bắc Nghệ, có đường sắt Bắc Nam chạy qua huyện (có 3 nhà ga là Yên Thái, Minh Khôi, Thị Long); Quốc lộ 45 chạy dọc huyện nối Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, giao lưu, buôn bán và hội nhập. Huyện có diện tích tự nhiên 292,5 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên 14.000ha với 29 đơn vị hành chính bao gồm 28 xã và 01 thị trấn; dân số 189.623 người (dân số trong độ tuổi lao động 97.400 người); có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, đặc biệt là nguồn tài nguyên khoáng sản như quặng cromit, quặng secpentin, quặng đá Baza làm phụ gia xi măng, quặng sắt, đất phụ gia xi măng, đá vôi, cát xây dựng, đá mỹ nghệ,... Khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ cũng là một tiềm năng và thế mạnh trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Bám sát Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền huyện Nông Cống xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, huy động nhân dân cùng vào cuộc, nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện. Vì vậy, hơn 10 năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã nhận được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân, với nhiều cách làm sáng tạo và bước đi phù hợp. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai dưới nhiều hình thức.  Đến nay, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đổi mới, kinh tế - xã hội phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đội ngũ cán bộ làm nông thôn mới các cấp, các ngành từng bước được trưởng thành hơn, đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới.
 Đến năm 2020, toàn huyện đã có 22/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75% tổng số xã),toàn huyện có 02 xã  đã đạt  nông thôn mới nâng cao là xã Trường Sơn, Vạn Thắng, và đang trình BCĐ tỉnh thẩm địnhxét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2020 cho xã Tế Lợi. Huyện đã đạt 6/9 tiêu chí huyện Nông thôn mới theo Quyết định 558/QĐ-TTg của Thủ tưng Chính phủ. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; thu hút đầu tư trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 9.506,9 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch; tốc độ phát triển giá trị sản xuất tăng 14,6%, (kế hoạch 13,8%). Cơ cấu giá trị sản xuất: Nông, lâm, thuỷ sản đạt 25,25%; Công nghiệp, xây dựng đạt 45,73%; Dịch vụ đạt 28,94% (kế hoạch 25,9%; 45,3 %; 28,9%). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 36,5 triệu đồng/năm, đạt 104,3% so với kế hoạch, tăng 13,3% so với CK. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 3.293 tỷ, đạt 101,2% so với kế hoạch và tăng 29,8% so với CK.Văn hóa, thể dục, thể thao phát triển mạnh, tham dự các sự kiện văn hóa cấp tỉnh đạt giải cao. Giáo dục và đào tạo có bước phát triển, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn được nâng lên. ATTP được tập trung chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực và vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Chính sách an sinh - xã hội được thực hiện kịp thời, đẩy đủ. Quốc phòng an ninh được đảm bảo; hoàn thành xuất sắc công tác tuyển quân, diễn tập khu vực phòng thủ huyện. Công tác cải cách hành chính được thực hiện tốt, đặc biệt trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính.(Nguồn: Báo cáo tiến độ xây dựng nông thôn mới tháng 12.2020  từ Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM của huyện Nông Cống)
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM, huyện Nông Cống còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định như sau: Do xuất phát điểm của các xã còn thấp, lại là công việc mới, khối lượng công việc về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị rất lớn, đa dạng...; trong thực hiện phải vừa làm vừa nghiên cứu rút kinh nghiệm, bổ sung; Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 có nhiều chỉ tiêu cao hơn so với giai đoạn 2011-2015, do đó một số xã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015 khó duy trì đạt 19/19 tiêu chí; Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Chương trình hạn chế, phân bổ qua nhiều năm; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và trang trại còn gặp nhiều khó khăn; Sự chỉ đạo điều hành của một số cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, nhất là các nội dung tiêu chí không đầu tư nhiều kinh phí; đặc biệt chưa chú trọng đến phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân; một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về chương trình xây dựng NTM, chưa có nhiều chuyển biến trong tổ chức thực hiện; Chương trình triển khai trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu từ ngân sách hàng năm thấp và chưa tự cân đối được, nguồn lực trong nhân dân còn hạn chế...(Nguồn: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, huyện Nông Cống).
Thực tiễn này đã đặt ra cho huyện Nông Cống trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Theo đó, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, phát huy tối đa quy chế dân chủ, làm cho dân thấy rõ trách nhiệm, vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tham gia giữ gìn, duy trì và phát huy, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt được, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo. Đài truyền thanh - truyền hình huyện cần tăng cường thời lượng tuyên truyền cề xây dựng nông thôn mới; chú trọng giới thiệu, biểu dương các gương điển hình tiên tiến, những sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong thực tiễn, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực tự giác tham gia cùng chính quyền địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, chú trọng xây dựng và phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới. Cần tăng cường nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ và các tổ chức cơ sở đảng, thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn tổ chức đảng. Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị -  xã hội trong tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, góp phần thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp: kiện toàn, củng cố hệ thống chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” để cung cấp dịch vụ hành chính công ngày càng tốt hơn cho nhân dân. Tiếp tục tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước cấp huyện và cấp xã để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới.
Thứ ba, tăng cường huy động các nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nâng cao kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới cần phải có biện pháp huy động tích cực và linh hoạt, tranh thủ tất cả các nguồn vốn theo phương châm, đa dạng hóa các nguồn vốn, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn từ bên ngoài là hết sức quan trọng. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng tỷ lệ tích lũy từ nội bộ nền kinh tế của xã, huyện; khuyến khích tiết kiệm trong tiêu dùng dành cho đầu tư phát triển. Rà soát, quản lý chặt chẽ việc thực hiện định mức, chế độ chi tiêu; đảm bảo sử dụng ngân sách đúng mục đích có hiệu quả; tiết kiệm chi hành chính; tăng cường ngân sách cho đầu tư phát triển. Chủ động đề xuất các công trình xây dựng theo quy hoạch chi tiết, thực hiện xây dựng kế hoạch vốn hàng năm và cho từng dự án cụ thể về mạng lưới giao thông, thủy lợi, nhà ở dân cư, trường học, các công trình điện nước, thông tin liên lạc, cơ sở bảo vệ môi trường, phát triển cây xanh.
Một hình thức huy động vốn hiệu quả cần được linh hoạt vận dụng đó là vận động sự đóng góp người dân địa phương. Nhiều con em địa phương thành đạt, xa quê sẵn sàng đóng góp kinh phí góp phần xây dựng quê hương. Chính quyền cơ sở, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của các xã nên có sự kết nối kêu gọi lòng hảo tâm của con em xa quê, hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cho địa phương, đóng góp sức mình vào việc thay đổi bộ mặt của quê hương. Bên cạnh đó, cũng cần kêu gọi sự ủng hộ sức người, sức của trong đông đảo quần chúng nhân dân đang công tác, sinh sống địa phương, đặc biệt những người có điều kiện kinh tế, nhiệt tình muốn đóng góp cho sự nghiệp xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh.
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất. Cần định hướng cho nông dân phát huy thế mạnh về sản xuất, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất theo thế mạnh của từng địa phương. Trong đó tập trung vào hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm, linh hoạt trong xử lý về điều kiện thời tiết, cũng như dịch bệnh. Tập trung đầu tư và nhân rộng mô hình có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện của địa phương, ít chịu rủi ro của thời tiết, dịch bệnh và triển khai sản xuất đúng thời vụ. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Tích cực thu hút đầu tư các Dự án công nghiệp vào địa bàn và tổ chức sản xuất trong nông thôn, bằng cách: duy trì, phát triển nghề TTCN, khôi phục nghề truyền thống, du nhập nghề mới, phát huy tối đa vai trò của các HTX dịch vụ nông nghiệp; xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất gắn với chương trình OCOP “mỗi xã mỗi sản phẩm”.Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Thứ nămnâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham gia chỉ đạo, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho người dân.Để xây dựng được mô hình nông thôn mới có hiệu quả chất lượng cao cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo có năng lực, trách nhiệm cao, vì vậy cần tăng cường bổ sung kiến thức kĩ thuật cho cán bộ cũng như chủ doanh nghiệp, trang trại, hộ sản xuất, kinh doanh. Cán bộ xã cần thường xuyên làm việc hợp tác với bà con nhân dân để nâng cao đời sống dân trí, tích cực tham gia vào các hoạt động xã đề ra nhằm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng như các vấn đề phát triển kinh tế xã.
Tích cực vận động người dân tham gia hưởng ứng các phong trào đoàn thể, những buổi tập huấn cho bà con hiểu biết thêm về kĩ năng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh việc tích cực sản xuất cần chú trọng đến phát triển toàn diện về các mặt như giáo dục, văn hóa, môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên địa phương… Đẩy mạnh hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.
Thứ sáu, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn.Đảng ủy và chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm; xử lý nghiêm những sai phạm nếu có trong việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Căn cứ vào quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, UBND Huyện cần tập trung chỉ đạo các xã rà soát tiến độ và kết quả thực hiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới ban Ban hành giai đoạn 2017 - 2020. Cần quán triệt các xã nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo 06 tháng, hàng năm tình hình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết.Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, chính quyền và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của đông đảo quần chúng nhân dân. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” cần tuyên truyền cho đông đảo quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên ý thức được trách nhiệm cá nhân của mình trong các hoạt động từ tham gia hội họp, góp ý kiến tới hành động cụ thể cùng chính quyền tích cực thực hiện Chương trình và giám sát quá trình thực hiện, phát hiện những điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo để biểu dương và nhân rộng mô hình, đồng thời cũng thấy được những hạn chế, thiếu sót cần xử lý và điều chỉnh để nâng cao hơn nữa kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Tóm lại, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nông Cống là chương trình lớn, xuyên suốt nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong thời gian tới, huyện Nông Cống cần tiếp tục tập trung huy động sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra. Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, chắc chắn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng bộ huyện Nông Cống lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1738
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11916
Tháng này:
58290
Tất cả:
4.423.170