NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Một số trao đổi về tiêu chí xác định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng

Đăng lúc: 13:48:47 05/02/2020 (GMT+7)3896 lượt xem

ThS. Nguyễn Ngọc Thắng
Phó trưởng Phòng QLĐT &NCKH
 
          Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là một trong những bài học lớn của 30 năm đổi mới, là thành tố đầu tiên của chủ đề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI của Đảng. Trong những năm qua, vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng nói chung của tổ chức cơ sở đảng nói riêng là vấn đề được nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ hoạt động thực tiễn quan tâm nghiên cứu. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng là một thể thống nhất, không tách rời nhau, là hai mặt của một vấn đề. Nếu không có năng lực lãnh đạo thì không thể có sức chiến đấu và không có sức chiến đấu thì không thể lãnh đạo. Để góp phần nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn kinh nghiệm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, bài viết xin được trao đổi về tiêu chí xác định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
          Hiện nay có rất nhiều cách tiếp cận về tiêu chí xác định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, điều này xuất phát từ phạm vi, đối tượng lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng rất đa dạng, phong phú, từ thực tế sự lãnh đạo toàn diện của đảng trên tất cả các lĩnh vực xã hội. Từ thực tiễn quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có một số cách tiếp cận như sau: i) cách tiếp cận từ nội dung lãnh đạo; ii) cách tiếp cận từ lĩnh vực lãnh đạo; iii) cách tiếp cận chung về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu…Mỗi cách tiếp cận đều có cơ sở khoa học, có tính hợp lý phù hợp với cách tiếp cận. Tuy nhiên, từ thực tiễn và quá trình nghiên cứu, để giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, theo cách tiếp cận của chúng tôi cần làm rõ nhóm tiêu chí về  năng lực lãnh đạo và nhóm tiêu chí về sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
          Nhóm tiêu chí năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng
           Hiểu một cách tổng quát, năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng là khả năng quán triệt, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên để đề ra nghị quyết, nhiệm vụ chính trị phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị; khả năng lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể cụ thể hóa và tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tổ chức thực hiện; khả năng kiểm tra, giám sát, tổng kết, rút kinh nghiệm bổ sung, hoàn thiện nghị quyết, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
          Với nhóm tiêu chí này, tiếp cập theo phương thức lãnh đạo của Đảng, từ vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng, theo chúng tôi tiêu chí xác định năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng bao gồm:
          Một là, năng lực cụ thể hóa đề ra các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị…đúng đắn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
          Một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng là đề ra và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết... Thực tiễn cách mạng nước ta chứng minh rằng: Sự thành công của cách mạng luôn bắt nguồn từ việc Đảng đề ra đường lối, chủ trương, nghị quyết đúng đắn và tổ chức thực hiện kiên quyết, kịp thời, sáng tạo đường lối, chủ trương, nghị quyết đã được đề ra. Theo đó, tiêu chí đầu tiên để xác định năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng được thể hiện ở năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị nghị quyết của cấp trên thành các quyết định phù hợp với thực tiễn địa phương. Để có năng lực này đòi hỏi tổ chức cơ sở đảng trước hết phải: i) nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, nghị quyết của cấp trên; ii) am hiểu điều kiện thực tế của địa phương; iii) am tường tâm tư, nguyện vọng, tình hình của các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, đòi hỏi mỗi tổ chức đảng và đảng viên cần có: i) tư duy, tầm nhìn để xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của địa phương đúng đắn, phù hợp; ii) có kỹ năng thu thập, xử lý thông tin; iii) kỹ năng phân tích, dự báo; iv) kỹ năng lập kế hoạch; v) kỹ năng phát hiện, lựa chọn và quyết định vấn đề…
          Hai là, năng lực tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục đảm bảo chủ trương, nghị quyết “thấm”, “ngấm” vào cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, trở thành hiện thực cuộc sống. Tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục… là công cụ mạnh mẽ, sắc bén nhất để đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội, tạo nên sự thống nhất và hành động trong Đảng bộ, chi bộ, sự đồng thuận trong xã hội, cỗ vũ quần chúng thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chi bộ đã đề ra. Năng lực này yêu cầu: i) Phải làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân từ “Hiểu” đến “Tin” và “Làm” – đảm bảo cho nghị quyết đi vào cuộc sống ; ii) Nhân dân thực sự tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, làm cho chủ trương, nghị quyết thực sự từ Nhân dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân – đảm bảo cho “hơi thở” của cuộc sống đi vào nghị quyết. Đồng thời đòi hỏi mọi tổ chức đảng và đảng viên phải: i) Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; ii) nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin; iii) có kỹ năng thuyết phục, vận động nhân dân…
          Ba là, năng lực xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ. Mọi đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có thể thành hiện thực hay không nhất thiết phải thông qua phong trào cách mạng của quần chúng. Tuy nhiên, các phong trào của quần chúng nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ của Nhân dân rất dễ hoặc là chệch định hướng chính trị hoặc là hiệu quả không cao do mang tính chất tự phát. Theo đó, để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của tổ chức cơ sở đảng, một trong các tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực lãnh đạo chính là năng lực xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ để: i) lãnh đạo phát huy vai trò của chính quyền trong việc thể chế hóa đúng đắn, kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng liên quan đến phát triển địa phương; ii) lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động và tổ chức các phong trào hành động cách mạng của Nhân dân. Năng lực này yêu cầu: i) xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; ii) xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín là nhiệm vụ căn cơ, then chốt. Đồng thời đòi hỏi tổ chức cơ sở đảng phải:i) thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân; ii) xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; đồng thời, phải có quyết tâm cao, phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở; iii) xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền; iv) kiện toàn tổ chức bộ máy của Hội đồng Nhân dân, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương; v) xây dựng tổ chức bộ máy ủy ban Nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại; vi) hoàn thiện tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động…
          Bốn là, năng lực “nêu gương” của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc nâng cao chất lượng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên là nền tảng, uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng, là yêu cầu khách quan, bắt nguồn từ vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của Đảng. Năng lực này yêu cầu, tổ chức đảng và đảng viên phải: i) tiên phong làm trước, thực hành trước, nhất là những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó; ii) “làm mẫu” trong ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc và nội dung “làm mẫu” “nói đi đôi với làm”; iii) hướng dẫn để cán bộ, đảng viên và Nhân dân noi theo. Đồng thời đòi hỏi: i) hoàn thiện thể chế về nêu gương, cụ thể hóa xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm tự giác, gương mẫu học trước, làm trước của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, đảng viên; ii) đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, đề cao vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu; iii) tăng cường kiểm tra, giám sát về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…
          Năm là, năng lực kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết thực tiễn. Năng lực này yêu cầu: i) duy trì sự đoàn kết, thống nhất và đảm bảo thực hiện dân chủ trong đảng bộ, chi bộ; ii) giữ vững kỷ cương, kỷ luật của đảng bộ, chi bộ; iii) phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; iv) khắc phục tình trạng vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; v) kịp thời đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức đảng và đảng viên để phát huy; phát hiện, làm rõ những thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục và xử lý…Đồng thời đòi hỏi tổ chức đảng và đảng viên, phải: i) có năng lực phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên nhất là những vi phạm mới: ii) đảm bảo quy trình, nguyên tắc, phương pháp kiểm tra, giám sát; iii) chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn xảy ra vi hạm của tổ chức đảng và đảng viên…
          Nhóm tiêu chí về sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
          Sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng là sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là sự thống nhất về ý chí và hành động, nhằm tạo nên sức mạnh, sức bền nội tại của tổ chức cơ sở đảng, là ý chí vượt lên trong mọi hoàn cảnh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, là khả năng đấu tranh kiên định và hiệu quả với mọi thế lực thù địch trên các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, tổ chức, bảo vệ trong sạch nội bộ, là tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, là sự gắn kết Đảng với quần chúng và uy tín của Đảng trong quần chúng.
          Với nhóm tiêu chí này, theo chúng tôi nội dung sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng bao gồm:
          Một là, Trình độ giác ngộ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ đảng viên, cấp ủy viên trước mọi biến động của tình hình chính trị - xã hội.
           Nội hàm bản lĩnh chính trị thể hiện ở: Sức kiên định – Sức bảo vệ - Sức phát triển. Trước hết là Sức kiên định: i) kiên định nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng; ii) kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; iii) kiên định sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội; iv) kiên định đường lối đổi mới của Đảng… Sức bảo vệ: i) bảo vệ nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng; ii) nhạy bén trong việc nắm bắt tình hình, kịp thời trong phát hiện và kiên quyết đấu tranh đập tan mọi âm mưu phá hoại của kẻ địch, mọi tư tưởng, quan điểm lệch lạc, phản động, mọi hành động sai trái để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; iii) bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sức phát triển: i) tiếp tục làm sáng tỏ và khẳng định bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới; ii) vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới của Việt Nam và thời đại trên một loạt vấn đề như mục tiêu, đặc trưng và phương hướng cơ bản của xây dựng CNXH, vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân…những vấn đề không có sẵn trong di sản kinh điển mácxít.
          Hai là, sức đề kháng trước âm mưu, thủ đoạn của các thể lực thù địch.
          Nội hàm sức đề kháng thể hiện ở: Sức phát hiện – Sức đấu tranh – Sức vượt qua. Theo đó, cần: i) nâng cao khả năng nhận biết những âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực phản động trong và ngoài nước; ii) nâng cao khả năng đấu tranh phản bác có hiệu quả đối với những quan điểm sai trái, thù địch; iii) nâng cao khả năng vượt qua những biến động, khó khăn, thách thức của bối cảnh trong thời kỳ mới.
          Ba là, sức khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức đảng và đảng viên.
          Nội hàm sức khắc phục thể hiện ở: Sức nhận biết - Sức sửa chữa - Sức tiến bộ. Theo đó, cần: i) nâng cao khả năng nhận biết những hạn chế, yếu kém trong tổ chức đảng và đảng viên; khả năng nhận biết những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; ii) nâng cao quyết tâm sửa chữa những hạn chế, yếu kém; iii) tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng, để tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên thực sự là “đạo đức, văn minh”.
          Bốn là, sức tự phê bình và phê bình trong Đảng.
          Nội hàm sức tự phê bình và phê bình thể hiện ở: Sức chủ động, tự giác – sức dũng khí – sức liêm sỉ. Theo đó, đòi hỏi: i) mỗi tổ chức đảng và đảng viên phải chủ động, tự giác thực hành tự phê bình và phê bình như “soi gương, rửa mặt hằng ngày”; ii) tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình; iii) thực hiện tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải đề cao liêm sỉ, không tranh công, đổ tội; phải chịu trách nhiệm cá nhân.
          Năm là, sức tự chỉnh đốn, tự đổi mới đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới.
          Nội hàm sức tự chỉnh đốn, tự đổi mới thể hiện ở sức nghiên cứu – sức tổng kết – sức đổi mới phương thức lãnh đạo. Theo đó, đòi hỏi: i) nâng cao năng lực nghiên cứu lý luận, phát triển trí tuệ, tư duy, tầm nhìn của mỗi tổ chức đảng và đảng viên; ii) nâng cao khả năng tổng kết thực tiễn để khái quát hóa thành chủ trương, nghị quyết;…từ đó định hướng cho hoạt động thực tiễn đúng quy luật, phù hợp với thực tế; iii) đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng phải đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới kinh tế, thực hành dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng.
          Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng nói chung, của tổ chức cơ sở đảng nói riêng là vấn đề không mới, đã có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu. Song, cái mới của vấn đề này chính là ở chỗ đây luôn là vấn đề cơ bản, cấp thiết trong mọi giai đoạn cách mạng, nhất là trong giai đoạn hiện nay với bối cảnh mới, đang đặt ra những nhận thức, tư duy mới để giải quyết những nhiệm vụ cách mạng ở tầm cao mới. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng không phải là yếu tố không thể đo lường, lượng hóa được. Điều này cũng có nghĩa là, chúng ta có thể xác định được hệ thống các tiêu chí làm cơ sở cho nhận thức, đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong từng giai đoạn, nhất là giai đoạn hiện nay. /.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
225
Hôm qua:
2605
Tuần này:
9043
Tháng này:
59200
Tất cả:
4.357.737