HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Nâng cao hiệu quả phát triển văn hoá đọc ở Trường Chính trị tỉnh trong giai đoạn hiện nay

Đăng lúc: 16:51:19 30/05/2023 (GMT+7)514 lượt xem

 Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của đọc sách và văn hoá đọc, trong những năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá luôn quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc sâu rộng tới đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên trong toàn trường.
h1x.jpg
“Văn hoá đọc” có thể được xem là một bộ phận của văn hoá, là một trong những động lực để hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội dựa trên nền tảng của kinh tế trí thức.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu khoa học đã đề cập đến “văn hóa đọc” dưới nhiều góc độ và cách nhìn nhận khác nhau. “Văn hóa đọc” là một khái niệm được xét ở hai phương diện rộng và hẹp. Ở phương diện rộng, văn hóa đọc là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Còn theo phương diện hẹp, “văn hóa đọc” là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Cách hiểu chung nhất mà “văn hoá đọc” đều phản ánh, đó là: ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Như PGS.TS, nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình khẳng định: “Văn hoá đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với trí thức sách vở”.
h2.jpg
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của đọc sách và văn hoá đọc, trong những năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá luôn quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc sâu rộng tới đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên trong toàn trường. Phát triển văn hoá đọc giúp cho cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường có ý thức tự thân trong việc tích luỹ trí thức, có khả năng tiếp nhận tối đa nội dung tài liệu đọc, quan trọng nhất và vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc nhằm nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân trước yêu cầu ngày càng cao của công đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; đặc biệt, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp công hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, hình thức đào tạo, bỗi dưỡng của Nhà trường ngày càng phong phú, đa dạng; do đó, yêu cầu cán bộ, giảng viên phải có kiến thức sâu, rộng về nhiều lĩnh vực, đòi hỏi giảng viên phải tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi. Một trong những cách bổ sung kiến thức nhanh và khôn ngoan nhất đó là đọc sách, đọc tài liệu. Do đó, để thành công trong chuyên môn, việc đọc sách và xây dựng văn hóa đọc của cán bộ, giảng viên và học viên là vô cùng quan trọng.
h3.jpg
Nhằm phát triển văn hoá đọc sâu rộng đến toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, hằng năm, Nhà trường dành một khoản kinh phí nhất định bổ sung thêm các đầu sách với nhiều thể loại, như: giáo trình, sách kinh điển, sách tham khảo, lịch sử, văn hoá – giáo dục, sách kỹ năng lãnh đạo, quản lý, báo, tạp chí. Từ kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp trường và kết quả thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, Nhà trường đã phối hợp với Nhà xuất bản Lý luận chính trị quốc gia - Sự thật, nhà xuất bản Thanh Hóa biên tập được 39 cuốn sách tham khảo, chuyên khảo phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, làm tài liệu nghiên cứu và học tập cho cán bộ, giảng viên và học viên. Đặc biệt, Nhà trường rất quan tâm việc xuất bản Tập san “Nghiên cứu Lý luận và thực tiễn”, phát hành 4 số/năm với 8.000 cuốn để phục vụ cho cán bộ, quản lý, lãnh đạo cấp xã theo đúng định kỳ với nội dung thiết thực nhằm trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay trong phát ttiển kinh tế- xã hội ở địa phương, cơ sở.
h4.jpg
Bên cạnh đó, Thư viện còn tập hợp, lưu giữ các khoá luận tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị- hành chính, chuyên viên, chuyên viên chính, luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp trường; báo cáo tổng kết năm, nhiệm kỳ, các văn kiện, nghị quyết, chương trình đại hội của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Nhiều tư liệu được bổ sung có cơ sở dữ liệu thông tin thực tiễn rất bổ ích, phong phú. Đặc biệt, công tác thư viện còn được còn xây dựng các sản phẩm mới, như: Biên soạn và phát hành thư mục “Thanh Hoá qua báo chí trung ương” 01 số/tháng; xây dựng thư mục về tiểu luận tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị -hành chính... làm dữ liệu tra cứu, nguồn tư liệu. Hiện nay nguồn tư liệu của Thư viện có khoảng hơn 20.000 đơn vị, nội dung và thể loại khá phong phú, đa dạng nhằm đáp ứng như cầu của bạn đọc, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng lên với các hình thức: đọc tại chỗ, đọc lưu động.
h5.jpg
Cùng với việc bổ sung nhiều nguồn tư liệu phục vụ bạn đọc tại Thư viện, từ năm 2010 đến nay, Nhà trường luôn chú trọng đến phát triển văn hoá đọc với nhiều mô hình, cách thức khác nhau. Hình ảnh ấn tượng có tiếng vang trong các hoạt động phát triển văn hoá đọc, đó là hưởng ứng tổ chức Ngày sách Việt Nam (21/4) và Bản quyền thế giới (23/4) với mục đích nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, trí thức. Theo đó, Nhà trường đã tổ chức, triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền phát triển văn hóa đọc đến đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên, như: trưng bày, triển lãm, xếp sách nghệ thuật, thi giới thiệu sách với quy mô lớn, có sự tham gia, phối hợp với Thư viện tỉnh, Nhà xuất bản Sự thật - Quốc gia, Nhà xuất bản Thanh Hoá và các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ 2-3 ngày; qua đó, xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường. Ngoài ra,Thư viện Nhà trường tổ chức chương trình giao lưu với bạn đọc qua giới thiệu sách đến từng lớp học bằng hình thức trực quan sinh động, tạo hiệu ứng tích cực xây dựng văn hoá đọc. Ngoài ra, cán bộ thư viện còn nhiệt tình tham gia viết các bài đăng Website, Tập san Thông tin lý luận Nhà trường, Tạp chí thư viện... nhằm giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc về mô hình phát triển văn hóa đọc. Đây là sự độc đáo,  sáng tạo trong tổ chức hằng năm ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, Nhà trường chú trọng đến vấn đề nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc cho đội ngũ giảng viên và học viên, với nhiều hình thức như: mời diễn giả nói chuyện chuyên đề về sách và văn hoá đọc; tổ chức các diễn đàn trao đổi về kinh nghiệm viết và biên soạn sách giữa các tác giả với học viên và nhà xuất bản; toạ đàm về kỹ năng đọc sách; tổ chức hoạt động trao đổi về sách trong Câu lạc bộ giảng viên trẻ của Nhà trường; trưng bày giới thiệu và phát phim tư liệu, xếp sách nghệ thuật nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Nhà trường; tổ chức thi giới thiệu và xếp sách sách nghệ thuật giữa lớp; mô hình mỗi tuần một cuốn sách. Các hoạt động trên tạo hiệu ứng tích cực, giúp cho đội ngũ giảng viên và học viên Nhà trường nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc; kỹ năng tiếp nhận, sử dụng thông tin, trí thức, phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu và học tập. Đây chính là cách thức nhằm thu hút được đông đảo bạn đọc tới thư viện.
Để có những kết quả bước đầu góp phần phát triển văn hoá đọc cho cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường là nhờ sự chủ động tham mưu, sáng tạo trong tổ chức thực hiện của Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu. trong xây dựng kế hoạch về tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc; nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã tạo cơ chế tôt, môi trường tốt để phong trào phát triển văn hoá đọc ngày càng thu hút được toàn thể cán bộ, giảng viên Nhà trường tham gia; nhờ sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình, sáng tạo của cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường
 h6.jpg
Trong thời gian tới, để văn hoá đọc phát triển hơn nữa, Nhà trường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là,xác lập cơ chế, trách nhiệm về phát triển văn hoá đọc cho đội ngũ giảng viên.Trước mắt, Nhà trường cần xây dựng Chương trình phát triển văn hoá đọc theo từng giai đoạn, tạo cơ chế, chính sách hành lang pháp lý cho việc phối hợp giữa các khoa, phòng; xác định trách nhiệm của các chủ thể, tạo ra sự thống nhất đồng bộ trong tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc. Đồng thời, Nhà trường cần xây dựng định hướng đọc, tổ chức các hoạt động, diễn dàn về sách để cán bộ, giảng viên, học viên trao đổi, cảm nhận, vận dụng tri thức từ sách vào giảng dạy, nghiên cứu và học tập.
Hai là,đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Thư viện. Trường Chính trị cần đẩy mạnh việc phối hợp với các thư viện trong tỉnh, Viện thông tin khoa học (Học viện Chính trị QGHCM), các thư viện trong hệ thống Học viện tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; mở các lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ thư viện thời đại công nghệ 4.0 cho cán bộ thư viện nhằm phục vụ tốt hơn đối với người đọc bởi “thư viện tốt nhất là thư viện làm hài lòng độc giả nhất”. Bên cạnh đó, Nhà trường cần tổ chức khảo sát nhu cầu bạn đọc để kịp thời bổ sung thể loại sách. Mặt khác, Nhà trường cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn học điện tử, số hoá toàn bộ nội dung tài liệu phục vụ tra cứu cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường.
Trong hoạt động thư viện, cán bộ thư viện là “chiếc cầu nối”, giữa bạn đọc với thư viện và tài liệu, hướng dẫn các đối tượng bạn đọc để họ khai thác được nguồn thông tin, tài liệu tốt nhất có trong thư viện, từ đó góp phần hình thành và nâng cao văn hoá đọc cá nhân, cũng như các kỹ năng đọc. Để đẩy mạnh phát triển văn hoá đọc, Trường Chính tỉnh Thanh Hoá cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thông tin, tư liệu, chú trọng đào tạo một số kỹ năng mới bên cạnh kiến thức chuyên môn, như: kỹ năng nhận dạng đúng các yêu cầu cần tin, kỹ năng truy cập thông tin hiệu quả, kỹ năng đánh giá thông tin và nguồn tin, khả năng tra cứu thông tin trên mạng, sử dụng thành thạo các công cụ tham khảo, bao quát được các nguồn tin. Bên cạnh đó, Nhà trường lập kế hoạch phát triển toàn diện cho cán bộ thư viện nhằm phát huy năng lực sáng tạo và yêu nghề của họ; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ thư viện tham gia các đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác chuyên môn, đóng góp các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện và phát triển văn hoá đọc. Cần phải xây dựng môi trường đọc sách rộng rãi, thoàng mát, để bạn đọc luôn cảm thấy thư viện là noiw mà mình luôn được chào đón, là địa chỉ mà mọi người luôn muốn tìm đến.
Ba là, mở rộng và phát triển môi trường văn hoá đọc. Nhà trường cần thường xuyên đặt ra các yêu cầu cao trong thực hiện nhệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học lý luận; qua đó buộc cán bộ, giảng viên, học viên phải đọc, phải nghiên cứu, bởi, trong quá trình nghiên cứu, luận giải và giải quyết các vấn đề khoa học đặt ra đòi hỏi mỗi giảng viên, học viên phải tìm đọc, nghiên cứu các nguồn tài liệu, tranh thủ các ý kiến của chuyên gia. Chính trong quá trình đó, giúp cho mỗi giảng viên, học viên xây dựng được thói quen, phương pháp đọc sách có hiệu quả, góp phần nâng cao văn hoá đọc của bản thân và tập thể. Ngoài đọc giáo trình, sách tham khảo phục vụ cho chuyên môn, cán bộ, giảng viên, học viên cần đọc các loại sách về kỹ năng lãnh đạo quản lý, kỹ năng giao tiếp, ứng xử; sách về lịch sử, văn hoá, xã hội, qua đó làm giàu thêm vốn kiến thức xã hội cho mỗi cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường.
Theo đó, Nhà trường cần đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền như: triển lãm sách, báo tạp chí; tổ chức các diễn đàn, toạ đàm; thi đọc sách, thuyết trình, giới thiệu về sách; đối mới mô hình phục vụ với hình thức thư viện lưu động (phục vụ tài liệu đến tận tay bạn đọc). Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong phát triển văn hoá đọc như: Đoàn Thanh niên, Câu Lạc bộ giảng viên trẻ, Chi Hội Luật gia, Hội Cựu Chiến binh. Đối với thư viện, việc quảng bá hình ảnh cũng như giới thiệu sản phẩm và dịch vụ thông tin tư viện đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức hoạt động của mình. Vì vậy, các tổ chức đoàn thể với hình thức hoạt động đa dạng và tích cực sẽ là nguồn nhân lực hữu ích trong công tác tổ chức hoạt động của thư viện như: Giới thiệu sách mới, hội thi giới thiệu sách, hội chợ sách, triển lãm, hội nghị, hội thảo về sách và đọc sách... Thông qua hoạt động này nhằm kích thích hứng thú đọc và sở thích đọc sách của mỗi thành viên. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng hoạt động này thường xuyên, cần có sự quan tâm chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường; sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên mà đặc biệt là kinh phí cho hoạt động này.
Bốn là, xây dựng và đa dạng hoá nguồn lực thông tin. Nhà trường phải xây dựng nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng cả về số lượng, chất lượng sách, giáo trình, tài liệu tham khảo; trong đó, tập trung bổ sung các loại tài liệu, như: Kỹ năng lãnh đạo, quản lý, Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Trung ương và địa phương. Từng bước xây dựng cơ sỏ dữ liệu số, các bộ sưu tập phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Tiếp tục trang bị, nâng cấp đường truyền kết nối Intenet nhằm tìm kiếm và khai thác thông tin phục vụ cho công tác học tập, giảng dạy và nghiên cứu cho cán bộ, giảng viên, học viên một cách hiệu quả nhất.
Tin tưởng rằng, với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu; sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, giảng viên và học viên, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá sẽ triển khai đồng bộ các hoạt động phát triển văn hoá đọc để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần thực hiện thành công hiện thực hóa Kết luận số 729 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Nhà trường sớm hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn mức 1 vào quý 2 năm 2023, đạt cơ quan trường chính trị kiểu mẫu vào năm 2024 và đạt chuẩn mức 2 trong nhóm các trường dẫn đầu cả nước vào năm2025, xây dựng Trường Chính trị tỉnh trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chất lượng cao của tỉnh, ở khu vực và trong cả nước, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Thanh Hoá trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu như Nghị quyết số 58/NQ-TW, ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị khóa XII đã đề ra./.
        ThS. Lê Thị Hương
Phó Trưởng phòng TC, HC, TT, TL
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1562
Hôm qua:
1836
Tuần này:
9892
Tháng này:
41538
Tất cả:
4.406.418