Nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, đảng viên Trường Cao đẳng y tế tỉnh Thanh Hoá trong bối cảnh hiện nay.
Đăng lúc: 16:48:38 02/11/2022 (GMT+7)623 lượt xem
Nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, đảng viên trường cao đẳng Y tế Thanh Hóa là công việc thường xuyên, lâu dài, là một đòi hỏi tất yếu của xã hội, góp phần phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”, Người quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc: “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Chính vì lẽ đó mà tập trung xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề hết sức quan trọng, được coi là một trong mười nhiệm vụ trọng tâm Đại hội XIII của Đảng được phát triển phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.
Ngành Y tế có liên quan trực tiếp đến vấn đề sức khoẻ và tính mạng của con người nên đòi hỏi người làm việc trong ngành Y phải có phẩm chất đạo đức, đồng cảm, yêu thương con người, hết mình vì người bệnh… Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Vì vậy, người thầy thuốc không chỉ cần tài năng mà còn đòi hỏi khắt khe về đạo đức hành nghề, về sự hy sinh quên mình cho cộng đồng và có lý tưởng, tình yêu nghề nghiệp. Đó cũng chính là thiên chức cao quý của người làm nghề y.
Trong những năm qua, cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa vừa mang trong mình trọng trách vừa là người thầy thuốc đồng thời cũng là người thầy giáo; luôn có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có thái độ tôn trọng nghề nghiệp; tận tâm phục vụ và luôn lắng nghe người bệnh; được Nhân dân trong tỉnh tin tưởng; thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức ngành Y tế.
Tuy nhiên, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, các cán bộ, giảng viên phải đối mặt với nhiều vấn đề, như: tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, môi trường làm việc. Những vấn đề này đều được đem ra so sánh với các trường đào tạo ngoài công lập và sự chênh lệch giữa hai khu vực cũng làm cho tư duy về giá trị công vụ, công chức thay đổi. Hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực công lập sang khu vực tư nhân thể hiện sự thay đổi nhận thức giá trị công vụ. Đồng thời, do một số tác động khác như: tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ; hệ thống nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ chưa chặt chẽ; cụ thể như: công tác giáo dục đạo đức công vụ chưa được coi trọng đúng mức; cũng như ý thức rèn luyện đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, giảng viên chưa cao. Do đó, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên trường cao đẳng Y tế Thanh Hóa vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải nâng cao đạo đức công vụ đối đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đạo đức công vụ của cán bộ, giảng viên là vấn đề có tầm quan trọng đối với sự thành bại, tồn tại và phát triển của nền hành chính nhà nước. Đây là yếu tố cốt lõi bảo đảm cho mọi hoạt động của Nhà nước có hiệu quả. Đạo đức công vụ không tự nhiên mà có, mà phải trải qua quá trình giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện của các chủ thể quản lý cán bộ, giảng viên và quá trình tự giáo dục, tự bồi dưỡng và tự rèn luyện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ. Nâng cao đạo đức công vụ là công việc thường xuyên nhằm làm cho đội ngũ cán bộ, giảng viên luôn được trau dồi, bồi dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng trong quá trình thực thi công vụ. Đó là công việc không chỉ của bản thân đội ngũ cán bộ, giảng viên mà còn là trách nhiệm của các chủ thể quản lý cán bộ, giảng viên.
Thứ hai, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ công chức. Đảng ủy và Ban giám hiệu nhà trường đã và đang tích cực góp phần tham gia vào việc nêu cao kỷ cương đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc nêu cao kỷ cương đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường; thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong quá trình thực thi nhiệm vụ giảng dạy cũng như công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội vào hoạt động giám sát, phản biện một cách thiết thực đối với cán bộ, giảng viên trong thực thi công vụ.
Thứ ba, xây dựng môi trường làm việc tạo động lực để cán bộ, giảng viên phát huy năng lực. Việc tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định đến hiệu lực, hiệu quả công việc, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trên cơ sở chức vụ, chức danh nghề nghiệp, theo vị trí việc làm, theo nhiệm vụ công việc được cấp trên giao phó. Vì vậy cần:
* Đánh giá “đúng” và sắp xếp “trúng” vị trí việc làm theo năng lực cán bộ, giảng viên.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, giảng viên, cần đánh giá khách quan và chính xác năng lực, phẩm chất của mỗi thành viên trong nhà trường và sử dụng đúng năng lực của họ, sử dụng đúng người đúng việc, khuyến khích được người tài, người giỏi phát huy năng lực đóng góp cho nhà trường qua các hoạt động khác nhau như: công tác lâm sàng, giảng hay hay tổ chức đoàn thể - chính trị - xã hội.
* Xây dựng các quy định về chế độ, chính sách đã ngộ cho cán bộ, giảng viên.
Đảng ủy và Ban giám hiệu nhà trường cần xây dựng bảng lương, dịch vụ, thu nhập tăng thêm phù hơp với vị trí việc làm, mức độ đóng góp xây dựng, trình độ năng lực thực tế của mỗi cán bộ, giảng viên, đảm bảo công tư phân minh, hợp tình hợp lý. Khi mỗi cán bộ, giảng viên thấy được đáp ứng thỏa đáng về thu nhập, ổn định chất lượng cuộc sống bản thân và gia đình, họ sẽ tích cực cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của nhà trường.
* Xây dựng và hoàn thiện quy chế đạo đức công vụ.
Thông qua hệ thống pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật, Đảng ủy, Ban giám hiệu và hội đồng nhà trường nên cụ thể hóa những giá trị đạo đức như cần, kiệm, liêm chính,… thành những chuẩn mực cụ thể trong hành vi công vụ. Phát huy dân chủ trên cơ sở những quy định và chuẩn mực pháp luật. Xây dựng và hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ, công chức (quy trình, nội dung đánh giá) theo hướng công khai, dân chủ. Ngoài ra, cần tạo cơ hội thăng tiến cho cán bộ, giảng viên; xây dựng môi trường làm việc hiệu quả. Vì vậy, thông qua quan sát, qua các cuộc điều tra hoặc qua những trao đổi trực tiếp, các cấp quản lý cần nhận biết, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giảng viên về nhu cầu môi trường làm việc để điều chỉnh theo hướng tích cực làm cơ sở tạo động lực làm việc cho họ.
Thứ 4, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh việc giáo dục, động viên tinh thần tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, viên chức, cần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, giảng viên để bảo đảm mọi hành vi của họ đều tuân thủ đúng những chuẩn mực đạo đức, tác phong, quy tắc ứng xử theo quy định. Chú trọng, tăng cường sự giám sát của ban thanh tra đào tạo đối với hoạt động giảng dạy của cán bộ, giảng viên, và sử dụng nhiều kênh thu thập ý kiến, phản ánh của các cán bộ, giảng viên, từ học sinh sinh viên và từ người bệnh sử dụng dịch vụ phòng khám trường thông qua nhiều hình thức thu thập thông tin khác nhau như phiếu khảo sát, điện thoại, đường dây nóng, hộp thư góp ý qua mạng xã hội,… qua đó xử lý kịp thời và công khai, minh bạch đối với các trường hợp vi phạm; đồng thời kịp thời khen thưởng, động viên những gương “người tốt, việc tốt”, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan.
Hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, giảng viên, tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử phạt hành vi vi phạm đạo đức công vụ. Có quy định rõ, cụ thể các hành vi cán bộ, giảng viên được làm hoặc không được làm, công khai các lợi ích của họ trong quá trình thực thi nhiệm vụ giảng dạy và công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, có chế tài xử phạm nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức công vụ, tùy theo mức độ vi phạm, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm soát nội bộ chặt chẽ nhằm phát hiện các nguy cơ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.
Thứ năm, nâng cao tính tự giác rèn luyện đạo đức công vụ của cán bộ, giảng viên.
Thường xuyên giáo dục và nêu cao tinh thần tự tu dưỡng đạo đức công vụ thông qua việc giáo dục chính trị, pháp luật, đạo đức, thẩm mỹ, văn hóa giao tiếp, ý thức lao động, kỹ năng lao động nghề nghiệp, giáo dục phẩm hạnh, lòng tự trọng, tình thương yêu con người… Đặc biệt chú trọng mối quan hệ mật thiết giữa quy phạm pháp luật và các quy phạm đạo đức. Mọi cán bộ, giảng viên đều phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: Đạo đức cách mạng không phải tự nhiên có được, mà nó là kết quả của cả một quá trình khổ luyện, phấn đấu không ngừng, “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, đảng viên trường cao đẳng Y tế Thanh Hóa là công việc thường xuyên, lâu dài, là một đòi hỏi tất yếu của xã hội, góp phần phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay./.
Học viên: Cao Thùy Hân
Lớp TCLLCT A2K49
Các tin khác
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
239
Hôm qua:
2718
Tuần này:
14816
Tháng này:
34193
Tất cả:
4.967.794