THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Nhận thức về bản chất giai cấp công nhân của Đảng

Đăng lúc: 06:49:56 04/02/2023 (GMT+7)12024 lượt xem

 Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta thường xuyên quan tâm chăm lo tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Nhờ đó, Đảng không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, làm tròn sứ mệnh lãnh đạo cách mạng giành quyền độc lập cho dân tộc, đưa đất nước tiến lên theo định hướng XHCN. Đảng ta thực sự là Đảng của giai cấp công nhân, kiên định, mẫu mực trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
 b1.jpg
Ảnh: Sưu tầm trên Internet
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Đảng ra đời là sự kết hợp ba yếu tố: Chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đưa giai cấp công nhân bước lên vũ đài chính trị, đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta thường xuyên quan tâm chăm lo tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Nhờ đó, Đảng không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, làm tròn sứ mệnh lãnh đạo cách mạng giành quyền độc lập cho dân tộc, đưa đất nước tiến lên theo định hướng XHCN. Đảng ta thực sự là Đảng của giai cấp công nhân, kiên định, mẫu mực trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng là một bài học kinh nghiệm lớn về xây dựng Đảng nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân… bên cạnh những thời cơ, thì cũng đang xuất hiện nhiều thách thức mới đòi hỏi việc tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng phải được đặt ra một cách cấp bách hơn bao giờ hết. Do vậy, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về bản chất giai cấp công nhân của Đảng .
Năm 1847, khi thành lập “Liên đoàn những người cộng sản” Mác-Ănghen đã khẳng định: Đảng Cộng sản phải là Đảng mang bản chất giai cấp công nhân. Điều đó được thể hiện ở những điểm sau:
Một là, về mục đích chính trị.
Mục đích hàng đầu của những người cộng sản là tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giành lấy chính quyền về tay giai cấp vô sản. Đảng Cộng sản là Đảng của giai cấp công nhân. Các ông chủ trương “giai cấp công nhân trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu.”[1]
Hai là, Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân.
Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Mác và Ăngghen nhấn mạnh: “…về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận tiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nư­ớc, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản[2]
Ba là, về quy luật ra đời của Đảng Cộng sản.
Mác-Ăngghen đã đưa lý luận cách mạng, khoa học vào phong trào công nhân, thành lập “Liên đoàn những người cộng sản” (1847) - Tổ chức quốc tế đầu tiên của những người cộng sản và vào tháng 2 năm 1848, Bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản được công bố.
Bốn là, Đảng Cộng sản phải có tổ chức chặt chẽ và có kỷ luật nghiêm minh, bắt buộc đối với mọi đảng viên.
Mác - Ăngghen khẳng định: Vì rằng thành công của phong trào công nhân mỗi nước chỉ có thể được bảo đảm bằng lực lượng đoàn kết và tổ chức. Vì vậy, mặc dù hai ông chưa đưa ra khái niệm “tập trung dân chủ” nhưng trên thực tế “Liên đoàn những người cộng sản” đã được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc này.
Năm là, về tính chất quốc tế của Đảng Cộng sản. Khi luận chứng về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân, Mác - Ăngghen đã đồng thời chỉ ra rằng, chủ nghĩa quốc tế vô sản là một trong những nguyên tắc về tổ chức xây dựng Đảng. Khẩu hiệu “Vô sản tất cả các n­ước đoàn kết lại!” trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã trở thành phư­ơng châm hoạt động cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Kế thừa và phát triển những tư tưởng của Mác và Ăngghen, Lênin đã đặc biệt coi trọng vấn đề bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Người luôn khẳng định, Đảng là đội tiên phong chính trị của giai cấp công nhân, là lãnh tụ và lãnh đạo toàn thể nhân dân lao động lật đổ chế độ áp bức, bóc lột, xây dựng CNCS mà giai đoạn đầu là CNXH. Người nhấn mạnh: Không được lẫn lộn Đảng, tức là đội tiền phong của giai cấp công nhân, với toàn bộ giai cấp. Tính tiên phong là đặc trưng, tính chất rất quan trọng của Đảng Cộng sản, đó là cái để phân biệt Đảng Cộng sản với các đảng chính trị khác của giai cấp công nhân. Theo V.I.Lênin, nếu phủ nhận vai trò tiền phong chính trị của Đảng Cộng sản đối với giai cấp công nhân; vai trò người lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động thì chính làsự tước bỏ vũ khí của giai cấp vô sản, làm lợi cho giai cấp tư sản.
Để Đảng Cộng sản thực sự cách mạng triệt để, là đội tiên phong chính trị của giai cấp công nhân và là lãnh tụ lãnh đạo toàn thể nhân dân lao động lật đổ chế độ áp bức bóc lột, xây dựng CNXH, đòi hỏi Đảng phải lấy chủ nghĩa xã hội khoa học làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Nếu xa rời lý luận cách mạng của giai cấp công nhân thì Đảng không thể phát động và duy trì được phong trào cách mạng rộng lớn của đông đảo quần chúng. Nhấn mạnh điều đó, Lênin đã viết: “Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sỹ tiền phong”[3]
Về tính quốc tế của Đảng cộng sản, ở thời kỳ Lênin, Quốc tế cộng sản đã đưa ra khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”, thể hiện sự nhấn mạnh và làm sâu sắc hơn quan điểm của Mác và Ăngghen trong điều kiện lịch sử mới, giúp cho các Đảng cộng sản và giai cấp công nhân toàn thế giới có thêm sức mạnh để có thể hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.
Trên nền tảng lý luận của Mác, Ăngghen, Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết về Đảng Cộng sản, xây dựng thàng công một Đảng kiểu mới ở nước ta. Trong đó, vấn đề quan trọng hàng đầu được Người quan tâm là bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta.
Theo Hồ Chí Minh, “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[4]; “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”[5]. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cứu nước, giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, Người nhấn mạnh: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[6]. Sau này, Người tiếp tục khẳng định: “Cách mạng nhất định phải do giai cấp công nhân lãnh đạo. Vì đó là giai cấp tiên tiến nhất, giác ngộ nhất, kiên quyết nhất, có kỷ luật nhất và tổ chức chặt chẽ nhất. Mà đảng vô sản là bộ tham mưu của giai cấp công nhân”[7]. Đảng phải to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, kiểu mẫu, Đảng phải theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc…, phải giữ vững tính cách mạng của nó.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung và đưa ra quan điểm mới về bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Người khẳng định Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam.
Đảng ta, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay từ khi mới ra đời đã khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng và không ngừng nâng cao bản chất ấy trong suốt quá trình hoạt động mình. Đây cũng chính là một bài học kinh nghiệm lớn trong công tác xây dựng Đảng.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2/1930) khẳng định: Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho được  đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai  cấp  mình  lãnh đạo được dân chúng”[8]. Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua trong Hội nghị thành lập Đảng (2/1930) nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần  chúng  lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản  đế  quốc  chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”[9]. Điều lệ Đảng do Đại hội I thông qua (3-1935) cũng khẳng định: “Đảng Cộng sản Đông Dương, đội tiền phong duy nhất của vô sản giai cấp… Đảng Cộng sản là hình thức tối cao của vô sản, là bộ phận giác ngộ nhất, cương quyết đấu tranh nhất của giai cấp vô sản, có kỷ luật sắt, thống nhất về tổ chức, tư tưởng và hành động”[10].
Tại Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương (2 -1951), Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”[11]
Sau này, từ Đại hội III (9 -1960) đến Đại hội X của Đảng (4 – 2006), tuy có thể diễn đạt câu chữ khác nhau, nhưng Đảng ta đều xác định một quan điểm chung: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của nhân dân lao động và của dân tộc. Đại hội XI (1/2011) đã bổ sung và có cách diễn đạt mới về Đảng: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”[12].
Sự bổ sung và diễn đạt như trên đã thể hiện được bản chất giai cấp công nhân của Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin và nét đặc thù của Đảng ta theo sự phát triển sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính Người đã nhiều lần nói rằng Đảng ta không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ ngoài công thức chung để ra đời một Đảng cộng sản nói chung thì Đảng Cộng sản Việt Nam có thêm yêu tố phong trào yêu nước Việt Nam. Điều đó phù hợp với thực tế Việt Nam và đáp ứng được nguyện vọng, tình cảm của nhân dân lao động và của dân tộc. Vì vậy sự bổ sung cách diễn đạt về Đảng và bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng là hoàn toàn chính xác. Cách diễn đạt ấy hoàn toàn không phải là thể hiện quan điểm “đảng toàn dân” mà chính là thể hiện sự nhận thức bản chất giai cấp của Đảng một cách sâu sắc hơn, nhuần nhuyễn hơn. Trong quá trình phát triển, dù tên gọi thế nào (Đảng Cộng sản hay Đảng Lao động) thì Đảng ta luôn mang bản chất giai cấp công nhân; là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; mục tiêu, lý tưởng của Đảng là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là tập trung dân chủ; Đảng ta gắn bó mật thiết với nhân dân; lấy phê bình và tự phê bình làm quy luật phát triển...             
Đảng ta luôn xác định quyền lợi của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc là thống nhất. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ là bắt nguồn từ việc Đảng đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ mật thiết giữa giai cấp và dân tộc. Chính vì vậy mà Đảng ta được nhân dân thương yêu, cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ, thừa nhận là Đảng của chính mình, trìu mến gọi là “Đảng ta”. Đó là vinh dự là niềm tự hào lớn của Đảng ta, không phải Đảng nào trên thế giới cũng có được.
Trong suốt hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Đảng ta luôn vững tay chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao khó khăn thử thách, đi đúng hướng để có được vinh quang và thắng lợi. Quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng đã phản ánh rõ sự tôi luyện về bản lĩnh, sự kiên định, trung thành mục tiêu và con đường cách mạng mà Đảng đã lựa chọn, đấu tranh bền bỉ và hy sinh anh dũng vì sự sinh tồn của dân tộc, cho tương lai tươi sáng của đất nước… Xét cho cùng, để làm nên những kỳ tích anh hùng đó đều bắt nguồn từ bản chất cách mạng và khoa học, bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta.
Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) cho rằng: “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”[13]. Đến Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư[14].
Ngày nay, nhân loại đang bước vào kỷ nguyên của hội nhập, giao thoa và phát triển với sự đan xen thời cơ và thách thức. Hơn lúc nào hết yếu tố bản lĩnh, bản sắc, bản chất… của mỗi quốc gia, dân tộc lại là yếu tố nổi lên hàng đầu và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hội nhập và phát triển. Vì vậy, để tiếp tục đủ sức dẫn dắt toàn dân tộc đi trên con đường thời đại, Đảng ta cần phải tăng cường và phát huy bản chất giai cấp công nhân của mình và nâng lên tầm cao mới. Trong đó tính chất giai cấp công nhân hay tính cách mạng triệt để của Đảng là vấn đề có ý nghĩa to lớn cả về phương diện lý luận và thực tiễn, vấn đề đó có tiếp tục được bồi đắp, tăng cường và phát huy hơn nữa hay không là do chính bản thân Đảng quyết định./.
ThS. Lê Mỹ Dung  
GVC Khoa xây dựng Đảng
 


[1]Mác-Ăngghen toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, t.4, tr.623-624
[2] Mác-Ăngghen toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, t.4, tr.614-615
[3] Lê-nin toàn tập, Nxb Tiến bộ 1975, t.6, tr.32
[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.12011, t.12 ,tr30
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.12011, t.15 ,tr588
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.12011, t.2 ,tr289
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.12011, t.12 ,tr601
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1998, t.2,tr4
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1998, t.2,tr7
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1998, t.5, tr113
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1998, t.12, tr38
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ Đảng, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 4
[13]ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.43, 43-44
[14]ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐTQ lần thứ XIII, tập 1, tr166
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
7
Hôm qua:
2280
Tuần này:
4274
Tháng này:
29615
Tất cả:
4.898.264