NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Một số giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá

Đăng lúc: 17:07:18 23/11/2023 (GMT+7)322 lượt xem

 Nghiên cứu thực tế là nhiệm vụ của giảng viên các trường chính trị tỉnh, được quy định cụ thể tại Quy chế giảng viên ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG, ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế, giảng viên được học tập, nghiên cứu để hiểu sâu hơn những vấn đề lý luận, cũng như đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực đời sống xã hội; đồng thời, giảng viên được tích luỹ thêm kiến thức và kỹ năng để vận dụng linh hoạt vào bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
p1.png

Ban Giám hiệu cùng giảng viên khoa Lý luận cơ sở đi nghiên cứu thực tế với học viên
 lớp TCLLCT thị xã Nghi Sơn, khoá học 2022-2023
 
Nghiên cứu thực tế của giảng viên các trường chính trị tỉnh có thể hiểu là hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, đơn vị, cũng như công tác xây dựng tổ chức Đảng, hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở; đồng thời, nghiên cứu về việc vận dụng lý luận mà cán bộ, công chức, viên chức tại cơ sở đã được trang bị khi giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế…
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu thực tế, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đã tạo mọi điều kiện về thời gian, kinh phí để tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế và đạt được những kết quả nhất định, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Nhà trường vẫn còn một số hạn chế, cụ thể như: một số giảng viên  chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu thực tế; nội dung, kế hoạch nghiên cứu thực tế của giảng viên còn chung chung, chưa bám sát vào những vấn đề mang tính thời sự ở cơ sở, địa phương; báo cáo thực tế thực hiện còn sơ sài; việc đánh giá bài thu hoạch còn mang tính hình thức. Từ thực tế đó, để thực hiện có hiệu quả hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Nhà trường, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
p2.png

Giảng viên khoa Nhà nước & pháp luật đi nghiên cứu thực tế
tại
xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn
 
Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý của Nhà trường đối với hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên. Theo đó, Nhà trường cần phân định trách nhiệm của các bộ phận, các khoa chuyên môn trong quản lý hoạt động nghiên cứu thực tế; cụ thể như sau:
Đối với Ban Giám hiệu. Ban Giám hiệu cần tăng cường chỉ đạo các khoa chuyên môn xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó xác định rõ nội dung, thời gian cụ thể đi nghiên cứu thực tế; đồng thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu phương án cho phép cá nhân tự nghiên cứu hoặc nghiên cứu theo đề tài, theo lĩnh vực chuyên môn. Xây dựng đề án và tổ chức thực hiện tốt việc đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế hằng năm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những bài báo cáo thực tế có chất lượng cao của đơn vị khoa hoặc của cá nhân; đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động nghiên cứu thực tế của các khoa và giảng viên.
Đối với các khoa chuyên môn. Hằng năm, các khoa cần xây dựng kế hoạch, trong đó giảng viên đăng ký nội dung, thời gian và địa điểm nghiên cứu thực tế; phối hợp chặt chẽ với các khoa, phòng ngay từ khâu xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, tránh chồng chéo giữa kế hoạch giảng dạy với kế hoạch đi nghiên cứu thực tế của cán bộ, giảng viên và tránh nhiều đoàn đi về cùng một địa phương. Bên cạnh đó, các khoa cần định hướng cụ thể hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên trong khoa về nội dung, cách thức, tổ chức thực hiện sao cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giảng viên tham gia. Ngoài ra, các khoa cần tăng cường quán triệt cho giảng viên về yêu cầu đối với nhiệm vụ đi nghiên cứu thực tế, lấy kết quả nghiên cứu thực tế là thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên hàng năm; đồng thời, xây dựng hình thức khen thưởng trong khoa để khuyến khích giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ hai, đổi mới nội dung nghiên cứu thực tế và nâng cao ý thức, trách nhiệm của giảng viên đối với hoạt động nghiên cứu thực tế. Nội dung nghiên cứu cần tập trung vào những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà địa phương đang cần tháo gỡ; không nên đăng ký nội dung mà địa phương đã làm rất tốt bởi như vậy sẽ không phát huy được vai trò tham mưu, đề xuất của khoa chủ quản trong giải quyết vướng mắc của địa phương. Mỗi giảng viên cần dành quỹ thời gian hợp lý, thực hiện một cách chủ động, thường xuyên, có trách nhiệm. Khi kết thúc đợt nghiên cứu thực tế, giảng viên phải hoàn thành báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng, đầy đủ các nội dung theo quy định.
Thứ ba, đổi mới hình thức, phương thức nghiên cứu thực tế của giảng viên. Trên cơ sở Hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Giám hiệu căn cứ vào thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng để cụ thể hóa hoạt động nghiên cứu thực tế với các hình thức, phương thức khác nhau, như: cá nhân chủ động đi nghiên cứu thực tế, đi nghiên cứu thực tế theo khoa chuyên môn hoặc gắn với các lớp Trung cấp lý luận chính trị. Việc nghiên cứu thực tế có thể do giảng viên tự liên hệ, hoặc do các khoa tổ chức bằng kế hoạch đã được Ban Giám hiệu phê duyệt.
Hoạt động nghiên cứu thực tế cần phải đa dạng hơn nữa về hình thức nghiên cứu, không chỉ dừng lại ở việc tham quan, học tập kinh nghiệm mà cần tạo sự chủ động cho giảng viên khi đi nghiên cứu thực tế bằng việc đến thăm các mô hình cụ thể, khuyến khích khả năng tự quan sát, trao đổi, tự đánh giá và rút ra những bài học cho bản thân có thể vận dụng vào công tác giảng dạy. Ngoài việc đi đến cơ quan, địa phương nghe báo cáo ở cấp cơ sở, cần tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ giảng viên được tham gia các hội nghị, hội thảo của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh. Bên cạnh đó, có thể bám sát các vấn đề mà thực tiễn công tác giảng dạy cũng như xã hội đang quan tâm theo hình thức nghiên cứu cá nhân, đề tài, hoặc theo nhóm nhỏ, theo khoa, hoặc theo từng lĩnh vực chuyên môn của giảng viên.
Trên đây là một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nhằm góp phần vận dụng có hiệu quả mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn để từng bước nâng cao kiến thức thực tiễn của đội ngũ giảng viên Nhà trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới./.
                             ThS. Trịnh Thị Phượng; ThS. Nguyễn Thị Phương
                   Khoa Lý luận cơ sở
Số lượt truy cập
Hôm nay:
996
Hôm qua:
2004
Tuần này:
13178
Tháng này:
59552
Tất cả:
4.424.432