NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Nhận diện biểu hiện của bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị và biện pháp khắc phục

Đăng lúc: 14:14:38 27/05/2022 (GMT+7)3855 lượt xem

 Giảng viên: Nguyễn Thị Duyên 
Khoa Lý luận cơ sở

Lý luận chính trịlà hệ thống tri thức lý luận trong lĩnh vực chính trị, phản ánh mối quan hệ giữa các giai cấp trong việc giành và giữ quyền lực nhà nước; thể hiện quan điểm, lập trường, thái độ, lợi ích của các giai cấp đối với quyền lực nhà nước trong xã hội có giai cấp. Lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là hệ thống tri thức lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống văn hóa của dân tộc; là đường lối, chiến lược của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Lý luận chính trị có vai trò vô cùng quan trọng, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc biện chứng; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… phù hợp với quy luật khách quan. Việc học tập lý luận chính trị không chỉ góp phần để cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng có hiệu quả những tri thức lý luận vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra mà còn là cẩm nang để giúp mỗi người thâm nhập, đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu dân và trọng dân, trở thành người lãnh đạo gương mẫu, người đồng hành tin cậy, người công bộc tận tụy của nhân dân; đồng thời, kiểm nghiệm tri thức, tư tưởng, hành vi qua thực tiễn khách quan và cập nhật, nắm bắt tình hình để chủ động, kịp thời hành động đúng đắn, góp phần hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó.
Tuy vậy, thời gian qua, không ít cán bộ, đảng viên chưa tích cực học tập lý luận chính trị, thậm chí không ít người còn có biểu hiện xem thường và lười học tập lý luận chính trị. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã chỉ rõ, cán bộ, đảng viên có biểu hiện: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc áp dụng lý luận vào công tác, cuộc sống. Một người dù giỏi chuyên môn, nhưng không nắm chắc lý luận chính trị, “mù về chính trị” thì họ không rõ làm theo chủ nghĩa nào, đường lối nào, phục vụ ai, dễ dẫn đến mất phương hướng, kết quả thường thất bại.
Bệnh “lười học tập lý luận chính trị” gây hệ lụy rất lớn đến sự tu dưỡng, rèn luyện và kết quả công tác của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung; từ đó, sẽ làm cho đồng chí đó “không có cơ sở nhận thức khoa học” để xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, niềm tin chính trị vào lý tưởng cách mạng. Chí ít thì bệnh này cũng dễ làm cho họ không biết cách xem xét, cân nhắc đúng - sai, xử trí cho khéo trong công việc; không biết rõ điều kiện, hoàn cảnh khách quan, mà cứ nghĩ thế nào làm thế ấy, thiếu sự chỉ dẫn của lý luận khoa học và trở nên mù quáng, dẫn đến chủ quan, duy ý chí, thậm chí “mắc vào bệnh đó là hỏng việc”. Bên cạnh đó, bệnh “lười học tập lý luận chính trị” còn có thể làm cho cán bộ, đảng viên mắc phải bệnh hẹp hòi, cá nhân chủ nghĩa, nặng hơn là thiếu kiên định về chính trị, mơ hồ, mất cảnh giác, a dua, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; cũng có thể rất dễ dẫn đến thay đổi lập trường, quan điểm, đi ngược lại chính những gì đã lựa chọn. Thực chất là từ bỏ lập trường giai cấp công nhân, mục tiêu lý tưởng của Đảng, nhân dân, từ bỏ lý luận cách mạng khoa học là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với Đảng và chế độ, làm giảm sút năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; giảm sút niềm tin của quần chúng, nhân dân, cán bộ, đảng viên đối với Đảng, Nhà nước.
Bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị là căn bệnh xem thường, coi nhẹ việc học tập lý luận chính trị. Biểu hiện của bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên hiện nay rất đa dạng, phức tạp, có thể khái quát một số biểu hiện sau:
Thứ nhất, học thờ ơ
Cán bộ, đảng viên học tập lý luận chính trị một cách thờ ơ biểu hiện trước hết ở sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến chương trình đào tạo và mục đích của việc học tập. Không nắm vững chương trình học toàn khoá, lịch học của từng kỳ được sắp xếp như thế nào, phải làm gì để đạt được hiệu quả tối ưu từ chương trình ấy. Quá trình học trên lớp, học viên không tập trung nghe giảng, không làm bài tập, hay làm việc riêng trong lớp.
Thứ hai, học thụ động
Học viên không chủ động nghiên cứu giáo trình và các tài liệu liên quan đến môn học trước khi đến lớp. Trên lớp, học viên nghe giảng một cách thụ động, không chịu đào sâu suy nghĩ để tham gia phát biểu ý kiến, trao đổi; không chủ động phản biện khi thấy ý kiến chưa phù hợp. Thiếu sự tập trung khi học. Bài thi, bài thu hoạch thì sao chép một cách máy móc, thiếu đào sâu suy nghĩ, tìm tòi gắn lý luận với thực tiễn. Từ đó, dễ dẫn đến hệ quả, học viên chỉ tiếp thu những kiến thức bề mặt do giảng viên truyền đạt, dễ dàng quên những kiến thức đã học sau một thời gian ngắn, không vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác.
Thứ ba, học đối phó
Học viên không có nhận thức đúng đắn về việc học tập lý luận chính trị, hoặc xem là học cho xong nhiệm vụ, hoặc xem đó là một mục tiêu nhằm đạt chuẩn bằng cấp, từ đó có thể được đề bạt những vị trí cao hơn.
Đi học không mang tài liệu, hoặc nếu có mang thì hết buổi học lại để tài liệu ngay tại lớp, không mang về để nghiên cứu. Trên lớp học, không ghi chép bài, vừa học vừa giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị; không tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến nội dung được truyền đạt, để hiểu rõ hơn vấn đề;đi muộn, về sớm; lấy lý do xin nghỉ học; bỏ học nửa chừng, nhất là sau khi đã thực hiện việc “điểm danh”; không có ý kiến phát biểu, trao đổi, phản biện trong buổi học, hoặc phát biểu cho có. Thực hiện các bài kiểm tra, bài thi có tính đối phó, chiếu lệ, cốt cho đạt điểm để hết môn.
Thứ tư, học né tránh
Trong quá trình học tập, một trong biểu hiện của lười học, ngại học lý luận chính trị của học viên là học né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, thiếu tinh thần cầu thị trong học tập, như: trong các buổi thảo luận, làm việc nhóm trên lớp hay các hoạt động nghiên cứu thực tế gắn toạ đàm khoa học, hoạt động ngoại khoá…khi được giao công việc, học viên luôn kiếm cớ từ chối, tìm cách thoái thác sang cho người khác, không có tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao; thích học tại chức hơn học tập trung.
Đặc biệt, biểu hiện rõ nét nhất của học né tránh là: nhờ người chép hộ đề cương, gian lận trong thi cử; nhờ người đi học hộ, thi hộ, bỏ học, bỏ thi; chạy bằng cấp; xin “nợ” việc học tập lý luận chính trị.
Thứ năm, sợ học lý luận chính trị
Tâm lý sợ học lý luận chính trị cũng diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, khi họ cho rằng đây là môn học khô khan và trừu tượng, khó tiếp thu. Từ đó dẫn đến sự thiếu tự tin và ý chí, cho rằng mình không có khả năng và kiến thức để đáp ứng việc học tập. Vì vậy, trong quá trình học, học viên không dám tham gia phát biểu ý kiến, thảo luận; không mạnh dạn tham gia các nhiệm vụ học tập của lớp; sợ gọi lên bảng trao đổi bài, sợ phải ngồi bàn đầu, sợ thi vấn đáp…
Bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, nhưng chủ yếu nhất là từ chính cá nhân cán bộ, đảng viên. Trước hết, cán bộ, đảng viên không xác định được mục đích, động cơ đúng đắn của việc học tập lý luận chính trị. Học không vì mục đích tự thân mà vì lý do thăng tiến; học để lấy bằng cấp, để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm. Động cơ học tập LLCT không trong sáng, vì tư lợi cá nhân thì việc học không thể có chất lượng, hiệu quả. Cùng với đó, trong thời đại công nghệ số, truyền thông, internet phát triển nhanh, một bộ phận giới trẻ, trong đó có những cán bộ trẻ bị phân tán bởi giao lưu, chia sẻ trên mạng xã hội. Những thú vui trên không gian mạng khiến nhiều người ngại đọc những cuốn sách, tập giáo trình, nhất là tài liệu lý luận chính trị vốn trừu tượng, khô khan.
Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn liền với quy trình đảm bảo chất lượng. Việc bổ sung, cập nhật nội dung chương trình còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý. Phương pháp giảng dạy đôi khi nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của người học. Thiếu sự liên thông giữa các cấp học, các hệ đào tạo dẫn đến việc cán bộ phải học nhiều lần một số chuyên đề, học phần. Quản lý đào tạo còn có mặt yếu kém, nhất là quản lý tự học của học viên. Chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo còn có mặt hạn chế. Điều kiện vật chất, kỹ thuật ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị.
Đối với đơn vị cử cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng, còn có tình trạng chưa chọn, cử đúng, trúng đối tượng tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Việc quy hoạch, lựa chọn cán bộ cử đi học ở một số nơi còn biểu hiện thiếu dân chủ, không khách quan. Còn có sự chồng chéo trong sử dụng cán bộ thực hiện công việc tại cơ quan, đơn vị với tạo điều kiện để học viên toàn tâm, toàn ý trong học tập đối với những cán bộ được cử đi học tập, bồi dưỡng. Chưa có các biện pháp, cách thức kiểm tra, đánh giá việc sử dụng, vận dụng tri thức, kỹ năng, tư tưởng của người được chọn, cử đi học sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng vào phục vụ công việc thực tiễn của cơ quan, đơn vị.
Việc ngại học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên tiềm ẩn nguy cơ, hiểm họa rất lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để khắc phục, cần triển khai đồng bộ một số biện pháp sau:
Thứ nhất, đối với cán bộ, đảng viên
Tiếp tục nêu cao tính tự giác, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên trong việc học tập lý luận chính trị. Đây là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thấy rõ việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận thực sự là quyền lợi và trách nhiệm của mình; coi đó là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời, không bao giờ là đủ. Kiên quyết đấu tranh, khắc phục triệt để quan niệm học lý luận chính trị vì lý do thăng tiến, lấy bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. 
Chủ động xây dựng kế hoạch tự học tập, tự nghiên cứu của mỗi cán bộ, đảng viên: Để xây dựng cho mình động cơ học tập đúng đắn mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong cách học phải lấy tự học làm cốt” và “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Việc xác định động cơ, mục đích học tập đúng đắn sẽ giúp cán bộ, đảng viên không chỉ có ý thức trách nhiệm cao trong việc học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị ở trên lớp, mà còn xây dựng cho mình kế hoạch tự học, tự nghiên cứu một cách khoa học, phù hợp. Ví dụ như: Trước giờ lên lớp, học viên chủ động nghiên cứu tài liệu, để trả lời câu hỏi: thâu lượm được nội dung gì khi nghiên cứu tài liệu trên? Mong muốn vận dụng kiến thức chuyên đề, môn học vào lĩnh vực công tác như thế nào? Những vấn đề, câu hỏi cần trao đổi, thảo luận với giảng viên là gì? Giờ lên lớp: căn cứ nội dung, tri thức người học đã nghiên cứu trước giờ lên lớp, giảng viên sẽ tích hợp giữa yêu cầu của học viên được đề xuất trong sản phẩm tự học với mục tiêu của chuyên đề, môn học; sau giờ lên lớp, học viên sẽ sử dụng thời gian để làm bài tập cá nhân hoặc thảo luận nhóm về những nội dung giảng viên giao theo yêu cầu chuyên đề, môn học; đồng thời, tiếp tục chuẩn bị sản phẩm tự học phục vụ chuyên đề sau hoặc môn học sau.
Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch tự học tập, tự nghiên cứu không chỉ thể hiện trong quá trình học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trường Chính trị mà còn học và rèn luyện từ chính thực tiễn và trong quá trình công tác của học viên. Từ đó, giúp học viên thực hiện tốt phương châm gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành; tăng cường quá trình tự học, tự nghiên cứu; tích cực rèn luyện tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Thứ hai, đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng
Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực tổng kết thực tiễn cho giảng viên; xây dựng bộ tiêu chí về tác phong, hình ảnh của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành quy trình đào tạo lý luận chính trị một mặt đảm bảo khung chương trình đào tạo; mặt khác, bám sát thực tiễn địa phương nhằm định hướng giảng viên giảng dạy lý luận chính trị gắn kết chặt chẽ lý luận và thực tiễn đảm bảo tính hệ thống của lý luận sát, đúng, trúng, thực tiễn địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của giảng viên và ý thức, tổ chức, kỷ luật, mức độ tiếp thu và vận dụng kiến thức lý luận của học viên; tăng cường phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương đánh giá chất lượng đầu vào; trong quá trình học tập, rèn luyện và chất lượng sau ra trường.
Thứ ba, đối với đơn vị cử cán bộ đi học
Các cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị quản lý, cử cán bộ đi học, cần chọn cử cán bộ đi đào tạo đúng đối tượng, thiết thực, tránh tràn lan, gây tốn kém, lãng phí. Xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị đào tạo tiến hành nghiêm túc kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập của cán bộ, đảng viên được cử đi học. Coi trọng và có kế hoạch bố trí, tạo điều kiện để cán bộ vận dụng kết quả học tập vào thực tiễn công tác. Lấy kết quả học tập, ý thức rèn luyện trong quá trình học tập là một tiêu chí để đánh giá cán bộ.
Như vậy, việc nhận diện biểu hiện của bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghiêm túc học tập lý luận chính trị, dùng lý luận đã thấm nhuần để phân tích những thắng lợi và thất bại trong mọi mặt công tác, những mặt đúng và sai trong tư tưởng, để không chỉ bổ sung, làm phong phú thêm lý luận, mà còn góp phần làm cho nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên đối với các vấn đề trong thực tiễn được nâng cao hơn và vì thế kết quả hành động chắc chắn thu được cũng sẽ tốt hơn.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1531
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11709
Tháng này:
58083
Tất cả:
4.422.963