THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC                                                                                           MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN ẤT TỴ NĂM 2025!
             
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/2/1930 - 03/2/2025)!

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND xã, phường, thị trấn ở Thanh Hoá hiện nay theo chủ trương của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX

Đăng lúc: 15:27:33 10/12/2021 (GMT+7)8807 lượt xem

ThS. Tống Thị Lan
 Phó trưởng Khoa Nhà nước & Pháp luật
 
Hiến pháp năm 2013 quy định: xã, phường, thị trấn (gọi là cấp xã) là đơn vị hành chính cuối cùng (cấp 4) trong phân định cấp các đơn vị hành chính ở nước ta. Theo đó, Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã là cơ quan hành chính nhà nước cấp cuối cùng tại địa phương, do Hội đồng Nhân dân (HĐND) cùng cấp bầu ra; là cơ quan chấp hành của HĐND; UBND chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương cấp xã, UBND thực hiện vai trò quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội tại địa phương; đồng thời, quản lý việc chấp hành, thực hiện các quyết định, chỉ đạo của HĐND cấp xã và UBND cấp huyện (huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh) gắn với các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ cùng cấp. Do vậy UBND cấp xã thực thụ là nền tảng của hành chính. Đây là cấp gần gũi dân nhất, mọi hoạt động của UBND cấp xã đều trực tiếp tác động đến đời sốngan sinh của Nhân dân, sự ổn định xã hội tại địa phương. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước nói chung, đòi hỏi phải thực sự quan tâm nâng cao hiệc lực, hiệu quả quản lý của UBND cấp xã, nhằm bảo đảm giữ vững sự ổn định và phát triển của xã hội ngay từ cơ sở. Điều này sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn rằng: “Cấp xã là gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”. [1]
Thanh Hoá là một trong những tỉnh có diện tích rộng(xếpthứ 5 cả nước), có địa hình phức tạp, dân số đông (xếp thứ 3 cả nước); đặc biệt, hiện tại Thanh Hoá là tỉnh có đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất trong các tỉnh, thành phố của cả nước, với559 xã, phường, thị trấn (481 xã, 50 phường, 28 thị trấn) trực thuộc 27 huyện, thị, thành phố. [2]
Trong những năm của thời kỳ đổi mới, nhất là trong 10 năm từ 2010 – 2020, tỉnh Thanh Hoá đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Từ đó, kinh tế tăng trưởng cao, đạt mức bình quân hơn 10%/năm, đứng đầu các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và là tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Đến nay, Thanh Hoá bước đầu đã thể hiện là cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Trung Bộ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn, du lịch hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; mặt khác còn là tỉnh có số lượng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới lớn nhất cả nước; công tác quy hoạch và phát triển đô thị được thực hiện tốt; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể...Có được kết quả đó là có vai trò đóng góp lớn của UBND cấp xã.
Tuy nhiên, đến nay, thực tế lĩnh vực kinh tế của Thanh Hoá phát triển vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, như: “Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, phụ thuộc nhiều vào tăng các yếu tố đầu vào; một số dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường; phát triển của ngành dịch vụ chưa đa dạng, chất lượng và giá trị gia tăng chưa cao; tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm…”[3], phát triển chưa đồng đều giữa các vùng. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế yếu kém đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân chủ quan, chủ yếu là tình trạng “Một số cấp uỷ đảng, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa chủ động, thiếu sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; khả năng dự báo và khả năng khắc phục, giải quết những khó khăn vướng mắc còn hạn chế; có tình trạng né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong tham mưu, tổ chức thực hiện, phối hợp giải quyết công việc,…”; “thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của một số ngành, địa phương còn hạn chế” [4], trong đó có cả UBND cấp xã. UBND cấp xã ở một số địa phương hoạt động còn yếu, biểu hiện còn tùy tiện, cá biệt có nơi còn bộc lộ rõ việc ban hành các quyết định, văn bản quản lý và áp dụng pháp luật còn chưa đúng thẩm quyền, sai sót thể thức; giải quyết vụ việc còn chưa đúng luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính, xử lý vi phạm. Có xã còn có biểu hiện lúng túng trong điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự, thu, chi ngân sách; năng lực và tính chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chưa cao; vẫn còn những cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng về đạo đức, lối sống. Cá biệt, có UBND cấp xã còn chưa phân biệt rạch ròi giữa công việc nào là do Chủ tịch UBND quyết định, công việc nào do tập thể UBND quyết định... nên gây nhiều khó khăn, trở ngại khi thực hiện nhiệm vụ, xuất hiện tình trạng cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, trực lợi cho gia đình, dòng họ… gây ra sự bất bình trong nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý. Vì vậy, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND cấp xã hiện nay càng có ý nghĩa to lớn, là cần thiết và cấp thiết.
Để khắc phục những hạn chế yếu kém nêu trên, chúng tôi cho rằng cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ, như:  
Một là, cần quán triệt đầy đủ và duy trì nghiêm việc tổ chức thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng hoạt động hiệu lực, hiệu quả và chỉ đạo điều hành của UBND các cấp, trong đó có UBNDcấp xã đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra:“Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” [5]. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, mỗi tổ chức Đảng và chính quyền cấp xã phải nghiêm túc tự đánh giá thực trạng chất lượng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chỉ đạo điều hành của UBND ở địa phương; chủ động tìm ra hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch khắc phục yếu kém và tiến hành đổi mới sát thực tế. UBND cấp huyện với cương vị là chỉ đạo quản lý hoạt động của UBND cấp xã, cần khách quan, nghiêm túc thẳng thắn chỉ ra cụ thể những hạn chế, yếu kém của từng xã, tránh tình trạng đánh giá chung chung là có yếu kém, nhưng không rõ địa chỉ. Qua đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc khắc phục, sữa chữa của từng địa phương cấp xã; không để yếu kém đã vạch ra nhưng việc khắc phục chậm, kéo dài.
Hai là, UBND cấp xã phải ban hành quy chế làm việc với nội dung cụ thể, rõ ràng, thể hiện đầy đủ các vấn đề liên quan đến thực thi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của UBND cấp xã, như: nguyên tắc làm việc và trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của UBND; trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của các ủy viên UBND, của công chức và người hoạt động không chuyên trách ở địa phương; mối quan hệ giữa UBND với Đảng ủy, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp xã; về tiếp công dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân…
Việc UBND ban hành quy chế làm việc của UBND nhằm bảo đảm hoạt động quản lý hành chính vừa đi vào trật tự, nề nếp,vừa bảo đảm công khai, dân chủ và minh bạch; hơn nữa, đây còn là động lực kích thích tính chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính bản thân người cán bộ. Mặt khác, chính việc ban hành và công khai quy chế làm việc của UBNDtạo thuận lợi để cấp uỷ và HĐND cấp xã thuận tiện kiểm tra, giám sát; đồng thời, các tổ chức đoàn thể thuận lợi trong phối hợp thực thi nhiệm vụ. Vì vậy, quy chế cần phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể UBND với thẩm quyền, trách nhiệm của chủ tịch UBND trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành với nguyên tắc “tuân thủ pháp luật và việc ai nấy làm”. Quy định rõ trách nhiệm và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực, gắn từng vị trí việc làm để đề cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Ba là, chú trọng nâng cao năng lực, kỹ năng thực thi công vụ và tầm nhìn cho đội ngũ cán bộ, công chức UBND cấp xã. Thực tế đã chứng minh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND cấp xã chịu sự chi phối và trực tiếp chịu ảnh hưởng từ năng lực, kỹ năng tác nghiệp thực thi công vụ, tầm nhìn của đội ngũ cán bộ, công chức UBND cấp xã. Do vậy, cần coi trọng và quan tâm “Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, tính chuyên nghiệp cao, tận tuỵ phục vụ Nhân dân” [6] để bảo đảm tiền đề cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND cấp xã. Trước hết, trên cương vị trách nhiệm và thẩm quyền quy định, cần đề cao ý thức trách nhiệm trong việc lựa chọn, giới thiệu, chọn cử, bố trí, sắp xếp cán bộ vào các vị trí trong bộ máy UBND cấp xã. Việc lựa chọn, giới thiệu, chọn cử, bố trí, sắp xếp cán bộ vừa phải tuân thủ các quy trình về cán bộ dựa trên những căn cứ cụ thể, thực hiện công khai, minh bạch; đồng thời phải tăng cường các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật cho cán bộ về các quy định, quy trình và hướng dẫn mới của các cơ quan có thầm quyền gắn với chức năng quản lý của UBND cấp xã.
Bốn là,các cơ quan cấp trên cần tiếp tục hoàn thiện và ban hành các quyết định phân cấp quản lý phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và sát thực tế để tạo cơ sở pháp lý cho UBND cấp xã thuận tiện đổi mới hoạt động. Theo đó, cần giao quyền cho UBND cấp xã thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi giải quyết những công việc theo nhu cầu của người dân; từ đó có thể giảm thiểu tình trạng phải xin chủ trương, ý kiến dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết công việc.
Năm là, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí, thời gian, nhân lực khi giải quyết thủ tục hành chính ở địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử.
Tóm lại: việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoáđòi hỏi phải được thực hiện nhiều khâu, nhiều mặt; đồng thời cần có sự quyết tâm cao và thống nhất, đồng bộ của nhiều cấp, ngành.
 

1. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.1995, tr.371.
2. UBND tỉnh Thanh Hóa, Báo cáo số 104/BC-UBND ngày 03/7/2020 về tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030, tr.15.
3.  Đảng công Sản Việt Nam, Nghị quyết số 58-NQ/TW  
4. Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX,Nxb T.H, 2020, tr 72-73.
5. Tỉnh ủy Thanh Hóa, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tr 61.
6. Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Văn kiện Đại hội Đảng Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX,Nxb T.H, 2020, tr 131
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
262
Hôm qua:
2301
Tuần này:
4884
Tháng này:
12805
Tất cả:
5.105.314